Nhiều cơ quan cùng quản lý khiến CĐ nghề rơi vào cảnh "cha chung không ai khóc"

25/03/2023 06:47
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bên cạnh các ngành tuyển sinh vượt chỉ tiêu thì có một số ngành dù trường nghề khó thu hút sinh viên nhưng chủ trương không xoá bỏ, chờ "hot" trở lại.

Chậm triển khai Nghị định 116; cơ sở hạ tầng xuống cấp; có ngành học trong trường cao đẳng khó tuyển sinh nhưng không thể xoá (vì mở lại không dễ)... là những khó khăn mà trường nghề đang gặp phải.

Về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ chia sẻ, ngoài đào tạo khối ngành sư phạm mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, nhà trường còn đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý (trực tiếp là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp).

Hiện trường có 1 Hiệu trưởng, 3 Hiệu phó và 216 giảng viên (trong đó, 90% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên). Bên cạnh những thuận lợi, nhà trường đang gặp một số khó khăn nhất định.

Không xoá ngành dù khó tuyển sinh

Bàn về công tác tuyển sinh các ngành đào tạo nghề, thầy Tâm cho biết, nhà trường được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý ngành dọc từ năm 2017. Những năm đầu, trường gặp rất nhiều khó khăn. Từ 2020 đến nay, cơ bản trường hoạt động ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh có ngành tuyển sinh vượt chỉ tiêu thì có một số ngành khó thu hút sinh viên. Đối với những ngành khó tuyển sinh, chủ trương của trường là không xoá bỏ.

Sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ tham gia lớp học tình thương, dạy kèm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: website nhà trường).

Sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ tham gia lớp học tình thương, dạy kèm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: website nhà trường).

“Cứ 2-3 năm lại có một số ngành đào tạo nổi lên đỉnh điểm, thu hút nhiều sinh viên, sau đó bão hoà. Ví dụ, trước đây, khối ngành đào tạo kỹ thuật tuyển sinh rất thuận lợi. Nhưng từ 2-3 năm gần đây, sinh viên có xu hướng lựa chọn học ngành kinh tế, du lịch nhiều hơn. Các ngành liên quan đến kỹ thuật môi trường, bảo vệ tài nguyên nước trước tuyển sinh rất tốt, nhưng dần dần khó tuyển do nhu cầu, vị trí việc làm tương đối ít”, thầy Tâm chia sẻ.

Trong giai đoạn khó khăn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, xây dựng kênh tư vấn tuyển sinh online trên website Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, có văn bản phối hợp giữa trường với Sở Giáo dục và Đào tạo để tổ chức tư vấn tuyển sinh.

Song, thông thường, nhà trường thành lập một ban gồm các giảng viên đi trực tiếp các trường phổ thông để tư vấn tuyển sinh từ tháng 3. Trong một năm, ban này tư vấn 70-80 trường với nguồn kinh phí hỗ trợ trích từ việc cân đối lệ phí tuyển sinh nhưng cũng chỉ ở mức tối thiểu”, thầy Tâm cho biết.

Cũng theo thầy Tâm, nhà trường đang làm kế hoạch mở mới 4 mã ngành với mong muốn tuyển được sinh viên. Còn với những ngành đào tạo khó tuyển hiện nay, chủ trương của trường vẫn là không xoá bỏ.

Lý giải nguyên nhân, vị Phó Hiệu trưởng cho biết, có thể 2-3 năm nữa các ngành hiện khó tuyển sinh trong tương lai sẽ có khả năng “hot” trở lại. Chưa kể, “việc mở mã ngành rất khó trong khâu chuẩn bị thủ tục, điều kiện, thời gian nên nếu xoá ngành sẽ rất uổng” – thầy Tâm chia sẻ.

Đối với đào tạo hệ trung cấp, nhà trường không tuyển sinh được do mã ngành trùng với mã ngành bậc cao đẳng. Khi đăng ký, thí sinh đăng ký học hệ cao đẳng, không đăng ký học hệ trung cấp.

Kiến nghị Cần Thơ nên có một trường đại học sư phạm

Theo Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, trước kia, nhà trường chuyên về đào tạo sư phạm. Sau đó, trường chuyển sang đào tạo đa ngành, đa nghề. Với ngành sư phạm, từ khi Luật Giáo dục năm 2019 điều chỉnh (giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có trình độ đại học trở lên), trường chỉ còn đào tạo Khoa Giáo dục mầm non. Năm 2021 trường tuyển được 180 sinh viên. Năm 2022, số lượng thí sinh đăng ký nhiều hơn 100 chỉ tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nên có rất nhiều thí sinh không được tuyển vào trường.

