Năm 2021 NXBGDVN lãi cao, ông Nguyễn Đức Thái hưởng lương, thưởng ra sao?

07/07/2022 06:32
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi cao trong năm 2021, thu nhập hàng năm của lãnh đạo đơn vị này cũng là niềm mơ ước của nhiều doanh nghiệp, nhiều người dân.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã ký quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bằng hình thức cảnh cáo.

Việc kỷ luật này dựa trên cơ sở kết luận, kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng.

Theo đó, ông Nguyễn Đức Thái đã có những vi phạm như: Có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong Chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới; Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết...

Câu chuyện lùm xùm liên quan đến Nhà xuất bản Việt Nam cũng đã râm ran từ lâu.

Mới đây nhất, ngày 30/6/2022, trên website của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức năm 2021; Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội năm 2021; Báo cáo tình hình đầu tư tại các công ty con năm 2021 và Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021.

Theo đó, công bố lợi nhuận sau thuế của năm 2021 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vượt gần 2,5 lần so với kế hoạch, câu chuyện giá sách giáo khoa cao lại được đặt ra.

Tiền lương, thưởng và các khoản thu nhập khác trong năm 2021 của lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt nam (Ảnh chụp từ website của NXB Giáo dục Việt nam)

Tiền lương, thưởng và các khoản thu nhập khác trong năm 2021

của lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt nam (Ảnh chụp từ website của NXB Giáo dục Việt nam)

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lấy tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu

Còn nhớ, ngày 27/4/2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có thông cáo báo chí về giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những lời lẽ rất cao thượng.

Đó là: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà xuất bản đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, chúng tôi đã tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để có giá bán sách giáo khoa phù hợp với mức chi phí của đại đa số các gia đình có con em đi học”.

Cũng trong thông cáo này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn cam kết, khẳng định: “Giá sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thấp hơn trung bình 20% so với sách giáo khoa của nhà xuất bản khác”. [1]

Vậy nhưng, nhìn vào giá sách giáo khoa lớp lớp 3, lớp 7, lớp 10 và cả sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của hai năm học vừa qua thì ai cũng thấy nó cao hơn 3-4 lần giá sách giáo khoa chương trình 2006.

Đặc biệt, ngày 30/6 vừa qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố “Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021” .Theo báo cáo này, năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch đề ra.

Về các chỉ tiêu tài chính, năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi nhận doanh thu hơn 1.828 tỷ đồng, đạt 132% so với kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động phân phối sách giáo khoa, sách tham khảo, xuất bản phẩm khác chiếm tới 97%, phần còn lại thuộc về nguồn thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.

Từ doanh thu năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi nhận lãi sau thuế đạt 287,4 tỷ đồng, đạt 250% so với kế hoạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.

Bên cạnh đó, cả 7 công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tương tự do nhà xuất bản này nắm quyền chi phối đều báo lãi, với tổng cộng 46 tỷ đồng. [2]

Như vậy, với “tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện” thì một doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoạt động tốt là một điều… “đáng mừng”.

Bởi, năm 2021 là một năm có nhiều khó khăn, ngay thời điểm khai giảng năm học 2021-2022 thì dịch bệnh Covid-19 đã hoành hành khắp nơi, đa phần các địa phương phải thực hiện việc dạy và học trực tuyến nhưng lãi sau thuế của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn “đạt 250% so với kế hoạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao”.

Thu nhập từ tiền lương, tiền thưởng của lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ra sao?

Theo “Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức năm 2021” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chúng ta thấy mức thu nhập từ tiền lương, tiền thưởng của các lãnh đạo đơn vị này khá cao.

Cụ thể: ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên nhận mức lương 544.320.000 đồng/năm, cộng với khoản 120 triệu đồng tiền thưởng và thu nhập khác. Như vậy, tổng thu nhập năm 2021 của ông Nguyễn Đức Thái khoảng 664.320.000 đồng.

Người có tổng thu nhập đứng ở vị trí thứ hai tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là ông Hoàng Lê Bách - Ủy viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc, với gần 620 triệu đồng. Trong đó, tiền lương là 538.070.400 đồng và 80 triệu đồng tiền thưởng và thu nhập khác.

Các Ủy viên Hội đồng thành viên khác gồm: ông Phạm Vĩnh Thái nhận mức lương 425.040.000 đồng tiền lương; ông Phạm Văn Thắng có mức lương 173.880.000 đồng;

Ông Phạm Gia Thạch (vừa chức danh Ủy viên Hội đồng thành viên kiêm Kế toán trưởng có tổng thu nhập hơn 508.480.000 đồng); bà Nguyễn Thị Thu Hằng (360 triệu đồng); ông Ông Thừa Phú (340 triệu đồng).

Các Phó Tổng Giám đốc gồm: ông Lê Hoàng Hải (tổng thu nhập hơn 540 triệu đồng); ông Nguyễn Chí Bình và bà Phùng Ngọc Hồng có cùng mức thu nhập là hơn 530 triệu đồng; ông Lê Thành Anh là 225 triệu đồng. [3]

Thực ra, tiền lương, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác của lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cao cũng là điều dễ hiểu vì họ là lãnh đạo doanh nghiệp. Bởi, ngay cả một số năm trước đây, thì tiền lương, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác của họ vẫn là điều mơ ước của phần lớn người dân.

Tuy nhiên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp có 100% vốn của Nhà nước, là đơn vị trực thuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đang làm nhiệm vụ đặc biệt, lấy “tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện” mà chỉ riêng năm 2021, năm ảnh hưởng nặng nề của Covid mà lãi sau thuế là 287,4 tỷ đồng thì có đáng mừng không?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.nxbgd.vn/bai-viet/thong-tin-bao-chi-ve-gia-sach-giao-khoa-lop-3-lop-7-va-lop-10-theo-ctgdpt-2018

[2] https://www.nxbgd.vn/bai-viet/bao-cao-danh-gia-tinh-hinh-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-nam-2021

[3] https://www.nxbgd.vn/bai-viet/bao-cao-thuc-trang-quan-tri-va-co-cau-to-chuc-nam-2021

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO