Phát triển kinh tế số và xã hội số nhìn từ góc độ giáo dục

12/12/2022 06:46
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo dục cung cấp năng lực số cần thiết cho mọi bên có liên quan để tạo ra nguồn nhân lực số cần thiết cho sự vận hành thành công của kinh tế số.

Trong Quyết định 749 ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, các doanh nghiệp công nghệ số được coi là trọng tâm của kinh tế số, còn nhà trường là trọng tâm của xã hội số. Sự phân định này có phần khiên cưỡng bởi lẽ ngay từ cuối thế kỷ XX, khi nghiên cứu về kinh tế tri thức, giáo dục đã được coi là một trong bốn trụ cột của kinh tế tri thức.

Còn giờ đây, trong bước phát triển mới từ kinh tế tri thức sang kinh tế số, thì dù các khung kinh tế số (Digital Economy Frameworks) có được quan niệm ít nhiều khác nhau, nhưng giáo dục vẫn được coi là một trụ cột tạo nên khung kinh tế số (xem báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới [1]).

Đó là vì giáo dục cung cấp năng lực số cần thiết cho mọi bên có liên quan để tạo ra nguồn nhân lực số cần thiết cho sự vận hành thành công của kinh tế số.

Bài viết này muốn bàn về năng lực số để làm rõ hơn cách tiếp cận của chúng ta trong phát triển kinh tế số và xã hội số nhìn từ góc độ giáo dục.

Ảnh minh họa: nguồn Viện Phát triển Nguồn Nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (Viện VJCC)

Ảnh minh họa: nguồn Viện Phát triển Nguồn Nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (Viện VJCC)

Sáng số và năng lực số

Sáng số (digital literacy) hiện là một yêu cầu được đặt ra ở mọi quốc gia đối với mọi công dân. Tuy nhiên, các cách hiểu về sáng số khá đa dạng. Chẳng hạn sáng số được hiểu là tổng của nhiều loại sáng, bao gồm sáng thông tin, sáng truyền thông, sáng internet, sáng ICT (bao gồm phần cứng và phần mềm). Nhưng có nơi lại quan niệm sáng số bao gồm cả các loại sáng truyền thống cùng với sáng máy tính.

UNESCO đã tiến hành hồi cứu các định nghĩa được đưa ra bởi một số các tổ chức quốc gia và quốc tế để đề xuất một định nghĩa thống nhất, có thể thao tác hóa được, về sáng số như sau [2]:

Sáng số là khả năng truy cập, xử lý, hiểu, tích hợp, giao tiếp, đánh giá và tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua các công nghệ kỹ thuật số để phục vụ cho việc làm, các công việc tốt, và tinh thần dám nghĩ dám làm. Nó bao gồm các năng lực được gọi theo nhiều cách khác nhau như sáng máy tính, sáng công nghệ thông tin, sáng thông tin và sáng truyền thông.

Sáng số được biểu hiện và đánh giá qua năng lực số. Nhưng khái niệm năng lực số (digital competence) cũng có nhiều định nghĩa khác nhau. Đó là một khái niệm đa chiều và nhiều khi được dùng đồng nghĩa với các khái niệm sáng số, kỹ năng số (digital skills). Định nghĩa sau đây của Ủy ban Châu Âu cho thấy điều đó:

Năng lực số liên quan đến việc sử dụng và tham gia một cách tự tin, có phê phán và có trách nhiệm với các công nghệ kỹ thuật số để học tập, làm việc và tham gia vào xã hội. Nó bao gồm sáng thông tin và dữ liệu, giao tiếp và cộng tác, sáng truyền thông, tạo lập nội dung số (bao gồm cả lập trình), an toàn (bao gồm tiện ích số và năng lực liên quan đến an ninh mạng), các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện [3].

