Chuyên gia y tế nêu câu hỏi cần Bộ KH&CN, Học viện Quân y làm rõ

23/12/2021 06:28
Tường Vy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có đúng với tuyên bố của Học viện Quân y là kit được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO không.

Chuyên án liên quan đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh Bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là Kit xét nghiệm Covid-19) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương có liên quan đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam Tổng Giám đốc công ty Việt Á Phan Quốc Việt và giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến.

Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kít; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Đặc biệt, dư luận thêm bất ngờ khi ngày 26/4/2020, Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ đăng tải: "Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận".

Trong đó nêu rõ: "Ngày 24/4, Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học - Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00".

Đến ngày 20/10/2020, WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á là: Not Accepted - Không được chấp nhận.

Và đến ngày, 20/12/2021, thông tin “"Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận" lặng lẽ biến mất khỏi website của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ; Học viện Quân y cần làm rõ các băn khoăn của dư luận. Ảnh: NVCC

Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ; Học viện Quân y cần làm rõ các băn khoăn của dư luận. Ảnh: NVCC

Là một chuyên gia trong lĩnh vực y tế, Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn đã nêu rất nhiều băn khoăn, câu hỏi xung quan vụ việc.

Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn nhấn mạnh: “Dư luận đã rất phẫn nộ vì hành vi bất lương này. Sau đó thông tin về việc biến kết luận của WHO không công nhận kit test này thành công nhận, và hình ảnh nhà máy sản xuất kit test vẻn vẹn hơn 10 m2 được báo chí đăng tải, với vài công nhân, nhìn như căn phòng chứa đồ, càng làm cho dư luận hoang mang nghi ngờ về chất lượng của kit test, khiến dư luận hết sức bàng hoàng, căm phẫn.

Bản thân tôi cũng trong dòng cảm xúc trên, nhiều đêm trằn trọc không ngủ được về điều này.

Trong lòng tôi luôn cầu mong kittest đó chất lượng tốt như kết luận của hội đồng khoa học Bộ Khoa học và Công nghệ và sự kiểm tra đánh giá của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Trong khi lãnh đạo Đảng nhà nước, các lực lượng: y tế, quân đội, công an, tất cả các tầng lớp nhân dân căng mình trong tâm dịch vừa lo chống dịch, vừa lo cái mặc cho dân. Dịch bệnh phức tạp thế, số ca tử vong nhiều như thế, đến nay vẫn chưa có điểm dừng mà để xảy ra tình trạng trên thì quá đau lòng”.

Trước rất nhiều ý kiến, băn khoăn của dư luận, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn nêu: “Bộ Khoa học và Công nghệ và Học viện Quân y có nhiệm vụ trả lời trước công luận một cách trung thực, khách quan cho nhân dân rõ về những thắc mắc, băn khoăn về tất cả quá trình nghiên cứu và sản xuất kit”.

Theo đó, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn đề nghị, cho báo chí tiếp cận với khu vực nghiên cứu, sản xuất và bảo quản kit. Có đúng với tuyên bố của Học viện Quân y là kit được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO không. Nhiều cơ quan thông tấn báo chí có đưa hình ảnh khu vực sản xuất kit như nhà kho, vậy các hình ảnh nó đúng với thực tế không?

Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ giải đáp một số thắc mắc sau :

Đầu tháng 2/2020 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ mới kí quyết định thành lập bộ phận nghiên cứu kit test giữa Học viện Quân y và Công ty Việt Á. Mà ngày 3/3 đã nghiệm thu và công bố thành công, tôi rất băn khoăn về vấn đề này.

Ngày 7/2/ 2020 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đơn vị duy nhất công bố phân lập được SC2, vậy Học viện Quân y lấy bệnh phẩm hoặc SC2 ở đâu để nghiên cứu. Đây là chỉ nói trong phạm vi phòng thí nghiệm. Còn đối với kit test cụ thể trên người sống thì không thể không nghiên cứu trên người nhiễm SC2.

Đến ngày 26/2 Việt Nam mới có 16 người nhiễm nằm rải rác ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh... tất cả đều đã được chữa khỏi. Vậy Học viện Quân y có lấy mẫu bệnh phẩm của những người này để nghiên cứu từ lúc nhiễm bệnh, đến lúc cho kết quả dương tính, và cho đến khi điều trị khỏi, kết âm tính là bao nhiêu ngày? Và giả sử lấy hết 16 người này thì theo tôi độ chính xác cũng không cao vì nó không đủ đại diện cho một đại dịch khổng lồ như COVID-19.

Để đánh giá kít test theo tôi nhà sản xuất phải nghiên cứu từ lúc F0 mới bị nhiễm, lúc này tải lượng virus thấp, có thể cho kết quả âm tính giả, sau khi SC2 xâm nhập vào trong tế bào hầu họng nhân lên tải lượng SC2 tăng lên thì mới có kết quả dương tính. Sau thời gian 2,3,4 .. tuần điều trị khỏi thì kết quả xét nghiệm mới âm tính. Cũng có trường hợp sau 4 tuần vẫn cho kết quả dương tính nhưng đó chỉ là xác SC2, không có khả năng lây nhiễm.

Tôi nói như trên để thấy rằng với một xét nghiệm quan trọng, liên quan đến ngăn chặn một đại dịch, tính mạng và sức khỏe của người dân ta không thể bỏ qua nghiên cứu khoa học trên người. Và phải nghiên cứu trên hàng trăm, hàng nghìn F0 để cho kết quả chắc chắn và khuyến cáo cho người sử dụng, để hạn chế tối đa trường hợp âm tính giả và dương tính giả. Lúc đó ta chỉ có 16 ca vậy việc nghiên cứu tiến hành ra sao?

Như vậy với thời gian chưa đến một tháng từ lúc bắt đầu đến khi được nghiệm thu, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu thế nào, kết quả nghiên cứu có đáng tin không? Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ; Học viện Quân y giải thích rõ cho nhân dân được biết.

Kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. (Ảnh: Nld.com.vn)Kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. (Ảnh: Nld.com.vn)

“Bản thân tôi đã làm chủ nhiệm 3 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến cấp bộ (Ngoài các tiêu chuẩn khác thì ứng viên tham gia xét Thầy thuốc nhân dân phải bắt buộc có ít nhất một đề tài Nghiên cứu khoa học cấp bộ).

Quy trình rất chặt chẽ và mất thời gian như sau :

Sau khi đề tài, sáng kiến được áp dụng thì phải làm đề án gửi cục khoa học Đào tạo ( Cục Khoa học Đào tạo) Bộ Y tế thẩm định. Cục Khoa học Đào tạo thấy đề tài có giá trị trên thực tế, đạt hiệu quả cao lúc ấy mới đề xuất với Bộ Trưởng thành lập hội đồng thẩm định, gồm 9 người do một Thứ trưởng làm chủ tịch, một người của Bộ Khoa học và Công nghệ và các chuyên gia lãnh đạo các cục vụ tham gia.

Sau đó cục Khoa học Đào tạo chuyển cho mỗi vị một bản đề án về nghiên cứu, đánh giá, thẩm định. Một tuần sau hội đồng họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng, để nghe giải trình và phản biện, cuối cùng là bỏ phiếu kín.

Đề tài cấp bộ đã được nghiên cứu và áp dụng hàng bao năm, chỉ nghiệm thu không đã mất một tháng, với bao thủ tục hết sức nghiêm ngặt. Không hiểu sao một đề tài cấp nhà nước quan trọng thế mà từ lúc bắt đầu nghiên cứu đến khi nghiệm thu xong chỉ chưa đầy một tháng!

Tôi mong rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ; Học viện Quân y trong tình thế khẩn cấp về dịch bệnh, đã có phương pháp nghiên cứu mới vừa đảm bảo thời gian nhanh vừa có độ chính xác 100% thì quá tốt cho đất nước. Mong rằng Bộ Khoa học và Công nghệ cho Nhân dân được biết sớm để giải tỏa những bức xúc trong những ngày đang rất đau buồn về dịch bệnh này", bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Tường Vy