“Trường đại học” hay “Đại học”: vấn đề không chỉ ở tên gọi!

09/12/2022 06:38
Võ Văn Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều đáng quan tâm hơn không chỉ ở khái niệm, thuật ngữ mà ở chỗ sự nhầm lẫn không chỉ với cộng đồng XH, ngay cả một số cán bộ ở một số bộ, ngành vẫn nhầm. 

Hiện nay, cả nước có trên 200 trường đại học, hơn 20 học viện (không tính các trường thuộc khối quốc phòng – an ninh), 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng. Về quản lí nhà nước, 2 đại học quốc gia chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ tướng chính phủ; 3 đại học vùng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; các trường đại học và học viện thuộc các Bộ, Ngành, Viện hàn lâm và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trực thuộc trung ương. Ngoài ra còn có mô hình đại học đặc thù như Đại học Việt Đức (hợp tác giữa 2 chính phủ). Bên cạnh các trường đại học, đại học có tư cách pháp nhân thì cũng có các trường thuộc trường đại học như ở Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Cần Thơ…

Về khía cạnh quản trị cơ sở giáo dục đại học lẫn quản lí nhà nước đối với các trường đại học và đại học hiện nay cũng có nhiều sự khác biệt mặc dù vẫn thực hiện theo Luật 34/2018/QH14 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học). Điều đó cho thấy các bên liên quan, nhất là bên ngoài hệ thống giáo dục đại học rất khó phân biệt và cũng dễ nhầm lẫn.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học đầu tiên chuyển từ trường lên đại học sau khi Luật Giáo dục đại học 2018 và nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực. Ảnh: HUST

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học đầu tiên chuyển từ trường lên đại học sau khi Luật Giáo dục đại học 2018 và nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực. Ảnh: HUST

Điều đáng nói là, ngay cả trong các bộ, ngành trực tiếp quản lí nhiều khi vẫn lẫn lộn khi phát biểu cũng như ban hành giấy mời, thông báo hội họp. Từ đó trong một số chính sách, chủ trương cũng gây ra không ít lúng túng, bất cập. Chính vì vậy, nhân lúc xã hội quan tâm đến sự kiện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành Đại học Bách Khoa Hà Nội, các cơ quan chức năng cũng cần phân tích, mổ xẻ để giúp cộng đồng cũng như để các bên liên quan cùng hiểu và hành động đúng, chứ không chỉ ở phân biệt tên gọi.

1. Trường đại học thuộc và trường đại học thành viên trực thuộc đại học: khác nhau rất căn bản

Luật 34/2018/QH14 quy định: “Cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm đại học, trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật”.

Về cơ cấu tổ chức của trường đại học quy định bao gồm: “(a) Hội đồng trường đại học, hội đồng học viện (gọi chung là hội đồng trường); (b) Hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện (gọi chung là hiệu trưởng trường đại học); phó hiệu trưởng trường đại học, phó giám đốc học viện (gọi chung là phó hiệu trưởng trường đại học); (c) Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); (d) Khoa, phòng chức năng, thư viện, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức phục vụ đào tạo khác; (đ) Trường, phân hiệu, viện nghiên cứu, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của trường đại học.”

Cơ cấu tổ chức của đại học quy định bao gồm: “(a) Hội đồng đại học; (b) Giám đốc đại học; phó giám đốc đại học; (c) Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); (d) Trường đại học, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác; (đ) Khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học.”

Ở đây có các khái niệm “trường đại học thành viên” trực thuộc “đại học”; “trường”/ “trường đại học” thuộc “đại học” và “trường” thuộc “trường đại học”, nhưng chung quy thuộc 2 nhóm: (1) trường đại học thành viên trực thuộc đại học là cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, có quyền tự chủ theo năng lực theo quy định của pháp luật và (2) trường đại học thuộc đại học hay trường thuộc trường đại là các cơ sở không có tư cách pháp nhân.

Ở khía cạnh pháp lí, những khái niệm trên là rất rõ ràng. Tuy nhiên, không phải ai trong xã hội cũng có thể hiểu những thuật ngữ mang tính chuyên ngành đó. Do đó, những hiểu lầm, gây tranh cãi là bình thường.

Song điều đáng quan tâm hơn không chỉ ở khái niệm, thuật ngữ mà ở chỗ sự nhầm lẫn không chỉ với cộng đồng xã hội, mà ngay cả một số cán bộ ở một số bộ, ngành vẫn nhầm lẫn khi phát biểu hay phát hành giấy mời, thông báo đối với trường đại học thành viên thuộc đại học quốc gia hay đại học vùng. Đã có nhiều trường hợp, người ta vẫn gọi, viết “Trường Đại học Đà Nẵng”, “Trường Đại học Huế”, “Trường Đại học Thái Nguyên”. Điều đáng nói ở chỗ: nhầm lẫn trong phát hành công văn, phát biểu có thể không nhiều ảnh hưởng, nhưng nếu nhầm lẫn trong ban hành chính sách, phân bổ nguồn lực mới là vấn đề quan ngại. Chính vì vậy, căn bản của vấn đề cần trao đổi ở đây là: không phải sự khác nhau chỉ ở tên gọi…

2. Sứ mệnh đại học vùng cũng chưa được làm rõ

Xuất phát từ chủ trương của Đảng và Nhà nước, 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng được hình thành từ những năm đầu của thập niên 90 của thế kỉ trước. Sau gần 30 năm, các đại học quốc gia và đại học vùng cũng đã phát huy vai trò và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, có sự khác nhau căn bản giữa đại học quốc gia và đại học vùng. Về tên gọi, Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đều có tên “quốc gia” và đều được dịch sang tiếng Anh là “Vietnam National University”. Trong khi các đại học vùng chỉ là “Đại học Đà Nẵng”, “Đại học Huế”, “Đại học Thái Nguyên”. Ở đây chỉ cần lẫn lộn giữa trường đại học và đại học là rất dễ nhầm về tính tương đồng với các trường đại học như Vinh, Quy Nhơn, thậm chí Quảng Nam, Quảng Bình… Trong khi với các đơn vị khác như: Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Bắc - ngay tên gọi đã thể hiện tính chất “vùng” rõ ràng hơn, mặc dù không phải là đại học vùng.

Về quản lí nhà nước, 2 đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trực tiếp, dự toán ngân sách cấp 1; trong khi 3 đại học vùng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có phân một số quyền nhất định cho đại học vùng, tuy nhiên các chính sách giáo dục đối với các đại học vùng vẫn giống như các trường đại học khác. Các chính sách “vùng”, các ngành nghề, nhiệm vụ đặc thù liên quan đến “vùng” vẫn chưa được cụ thể… Đó là những khó khăn đối với các đại học vùng.

Theo Luật 34/2018/QH14, “Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”. Để cụ thể hoá Luật 34, rất cần có những chính sách rõ ràng để các đại học quốc gia và đại học vùng phát huy vai trò và đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững đất nước.

Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và xác định rõ: “Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn ở Vinh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới, trong đó Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Đây là chủ trương lớn, có tầm chiến lược quốc gia, rất cần được cụ thể hoá bằng các quyết sách của Chính phủ cũng như vùng và địa phương, để các đại học vùng đủ nguồn lực phát triển lên đại học quốc gia đáp ứng những kì vọng của trung ương và xã hội.

3. Những việc cần làm để phát triển hệ thống giáo dục đại học hiện nay

Một là, cần sớm quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học với tầm nhìn dài hạn, cân đối giữa các vùng miền, khu vực, làm cơ sở để phân bổ nguồn lực đầu tư dài hạn. Trong đó cần tập trung nguồn lực cho các đại học quốc gia, đại học vùng, đại học trọng điểm quốc gia phát triển các ngành khoa học cơ bản, khoa học giáo dục, khoa học sự sống, khoa học biển, khoa học vũ trụ… cũng như một số ngành công nghệ hiện đại, có tầm chiến lược với đất nước.

Hai là, tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học công lập tái cấu trúc theo mô hình quản trị tiên tiến; đẩy mạnh tự chủ toàn diện cả học thuật, tổ chức và tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cung ứng nguồn lực lao động chất lượng cao, phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Ảnh minh họa: nguồn: VNU

Ảnh minh họa: nguồn: VNU

Ba là, ban hành các chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển đại học, nhất là các chính sách về thuế, đất đai, tín dụng… để các nhà đầu tư, các “mạnh thường quân” sẵn sàng đầu tư, đóng góp tài chính, tài trợ, viện trợ cho các trường đại học phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và đào tạo.

Bốn là, cần ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục đại học. Tự chủ tài chính với các cơ sở giáo dục công lập là rất cần thiết nhưng cần phải duy trì và tăng cường nguồn ngân sách để đầu tư có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy một số lĩnh vực đặc thù như khoa học giáo dục, khoa học cơ bản… cũng như lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Đây là những lĩnh vực rất cần cho quốc gia nhưng không thể để tự do cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường được.

Năm là, cần sớm chuẩn hoá các tên gọi của các đơn vị thuộc và trực thuộc đại học, trường đại học theo hướng quốc tế hoá. Thống nhất trong toàn hệ thống, để toàn xã hội tiếp cận một cách thuận lợi, cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong quan hệ, hợp tác quốc trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Tóm lại, “Trường đại học” hay “Đại học” không chỉ ở tên gọi, chữ nghĩa, mà vấn đề là cần phải được thống nhất từ khái niệm đến nhất quán trong các chủ trương, chính sách. Chỉ khi mô hình đại học được kiến thiết rõ ràng, chính sách đầu tư một cách hợp lí thì giáo dục đại học nước nhà mới đủ điều kiện phát triển một cách bền vững.

Võ Văn Minh