Định nghĩa trên phản ánh tính đa chiều của năng lực số. Vì vậy, phần lớn các khung năng lực số hiện nay trên thế giới, như khung năng lực số cho giáo viên của Tây Ban Nha, khung năng lực số cho giáo viên của Na Uy, khung các kỹ năng sáng số của Úc, khung sáng số quốc gia của Indonesia, khung kỹ năng Skills Future của Singapore, khung năng lực số cho công dân DigComp 2.2 của Liên minh Châu Âu… đều gồm từ 3 đến 5 chiều đo thể hiện qua các lĩnh vực năng lực số (chiều đo 1); mỗi lĩnh vực sẽ gồm những năng lực số cụ thể (chiều đo 2), trong đó mỗi năng lực số được hiểu là một tổ hợp kiến thức, kỹ năng và thái độ về kỹ thuật số để thực thi một nhiệm vụ cụ thể trong một bối cảnh cụ thể, với những mức độ năng lực (chiều đo 3) cần đạt khác nhau.

Hiện trạng đào tạo năng lực số ở Việt Nam

Trong một thời gian dài, từ năm 1988 đến 2004, tuy về chủ trương việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục nước ta được khuyến khích mạnh mẽ, nhưng bức tranh chung vẫn chỉ dừng lại ở việc đưa máy tính vào trong môi trường giáo dục. Cho đến tận năm học 2004-2005, Tin học mới được đưa vào chương trình của học sinh lớp 8 trung học cơ sở dưới hình thức một môn học tự chọn, với thời lượng 2 tiết/tuần; và được bổ sung vào chương trình trung học phổ thông như một môn học chính thức với thời lượng 1 tiết/tuần.

Bước ngoặt căn bản được thực hiện với chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo đó Tin học là môn học bắt buộc được dạy từ lớp 3 đến lớp 9, và được phân hóa ở trung học phổ thông theo hai định hướng tin học ứng dụng và khoa học máy tính tuỳ theo sở thích và dự định về nghề nghiệp trong tương lai của học sinh.

Các năng lực cần đạt bao gồm: 1) Sử dụng và quản lí các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông; 2) Ứng xử phù hợp trong môi trường số; 3) Giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông; 4) Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học; 5) Hợp tác trong môi trường số. Đánh giá phản biện chương trình, Tiến sĩ Lee Choo Mooi - Chuyên gia giáo dục Singapore – nhận định: "Các chủ đề trong chương trình Tin học năm 2018 của Việt Nam tương tự với chương trình mà nhiều quốc gia đang giảng dạy cho học sinh ở độ tuổi phổ thông. Yêu cầu cần đạt về kết quả học tập có sự phù hợp và có sự tăng trưởng cấp độ cho các chủ đề ở mỗi cấp. Vì vậy, chương trình Tin học của Việt Nam có sự tương đương như chương trình của các quốc gia khác".

Ở bậc đại học, cả nước hiện có 235 trường đại học, trong đó có 153 trường đào tạo công nghệ thông tin, hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường. Các chương trình đào tạo công nghệ thông tin khá đa dạng với một số đặc trưng sau:

• Một số chương trình được thực hiện theo phương thức chuyển nhượng chương trình nước ngoài thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế;

• Một số chương trình được thực hiện theo phương thức liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài;

• Một số chương trình được cơ sở tự xây dựng, có sự phối hợp với doanh nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và các doanh nghiệp;

• Một số chương trình chất lượng cao được xây dựng, kiểm định và công nhận theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đến nay, theo danh sách các chương trình đào tạo được đánh giá công nhận do Cục Quản lý chất lượng cập nhật đến ngày 31/5/2020 thì trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã có 9 chương trình được kiểm định và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước, 35 chương trình được kiểm định và công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Rõ ràng đó là một bước tiến đáng kể so với những năm trước đây trong phát triển chương trình đào tạo công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nếu so với tổng số chương trình đào tạo hiện nay của 153 cơ sở giáo dục đại học có đào tạo bậc đại học về công nghệ thông tin, viễn thông và an toàn thông tin mạng thì số chương trình đào tạo được kiểm định và công nhận là nhỏ bé.

