Giá sách giáo khoa các lớp 3, 7, 10 theo chương trình mới sẽ triển khai vào năm học 2022-2023 đều có giá cao hơn 2-3 lần so với sách giáo khoa hiện hành.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá sách giáo khoa năm học tới thực sự sẽ làm khó nhiều học sinh và phụ huynh nhất là các gia đình ở khu vực nông thôn, miền núi và vùng kinh tế còn nhiều khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số Hiệu trưởng, chuyên gia đã đưa ra các giải pháp khắc phục khi giá sách tăng cao như xây dựng thư viện dùng chung, vận động học sinh tặng và dùng sách giáo khoa cũ...
Bảng giá sách giáo khoa lớp 7 của Bộ sách kết nối với tri thức với cuộc sống. (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) |
Thầy Lò Văn Thại - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) cho biết:
"Đối với bộ sách giáo khoa hiện hành, theo chính sách hỗ trợ của nhà nước, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn sẽ được phát miễn phí hoàn toàn. Còn về bộ sách giáo khoa mới, chúng tôi chưa nhận được thông tin hỗ trợ nào từ các cấp chính quyền. Hiện tại, trường đang vận động các tổ chức, cá nhân làm từ thiện hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn có kinh phí mua sách", vị Hiệu trưởng này chia sẻ.
Cũng theo thầy Lò Văn Thại, đầu năm học, nhà trường sẽ dựa vào phiếu đăng ký nhu cầu mua sách giáo khoa của học sinh để liên hệ với bên cung ứng vận chuyển thiết bị học tập. Khi đơn vị cung ứng chuyển sách giáo khoa đến trường, những học sinh khá giả có thể nộp tiền trước, còn các em có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo sẽ được nhà trường hỗ trợ trả trước một phần chi phí mua sách với bên cung ứng.
"Hiện tại, theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, các em học sinh vùng đặc biệt khó khăn ngoài được miễn, giảm học phí còn được hỗ trợ chi phí học tập. Khi nhà trường chi trả khoản hỗ trợ, thường phụ huynh sẽ dùng số tiền này để trả cho nhà trường tiền sách giáo khoa đã đăng ký mua đầu năm.
Thực tế, với gia đình có điều kiện, việc bỏ ra một khoản tiền để mua sách giáo khoa không phải quá khó khăn, nhưng với những gia đình ở vùng núi, đông con, để các em được đến trường đã rất khó, giá sách tăng lại càng đè nặng lên đôi vai của phụ huynh.
Tôi hy vọng thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà xuất bản sẽ có phương án trợ giá với những học sinh miền núi, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn", thầy Lò Văn Thại nói.
Tương tự, thầy Nguyễn Ngọc Huỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Sông Công (Thái Nguyên) cho hay, việc tăng giá sách giáo sẽ tạo áp lực kinh tế rất lớn với những phụ huynh vùng khó khăn.
"Hiện, nhà trường vẫn chưa lựa chọn được bộ sách giáo khoa chính thức. Những năm trước, trường thường phát động học sinh khóa trước học xong có thể tặng lại sách cho các em khóa sau. Đồng thời, kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ, hỗ trợ kinh phí học tập cho những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn", thầy Nguyễn Ngọc Huỳnh nói.
Liên quan đến vấn đề trên, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ -nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, các trường nên xây dựng thư viện dùng chung sách giáo khoa để tiết kiệm chi phí cho phụ huynh.
"Theo tôi, nhà nước nên có chủ trường xây dựng tủ sách cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa khó khăn. Còn các trường trên cả nước nên vận động học sinh sau khi sử dụng sau một năm thì có thể tặng lại cho nhà trường tạo thư viện.
Từ nguồn này, nhà trường sẽ cho học sinh khóa sau mượn sách. Một năm có 30% học sinh tặng sách thì chỉ sau vài năm 100% học sinh của trường sẽ không phải mua sách. Cha mẹ không cần mua sách đầu năm học mà dùng sách của nhà trường, chỉ mua những cuốn bài tập thì cũng giúp phụ huynh tiết kiệm được một khoản.
Việc tặng sách, tạo thư viện trong trường không chỉ tiết kiệm về kinh tế cho gia đình, xã hội mà còn giáo dục ý thức cho học sinh sử dụng vật chất không bị lãng phí”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ nói.
Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bộ sách giáo khoa lớp 3 có giá từ 177.000 đồng/bộ đến 183.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh); bộ sách giáo khoa lớp 7 có giá từ 208.000 đồng/bộ đến 209.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh). Bộ sách giáo khoa lớp 10 có giá từ 246.000 đồng/bộ đến 301.000 đồng/bộ (tùy thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà học sinh lựa chọn).
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lý giải, sách giáo khoa mới có giá cao hơn sách giáo khoa hiện hành vì được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường kênh hình với nhiều hình thức trình bày, minh họa sinh động, hấp dẫn, khổ sách 19x26,5cm.