Có thông tư từ năm 2020 nhưng đến nay nhiều nơi chưa thể dạy tiếng Anh

19/12/2022 06:56
Hoài Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở địa phương vùng khó, vận động cho trẻ mầm non đến lớp đúng độ tuổi đã khó, vận động phụ huynh đóng góp thêm kinh phí để trẻ học tiếng Anh là ít khả thi. 

Ngày 31/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT về việc ban hành chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo. Theo đó, việc cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh sẽ được tổ chức 35 tuần/năm, tối thiểu 2 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động từ 25-35 phút.

Tùy thuộc vào điều kiện, hoạt động làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo sẽ được tổ chức linh hoạt vào các thời điểm khác nhau, phù hợp với khả năng của trẻ. Tuy nhiên, cần chú trọng phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời theo dõi và hỗ trợ trẻ giao tiếp tương tác bằng tiếng Anh kịp thời trong quá trình làm quen. Bên cạnh đó, giúp cho trẻ có thêm những vốn từ phong phú, tiếp nhận thêm những nền văn hóa văn minh của các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, triển khai thực hiện thông tư này ở mỗi địa phương lại có những khó khăn riêng, do đặc thù điều kiện, mức sống của người dân từng vùng.

Chưa thể dạy tiếng Anh vì còn ưu tiên học tiếng phổ thông

Trường Mầm non Hoa Lan (huyện Chư-sê, tỉnh Gia Lai) hiện có 5 điểm trường, 90% học sinh là con em dân tộc thiểu số nên việc thầy cô và phụ huynh ưu tiên, chú trọng hơn cả là làm sao cho trẻ có thể sử dụng thành thạo tiếng phổ thông sau khi hoàn thành xong chương trình giáo dục mầm non. Bên cạnh đó, vì đời sống kinh tế còn nhiều hạn chế nên cha mẹ thường không chú trọng, quan tâm đến việc học ngoại ngữ của trẻ.

Giờ học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ của trẻ mẫu giáo ở Gia Lai. Ảnh: Báo Gia Lai

Giờ học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ của trẻ mẫu giáo ở Gia Lai. Ảnh: Báo Gia Lai

Học sinh ở Trường Mầm non Hoa Lan hiện phải nộp học phí khoảng 60.000 đồng/tháng để đến lớp. Ở điểm trường, việc vận động các bậc phụ huynh cho trẻ đi học đã vất vả, nhiều khi thầy cô phải gõ cửa từng nhà, động viên từng phụ huynh để thuyết phục họ cho trẻ đến lớp đúng độ tuổi. Vì thế, không thể đòi hỏi phụ huynh đóng thêm tiền để con học ngoại ngữ ở trường.

Ở địa phương này, để học sinh tiểu học được học ngoại ngữ cũng đã cần sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các nhà trường, các cấp, các ngành nên việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo học tiếng Anh là ít khả quan. Thêm vào đó, với địa hình vùng núi, hiếm có thầy cô nào lên điểm trường để dạy ngoại ngữ cho trẻ. Nhưng dù có tính đến phương án tập trung tổ chức một lớp ở điểm trường trung tâm cũng không khả thi, phần vì phụ huynh không có nhu cầu, phần vì không có kinh phí chi trả cho thầy cô.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư-sê cho biết: Hiện toàn huyện mới chỉ thực hiện dạy thí điểm tiếng Anh cho trẻ mầm non tại 4 trường, trong đó có 2 trường công lập và 2 trường tư thục. Tất cả 4 trường đều ở khu vực thị trấn. Huyện chưa thể tổ chức dạy tiếng Anh cho trẻ ở các trường khác phần lớn là do phụ huynh không có nhu cầu cho trẻ học ngoại ngữ.

Thiếu thiết bị, phải tổ chức lớp ghép nhưng quá đông học sinh

Trường Mầm non Đông Xuân (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã chính thức thực hiện chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non từ tháng 10/2022. Là vùng nông thôn chưa phát triển, điều kiện kinh tế không cao nhưng các bậc phụ huynh vẫn cố gắng cho con làm quen với tiếng Anh ở trường.

Đến nay, 100% trẻ mẫu giáo được học tiếng Anh theo chương trình liên kết với các trung tâm ngoại ngữ, khoảng 60% trẻ được học với người nước ngoài. Đạt được con số đáng mừng này, nhà trường đã phải vượt qua hai khó khăn lớn nhất đó là thiếu giáo viên và thiếu trang thiết bị.

Theo cô Đặng Thị Thắm (Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Xuân): “Nhà trường tổ chức cho các cháu học ngoại ngữ với người nước ngoài, có trợ giảng là giáo viên của nhà trường. Thế nhưng các cô trợ giảng này chỉ giao tiếp được một số câu tiếng Anh thông dụng, chưa thể giao tiếp thành thạo hay trực tiếp đứng lớp nên chủ yếu chỉ giữ vai trò quản lý, điều phối lớp học.

"Vậy nên, theo tôi để chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non được triển khai hiệu quả, các trường vẫn nên có một giáo viên ngoại ngữ riêng để thuận tiện trao đổi với giáo viên bản xứ hoặc có thể trực tiếp giảng dạy khi cần.

Hơn thế nữa, các giáo viên còn có thể theo dõi tình hình từng học sinh và đóng vai trò là cầu nối giữa phụ huynh và giáo viên bản xứ. Và khi nhà trường có giáo viên tiếng Anh riêng, phụ huynh cũng phần nào giảm được áp lực kinh tế khi giờ tiếng Anh được đưa vào chương trình học chính khóa nói chung", cô Thắm nói.

Mặc dù đã triển khai thí điểm chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non từ năm học trước, đưa vào dạy chính thức năm học này nhưng đến nay nhà trường vẫn chưa được có đủ trang thiết bị dạy học. Hiện tại, trường tận dụng tối đa trang thiết bị sẵn có, tập trung học sinh cùng độ tuổi vào học một lớp ghép có tivi thông minh, nhưng chính việc ghép lớp cũng đem lại khó khăn.

Ở lớp 3 tuổi, sĩ số lớp ghép là khoảng 20 học sinh, lớp 4 tuổi sĩ số hơn 20, lớp 5 tuổi sĩ số là 25 - 30 học sinh. Lớp ghép đông, một tiết học chỉ khoảng 30 - 35 phút thì khó có thể kèm cặp từng cháu. Thêm vào đó, thiếu giáo cụ trực quan cũng khiến cho việc giảng dạy của thầy cô gặp khó khăn vì ở độ tuổi này, học sinh chủ yếu học qua các giác quan như nghe, nhìn, chạm”.

Cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ sớm là điều cần thiết, bởi đây là độ tuổi trẻ có thể phát triển ngôn ngữ một cách nhanh chóng. Nếu thực hiện giảng dạy trong trường mầm non, trẻ có thể vừa học vừa chơi, khơi gợi hứng thú với ngoại ngữ, làm tiền đề cho sự phát triển trong tương lai của trẻ.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non vẫn đang gặp nhiều rào cản, đặc biệt các địa phương vùng nông thôn, các địa phương vùng cao sẽ càng khó triển khai hơn. Nếu muốn đưa Thông tư 50 vào thực tiễn, các địa phương sẽ cần sự đầu tư không nhỏ, đặc biệt là đầu tư về tài chính và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả chương trình này, nhà trường còn cần sự chung tay, giúp sức của các bậc phụ huynh.

Hoài Linh