Xây dựng Luật Nhà giáo: "Làm nhiều được đãi ngộ cao” sẽ tạo động lực cho GV

21/10/2022 06:40
Hương Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu những điều này trở thành hiện thực, những khó khăn, bất cập, hạn chế lâu nay sẽ được giải quyết và đây là điều nhiều nhà giáo chờ đợi.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có dự thảo Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước. Dự thảo này đã thu hút được sự quan tâm của đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Suy cho cùng, muốn nâng cao vị thế của người thầy phải cần một hành lang pháp lý tốt để bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp cho nhà giáo. Bên cạnh đó, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh và khen thưởng tốt, công bằng sẽ tạo động lực để nhà giáo yên tâm công tác.

Và như vậy sẽ tạo ra những động lực để những nhà giáo tâm huyết, có chuyên môn tốt phấn đấu và cống hiến cho sự phát triển của ngành ngày một nhiều hơn.

Bởi vì, nếu chúng ta mãi duy trì chế độ đãi ngộ, chế độ lương, phụ cấp cào bằng như hiện nay không chỉ tạo ra một sức ì lớn cho một bộ phận nhà giáo mà nhiều người cũng mất dần đi động lực trong quá trình công tác, giảng dạy.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Chủ trương của Bộ nhận được sự đồng thuận lớn của đội ngũ nhà giáo

Mặc dù những năm qua, Đảng và Nhà nước đã chú trọng, quan tâm đến những chính sách đãi ngộ nhà giáo nhưng thực tế phần nhiều giáo viên có thâm niên công tác ít vẫn đang gặp những khó khăn trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, nhiều vụ việc liên quan đến cách hành xử của một bộ phận xã hội, phụ huynh, học sinh đối với giáo viên vẫn đang là nỗi băn khoăn, khiến cho đội ngũ nhà giáo chạnh lòng và có người đã mất dần đi tình yêu nghề.

Cùng với đó là chính sách khen thưởng nhằm ghi nhận công sức, trách nhiệm, mức độ hoàn thành công việc sau một năm đối với từng nhà giáo vẫn chưa thực sự được xem trọng. Nhiều văn bản hướng dẫn xét khen thưởng, đánh giá giáo viên chưa nhận được sự đồng tình của đội ngũ nhà giáo.

Chính vì vậy, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo 2 năm vừa qua xảy ra tình trạng gần 29.000 giáo viên bỏ việc. Đây là nỗi trăn trở lớn.

Thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Kết luận 19-KL/TW và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và căn cứ theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong ngành.

Chúng tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế.

Đọc Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, chúng tôi cảm nhận được đây là một chủ trương lớn của ngành, có nhiều điều tâm đắc - nhất là dự thảo Chính sách 4: Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo.

Trong phần dự thảo Chính sách 4, chúng tôi thấy phần mục tiêu giải pháp vấn đề và các giải pháp giải quyết vấn đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.

Phần mục tiêu, Bộ đã “xác định các vấn đề trong chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, làm động lực để thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề;

Tăng cường chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, thiết lập cơ chế phân loại bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao, xây dựng chế độ phân phối tiền lương và cơ hội thăng tiến, tăng lương và đãi ngộ đối với những người có thành tích xuất sắc;

Thực hiện các yêu cầu để giảm gánh nặng cho nhà giáo, bảo đảm nhà giáo được yên tâm cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và giáo dục con người”. [1]

Các giải pháp của vấn đề đã được Bộ xác định khá cụ thể: “Xác định các vấn đề cơ bản về chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, chế độ hưu trí, khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội của nhà giáo. Xác định chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhà công vụ đối với nhà giáo. Xác định cụ thể hóa các tiêu chí thi đua, khen thưởng đối với nhà giáo.

Giải pháp thực hiện chính sách: Luật hóa các nội dung: Bổ sung quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo. Bổ sung quy định về chế độ hưu trí, khám chữa bệnh và bảo hiểm xã hội của nhà giáo. Bổ sung quy định về tiêu chí, danh hiệu thi đua, khen thưởng, tôn vinh đối với nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các giải pháp này với các lý do như sau: Đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, có tính toán đến yếu tố đặc thù ngành để nhà giáo yên tâm công tác. Tạo điều kiện cho nhà giáo công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ về chính sách, có các hỗ trợ đặc thù để thu hút nhà giáo về công tác”. [1]

Nếu những điều này trở thành hiện thực thì đương nhiên những khó khăn, bất cập, hạn chế trong ngành lâu nay sẽ cơ bản được giải quyết. Đây là điều mà đại đa số nhà giáo đang mong muốn, chờ đợi.

Đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng tốt là động lực để nhà giáo trân quý và tận tâm với nghề

Hiện nay, toàn ngành giáo dục đang dồn sức để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với rất nhiều yêu cầu mới, khó khăn và đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, trong đó, động lực chính chắc chắn phải là những thầy cô giáo ở các nhà trường.

Thế nhưng, nhiều nhà giáo đang phải tự thu mình lại trước những hành vi chưa chuẩn mực của một bộ phận học trò, phụ huynh, cùng với sự quá đà của mạng xã hội...

Các chính sách về tiền lương, phụ cấp nhà giáo cũng là điều đáng suy ngẫm khi một bộ phận giáo viên trong trường làm việc hiệu quả, trách nhiệm và đảm nhận nhận nhiều công việc khó nhưng họ đang hưởng một mức lương rất thấp. Bởi lẽ lương, phụ cấp của giáo viên đang được trả theo bậc, theo năm công tác.

Điều đáng bàn là một bộ phận giáo viên hiện nay đang hưởng mức lương khá cao nhưng không còn động lực phấn đấu, hiệu quả giảng dạy không tốt trong khi lương, phụ cấp lại cao hơn rất nhiều giáo viên trong trường vì có thâm niên cao.

Chế độ khen thưởng, đánh giá giáo viên hàng năm còn nhiều bất cập, nặng về giấy tờ và những phong trào vô thưởng vô phạt như có một sáng kiến kinh nghiệm mà đương nhiên được đánh giá, xét thi đua ở mức cao nhất. Trong khi, việc chấm sáng kiến kinh nghiệm đang tồn tại nhiều bất cập.

Vì thế, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo mà nội dung dự thảo đã đề cập đến “chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo” để nhằm “thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề” và đặc biệt với “chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao” sẽ tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, cống hiến.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/du-thao-luat-nha-giao-bo-sung-quy-dinh-ve-tien-luong-phu-cap-doi-voi-thay-co-post230536.gd

Hương Mai