Một số SGK còn sai sót: Ai dám chắc sẽ dùng nhiều năm mà mua đưa vào thư viện?

14/10/2022 06:43
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- ĐBQH Nguyễn Thị Sửu:Việc bỏ tiền mua SGK cho học sinh mượn phải xác định dùng cho nhiều năm nhưng những cuốn sách đó chắc chắn sẽ được dùng nhiều năm chưa?

Cuối tháng 9/2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng thông tin Bộ đang đề xuất phương án trích ngân sách mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn. Theo đó, để đáp ứng khoảng 70% nhu cầu về sách giáo khoa của học sinh cả nước. Sau đó, mỗi năm sẽ bổ sung khoảng 20%.

Trích ngân sách mua sách cho học sinh mượn là phương án tốt

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho biết, tại địa phương có một số trường học ở vùng khó, học sinh khó khăn, thiếu sách giáo khoa. Nếu trích ngân sách mua sách cho học sinh ở các trường này mượn học sẽ rất tốt.

Thực hiện Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông kết hợp Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hằng năm Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang luôn yêu cầu các cơ sở giáo dục hướng dẫn học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách giáo khoa được sử dụng lại lâu bền. Vì vậy, việc thực hiện phương án trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thuận lợi, hiệu quả.

Trích ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn được đánh giá là phương án tốt, có ý nghĩa với học sinh mà gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Trích ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn được đánh giá là phương án tốt, có ý nghĩa với học sinh mà gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

“Cuối năm học, các trường đều tổ chức vận động quyên góp sách giáo khoa cũ để tặng lại cho học sinh không có điều kiện mua sách trong năm học sau. Ngoài ra, thực hiện điều chuyển nội bộ đối với sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2006 bị thừa, thiếu giữa các đơn vị trên địa bàn.

Trong năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang cũng đã tiếp nhận tài trợ từ các đơn vị xuất bản một số bộ sách trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 dành cho học sinh nghèo, thuộc diện khó khăn và đã phân phối đến học sinh thụ hưởng.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh về chủ trương bổ sung kinh phí để trang bị sách giáo khoa chương trình mới lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023 cho thư viện trường học nhằm phục vụ học sinh thuộc diện được hỗ trợ (nghèo, cận nghèo…). Dự kiến trang bị 9.326 bộ sách.

Tính đến thời điểm hiện nay, cơ bản 100% học sinh trên địa bàn tỉnh An Giang đều có sách giáo khoa. Tuy nhiên, còn một số ít học sinh đã có sách nhưng chưa có đủ bộ (lớp 10), do một số sách theo chủ đề tự chọn sau khi vào nhập học thì học sinh mới đăng ký”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho hay.

Chưa phải thời điểm phù hợp

Về phương án trích ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh: những năm qua, vấn đề sách giáo khoa luôn được dư luận quan tâm, đặc biệt là về giá sách. Phương án này khi được triển khai sẽ giải quyết được nỗi lo về giá sách của nhiều gia đình nghèo.

Phương án nhân văn, cần thực hiện, tuy nhiên Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng đưa ra một số băn khoăn, kiến nghị như:

Thứ nhất, chúng ta chưa đánh giá kết quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2018-2025 cũng như chưa có đánh giá tổng kết việc biên soạn sách giáo khoa chương trình mới mà đã xây dựng một đề án mua sách bổ sung vào các thư viện trường học và dự kiến bắt đầu triển khai từ năm học 2023-2024 là chưa phù hợp, gây lãng phí.

“Theo tôi, bây giờ trích ngân sách nhà nước để mua sách giáo khoa đồng bộ trên toàn quốc bổ sung vào các thư viện cho học sinh mượn về tính thời điểm là chưa phù hợp.

Việc bỏ tiền mua sách giáo khoa cho học sinh mượn phải xác định không phải cho một năm mà cho nhiều năm nhưng những cuốn sách đó chắc chắn sẽ được dùng nhiều năm chưa? Theo tôi nhận thấy là chưa bởi một số bộ sách hiện tại vẫn còn sai sót.

Muốn mua sách đáp ứng việc cho học sinh mượn và sử dụng nhiều năm thì cần chờ đến buổi đánh giá chương trình đổi mới sách giáo khoa phổ thông hoặc đến năm 2025 sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp học phổ thông”, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thứ hai, địa phương nào cũng có người thu nhập khá giả, trung bình và khó khăn, vì vậy không nên “cào bằng” mà cần rà soát, đánh giá, xác định chỉ tiêu, những tiêu chí cụ thể để quyết định tỷ lệ sử dụng ngân sách nhà nước cho việc mua sách giáo khoa phục vụ đưa vào thư viện cho học sinh mượn.

Đối tượng áp dụng nên là những học sinh vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, vùng bãi ngang, ven biển,...

Thứ ba, hiện nay, chúng ta đang đẩy nhanh, mạnh phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch và tăng tốc phát triển kinh tế trong giai đoạn năm 2020-2025, vì vậy, việc trích một khoản ngân sách lớn để mua sách giáo khoa bổ sung vào các thư viện phải tính toán thật kỹ, tránh gây lãng phí nguồn lực.

Phải tiến hành đầu tư “kép”

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, muốn thực hiện được phương án này, yếu tố cần là học sinh phải có nhu cầu mượn, yếu tố đủ là phải có cơ sở hạ tầng phục vụ việc chứa sách.

Các trường công lập ở thành phố có thư viện, phòng đọc, thậm chí là phòng thực nghiệm thì có thể đầu tư, nâng cấp, xây dựng thành phòng đa năng, trang bị máy tính để quản lý sách. Còn đối với các trường phổ thông thuộc vùng khó khăn, tùy quy mô từng trường với số lượng học sinh khác nhau, cần phải bố trí được khoảng không gian chứa sách để có chỗ cho học sinh mượn.

Khi được đầu tư một số lượng sách lớn như vậy, các nhà trường cần quan tâm đến cách khai thác và tổ chức thư viện sao cho hợp lý, dễ dàng, thuận tiện cho các khâu mượn, trả sách, có thể kết hợp vừa là thư viện khai thác trực tiếp vừa có phần mềm công nghệ thông tin để việc quản lý sách chặt chẽ hơn, đầu ra đầu vào rõ ràng, tránh thất thoát sách, người quản lý cũng bớt được các đầu công việc.

“Muốn thực hiện phương án thì phải đầu tư “kép”, vừa phải đầu tư sách, vừa phải đầu tư cơ sở hạ tầng (thư viện). Ngoài ra, người quản lý thư viện cũng phải được tập huấn để việc quản lý một số lượng sách khổng lồ với các đầu sách đa dạng, phong phú trở nên dễ dàng hơn”, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói.

Anh Trang