Hòa Bình: cho trẻ mẫu giáo làm quen với Tiếng Anh, khó cả về GV và kinh phí

29/11/2022 06:42
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Việc thuê giáo viên không dễ dàng bởi địa phương là địa bàn vùng núi đi lại còn nhiều khó khăn, số lượng trung tâm tiếng Anh còn ít".

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình ban hành văn bản hướng dẫn các phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo.

Theo đó, nội dung trên được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định tại Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo; và Công văn số 4749/BGDĐT-GDMN ngày 23/9/2022 về việc hướng dẫn triển khai Thông tư trên với những nơi có đủ điều kiện.

Văn bản nêu, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình yêu cầu các phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thành phố bố trí nguồn kinh phí, trang bị cơ sở vật chất để đảm bảo cho việc thực hiện chương trình. Bên cạnh đó là xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức tuyên truyền tới phụ huynh về vai trò của tiếng Anh với trẻ nhằm tạo sự đồng thuận...

Về việc triển khai, các phòng sẽ hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non căn cứ trên tài liệu đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Trong quá trình triển khai, các phòng sẽ giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá... gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo.

Về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình thực hiện Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo tại tỉnh Hòa Bình, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Minh Thắng (Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình) thông tin một số nội dung.

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: CP)

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: CP)

Được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh

Theo ông Nguyễn Minh Thắng, trong năm học 2022-2023, một số trường tại huyện Kim Bôi và thành phố Hòa Bình đã triển khai thực hiện Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo. Chương trình này đã nhận được ủng hộ của nhiều phụ huynh, bởi họ nhận thấy sự tiếp thu, phát âm ngoại ngữ của trẻ ở giai đoạn mầm non là rất phù hợp.

"Nhiều phụ huynh dù không có điều kiện nhưng cũng rất mong muốn các con được học tập tiếng Anh, đây cũng là hoạt động mới đối với giáo dục tỉnh Hòa Bình", ông Thắng chia sẻ.

Để đạt được kết quả khả quan trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn, gửi văn bản triển khai tới các phòng giáo dục. Đây là căn cứ để các trường triển khai tuyên truyền tới phụ huynh.

Đối với việc thẩm định, phòng giáo dục các huyện, thành phố là đơn vị thẩm định về cơ sở vật chất và phương án, điều kiện triển khai của các trường, còn Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị cung ứng tài liệu đến địa phương thuộc tỉnh.

Bên cạnh đó, các trường tại địa phương cũng đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất khá đầy đủ.

"Về phòng máy, những đơn vị tổ chức triển khai cũng đã đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định của Bộ. Ví dụ trường chuẩn mức độ 2 quốc gia đều có phòng ngoại ngữ - tin học với máy tính, tivi...", ông Thắng nói.

Về chương trình giảng dạy tiếng Anh cho trẻ, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học cho hay, việc học thông qua một số hoạt động chơi, làm quen với hình ảnh, trò chơi có trong tài liệu giảng dạy. Học ngoại ngữ ở mầm non nhằm giúp các bé làm quen trước khi vào lớp 1 được học tiếng Anh chính khóa.

Những khó khăn khi thực hiện chương trình

Bên cạnh những thuận lợi trên, còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, khiến nhiều trường chưa thể thực hiện triển khai được chương trình. Trong đó, khó khăn nhất là việc thiếu đội ngũ giáo viên.

"Có những đơn vị chưa triển khai đăng kí thực hiện chương trình là do thiếu giáo viên. Trước thực trạng trên, nhiều phụ huynh đề xuất dạy một buổi/tuần nhưng chương trình lại quy định bắt buộc tối thiểu dạy hai buổi/tuần", ông Thắng nói.

Chia sẻ về việc thiếu đội ngũ giáo viên, ông Thắng cho biết, tại Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ Giáo dục quy định, việc các các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chương trình, sẽ không phát sinh biên chế giáo viên.

Bởi vậy, giáo viên giảng dạy các bé sẽ được thuê từ các trung tâm tiếng Anh trên địa bàn.

"Việc chi trả học phí, tài liệu sách cho trẻ sẽ do phụ huynh thỏa thuận với nhà trường và trung tâm tiếng Anh. Sau khi các trường làm hồ sơ sẽ gửi lên phòng giáo dục, phòng sẽ phối hợp với các trung tâm tiếng Anh đủ điều kiện theo Thông tư 50, cung cấp giáo viên cho nhà trường", ông Thắng chia sẻ.

Tuy nhiên theo ông Thắng, việc thuê giáo viên không dễ dàng bởi địa phương là địa bàn vùng núi đi lại còn nhiều khó khăn, số lượng trung tâm tiếng Anh còn ít.

"Một số địa phương vùng núi ở các tỉnh khác cũng đang vướng những khó khăn về giáo viên như tỉnh Hòa Bình, khi triển khai thực hiện Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo", ông Thắng chia sẻ.

Thông tin thêm về khó khăn, ông Thắng cho hay, nếu các trường đáp ứng được về vấn đề con người, còn có những khó khăn khác về kinh tế. Đó là ngoài việc đóng tiền học phí tiếng Anh cho các con khoảng 8-15 nghìn đồng/buổi, ngoài ra phụ huynh còn phải đóng học phí, ăn bán trú... nên đây là khó khăn về kinh tế với nhiều phụ huynh vùng núi.

Mạnh Đoàn