Quá nhiều khó khăn "dồn" lên các trường THPT nếu đổi Lịch sử thành môn bắt buộc

26/05/2022 06:33
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn thay đổi thì phải dựa trên nhiều yếu tố chứ không phải chỉ nói lựa chọn thành bắt buộc là xong. Không tính toán kỹ sẽ kéo theo nhiều bất cập.

Ngày 22/5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể, trong đó có thảo luận về chương trình dạy Lịch sử bậc trung học phổ thông.

Qua lắng nghe ý kiến từ phiên họp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thống nhất đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến các tầng lớp Nhân dân, đội ngũ chuyên gia lịch sử, các đại biểu Quốc hội, quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.

Tuy nhiên, thay đổi môn Lịch sử từ môn "lựa chọn" thành môn "bắt buộc" trong bối cảnh này có phù hợp hay không khi chỉ còn 3 tháng nữa là bắt đầu năm học mới?

Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Quảng Ninh) cho biết, nhà trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bước vào năm học. Vì vậy, nếu đề xuất đưa Lịch sử thành môn bắt buộc được thực hiện chắc chắn sẽ gây xáo trộn công tác chuẩn bị môn học và đội ngũ giáo viên của nhà trường.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Quảng Ninh) (ảnh:NTCC)

Học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Quảng Ninh) (ảnh:NTCC)

“Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông phải hoàn thành việc xây dựng tổ hợp môn trước kỳ tuyển sinh vào 10. Chính vì vậy, từ gần 2 tháng trước Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn đã hoàn tất việc chọn tổ hợp môn, thông báo rộng rãi tới học sinh và đăng công khai lên website nhà trường.

Hiện tại, trường có 2 giáo viên dạy môn Lịch sử, nếu tổ chức dạy và học lớp 10 theo chương trình cũ tức là trung bình 1,5 tiết/tuần (1 kỳ có 1 tiết, 1 kỳ có 2 tiết) hoặc theo chương trình mới 2 tiết/tuần (dạy với những học sinh lựa chọn môn Lịch sử) thì số lượng giáo viên nhà trường hiện có vẫn đáp ứng được nhu cầu học của học sinh. Tuy nhiên, trường hợp đưa môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc đối với tất cả học sinh thì nhà trường không biết phân bổ số tiết dạy như thế nào?

Nếu phân phối số tiết dạy 2 tiết/tuần như môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh (2 môn bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông mới) và áp dụng với tất cả học sinh thì đội ngũ giáo viên nhà trường không thể đáp ứng được. Trong trường hợp này, có thể trường sẽ phải tuyển thêm giáo viên Lịch sử”, cô Thu nói.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn cũng chia sẻ thêm, số tiết dạy Lịch sử tăng thêm hay giảm đi sẽ kéo theo việc những môn học khác cũng phải sắp xếp lại sao cho phù hợp.

“Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành đã lâu nhưng khi chỉ còn 3 tháng nữa là vào năm học lại đề nghị sửa đổi. Nếu đề xuất đưa môn Lịch sử thành môn bắt buộc được thực hiện ngay trong năm học tới sẽ gây khó khăn cho các trường.

Chưa kể đến, trước đó nhiều trường trung học phổ thông đã mất rất nhiều thời gian và công sức để bố trí tổ hợp môn học sao cho hợp lý, đội ngũ giáo viên cũng được đưa đi tập huấn để thích nghi với chương trình mới. Việc thay đổi trong bối cảnh này sẽ khiến các trường phải sắp xếp, cân đối và làm lại từ đầu”, cô Thu nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, thầy Phan Ngọc Tấn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc thay đổi Lịch sử từ môn lựa chọn thành môn bắt buộc sẽ nảy sinh thêm nhiều vấn đề.

Theo thầy Tấn, trong chương trình giáo dục phổ thông mới quy định học sinh phải chọn học 5 môn từ 3 nhóm môn, mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn. Trường hợp môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc thì nhóm môn lựa chọn khoa học xã hội chỉ còn lại 2 môn là Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Lúc này, bắt buộc các trường phổ thông phải tiến hành khảo sát lại để xây dựng tổ hợp môn sao cho hợp lý.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn nhấn mạnh việc thay đổi chương trình lúc này cần Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tính toán kỹ lưỡng.

“Thứ nhất, muốn thay đổi Bộ phải ‘chốt’ được số tiết dạy và học của môn Lịch sử. Khi có chương trình và cấu trúc tổ chức môn học cụ thể mới tính đến bài toán con người, xem xét đội ngũ giáo viên có đáp ứng được không.

Trong trường hợp số tiết dạy của môn Lịch sử bằng số tiết dạy của môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh 2 tiết/tuần và đội ngũ giáo viên của trường chưa đáp ứng kịp thì có cho phép các trường ký hợp đồng hoặc mời thỉnh giảng giáo viên không? Kinh phí hợp đồng, mời thỉnh giảng lấy từ đâu và có tăng lên hay không?

Thứ hai, những người xây dựng chương trình phải xoay sở kịp, biến chương trình từ lựa chọn thành bắt buộc đại trà đối với tất cả học sinh. Muốn thay đổi thì còn phải dựa trên nhiều yếu tố chứ không phải chỉ nói lựa chọn thành bắt buộc là xong. Không tính toán kỹ sẽ kéo theo nhiều bất cập”, thầy Tấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thanh Hoa, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hồng Đức (Quảng Ninh) cho biết, nhà trường đã hoàn thành công tác xây dựng tổ hợp môn và thông báo tới học sinh.

Vì hầu hết học sinh của Trường Trung học phổ thông Hồng Đức đều theo khối xã hội (nhóm có môn Lịch sử) nên nếu môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc thì không ảnh hưởng nhiều tới công tác chuẩn bị cho năm học tới của nhà trường.

“Số lượng học sinh chọn tổ hợp khoa học tự nhiên của trường để dự thi tốt nghiệp, đại học chỉ rơi vào khoảng 20 - 30%, còn lại đa số học sinh đăng ký tổ hợp khoa học xã hội và trong tổ hợp đó đã có môn Lịch sử. Vì vậy, nếu Lịch sử thành môn bắt buộc và số tiết dạy tăng thêm thì đội ngũ giáo viên nhà trường vẫn đáp ứng kịp thời. Tuy nhiên, về chương trình dạy chắc chắn có sự thay đổi”, cô Hoa nói.

Trần Lý