Tôi không hiểu tại sao cần SGK Giáo dục thể chất và HĐ trải nghiệm cho HS lớp 1?

05/12/2022 06:50
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghĩ mãi chúng tôi vẫn không hiểu tại sao phải biên soạn các bộ sách giáo khoa “Giáo dục thể chất” và “Hoạt động trải nghiệm” dành cho học sinh lớp 1?

“Giáo dục thể chất” và “Hoạt động trải nghiệm” được quy định như thế nào trong Chương trình giáo dục phổ thông?

Theo quy định, chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018 bao gồm: chương trình giáo dục tổng thể, chương trình các môn học (trong đó có “Giáo dục thể chất”) và hoạt động giáo dục mang tính trải nghiệm thực tế.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa – Tổng chủ biên Chương trình Hoạt động trải nghiệm thì “Hoạt động trải nghiệm không phải là một môn học mà là hoạt động giáo dục được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12”.

Theo quy định, ở cấp tiểu học gọi là “Hoạt động trải nghiệm”; cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông gọi là “Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp”.

Mục tiêu chung của hoạt động này là góp phần hình thành cho học sinh thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày, chăm chỉ lao động; thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở nhà, ở trường và địa phương; biết tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; có ý thức hợp tác nhóm và hình thành được năng lực giải quyết vấn đề.

Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm lớp 1. Ảnh: vepic.edu.vn

Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm lớp 1. Ảnh: vepic.edu.vn

Đặc biệt, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa còn nhấn mạnh: “Chương trình Hoạt động trải nghiệm mang tính mở và chương trình mà Bộ đưa ra chỉ quyết định đến những mục tiêu, yêu cầu cần đạt. Chúng tôi có đưa ra những gợi ý về nội dung nhưng cụ thể và chi tiết của từng nội dung thì hoàn toàn do các nhà trường, địa phương tự xây dựng. Cũng có thể sau này nhiều nhóm các tác giả sẽ hỗ trợ các nhà trường xây dựng những bộ tài liệu để các thầy cô thực hiện nhiệm vụ này một cách dễ dàng hơn. Bộ GD-ĐT sẽ chỉ quản lý về mục tiêu, còn chọn bộ tài liệu nào thì do nhà trường quyết định và chương trình là khá mở”. [1]

Có cần sách giáo khoa “Giáo dục thể chất” và “Hoạt động trải nghiệm” cho học sinh tiểu học không?

Thực tế cho thấy, các nhóm viết sách giáo khoa đều tổ chức biên soạn và xuất bản sách giáo khoa “Giáo dục thể chất” và Hoạt động trải nghiệm dành cho học sinh các cấp. Thậm chí với sách giáo khoa “Hoạt động trải nghiệm” ngoài sách bài học còn có cả sách bài tập bán kèm theo.

Qua tìm hiểu nội dung và cách thức trình bày các bộ sách trên, chúng tôi cho rằng, việc biên soạn các quyển sách này nhất là đối với học sinh lớp 1 là không cần thiết. Bởi lẽ, các cháu lớp 1 còn đang tập làm quen mặt chữ và từng bước học ghép vần nên không thể nào đọc những quyển sách giáo khoa này.

Hẳn chúng ta đều biết, ngay cả việc biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 cũng có quy định về việc lựa chọn văn liệu để đưa vào các bài học sao cho ngắn gọn, vừa sức học sinh. Vậy nên, việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa “Giáo dục thể chất” và “Hoạt động trải nghiệm” cho đối tượng học sinh này là rất vô lý.

Thử hỏi các cháu lớp 1 chỉ mới làm quen mặt chữ thì sao có thể vừa đọc sách giáo khoa “Giáo dục thể chất” vừa làm theo các động tác hướng dẫn từ các bài học trong sách?

Sách giáo khoa “Hoạt động trải nghiệm” cũng tương tự như thế. Qua tìm hiểu bộ sách này từ nhóm biên soạn “Chân trời sáng tạo” chúng tôi phát hiện một nghịch lý khá hài hước: sách giáo khoa “Hoạt động trải nghiệm” dành cho học sinh lớp 1 (116 trang) còn dày hơn cả sách giáo khoa “Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp” dành cho học sinh lớp 10 (87 trang)?

Có lẽ nào, học sinh lớp 10 đã thông thạo kỹ năng đọc, hiểu và có thêm nội dung “hướng nghiệp” nhưng sách giáo khoa cho đối tượng này có số trang ít hơn học sinh lớp 1 – mới biết ghép vần, tập đọc?

Không dừng lại ở đó, nhìn vào nội dung bên trong các bộ sách này chúng tôi chỉ thấy một “rừng chữ” và tranh ảnh được trình bày dày đặc đến rối mắt. Quan trọng hơn, tất cả chỉ thuần túy lý thuyết suông.

Trong khi đó, xét về tính chất mục tiêu cũng như tên gọi chương trình “Hoạt động trải nghiệm” trong chương trình giáo dục thì điều quan trọng nhất là thông qua những hoạt động thực tế trong và ngoài trường, các em từng bước rèn luyện và hoàn thiện bản thân.

Thế nên, cũng giống như môn học “Giáo dục thể chất”, ở đây chỉ cần những tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình và bộ công cụ bao gồm các tiêu chí đánh giá học sinh dành riêng cho giáo viên là đủ.

Có cần thiết?

Chúng ta đều biết rằng, một trong vấn đề quan trọng nhất của việc đổi mới Chương trình và sách giáo khoa phổ thông lần này (được Quốc hội thông qua bằng Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014) là chủ trương “xây dựng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”.

Từ thực tế các bộ sách giáo khoa “Giáo dục thể chất” và “Hoạt động trải nghiệm” dành cho cho học sinh các cấp được các nhóm biên soạn và bán ra thị trường chúng tôi cho rằng, đây là cách làm chưa thật sự quán triệt và bám sát tinh thần dạy và học theo nội dung chương trình giáo dục, chứ không phải sách giáo khoa.

Sẽ có ý kiến cho rằng, việc biên soạn các bộ sách trên là quyền của những người biên soạn, không ai ép phụ huynh học sinh phải mua. Nhưng theo chúng tôi, trên thực tế, nhìn chung nhận thức và tâm lý của đa phần người dân hiện nay vẫn lệ thuộc vào sách giáo khoa.

Vì thế, khi mua sách giáo khoa cho con em, các phụ huynh thường mua trọn bộ đã được các đơn vị phát hành sách “đóng gói” theo kiểu “bia kèm lạc” mà ít khi có sự tìm hiểu.

Thật lòng, nghĩ mãi chúng tôi vẫn không hiểu tại sao phải biên soạn các bộ sách giáo khoa “Thể dục thể chất” và “Hoạt động trải nghiệm” dành cho học sinh lớp 1?

Có lẽ nào, những người biên soạn và các đơn vị xuất bản chỉ vì lợi nhuận riêng mà cố tình “thao túng tâm lý” các vị phụ huynh học sinh để kinh doanh các bộ sách giáo khoa này chăng?

Bởi lẽ, xưa nay học sinh khi học thể dục, thể chất, cách học hiệu quả nhất là thầy và trò dẫn nhau ra sân trường hoặc các phòng tập thể dục thể thao của trường. Ở đó người thầy vừa hướng dẫn lý thuyết (nói miệng) vừa thị phạm bằng những động tác thực tế để học sinh nghe và làm theo.

Với chương trình “Hoạt động trải nghiệm” cũng vậy. Chỉ cần căn cứ và bám sát vào mục tiêu chương trình đã ban hành, tùy vào đặc thù và điều kiện của mỗi địa phương mà chủ động xây dựng kế hoạch, biên soạn bài giảng dành riêng cho giáo viên; từ đó hướng dẫn các em học sinh hoàn thành những phần việc liên quan đến hoạt động trải nghiệm trong suốt quá trình học.

Ngoài ra, cho dù những người biên soạn các quyển sách trên bảo rằng “không ép mua” nhưng sự lãng phí giấy, mực cho những bộ sách giáo khoa này là rất lớn.

Thực tế này, được không ít những giáo viên đứng lớp và các quý phụ huynh học sinh xác nhận.

Rất nhiều trường hợp phụ huynh có con em là học lớp 1 mua sách giáo khoa “Giáo dục thể chất” và “Hoạt động trải nghiệm” về nhưng cả năm học rất ít khi dùng đến.

Thay lời kết

Đầu mỗi năm học, chúng ta đều nghe những lời than phiền, ca thán của rất nhiều quý phụ huynh liên quan đến các khoản chi phí trong đó có tiền mua các bộ sách giáo khoa cho con em mình học tập.

Với không ít các vị phụ huynh đây là một mối lo, một gánh nặng quá sức họ. Đó cũng là nguyên nhân làm cho ước mơ đến trường của không ít học sinh bị dở dang.

Trước tình hình này, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề xuất với Chính phủ thời gian tới sẽ trích từ ngân sách Nhà nước khoảng 3.500 tỉ đồng để mua sách giáo khoa phân bổ sung các thư viện cho học sinh mượn nhằm chia sẻ gánh nặng với người dân.

Đây là chủ trương đúng và cần thiết nhưng theo tôi nếu chúng ta không có sự chuẩn bị chu đáo rất có thể sẽ gây lãng phí hay thậm chí tiêu cực.

Nói như đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa là:

“Nếu mua sách giáo khoa không xác định đúng nhu cầu, gây lãng phí và làm giàu cho các nhà xuất bản.” [2]

Tán đồng ý kiến trên của đại biểu Hòa, để phòng ngừa những những vấn đề tiêu cực không mong muốn có thể xảy ra, chúng tôi cho rằng, một trong những việc quan trọng nhất mà các cơ quan quản lý giáo dục các cấp cần làm trong thời gian tới là: phải quán triệt đầy đủ nhằm tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm từng bước triệt tiêu quan điểm và tâm lý trông chờ và lệ thuộc vào các sách giáo khoa hiện nay.

Cụ thể hơn, cần tiến hành rà soát, đánh giá tính hiệu quả, sự cần thiết của việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa các môn học như “Giáo dục thể chất và “Hoạt động trải nghiệm” nhất là các bộ sách dành cho học sinh cấp tiểu học thời gian qua.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://vietnamnet.vn/hoat-dong-trai-nghiem-o-chuong-trinh-pho-thong-moi-duoc-day-the-nao-421792.html

[2]: https://giaoduc.net.vn/neu-mua-sach-cho-hs-muon-ma-khong-xac-dinh-dung-nhu-cau-thi-chi-lam-giau-cho-nxb-post230112.gd

Nguyễn Trọng Bình