Vấn đề lương, thu nhập của giáo viên đang là vấn đề nhận nhiều sự quan tâm của giáo viên cả nước.
Trong quá trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT khi Nghị định 89/2021/NĐ-CP có hiệu lực và theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ về các vấn đề liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi, “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên”, cũng như quan tâm những giáo viên bị thiệt thòi do chưa đạt chuẩn do lịch sử để lại,…
Là một nhà giáo công tác nhiều năm, rất mong được thông qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có những góp ý, đề xuất về lương giáo viên trong thời gian tới.
Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn |
Nhìn lại những bất cập xếp lương hiện nay
Ở thời điểm trước năm 2015 thì trả lương giáo viên theo bằng cấp, cho dù giáo viên dạy ở bậc học nào giáo viên nào có trình độ đại học hưởng lương có hệ số 2,34 - 4,98; có trình độ cao đẳng thì có hệ số 2,34 - 4,89; trình độ trung cấp có hệ số 1,86 - 4,06 ngoại trừ nhiều trường hợp nhiều giáo viên có trình độ đại học từ năm 2012 đến nay không được chuyển xếp lương, vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng.
Thời gian tăng hệ số lương từ 2-3 năm/ lần, mỗi lần tăng từ 0,2 - 0,33 tùy theo mã ngạch. Giáo viên hưởng lương bằng hệ số lương nhân với lương cơ sở cộng các khoản phụ cấp (thâm niên, ưu đãi, vượt khung,…).
Việc trả lương này chủ yếu cào bằng, giáo viên lớn tuổi lương cao do hệ số lương cao, phụ cấp thâm niên cao nên tổng thu nhập cao,…
Có giáo viên trẻ thì lương 2,5 triệu mỗi tháng, cũng có giáo viên trên 13 triệu mỗi tháng dù công việc cũng gần như nhau, nhưng chênh lệch quá cao, giáo viên trẻ không đủ chi phí trang trải cuộc sống, cống hiến, mất đi ý chí, động lực phấn đấu,...
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ muốn giải quyết bất cập của việc hưởng lương cào bằng nên ban hành chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT (hiện nay được thay thế bằng chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT), chia hạng giáo viên, giáo viên nào ở hạng cao thì lương cao,… dự định xóa bỏ việc trả lương cào bằng nhưng thực tế lại không giải quyết được bất cập trên mà còn gây bức xúc nhiều hơn vì các lý do sau:
Chia hạng giáo viên từ chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT cho đến chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đều hầu như không căn cứ nhiệm vụ đảm nhận để chia hạng mà chỉ dựa vào hệ số lương ban đầu để chia hạng, dẫn đến nhiều giáo viên hầu như không có thành tích cống hiến gì vẫn ở hạng cao, lương cao, không phấn đấu công tác và cống hiến,… có trường hợp giáo viên công tác lâu năm, giáo viên giỏi cấp tỉnh ở hạng thấp, giáo viên giỏi cấp trường ở hạng cao.
Chia hạng giáo viên nhưng thực hiện nhiệm vụ gần như là giống nhau, cuối năm xét thi đua, đánh giá viên chức, đánh giá chuẩn nghề nghiệp,… cũng giống nhau, không có bất kỳ phân biệt nào về mặt chất lượng giảng dạy, hoàn thành nhiệm vụ.
Không có bất kỳ minh chứng nào để khẳng định giáo viên hạng cao làm công việc nặng hơn, vất vả hơn, nhiều thời gian hơn và hiệu quả hơn giáo viên hạng thấp.
Nếu công việc giống nhau mà giáo viên hạng cao thì lương cao hơn giáo viên hạng thấp thì rất thiệt thòi cho giáo viên ở các hạng thấp mà làm việc hiệu quả nên họ rất bất bình, mất đi động lực.
Giáo viên dù không có thành tích gì nếu được bổ nhiệm hạng II thì nghiễm nhiên suốt đời từ hạng II trở lên cho dù có không hoàn thành nhiệm vụ, bị kỷ luật thậm chí bị cách chức,…cũng là một trong rất nhiều bất cập của chia hạng giáo viên hiện nay.
Kiến nghị phương án trả lương giáo viên theo 4 thành tố
Như vậy có thể thấy rằng, 2 phương án trả lương theo bằng cấp (như các Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT) và theo hạng (như các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT) đều gặp những bất cập nhất định, khi triển khai thì chưa công bằng, khó tạo ra động lực cho giáo viên phấn đấu, cống hiến, để xây dựng lên đội ngũ những giáo viên giỏi thật sự. Việc sửa đổi cũng khó đảm bảo công bằng khi giáo viên.
Nghị quyết 27 của Trung ương cũng xác định phải cải cách tiền lương cho các bộ công chức, viên chức và người lao động phải tiến tới bỏ cào bằng, chi trả theo hiệu quả công việc, vị trí việc làm,…
Nên theo quan điểm người viết phải cải tiến chế độ lương và thu nhập nhà giáo là điều cấp thiết.
Theo đề xuất của người viết, để giảm bớt bất cập, bất công và tạo động lực cho giáo viên cả giáo viên trẻ và giáo viên lớn tuổi cùng cố gắng phấn đấu thì nên trả lương, thu nhập giáo viên gồm 4 thành phần như sau:
Phần 1: Lương căn bản giáo viên đây là yếu tố cơ bản, ở đây tất cả giáo viên được tuyển dụng làm giáo viên bất kỳ có trình độ đạt chuẩn, dưới chuẩn hiện tại hoặc trên chuẩn đều thực hiện công việc giảng dạy, giáo dục do hiệu trưởng, cấp trên phân công nên lương phần 1 này tất cả giáo viên đều như nhau, điều này sẽ giải quyết được bài toán những giáo viên từ trên chuẩn, đạt chuẩn thành dưới chuẩn trong đó có nhiều giáo viên sắp về hưu, nhiều người rất giỏi có thành tích giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia bị xếp lương chưa đạt chuẩn.
Điều này khá quan trọng, cùng là giáo viên dù được tuyển dụng vào thời điểm nào nếu đáp ứng yêu cầu giảng dạy và giáo dục thì được hưởng mức cơ bản là như nhau. Lượng này được quy bằng số tiền cụ thể mỗi tháng không phân biệt trình độ, độ tuổi, vị trí,…
Phần 2: Vị trí làm việc
Ở phần này các giáo viên giữ các nhiệm vụ như hiệu trưởng; phó hiệu trưởng; bí thư, phó bí thư chi bộ; tổ trưởng, tổ phó chuyên môn; chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn; thư ký hội đồng; trưởng ban thanh tra nhân dân; giáo viên chủ nhiệm; tổng phụ trách đội,… sẽ được hưởng một khoản tiền phụ cấp gắn với nhiệm vụ đang đảm nhận. Nếu còn giữ nhiệm vụ thì được hưởng, không còn giữ nhiệm vụ thì không được hưởng, tiền phụ cấp này chi theo vị trí và chi trả hàng tháng.
Phần 3: Thâm niên công tác, văn bằng chuyên môn trên chuẩn
Trong ngành nghề nào cũng vậy, người lớn tuổi có thời gian công tác, cống hiến lâu dài cũng nên có sự ưu tiên, được chi trả một khoảng ghi nhận sự cố gắng, đồng hành.
Nên người viết cho rằng vẫn chi thâm niên công tác nhưng chỉ nên chia làm 3 giai đoạn để chi trả là giáo viên công tác từ đủ 10 năm; từ đủ 20 năm và từ 30 năm trở lên thì đến mốc nào thì được chi một khoản tương xứng thời gian công tác. Cũng là cách động viên giáo viên cố gắng cống hiến, bám trụ với nghề.
Bên cạnh đó có thêm một khoản chi hỗ trợ cho giáo viên tự bỏ kinh phí học tập nâng chuẩn trình độ thạc sĩ, tiến sĩ để họ cố gắng học tập nâng chuẩn. Sau khi có quyết định và nhận bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì sẽ nhận hỗ trợ hàng tháng mà không phải đợi đến lượt nâng chuẩn, xét thăng hạng như hiện nay.
Phần 4: Chi thưởng theo hiệu quả công việc
Đây là phần quan trọng để giáo viên phấn đấu tạo ra giáo viên giỏi, tốt việc thưởng này nên chiếm khoảng 30% tổng thu nhập hàng tháng, dựa vào nguồn chi khen thưởng hàng tháng của đơn vị. Nếu giáo viên nào làm tốt nhiệm vụ sẽ được thưởng một khoản xứng đáng cộng với những khoản đã nhận ở phần trên.
Có thêm khoản thưởng hiệu quả công việc này sẽ khuyến khích động viên giáo viên cố gắng, nỗ lực hết mình và làm việc luôn hiệu quả. Khoản này cũng được họp xét và chi hàng tháng, có tháng làm tốt thưởng cao, tháng sau thực hiện chưa tốt thì giảm lại hoặc không có thưởng.
Đề xuất lương của người viết cũng dựa trên Nghị quyết 27/NQ-TW về lương cán bộ công chức theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc,… nên giáo viên nếu làm tốt công việc, hiệu quả cao sẽ được nhận lương cao, bên cạnh đó vẫn ghi nhận công sức của giáo viên cống hiến, có cố gắng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cố gắng yêu nghề, sống với nghề,… và thu nhập hàng tháng có cao, có thấp tùy theo hiệu quả đạt được.
Trên đây là góp ý của cá nhân người viết về việc xây dựng lương của giáo viên trong thời gian tới, người viết tin rằng nếu triển khai hợp lý thì sẽ có đội ngũ giáo viên tốt, phấn đấu từng ngày, từng giờ và đương nhiên chất lượng và hiệu quả giáo dục sẽ nâng lên tương xứng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.