Ngay khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định môn Lịch sử bậc trung học phổ thông trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trở thành môn học bắt buộc. Đề nghị này khiến nhiều chuyên gia, thầy cô lo ngại bởi năm học mới (2022-2023) chỉ còn khoảng hơn 3 tháng nữa là bắt đầu liệu có hợp lý hay không?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, thầy Trần Công Tuấn – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Phú Nhuận, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Nếu Lịch sử trở thành môn học bắt buộc thì chắc phải thiết kế lại chương trình.
Thầy Trần Công Tuấn khẳng định: “Tôi ủng hộ môn Lịch sử là môn học “lựa chọn” như trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.
Bởi lẽ, môn Lịch sử đã được biên soạn lại dưới dạng các bài học căn bản trong chương trình từ lớp 4 đến lớp 9, còn chương trình môn Lịch sử lớp 10 trở đi thì được biên soạn dưới các dạng chuyên đề chuyên sâu, đòi hỏi học sinh phải có đam mê đối với môn học, hay với các em có định hướng nghề nghiệp cần đến môn Lịch sử thì mới cần phải học.
Còn nếu bây giờ, môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, áp dụng đại trà thì chắc chắn phải biên soạn lại Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Lúc này, đây sẽ môn học bắt buộc thứ 8. Điều đó có nghĩa rằng, trong 3 tổ hợp môn tự chọn, thay vì trước đây trong 10 môn được chọn 5 môn thì giờ chỉ được chọn 4 môn.
Ảnh minh họa: Linh Hương |
Sách giáo khoa môn Lịch sử khi đó phải được biên soạn lại thành bài, nâng cấp hơn so với kiến thức của bậc trung học cơ sở, chứ không phải là dạng chuyên đề chuyên sâu như hiện nay. Nói chung là cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp hơn.
Ngoài ra, theo thầy Trần Công Tuấn thì còn cần phải thực hiện việc tập huấn lại cho giáo viên.
Hiệu Trưởng trường trung học phổ thông Phú Nhuận khẳng định, không nên ngại học sinh không yêu thích môn học Lịch sử. Bởi lẽ, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có môn bắt buộc là Giáo dục địa phương, trong đó có cả kiến thức của Lịch sử địa phương.
Mà Lịch sử địa phương thì không thể nào đứng riêng một mình được, cũng cần có sự kết nối của các vùng miền, khu vực trong cả nước.
Thầy Trần Công Tuấn cho hay, nếu các trường dạy tốt phần Lịch sử địa phương, thì chắc chắn học sinh sẽ yêu thích khi học.
“Nếu các nhân vật của phần Lịch sử địa phương hay, cuốn hút thì tự khắc học sinh sẽ tự động nghiên cứu, tìm hiểu, phát huy được tinh thần tự đọc, tự học hơn trong các em” – thầy Trần Công Tuấn chia sẻ.
Để học sinh yêu thích, đam mê hơn khi học môn Lịch sử, thầy Trần Công Tuấn nêu ra từ ví dụ cụ thể ở trường trung học phổ thông Phú Nhuận, có một số giáo viên từ năm 2012 đến nay chỉ dạy Lịch sử theo dạng dự án. Thầy cô linh hoạt thiết kế đồ dùng dạy học, tạo ra các bản đồ, mô hình của các cuộc chiến, cuộc tổng tấn công…
Tóm lại là đó là các sự kiện trong môn Lịch sử, khuyến khích học sinh cùng tham gia vào quá trình dạy học.
Khi đó, học sinh chắc chắn sẽ rất yêu thích học môn này, tham gia và thuyết trình cùng với các thầy cô.
Song song đó, thầy Trần Công Tuấn cũng cho biết, việc kiểm tra đánh giá cũng rất quan trọng, như Lịch sử hiện nay chủ yếu yêu cầu các em học sinh phải nhớ các sự kiện.
Thầy Trần Công Tuấn kiến nghị, nên thiết kế lại các yêu cầu của bài kiểm tra đánh giá, theo hướng để học sinh phát huy được tư duy suy nghĩ, đánh giá được cả quá trình học tập môn học của học, nên thi ở dạng tự luận.
Đồng tình với quan điểm này, thầy Nguyễn Duy Tuyển – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Trần Khai Nguyên, quận 5 khẳng định, việc thay đổi môn Lịch sử vào thời điểm này, trở thành môn học bắt buộc sẽ rất khó điều chỉnh.
“Nó sẽ là cả một vấn đề lớn, không đơn giản” – thầy Nguyễn Duy Tuyển nói tiếp.
Thầy Nguyễn Duy Tuyển giải thích, tới thời điểm này, các tổ hợp tự chọn đã được giới thiệu xuống các trường trung học cơ sở cho các em lớp 9 (năm học tới lên lớp 10) biết, xây dựng và tính toán đội ngũ giáo viên giảng dạy, sách giáo khoa cũng in rồi.
Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Trần Khai Nguyên kiến nghị, nếu có sự thay đổi đối với môn Lịch sử, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có công bố sớm, hướng dẫn rõ ràng cho các trường trung học phổ thông nếu có sự thay đổi.
“Nên chăng, nếu có sự thay đổi thì nên tổ chức một hội nghị bàn sâu về vấn đề này, chứ hiện nay, các học sinh sắp vào học lớp 10 đã chọn xong hết các tổ hợp tự chọn rồi – thầy Nguyễn Duy Tuyển nhấn mạnh.
Còn thầy Phan Thế Hoài – Giáo viên trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cho rằng, nếu Lịch sử trở thành một học bắt buộc thì cần biên soạn lại chương trình Lịch sử từ lớp 6 đến 12, chứ không phải chỉ sửa ở bậc trung học phổ thông là xong, do phải biên soạn lại mạch liên thông của hai bậc học này.