Như Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố Quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận sáng kiến kinh nghiệm đợt 2 cấp ngành giáo dục đào tạo năm học 2021-2022.
Theo Quyết định, có 537 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận và cấp giấy chứng nhận, trong đó có 4 sáng kiến xếp loại A, 172 sáng kiến xếp loại B, 361 sáng kiến xếp loại C. Trong đó, đề tài của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - Trần Thế Cương là một trong 4 sáng kiến kinh nghiệm xếp loại A.
Nhằm giúp độc giả hiểu hơn về tiêu chuẩn để được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công nhận sáng kiến kinh nghiệm, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin thêm tới độc giả điều kiện được công nhận sáng kiến cơ sở.
Theo đó, Công văn 881/SGDĐT-GDTX-ĐH ngày 6/4/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hướng dẫn công tác sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2021-2022, điều kiện công nhận sáng kiến cơ sở được quy định như sau:
Thứ nhất, sáng kiến phải có tính mới, không trùng với nội dung sáng kiến đã được công bố trước đó của bản thân hoặc người khác.
Thứ hai, sáng kiến có tính ứng dụng thực tiễn, mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực, đã được hội đồng khoa học cấp cơ sở xác nhận.
Ảnh minh họa: Lã Tiến. |
Về định hướng nội dung sáng kiến kinh nghiệm gồm:
Các biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học: đổi mới công tác kiểm tra đánh giá; các hoạt động tiếp cận năng lực người học; ứng dụng mô hình trường học mới, phương pháp dạy - học mới...
Công tác quản lý, chỉ đạo: công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ; công tác quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí; công tác quản lý các hoạt động trong và ngoài giờ lên lớp; công tác chuyển đổi số trong trường học...
Công tác chủ nhiệm lớp và các hoạt động đoàn thể; giáo dục kỹ năng sống; giáo dục hướng nghiệp, giáo dục khởi nghiệp...
Công tác nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập...
Một số quy định về hình thức:
Sáng kiến phải được đóng thành một quyển gồm các nội dung theo thứ tự sau: Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến; Biên bản của Hội đồng cấp trường; Nội dung sáng kiến và các minh chứng kèm theo.
Sáng kiến được đánh máy trên khổ giấy A4, Font Unicode, kiểu chữ Times New Roman cỡ 13-14; dãn dòng 1.2-1.5 lines, lề trái 3-3.5cm, lề phải 2 cm, lề trên 2 cm, lề dưới 2 cm; đánh số trang bên trên, căn giữa.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không xét và công nhận các sáng kiến của 2 tác giả trở lên; kết quả sáng kiến ở năm học nào sẽ được tính cho năm học đó, không bảo lưu cho năm học kế tiếp.
Sở sẽ phổ biến các sáng kiến tiêu biểu đối với các đơn vị trực thuộc, các phòng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo sau khi có kết quả chấm sáng kiến kinh nghiệm.
Đối với các đơn vị trực thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, việc phổ biến các sáng kiến tiêu biểu sẽ thực hiện theo quy định của quận, huyện, thị xã.
Cá nhân có sáng kiến đề nghị xét, công nhận sáng kiến cấp Thành phố thực hiện các thủ tục về hồ sơ theo hướng dẫn hàng năm của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội.