Cô giáo 8X hai lần chiến thắng bệnh ung thư để cống hiến nơi cực Tây của Tổ quốc

25/11/2022 06:49
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi mới ngoài 20 tuổi, cô Vì Thị Thuông đã bị căn bệnh ung thư quái ác hành hạ, mất đi khả năng làm mẹ. Nhưng cô Thuông đã vượt lên tất cả bằng nghị lực. 

Lúc ở tuổi 20, mang trong mình tình yêu nghề và khát vọng cống hiến cho giáo dục, cô giáo Vì Thị Thuông (dân tộc Thái, sinh năm 1987) ngược từ quê nhà Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) lên biên cương Mường Nhé làm giáo viên mầm non.

Cô được phân về công tác tại Trường Mầm non Nậm Kè từ năm 2007, một trường thuộc xã biên giới giáp Lào của huyện Mường Nhé (Điện Biên).

Suốt 15 năm gắn bó với miền biên viễn, chưa một lần cô Thuông có ý nghĩ sẽ rời xa trường để về với vùng thuận lợi.

Cô giáo Vì Thị Thuông (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhân dịp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: NVCC

Cô giáo Vì Thị Thuông (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhân dịp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: NVCC

Nhiều năm về trước, Nậm Kè không chỉ khó khăn về kinh tế mà còn khó khăn cả về tình hình trật tự, chính vì vậy, việc học hành của con em đồng bào ở đây thường bị bỏ bê, đặc biệt là giáo dục mầm non.

Kể với chúng tôi về những ngày đầu đặt chân đến Nậm Kè, Mường Nhé, cô Thuông nhớ lại: “Ngày ấy, trường lớp chỉ là tranh tre, nứa lá, cô thì còn trẻ, mới chớm bước qua tuổi 20, cô trò bất đồng ngôn ngữ nên việc dạy học của chúng tôi vất vả vô cùng.

Không có tình yêu nghề thì chúng tôi rất khó để vượt qua những khó khăn, nhọc nhằn ấy. Dần dần mọi thứ cũng tốt lên”.

Thế nhưng, nhiệt huyết của tuổi 20 đang rực cháy để cống hiến cho ngành giáo dục thì năm 2009, cô Thuông gặp phải bạo bệnh khi bị chẩn đoán ung thư buồng trứng.

Cô Thuông trong ngày nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: NVCC

Cô Thuông trong ngày nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: NVCC

Sau khi thăm khám, cô Thuông đã phải điều trị nội trú tại bệnh viện Điện Biên. Sau 6 tháng nằm viện, cô Thuông trở lại lớp học, trở lại với học trò đang đợi trên miền biên giới.

Lúc ấy, trở về trường sau bạo bệnh, cô Thuông đã tích cực tham gia các hoạt động của ngành giáo dục, tăng cường học tập chuyên môn và ngày ngày cùng học trò trên lớp.

Những tưởng, cơn bạo bệnh cứ thế đi qua, nhưng năm 2013, một lần nữa cô Thuông lại phải đối mặt với căn bệnh cũ tái phát.

Lần này, cô Thuông phải xuống Hà Nội để điều trị và nhận tin sét đánh khi phải cắt bỏ buồng trứng, đồng nghĩa với việc cô vĩnh viễn mất đi chức năng làm mẹ.

Lúc ấy, cô Thuông khóc rất nhiều, những giọt nước mắt của cô giáo tuổi ngoài đôi mươi còn bao nhiêu hoài bão phía trước nhưng đã phải đối mặt với câu chuyện bất hạnh.

Cô giáo Thuông với lớp học trò vừa tốt nghiệp mầm non. Ảnh: NVCC

Cô giáo Thuông với lớp học trò vừa tốt nghiệp mầm non. Ảnh: NVCC

“Khi đó, tôi đã suy sụp, một mình trong căn phòng vắng, nước mắt cứ thế tuôn ra. Cũng đã nhiều lần tôi tự hỏi, tại sao số phận lại nghiệt ngã với mình như vậy”, cô Thuông tâm sự.

Thế nhưng, khi được chuyển lên điều trị tại phòng chuyên khoa của bệnh viện, cô Thuông nhận thấy có rất nhiều hoàn cảnh như mình, có cả những bé gái, có cả những người đã lớn tuổi cũng phải đối mặt với căn bệnh giống cô.

Nhìn hoàn cảnh của mọi người, nhớ đến ánh mặt của “đàn con thơ” trên miền biên viễn đang chờ cô giáo quay trở về, cô Thuông lại tự động viên mình phải đối diện với biến cố, tự hứa rằng mình sẽ không bỏ cuộc.

Gần 1 năm xa trường, xa lớp, những buổi xạ trị khiến cô Thuông rụng hết tóc nhưng khi căn bệnh được đẩy lùi, cô lại quay trở về Nậm Kè, tiếp tục giấc mơ giáo dục còn dang dở.

Dù còn khó khăn nhưng học sinh mầm non ở Nậm Kè được chăm sóc rất đầy đủ. Ảnh: NVCC

Dù còn khó khăn nhưng học sinh mầm non ở Nậm Kè được chăm sóc rất đầy đủ. Ảnh: NVCC

“Những ngày đầu sau điều trị của đợt tái phát bệnh lần 2, tôi phải đội tóc giả lên lớp, vừa dạy học, vừa lo tóc rơi học trò sẽ sợ. Nhưng dần dần mọi thứ cũng đã tốt hơn, sức khỏe tốt hơn, tóc dài ra và mình lại tiếp tục công việc đã lựa chọn, gắn bó”, cô Thuông kể tiếp.

Sau khi vượt qua căn bệnh quái ác, chức năng làm mẹ không còn, cô Thuông cũng không dám mơ đến một ngày sẽ có ai đó chung đường cùng mình xây dựng hạnh phúc.

Tuy nhiên, nơi đất cằn sỏi đá, tình yêu vẫn sáng lên nhiều hi vọng, vượt qua tất cả khó khăn, năm 2016, cô Thuông cũng đã xây dựng gia đình với thầy Cà Văn Thủy - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Kè.

“Trước khi chúng tôi đến với nhau, anh ấy cũng đã hiểu về tình cảnh của tôi. Và anh ấy đã vượt qua để cùng tôi xây dựng hạnh phúc. Năm 2019, chúng tôi đón 1 bé trai về nuôi dạy”, cô Thuông chia sẻ.

Cô Thuông (thứ 3 từ trái sang) luôn tích cực tham gia các hoạt động hội thao của ngành. Ảnh: NVCC

Cô Thuông (thứ 3 từ trái sang) luôn tích cực tham gia các hoạt động hội thao của ngành. Ảnh: NVCC

Cô Thuông cũng cho biết: “Sau tất cả, bản thân tôi giờ đây luôn tự nhủ, mình phải sống thật tốt để không phụ kỳ vọng của bố mẹ, gia đình, người thân, bè bạn và đặc biệt là các thế hệ học trò. Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhưng khi đối diện với khó khăn, phải có dũng khí vượt qua thì mới có thể nuôi tiếp những hi vọng khác”.

Nói về việc được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho nhà giáo tiêu biểu năm 2022, cô Thuông cho biết: “Khi biết tin mình được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tặng bằng khen, tôi rất bất ngờ. Tôi cũng cảm ơn các đồng nghiệp tin tưởng, các cấp, các ngành của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã ghi nhận và tiến cử. Nhận được sự động viên của ngành, bản thân tôi nghĩ mình cần phải cô gắng hơn nữa để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, không phụ sự kỳ vọng của mọi người”.

Sau những biến cố, hạnh phúc của cô giáo Thuông đang ngày ngày được vun đắp nơi biên cương. Ảnh: NVCC

Sau những biến cố, hạnh phúc của cô giáo Thuông đang ngày ngày được vun đắp nơi biên cương. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về người đồng nghiệp của mình, cô giáo Phạm Thị Hương – Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Kè cho biết: "cô Thuông là một trong những giáo viên có chuyên môn vững vàng nhất của trường. Cô Thuông được đồng nghiệp và học trò hết sức quý mến.

Bên cạnh việc là giáo viên gắn bó lâu năm với Nậm Kè, cô Thuông còn nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện”.

Trần Phương