Liên quan vụ khởi tố Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC Hải Dương), ngày 19/12, trên báo Lao động có trích ý kiến của ông Phạm Mạnh Cường - Giám đốc Sở y tế Hải Dương trả lời về trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh này. Theo đó, vị Giám đốc Sở này cho biết, Trung tâm CDC Hải Dương có lập kế hoạch mời thầu trình Sở Y tế tỉnh, sau đó Sở Y tế có tờ trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã báo cáo thường vụ Tỉnh ủy và được tỉnh đồng ý với chủ trương này.
Ông Cường trả lời trên tờ Lao Động rằng: “Thực hiện cụ thể gói thầu như nào là do CDC Hải Dương triển khai. Chúng tôi quản lý nhà nước, chúng tôi có làm việc mua bán cụ thể đâu mà biết được. Việc CDC Hải Dương thực hiện chỉ định thầu đối với công ty Việt Á là theo chỉ định của tỉnh. Việc thực hiện cũng theo các quy định cụ thể của luật”.
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn |
Cũng theo lời ông Cường, tỉnh Hải Dương đã giao cho CDC Hải Dương thực hiện việc mời thầu, mua bán vật tư thiết bị thì CDC tự chịu trách nhiệm trong việc mua bán. Việc chỉ định thầu còn có rất nhiều hạng mục khác, với nhiều đơn vị khác, chứ không phải chỉ kit test của công ty Việt Á [1].
Vụ việc đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
Cấp dưới làm gì mà cấp trên không biết là vô lý!
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: “Trong chuyện này chúng ta đang thấy được dấu hiệu của tình trạng buông lỏng quản lý.
Không thể nói rằng, cấp dưới của mình làm chuyện gì mà cấp trên lại không biết, điều này rất vô lý. Làm gì có chuyện trong cùng ngành y tế mà quân của mình làm gì mình lại không nắm được, không ai có thể chấp nhận điều đó.
Tôi cho rằng, vị nào phát ngôn rằng, không biết đến chuyện mua bán của CDC Hải Dương diễn ra như thế nào là thể hiện người đó đang vô trách nhiệm với những sự gì đang xảy ra. Là cơ quan quản lý nhưng buông lỏng quản lý để xảy ra sai sót trong lúc xét duyệt hồ sơ thì không thể chấp nhận được.
Trước đó, đã có nhiều vụ nâng khống giá vật tư y tế liên quan đến CDC của một số địa phương đã bị cơ quan điều tra phanh phui. Như vậy, các hoạt động của các CDC tại địa phương còn lại kiểu gì cũng sẽ nằm trong “tầm ngắm”.
Từ các bài học đó, dư luận sẽ ngay lập tức đặt ra câu hỏi: Tại sao Sở Y tế Hải Dương lại không đặt CDC Hải Dương vào “tầm ngắm” của mình.
Để xảy ra sự việc như ngày hôm nay, rõ ràng là công tác quản lý của cơ quan y tế của Hải Dương đang có vấn đề.
Bên cạnh đó, trong dư luận cũng đang có nhiều nghi vấn về việc, có hay không sự móc ngoặc, bắt tay đi đêm của những cơ quan này với nhau. Việc này, theo tôi cũng cần các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ. Có thể từ vụ án này chúng ta tìm ra được nhiều manh mối khác để làm rõ một sự thật. Ai không có tội thì mình cũng cần phải rõ ràng, minh oan cho họ”.
Nêu lên một số kiến nghị để siết chặt lỗ hổng quản lý tại một số địa phương sau vụ việc này, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng nhận định: “Đầu tiên, chúng ta phải siết chặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong ngành y tế. Từ đồng chí Bộ trưởng cũng phải quán triệt, rút kinh nghiệm, xử lý trong toàn ngành. Mình phải lấy từ trường hợp này làm điển hình để thực hiện chứ không thể xử lý đơn lẻ như trước.
Phải nhắc lại rằng, câu chuyện về kit xét nghiệm này vốn đã được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn trong nghị trường. Đáng lẽ ra, các lãnh đạo ngành y tế cũng nên lưu tâm và kiểm tra sau khi được chất vấn chứ không để xảy ra sự việc như bây giờ.
Đồng thời, cũng cần tiếp tục làm một đợt thanh tra mạnh, trên diện rộng trong toàn ngành y tế. Cần thiết có thể lập các đoàn giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân địa phương để tổ chức giám sát về vấn đề này. Trong việc này, có thể thực hiện giám sát từ quy trình thực hiện chính sách đến quá trình thực hiện công tác chuyên môn để xem việc đó có đúng hay không.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xem lại toàn bộ công tác đấu thầu các thiết bị, vật tư trong ngành y tế. Trước đây, Ủy ban các vấn đề xã hội cũng đã đặt rất nhiều vấn đề về tổ chức đấu thầu và mua sắm chung rồi. Quá trình đấu thầu chúng ta cũng cần phải làm sao để đảm bảo diễn ra rộng rãi, công khai và minh bạch”.
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cho biết thêm: “Trong thời điểm cả nước đang phải tập trung mọi nguồn lực để chống dịch, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng đang làm hết mọi việc nhân nghĩa để đảm bảo lợi ích cho người dân.
Tuy nhiên, Công ty Việt Á lại lợi dụng hoàn cảnh, cấu kết với các quan chức ở trong một cơ quan cần nhân đạo nhất để trục lợi một cách vô nhân đạo trên nỗi đau của người dân như vậy là không thể chấp nhận được, cần phải xử lý nghiêm.
Trong việc này nó không chỉ là hành vi vô đạo đức mà còn là trái pháp luật. Các cơ quan điều tra đã vào cuộc và đưa sự việc này ra ánh sáng một cách kịp thời như vậy khiến người dân rất hoan nghênh. Nhưng sau sự việc này, không đơn giản chỉ là một, hai nhân vật mà sẽ còn rất nhiều “dây dợ” của nó sẽ bị xử lý.
Nhất thiết lần này chúng ta phải xử lý thật nghiêm, xử lý đến cùng mọi ngóc ngách của sự việc. Để làm sao chúng ta phải bóc trần được sự việc đó ra, vì Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo, cần xem xét những trường hợp vi phạm lần này phải đưa ra hết”.
Tất cả các bộ phận liên quan đến sai phạm cũng phải bị xử lý
Cùng chung quan điểm về vấn đề này, ông Trần Ngọc Vinh - Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13 cho rằng: “Trong việc này, đầu tiên chúng ta phải xác định được rõ công ty Việt Á thực sự là của ai, trực thuộc đơn vị nào? Nó làm ăn không minh bạch như thế mà tại sao lại có thể tồn lại bao nhiêu năm nay.
Sau đó, chúng ta cần truy đến trách nhiệm theo ngành dọc của ngành y tế. Đơn cử là tại địa bàn Hải Dương, phải tìm ra được, đã có bao nhiêu người nhúng tay vào khiến cho bộ kit xét nghiệm của công ty Việt Á có giá cao ngất như vậy lại vẫn trúng thầu.
Ông Trần Trần Ngọc Vinh - Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Ảnh: quochoi.vn |
Đó là chưa tính đến trường hợp, những sản phẩm được bán ra nếu nó không đạt chuẩn, không đảm bảo chất lượng thì ai sẽ người chịu trách nhiệm kế tiếp. Tất cả những bộ phận liên quan đến sai phạm này đều phải chịu trách nhiệm và bị xử lý, không thể để một ai ở ngoài luồng.
Trong việc này nhất thiết là phải xử lý nghiêm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Một số lượng lớn sản phẩm kit xét nghiệm được lưu hành và sử dụng trong địa phương mình quản lý lại nói không biết về giá cả của bộ kit đó như thế nào thì ai chấp nhận được, như vậy là vô trách nhiệm.
Nếu người đứng đầu quản lý chặt chẽ, sát sao, làm đến khâu nào mình rà soát đến đó thì đâu có những sai phạm. Ra quy định khâu nào sai thì khâu đó phải chịu trách nhiệm và phạt thật nặng thì đâu có những sự việc tương tự như vậy xảy ra.
Như vậy, trong việc này chúng ta có thể nhận định rằng, nó có cả một đường dây, cả một hệ thống thì nó mới trót lọt, chứ không thể dễ dàng như thế”.
Ông Trần Ngọc Vinh cho biết thêm: “Dư luận tin tưởng và trông chờ Bộ Công an mở rộng điều tra để trả lại sự hoạt động minh bạch cho thị trường cung cấp trang thiết bi, vật tư y tế. Cá nhân nào mắc sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó. Sau sự việc này cũng cần ngành y tế rà soát kỹ về chất lượng, giá thành, xuất xứ của các sản phẩm kit khác trên thị trường xem đã đúng chưa.
Đồng thời, xem xét kỹ lưỡng việc cho thực hiện đấu thầu, đấu giá của các công ty cung ứng để đảm bảo khách quan, chọn đúng đối tượng. Cần tránh việc tiếp diễn câu chuyện có tổ chức đấu giá nhưng đâu đó chỉ là hình thức”.
Tư liệu tham khảo:
[1] https://laodong.vn/phap-luat/giam-doc-cdc-bi-bat-giam-doc-so-y-te-hai-duong-noi-gi