Về triển khai thực hiện chính sách giáo dục đối với ngành đào tạo giáo viên, thầy Tâm chia sẻ: “Trực thuộc Uỷ ban nhân dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý có nhiều thuận lợi nhưng chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 đến nay vẫn chưa nhận được kinh phí dù các em đã học được 2 năm. Tổng số sinh viên đăng ký nhận hỗ trợ Nghị định 116 là 250 em. Hy vọng 1-2 tháng tới sẽ có thông báo về việc chi trả tiền hỗ trợ cho sinh viên”.

Về chỉ đạo hoạt động chuyên môn, theo thầy Tâm, trường đào tạo đa ngành, nhiều cơ quan quản lý song song nên đôi khi không đơn vị nào lo cho nhà trường một cách đàng hoàng, chu đáo, “cha chung không ai khóc” khiến các đơn vị thụ hưởng (cơ sở giáo dục và sinh viên) không được quan tâm, đầu tư đúng mức.

“Thực tế, một khoa sư phạm trong trường đại học, cao đẳng đào tạo đa ngành sẽ không được đầu tư tập trung, hiệu quả bằng một trường đại học đào tạo chuyên về sư phạm.

Ở trường cao đẳng nghề có khoa sư phạm, Uỷ ban nhân dân muốn đầu tư cho khoa sư phạm cũng không đầu tư được vì khoa này do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý", thầy Tâm chia sẻ thêm.

“Nếu được, Cần Thơ nên có một “Trường Đại học Sư phạm Cần Thơ” để đào tạo chuyên sâu khối ngành sư phạm cho con em ở khu vực từ Cà Mau đến Tiền Giang. Trường này sẽ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có như vậy thì Bộ mới đầu tư cho một trường trực thuộc đúng nghĩa về đào tạo giáo viên. Nhà trường sẵn sàng chuyển Khoa Giáo dục mầm non và đội ngũ nhân lực sang giảng dạy tại trường đại học đó”, thầy Tâm nêu quan điểm.

Chia sẻ lý do, thầy Tâm nói, hiện đào tạo ngành sư phạm ở Cần Thơ còn nhỏ lẻ, chỉ là các khoa trong trường đại học, cao đẳng nên chất lượng, đầu tư chưa tập trung.

“Hơn nữa, Trường Cao đẳng Cần Thơ có mảnh đất kế bên Trường Đại học Cần Thơ nên thuận lợi cho việc mở trường đại học sư phạm. Trong Trường Đại học Cần Thơ cũng có 1 trường trung học phổ thông. Trường Cao đẳng Cần Thơ có 1 trường mầm non và 1 trường tiểu học thực hành.

Nếu được nâng lên 1 trường trung học cơ sở nữa thì càng đáp ứng hoạt động hiệu quả. Khi đó, đầu tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào trường sư phạm, trong đó có đào tạo thực hành từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông… chắc chắn sẽ bài bản, chất lượng, tận dụng được thiên thời địa lợi, tránh phân tán, tiết kiệm nhân lực, đầu tư trọng điểm để phát huy năng lực của đơn vị”, thầy Tâm chia sẻ.

Bên cạnh việc khó khăn trong công tác tuyển sinh, thực hiện chính sách giáo dục, hiện trường còn gặp khó về cơ sở vật chất xuống cấp. Trường thành lập từ năm 1976 nên nhiều công trình, cơ sở hạ tầng, phòng học cũ kỹ; hội trường tiếp khách chưa được trang trọng. Ngoài ra, trường chưa có nhà điều hành nên các phòng, ban, khoa chuyên môn chỉ gói gọn trong 1 phòng lớn khiến việc di chuyển giữa phòng, ban, khoa thiếu chuyên nghiệp.

"Trước mắt, trường mong làm đề án xin kinh phí xây dựng nhà điều hành để quy tụ phòng, ban, khoa về một mối nhằm xử lý công việc nhanh chóng, chuyên nghiệp hơn (ít nhất mỗi phòng, ban, khoa phải có 1 phòng riêng). Sau đó, trường tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo, cấp kinh phí đầu tư sửa chữa phòng học, phòng thực hành", thầy Tâm cho biết.

Ngọc Mai