Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương còn có đồng chí Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tại điểm cầu địa phương có: Giám đốc, Phó Giám đốc, lãnh đạo các phòng trực thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội các quận, huyện trong toàn quốc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, năm 2022, mặc dù trong điều kiện triển khai nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng với quyết tâm biến khó khăn, thách thức thành động lực hành động, bám sát thực tiễn, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, toàn Ngành đã triển khai quyết liệt công tác thu, phát triển người tham gia (các chỉ tiêu phát triển người tham gia đều tăng so với năm 2021 và hoàn thành chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01/2022/NQ-CP của Chính phủ) và giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Trên cơ sở đánh giá các kết quả thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Hội nghị trao đổi, thảo luận nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp vượt qua khó khăn để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành trong năm 2023 như: tăng độ bao phủ người tham gia; tăng thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. "Năm 2022, việc huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phát triển người tham gia; sự hỗ trợ của các các mạnh thường quân ủng hộ, trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ gia bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn;... đều đã tạo được sự lan toả lớn trong phạm vi cả nước. Do đó, chúng ta cần thống nhất từ chủ trương cho tới hành động để quyết liệt hơn nữa trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của Ngành", Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội nghị |
Vượt khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ
Đánh giá về bức tranh chung trong công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thời gian qua, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, năm 2022, tại nhiều doanh nghiệp, đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập của doanh nghiệp và người lao động. Mặt khác, do hậu quả của đại dịch Covid-19, đời sống của Nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đã tác động mạnh đến công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, gia bảo hiểm y tế của Ngành.
Trong bối cảnh đó, Lãnh đạo ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời xây dựng các kịch bản chỉ đạo, điều hành phù hợp, nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ năng vận động, tuyên truyền phát triển người tham gia; linh hoạt áp dụng các hình thức thu, nộp tiền đóng trực tiếp hoặc trên Cổng Dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia, tổ chức dịch vụ thu và cơ quan bảo hiểm xã hội; duy trì việc tổ chức các Hội nghị trực tuyến để đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác thu, thu nợ và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, gia bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng luôn bám sát, tuân thủ nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phối hợp chặt chẽ với các ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tổ chức các hội nghị vận động, tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, gia bảo hiểm y tế cho người dân bằng nhiều hình thức linh hoạt; tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất để đôn đốc thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Với sự nỗ lực của toàn Ngành, năm 2022, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực, hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội, gia bảo hiểm y tế được Chính phủ giao trong bối cảnh hết sức khó khăn.
Năm 2023, Ngành tiếp tục tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp linh hoạt, hiệu quả ngay từ đầu năm. Theo báo cáo, tính đến hết tháng 01/2023, cả nước có gần 17,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ bao phủ là 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2023 tạm tính là 46,12 triệu người theo thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV/2022 của Tổng cục Thống kê); tăng 648 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó: trên 15,8 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; trên 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, lần lượt tăng 4,2%, 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Số người tham gia gia bảo hiểm y tế trên 88,9 triệu người người, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Lan tỏa quyết tâm và hành động
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã ghi nhận những nỗ lực của toàn Ngành trong công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tổng Giám đốc nhấn mạnh, dựa trên các nhận định của Chính phủ năm 2023 là năm với rất nhiều khó khăn tác động tới công tác thu, phát triển người tham gia của Ngành, song với phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Linh hoạt - Sáng tạo - Chuyên nghiệp - Hiệu quả”, toàn Ngành sẽ nỗ lực, tận dụng tối đa mọi nguồn lực và lợi thế sẵn có để phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.
Bảo hiểm xã hội từng địa phương cần rút ra bài học kinh nghiệm hay để triển khai, nhân rộng trong toàn đơn vị; kịp thời đề xuất, tháo gỡ các vướng mắc để thực hiện hiệu quả các nội dung theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; kịp thời báo cáo, tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện; tăng cường công tác truyền thông tới mọi tầng lớp Nhân dân…
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị trực tuyến |
Với tinh thần khẩn trương, tận dụng thời gian bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ ngay từ đầu năm 2023 để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, trên cơ sở dự báo, đánh giá các tác động đến công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 301/BHXH-TST ngày 07/02/2022 tạm giao kế hoạch thu, phát triển người tham gia năm 2023 đối với Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố, trong đó có một số chỉ tiêu cụ thể như: bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 892 nghìn người, bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 314 nghìn người, gia bảo hiểm y tế tăng 1,978 triệu người so với năm 2022.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố bám sát vào chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, trong đó tập trung các giải pháp sau:
1. Chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã; tham mưu kế hoạch, nội dung giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
2. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế; Sở Kế hoạch - Đầu tư và các ngành liên quan nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, việc sử dụng lao động, chi trả tiền lương và các khoản bổ sung khác để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra yêu cầu đơn vị đăng ký tham gia và nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
3. Rà soát, đánh giá, mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu và nhân viên thu; chủ động bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, tổ chức hội nghị khách hàng vận động theo nhóm người tham gia tiềm năng; thường xuyên kiểm tra hoạt động của nhân viên tổ chức dịch vụ thu theo đúng quy định để đảm bảo tuân thủ các quy trình, quy định. Giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng tổ chức dịch vụ thu.
4. Thực hiện phân công giao trách nhiệm theo dõi đơn vị sử dụng lao động, các tổ chức dịch vụ thu cho từng lãnh đạo và cán bộ liên quan để đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động nộp đủ số tiền phát sinh phải thu trong tháng và số tiền chậm đóng của những tháng trước, đôn đốc tổ chức dịch vụ thu hoàn thành chỉ tiêu đã cam kết với cơ quan bảo hiểm xã hội.
5. Tổ chức linh hoạt về hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với các doanh nghiệp chưa đăng ký đóng, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không đầy đủ; doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên; kiên quyết xử phạt đối với các hành vi vi phạm; kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
6. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý đối tượng trong việc rà soát, lập danh sách tham gia gia bảo hiểm y tế bảo đảm kịp thời, phấn đấu đạt 100% người thuộc hộ cận nghèo, học sinh sinh viên tham gia bảo hiểm y tế; phối hợp với cơ quan tài chính các cấp tham mưu với Ủy ban nhân dân hỗ trợ thêm phần trách nhiệm phải đóng của người tham gia đặc biệt là người tham gia thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.