Bên cạnh các chương trình tin học trong giáo dục phổ thông và các chương trình về công nghệ thông tin trong giáo dục đại học, còn các chương trình tin học văn phòng do các trung tâm tin học cung cấp. Các chương trình tin học trình độ A, B, C trước đây hiện được thay thế bởi chương trình tin học cơ bản và chương trình tin học nâng cao. Bên cạnh đó là ba chương trình lấy chứng chỉ quốc tế, bao gồm MDLS (Microsoft Digital Literacy Standard Curriculum), ICDL (International Computer Driving Licence) và IC3 (The Internet and Computing Core Certification).

Có thể thấy, cung và cầu về các kỹ năng công nghệ thông tin được quan tâm mạnh mẽ ở Việt Nam. Tuy nhiên so với bước tiến chung trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực này thì Việt Nam đang ở vị trí thấp về kỹ năng số trong dân cư. Báo cáo chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2019 cho thấy về chỉ số kỹ năng số trong dân số hoạt động thì Việt Nam xếp ở vị trí 97/141 quốc gia. Riêng trong phạm vi 10 nước ASEAN thì Việt Nam xếp cuối bảng, thấp hơn cả Lào (74/141), chỉ hơn Campuchia (112/141).

Đây là một điểm yếu mà chúng ta cần nhận dạng đầy đủ. Để khắc phục điểm yếu này, hiện Việt Nam đang tìm cách mở rộng nguồn cung miễn phí trong đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số dựa trên lợi thế công nghệ số. Nền tảng học tập Công Dân số, được phát triển dưới sự hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Tổ chức Di cư Quốc tế, đang cung cấp một loạt khóa học về kỹ năng số giúp người học có những kỹ năng cần thiết để có thể bắt đầu sử dụng máy tính một cách tự tin, hiệu quả và an toàn trực tuyến. Sáng kiến Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0, do Google khởi xướng và hợp tác cùng Bộ Công thương, đã và đang cung cấp hàng chục khóa học về kỹ năng số hữu ích và dễ tiếp cận cho phép mọi cá nhân có cơ hội bình đẳng để học hỏi và phát triển.

Xây dựng khung năng lực/kỹ năng số quốc gia hiện đã là một nhiệm vụ cần thực hiện để phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số. Ảnh minh họa: Đại học Đà Nẵng

Xây dựng khung năng lực/kỹ năng số quốc gia hiện đã là một nhiệm vụ cần thực hiện để phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số. Ảnh minh họa: Đại học Đà Nẵng

Tuy nhiên, cho đến nay, cách tiếp cận của Việt Nam trong đào tạo và phát triển kỹ năng số vẫn mang tính tình thế, chắp vá, thiếu một tiếp cận tổng thể. Điều đó được thể hiện qua việc chúng ta vẫn chưa quan tâm xây dựng khung kỹ năng số quốc gia.

Mới đây, trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 411 ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đã có quy định về nhiệm vụ như sau: “Xây dựng và tổ chức triển khai chuẩn kỹ năng số và khung kỹ năng số quốc gia, trong đó, xác định các kỹ năng cần thiết, trình độ đáp ứng, phù hợp theo từng đối tượng”.

Đây là nhiệm vụ hướng tới xây dựng một tiếp cận tổng thể và nhất quán trong phát triển kỹ năng số. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ xây dựng khung kỹ năng số quốc gia như thế nào. Kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng “đừng phát minh lại cái bánh xe” bởi lẽ hiện đã có trên thế giới một số khung kỹ năng số được đánh giá cao, đáng để chúng ta tham khảo và vận dụng. Trong đó, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thì khung tham chiếu toàn cầu về kỹ năng sáng số (gọi tắt là khung toàn cầu sáng số, [2]) do UNESCO xây dựng rất có giá trị tham khảo.

Khung toàn cầu sáng số (Digital Literacy Global Framework, DLGF)

Vận dụng khung năng lực số cho công dân DigComp 2.2 của Liên minh Châu Âu vào bối cảnh các nước đang phát triển, kết hợp với nhiều vòng chỉnh lý trên cơ sở tham vấn chuyên gia, UNESCO đề xuất khung toàn cầu sáng số gồm 7 lĩnh vực năng lực và 26 năng lực như sau:

Khung năng lực số nêu trên được khuyến nghị vận dụng phù hợp với bối cảnh cụ thể của từng quốc gia để xây dựng các chương trình giáo dục, các khóa đào tạo, chủ yếu cho các đối tượng là công dân và ngành nghề không ICT. Đối với ngành nghề ICT, cần xây dựng các khung năng lực số chuyên biệt.

Theo thông lệ, việc xây dựng và phát triển cũng như đánh giá các năng lực số nêu trên được phân loại theo nhiều mức. Về cơ bản có 4 mức, lần lượt là cơ bản, trung cấp, nâng cao và chuyên biệt.

Theo đề xuất có tính tham khảo của Ngân hàng Thế giới [4] thì mức độ cần đạt về năng lực số đối với các đối tượng khác nhau theo khung năng lực số nêu trên có thể là như sau:

Vấn đề đặt ra với Việt Nam

Xây dựng khung năng lực/kỹ năng số quốc gia hiện đã là một nhiệm vụ cần thực hiện để phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số, với tư cách là một cấu phần tạo nên nền móng kinh tế số và xã hội số theo Quyết định 411 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ này đi liền với nhiệm vụ xây dựng nền tảng khóa học trực tuyến mở đại chúng MOOC về kỹ năng số, cho phép mọi người truy cập theo học các khóa đào tạo kỹ năng số theo nhu cầu, trình độ và năng lực cá nhân.

Hiện đã có Quyết định 608 ngày 31/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt kế hoạch triển khai nền tảng MOOC về kỹ năng số. Tuy nhiên, vẫn chưa có văn bản nào về kế hoạch triển khai xây dựng khung năng lực/kỹ năng số quốc gia. Vì vậy, để đảm bảo tính đồng bộ trong tổ chức thực hiện, vấn đề đặt ra là cần có kế hoạch cụ thể theo hướng vận dụng khung toàn cầu sáng số của UNESCO vào điều kiện cụ thể của Việt Nam (với sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết của các tổ chức quốc tế như UNESCO, Ngân hàng Thế giới).

Chỉ khi có khung năng lực/kỹ năng số quốc gia mới có cơ sở tham chiếu để rà soát, điều chỉnh, phát triển các chương trình và khóa học trong đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng số cho các đối tượng khác nhau theo một tiếp cận tổng thể, nhất quán. Và cũng chỉ khi đó thì nền tảng MOOC về kỹ năng số mới có thể vận hành phù hợp, chất lượng và hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đề ra là phổ cập kỹ năng số cơ bản cho mọi người dân, cung cấp kỹ năng số nâng cao cho các đối tượng khác nhau theo hướng cá nhân hóa, xóa mù kỹ năng số cho vùng sâu, vùng xa.

Tài liệu tham khảo

[1] World Bank. 2022. Digital economy for Latin America and The Caribbean. Country Diagnostic: El Salvador. Washington DC: The World Bank

[2] UNESCO. 2018. A Global Framework of Reference on Digital Literacy Skills for Indicator 4.4.2. Montreal, Quebec: UNESCO Institute for Statistics

[3] Vuorikari, R., Kluzer, S. and Punie, Y. 2022. DigComp 2.2: The Digital Competence Framework for Citizens - With new examples of knowledge, skills and attitudes. Luxembourg: Publications Office of the European Union

[4] Bashir, S. 2020. Digital Skills: Frameworks and Programs. Washington, DC: World Bank. License: Creative Commons Attribution CC BY 3.0 IGO

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến