Đã bị kỷ luật thì uy tín chắc chắn giảm sút
Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Thông báo kết luận số 20-TB/TW của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
Theo đó, xem xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương về chủ trương phân công, bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật (Tờ trình số 02-TTr/BTCTW, ngày 10/8/2022), Bộ Chính trị kết luận với một số nội dung. Trong đó, đáng chú ý, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế) đánh giá: “Trước hết, phải khẳng định đây là chủ trương tiếp theo và là nội dung rất cơ bản để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, về đột phá trong công tác cán bộ. Kết luận của Bộ Chính trị được ra đời đúng lúc, kịp thời, xuất phát từ thực tiễn của công tác quản lý cán bộ, sử dụng cán bộ và các khâu liên quan đến cán bộ. Tôi đánh giá cao chủ trương này, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chặt chẽ, sâu sát, có hiệu quả”.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: NVCC). |
Về nội dung khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Sửu nhìn nhận: “Đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, theo tôi, đầu tiên, bản thân cán bộ đó phải tự giác, tự giác về hành vi của mình và đặc biệt tự giác ý thức trách nhiệm. Khi đã bị kỷ luật trực tiếp bởi tổ chức, bởi cấp trên, thì bản thân cán bộ đó cần phải lựa chọn cho mình một phương án mà theo tôi cho là tối ưu nhất, chính là từ chức.
Đã bị kỷ luật, tức là phải vi phạm quy chế, quy định... Như vậy, về mặt uy tín, đã bị giảm sút. Dù rằng, trên thực tế, có thể có trường hợp khi bỏ phiếu tín nhiệm lại, số phiếu tín nhiệm quá bán, nhưng phải khẳng định, cán bộ đã bị kỷ luật thì phải nghĩ ngay đến chuyện giảm sút về mặt uy tín.
Thứ hai, cán bộ đã bị kỷ luật, chứng tỏ đối với công việc được giao đã không hoàn thành. Mỗi tổ chức đều có những quy chế hoạt động riêng, trên cơ sở quy định, điều lệ Đảng, và cương lĩnh của Đảng. Các cán bộ đều là Đảng viên, mà còn là Đảng viên có chức vụ, chắc chắn phải có một sự tự giác rất cao, phải ý thức được mình đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ, đã vi phạm quy định, quy chế như thế nào...
Chính vì vậy, theo tôi, phương án chọn lựa tối ưu nhất vẫn là nên tự giác từ chức”.
“Từ chức cũng sẽ là cơ hội cho chính bản thân cán bộ bị kỷ luật. Đồng thời, cũng thể hiện chúng ta chấp hành kỷ luật, kỷ cương của Đảng một cách nghiêm túc.
Thứ nữa, việc cán bộ bị kỷ luật tự giác từ chức cũng là “làm gương”, “làm gương” cho các cán bộ khác, có thể chưa phát hiện hành vi vi phạm, hoặc chưa bị kỷ luật, nhưng nếu đã có những suy nghĩ, ý tưởng tiêu cực thì nhìn vào đó để “soi” lại bản thân. Đó là điều thực sự cần thiết!
Hơn nữa, vị trí công việc đều đã được tổ chức phân công, cán bộ nào không hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ nào vi phạm và bị kỷ luật, đương nhiên nên xem xét từ chức, để những vị trí đó nhường chỗ cho những cán bộ khác cống hiến và làm tốt nhiệm vụ đó hơn. Chúng ta cần là đội ngũ cán bộ thực sự cống hiến cho tổ chức, cho xã hội và phải làm được việc cho dân”, nữ Đại biểu phân tích thêm.
“Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”
Đối với nội dung “tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ”, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Sửu cũng bày tỏ sự đồng tình.
Vị Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho rằng, những cán bộ vi phạm bị kỷ luật tự giác từ chức, tự giác có những điều chỉnh về hành vi của mình để có sự thay đổi, thì vẫn có cơ hội để “làm lại”.
Đó cũng chính là “cánh cửa” mở ra cho chính những cán bộ bị kỷ luật.
Đồng thời, cũng là “cánh cửa” mở ra dài và rộng hơn cho những cán bộ đã bị phê bình, chưa bị kỷ luật đang phấn đấu hoàn thiện mình tốt hơn, đạt những kết quả tốt đẹp hơn trong công cuộc xây dựng, củng cố Đảng, hệ thống chính trị và kiện toàn đội ngũ cán bộ, thực sự là công bộc của dân, phục vụ một cách tận tụy, tận tâm, tận lực, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
“Tôi tin rằng, có những cán bộ, hôm nay có thể bị phê bình, bị kỷ luật nhưng ngày mai vẫn có thể trở thành mẫn cán. “Cánh cửa” rộng, dài và nhân văn ấy sẽ giúp các cán bộ có thể có cơ hội để tự “soi” mình, rèn luyện mình, hoàn thiện mình để xứng đáng với vị trí, nhiệm vụ được giao”, vị Đại biểu nhấn mạnh.
Theo nữ Đại biểu, công tác giáo dục, tuyên truyền đóng vai trò quyết định trong việc bố trí công tác cán bộ: “Tôi cho rằng, công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, cũng phải phù hợp tùy từng thời điểm, tùy từng vùng miền để có tính nhấn mạnh, cũng như tùy từng tổ chức, bởi mỗi tổ chức sẽ có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cách thức tổ chức hoạt động khác nhau.
Chúng ta cũng phải chọn lựa đúng thời điểm, tổ chức và đối tượng để tuyên truyền cho phù hợp, còn việc tuyên truyền thì khẳng định là phải liên tục, đổi mới hình thức chứ không phải cứ tuyên truyền thẳng theo kiểu “coppy-paste” 100% nội dung chủ trương là sẽ đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, tôi đánh giá, tuyên truyền cũng chính là một hình thức giúp chúng ta “gạn đục khơi trong”, bồi dưỡng công tác cán bộ tốt hơn, các cán bộ thường xuyên được tuyên truyền cũng sẽ liên tục được nhắc nhở về hành vi của mình, ý thức được trách nhiệm của mình. Từ đó, cũng tạo được sự lan truyền từ những người ý thức tốt, tạo ra lan tỏa giữa các đồng sự, đồng nghiệp, hay thậm chí, tuyên truyền cho cả người thân trong gia đình”.