Câu chuyện trường Đại học Bách khoa Hà Nội mới đây chính thức đổi tên thành Đại học Bách khoa Hà Nội đã làm dấy lên nhiều ý kiến trong dư luận. Nhiều vấn đề được đưa ra bàn luận sôi nổi như sự khác nhau giữa trường đại học và đại học, sự chuyển đổi về tên gọi này liệu có đi cùng với chất lượng đào tạo, hay lo ngại phong trào chuyển đổi ồ ạt từ trường đại học thành đại học…
Là nhà giáo có nhiều tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đại học, đồng thời cũng là một thành viên trưởng thành từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức đã có nhiều chia sẻ thẳng thắn xung quanh vấn đề này.
Quy định có thể thành lập thêm nhiều đại học là một sự “quá đà”
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng, câu chuyện của Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ ở tên gọi, mà còn là liên quan đến bản chất và triết lý khi thành lập từng đại học; quan hệ và quy chế vận hành của các thành viên trong tổ chức ấy...
Các đại học khi thành lập đều có sứ mệnh của nó chứ không đơn thuần theo định nghĩa về trường đại học và đại học trong Luật như hiện nay.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức. Ảnh: VNU |
Theo đó, ngược thời gian về năm 1993, từ tâm huyết và tầm nhìn xa trông rộng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và chủ trương cũng như quyết tâm của Bộ chính trị, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập với mục tiêu thành một đại học có quyền tự chủ cao nhất, đa ngành, đa lĩnh vực, có sứ mệnh làm nòng cốt, tiên phong và đầu tàu đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học của nước nhà.
Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập trên cơ sở từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (ban đầu có cả trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng sau đó đã tách ra). Đại học Quốc gia Hà nội là Vietnam National University Hanoi, và các trường thành viên là các College. Giám đốc được quy định dịch ra tiếng Anh là President, hiệu trưởng các trường thành viên quy định dịch ra tiếng Anh là Rector.
Lưu ý là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vận hành theo mô hình khác nhau. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh theo mô hình tổ hợp một cách cơ học các trường đại học thành viên gộp lại mà thành.
Đại học Quốc gia Hà Nội có sự cơ cấu lại, sử dụng chung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, với cơ chế liên thông liên kết giữa các đơn vị, mô hình a +b (một trường này tồn tại và phát triển có sự đóng góp liên thông và hỗ trợ của các trường khác), và nhờ vận hành theo mô hình “one VNU” này, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát huy được sức mạnh của các đơn vị thành viên, phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Đặc biệt bên cạnh các ngành khoa học cơ bản, lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và y dược của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được xây dựng, khẳng định và phát triển vượt bậc. Năm 2022, lĩnh vực kỹ thuật công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội đã vươn lên xếp hạng thứ 386 thế giới trong bảng xếp hạng QS.
Năm 2012, Luật Giáo dục đại học ra đời. Và lần đầu tiên, khái niệm đại học quốc gia và đại học vùng được đưa vào Luật - quy định việc thực hiện sứ mệnh của quốc gia và của vùng.
Quy chế tổ chức hoạt động của đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quy định. Còn quy chế tổ chức và hoạt động của các đại học vùng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Riêng về vai trò, sứ mệnh và vị trí của 2 đại học quốc gia còn được ghi nhận thành hẳn 1 điều trong Luật.
Luật Giáo dục đại học 2012 cũng lần đầu tiên quy định rằng trong đại học có các trường đại học thành viên. Cả đại học và trường đại học đều do Thủ tướng ký quyết định thành lập.
Từ đó, chính thức ở nước ta có mô hình được nước ngoài hiểu nôm na là “trường đại học trong trường đại học”. Giám đốc đại học là President. Hiệu trưởng các trường thành viên cũng thành President. Và đã có lần trong Hội nghị quốc tế, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia là Vice-President được ban tổ chức xếp ngồi hàng dưới các Hiệu trưởng - President.
Cơ sở Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Ảnh: VNU |
Điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học: Có ít nhất 03 cơ sở giáo dục trực thuộc; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người...
Tuy nhiên, Luật Giáo dục đại học 2018 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2012) lại tiếp tục phát triển. Ngoài khái niệm đại học quốc gia và các đại học vùng, còn đưa vào Luật việc có thể thành lập thêm nhiều đại học khác (nếu đáp ứng một số điều kiện).
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, đây là một “sự quá đà” và có chút nóng vội khi chưa đánh giá hết những mặt đã làm được và chưa làm được của mô hình đại học 2 cấp hiện tại.
“Theo Luật, trường đại học là cơ sở giáo dục đại học có nhiều ngành, còn đại học là có nhiều lĩnh vực. Riêng định nghĩa này cũng đã là việc phải bàn lại. Vì như Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, bao gồm nhiều khoa, với các lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Xã hội Nhân văn, Kinh tế, Luật – đâu cần có nhiều trường thành viên - rõ ràng đã là một đại học”, Giáo sư Đức bàn luận thêm.
Kết quả, khi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên chuyển đổi từ trường đại học thành đại học (theo quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018) đã vấp phải tranh cãi gay gắt từ dư luận. Một số trường đại học khác cũng hăng hái tuyên bố tiếp tục sẽ trở thành các đại học.
Giáo sư Đức chỉ ra, với những người quản lý giáo dục thì hiểu sự khác nhau giữa đại học và trường đại học, còn tuyệt đại đa số xã hội thấy bất ngờ và ngạc nhiên.
“Từ trước đến nay, khái niệm trường đại học và đại học được nhân dân và ngôn ngữ tiếng Việt hiểu và đồng hóa làm một, do đó, ở một khía cạnh nào đó, đều là “trường đại học” - ông phân tích thêm.
Từ câu chuyện đại học, trường đại học: Nhiều vấn đề cấp thiết về quản trị đại học cần quan tâm hơn
Đồ họa: Bắc Sơn |
Giáo sư Nguyễn Đình Đức chỉ ra điểm mới trong Luật Giáo dục đại học 2018 là đưa vào khái niệm tự chủ đại học. Và đối chiếu với các quy định để tự chủ như hiện nay, thì các trường đại học thành viên dễ thành cơ sở giáo dục đại học tự chủ hơn là đại học - và khi đó sẽ có nhiều quyền hơn cả đại học.
“Nếu không cẩn thận, mâu thuẫn sẽ tồn tại trong sự thống nhất. Tự chủ các trường thành viên càng mạnh thì mâu thuẫn này càng lớn. Các đại học, trong đó kể cả 2 đại học quốc gia, nếu không tập hợp và tập trung được lực lượng để chỉ đạo điều hành thống nhất, sẽ không còn sức mạnh tập trung”, Giáo sư đặt vấn đề.
Vậy cần quản trị ra sao để đảm bảo sự thống nhất, tránh những mâu thuẫn khi tồn tại mô hình "trường đại học tự chủ" trong một "đại học tự chủ"?
Ông cho rằng, với mô hình đại học 2 cấp, điều cần thiết là tăng quyền tự chủ mạnh hơn nữa cho đại học. Việc áp dụng các mô hình và kinh nghiệm của nước ngoài là cần thiết, nhưng không có nghĩa ở nước ngoài có là áp dụng ngay ở Việt Nam. Cần có nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp và hiệu quả, có cơ sở khoa học, và nhất là cơ sở thực tiễn.
Giáo dục đại học của chúng ta đã có nhiều nỗ lực để đổi mới, và đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn có những lúng túng, đôi khi thiếu thực tiễn và thiếu tư duy hệ thống.
Nếu không có đánh giá và điều chỉnh, rồi sẽ chỉ thấy có thêm nhiều "đại học", "trường đại học" mới, và kéo theo sẽ có thêm nhiều chức danh Giám đốc đại học, Hiệu trưởng các trường đại học – nhưng giáo dục đại học của chúng ta vẫn không tiến lên phía trước.
“Năm 2022, không có đại học lớn nào của Việt Nam tăng hạng. Thậm chí một số đại học lớn đã bắt đầu tụt hạng.
Cho nên việc Đại học Bách Khoa Hà Nội vừa rồi tuyên bố không thành lập các trường đại học thành viên là một quyết định khôn ngoan và sáng suốt.
Xem ra mô hình ban đầu như các bậc tiền bối thành lập đại học quốc gia: University và các College là chuẩn nhất và có tính hệ thống, phù hợp nhất”, ông nói.
Từ đó, liên quan đến câu chuyện đại học, trường đại học, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nêu quan điểm:
“Với hoàn cảnh đội ngũ, cơ sở vật chất và tiềm lực khoa học công nghệ của Việt Nam như hiện nay, cá nhân tôi không ủng hộ và cổ súy cho việc thành lập thêm nhiều đại học. Mà hãy phát triển thành các trường đại học đa ngành đa lĩnh vực một cách thực chất và hiệu quả, đẩy mạnh tự chủ đại học để giáo dục đại học Việt Nam nhanh chóng hội nhập với chuẩn mực và trình độ, chất lượng quốc tế - đây mới là triết lý bất di bất dịch và là những nội dung cấp thiết nhất của đổi mới giáo dục đại học hiện nay”.
Hiện cả nước ta có 6 đơn vị đại học (gồm 2 đại học quốc gia, 3 đại học vùng và đại học Bách khoa Hà Nội). Cả 6 đơn vị này đều đang hoạt động theo những mô hình khác nhau.
Trong khi đó, nhiều trường đại học khác cũng đang có chủ trương phát triển lên thành đại học như: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ…