Thiếu nhiều GV Tiếng Anh, Tin học, nguy cơ thầy cô phải dạy 2-3 trường cùng lúc

21/04/2022 06:50
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường Tiểu học ở vùng cao đang gặp khó khăn trong công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học trong năm học 2022 - 2023.

Theo kế hoạch, năm học 2022 - 2023, môn Tiếng Anh, Tin học sẽ tổ chức dạy học bắt buộc từ lớp 3 trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó, việc chuẩn bị và bố trí đội ngũ giáo viên ở nhiều trường Tiểu học cần phải được thực hiện rốt ráo tuy nhiên, dù chỉ còn khoảng hơn 4 tháng nữa bắt đầu vào năm học mới nhưng với nhiều điểm trường tiểu học cách xa trung tâm, vùng sâu, vùng xa, việc bố trí đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học vẫn là một bài toán nan giải.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Tô Quang Trọng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cho biết, huyện Xín Mần cũng giống như các huyện vùng núi, hải đảo đang thiếu rất nhiều giáo viên Tiếng Anh, Tin học.

Cụ thể, hiện nay 5/20 trường tiểu học trên địa bàn huyện Xín Mần có giáo viên Tiếng Anh, trong 5 trường đó mỗi trường có 1 thầy/cô dạy Tiếng Anh. Với những trường đông lớp thì rõ ràng thầy cô sẽ bị quá tải ví dụ như trường Tiểu học Quảng Nguyên.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Quảng Nguyên. Ảnh:NTCC

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Quảng Nguyên. Ảnh:NTCC

"Về đội ngũ giáo viên Tin học thì đỡ hơn, toàn huyện có 13 thầy cô được cử đi đào tạo văn bằng 2 đến cuối năm nay ra trường. Vừa rồi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện thì Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần có xin ý kiến và đề xuất nếu vào năm học mới vẫn chưa đủ số lượng giáo viên sẽ để các thầy cô này dạy trước thời hạn tốt nghiệp văn bằng 2", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn huyện, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần cho hay:

Thứ nhất, theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện cũng như định hướng của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang thì Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, bố trí giáo viên bậc trung học cơ sở trên địa bàn cùng xã xuống để dạy cho các em học sinh lớp 3 từ năm học tới.

Thứ hai, đối với những xã gần nhau, những trường gần nhau sẽ tiến hành cho giáo viên dạy liên trường. Trường nào thừa giáo viên sẽ được phân công hỗ trợ trường thiếu. Như vậy có thể xảy ra tình trạng một giáo viên dạy từ 2 - 3 trường.

Thứ ba, nếu vẫn không bố trí đủ giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học cho bậc tiểu học thì sẽ huy động lực lượng giáo viên bậc trung học phổ thông hỗ trợ thêm. Ngoài số giờ giảng dạy tại địa điểm công tác đang hưởng lương thì số tiết dạy thêm ở trường khác sẽ được hỗ trợ kinh phí.

Thứ tư, ngoài ưu tiên giáo viên biên chế thì huyện cũng rà soát nếu chỉ tiêu biên chế của Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao hằng năm còn thiếu thì Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ đề nghị huyện xem xét ký hợp đồng đối với những sinh viên sư phạm ra trường mà được đào tạo đúng với chuyên ngành Tiếng Anh và Tin học. Các trường tiểu học có thể sẽ ký hợp đồng có thời hạn để đi giảng dạy kịp vào năm học mới.

"Tìm nguồn tuyển rất khó, vừa rồi theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116) thì huyện Xín Mần đăng ký với Ủy ban nhân dân tỉnh 15 giáo viên Ngoại ngữ, 5 giáo viên Tin học và đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, số giáo viên này học vẫn đang là học năm nhất, tức là phải 3 năm nữa các em mới ra trường. Như vậy, số giáo viên này chưa thể tiến hành dạy trong năm học mới.

Chưa kể, ngay từ năm 2021, huyện Xín Mần cũng tích cực thông báo tuyển dụng 9 giáo viên Tiếng Anh gồm 1 giáo viên trung học cơ sở và 8 giáo viên tiểu học nhưng chỉ có duy nhất 1 người đăng ký dự tuyển và trúng tuyển", ông Trọng cho biết.

Dự kiến chuyển toàn bộ số học sinh lớp 3 ở điểm trường về học tại trường chính

Chia sẻ về đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học trong năm học 2022 - 2023, thầy Hoàng Văn Toàn - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Quảng Nguyên (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) cho biết, dự kiến nhà trường có 4 lớp 3 với tổng số học sinh là 141.

Hiện tại, trường chưa có giáo viên Tiếng Anh. Vì vậy, trong năm học tới sẽ cần các giáo viên ở trung học cơ sở xuống hỗ trợ. Số tiết dạy của những giáo viên này sẽ được bố trí, sắp xếp sao cho hợp lý tránh gây áp lực, quá tải.

Về môn Tin học, do điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên còn thiếu và hạn chế nên nhà trường xây dựng kế hoạch chuyển toàn bộ số học sinh lớp 3 ở điểm trường về học tại trường chính để tạo điều kiện học tập cho các em.

"Các em sẽ đến điểm trường chính từ chiều chủ nhật rồi ăn, ngủ, nghỉ bán trú đến hết trưa thứ 6. Cuối tuần, các em sẽ được về với gia đình. Đây cũng là công tác được thực hiện rất nhiều năm nay nên về cơ bản các em học sinh cũng đã quen", thầy Toàn cho hay.

Cũng về vấn đề này, cô Nông Thị Lượng - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bản Ngò (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) bày tỏ, dù là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 nhưng trong năm học tới nhà trường vẫn sẽ chuyển tất cả học sinh lớp 3 về điểm trường chính vì điểm trường lẻ điện và thiết bị dạy còn nhiều khó khăn và hạn chế.

Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bản Ngò đã có 1 giáo viên Tiếng Anh, năm học tới đây khi dạy thêm lớp 3 thì giáo viên này sẽ dạy thừa 3 tiết/ tuần, trường sẽ trả kinh phí tiết dạy dôi ra này cho giáo viên.

Trần Lý