Học phí ĐH năm 2023: Nơi chờ đợi, nơi mạnh dạn thông báo tăng học phí theo NĐ 81

03/05/2023 06:35
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Lộ trình tăng học phí khi thực hiện tự chủ đại học đã có, tuy nhiên đến nay việc áp dụng theo khung học phí mới vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Lộ trình tăng học phí khi thực hiện tự chủ đại học đã có, tuy nhiên, ghi nhận thực tế triển khai, đến nay vẫn còn rất nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa thể áp dụng mức thu mới theo quy định. Đặc biệt, cuối năm 2022, nhằm chia sẻ khó khăn với người học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 ngày 20/12/2022, trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu của năm học 2021-2022.

Như vậy, đã 2 năm kể từ khi Nghị định 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo được ban hành. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện Nghị định 81 còn vướng rất nhiều khó khăn.

Một giờ thực hành của sinh viên ngành y, dược. Ảnh: TTXVN

Một giờ thực hành của sinh viên ngành y, dược. Ảnh: TTXVN

Việc giữ ổn định học phí trong khi ngân sách chi từ nhà nước vẫn bị cắt giảm hàng năm, cùng với đó là thực tiễn giá cả thị trường ngày càng leo thang đã khiến nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị lãnh đạo trường đại học cho biết đơn vị phải “tiết kiệm, cân đối từng khoản chi tiêu” nhằm đảm bảo duy trì hoạt động trong bối cảnh nguồn kinh phí hạn hẹp.

“Kinh phí hạn hẹp nhưng đòi hỏi chất lượng đào tạo vẫn ổn định, và tiến tới ngày càng nâng cao là bài toán khó với nhà trường. Chưa kể, yêu cầu nâng cao đời sống cho cán bộ giảng viên của trường cũng phải đảm bảo để giữ chân cán bộ nhà giáo. Do vậy, chúng tôi phải tiết kiệm, cân đối từng khoản chi tiêu. Phương án sử dụng quỹ dự phòng cũng đã được nhà trường tính toán đến nhằm đảm bảo hoạt động của nhà trường”, vị lãnh đạo tiết lộ.

Cận kề năm học 2023-2024, nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh với dự kiến tăng học phí theo quy định tại Nghị định 81. Trong khi đó, một số đơn vị cho biết vẫn đang trong quá trình tính toán mức học phí và chờ đợi thêm những chỉ đạo khác từ Chính phủ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quyết định này được cho là nhằm tránh những “rắc rối” như năm học 2022-2023 khi Nghị quyết về học phí của Chính phủ ban hành “quá muộn”.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Minh Khuê - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cho biết:

“Hiện nhà trường vẫn đang xây dựng đề án tuyển sinh cho năm học mới. Về học phí, trường đang tính toán mức học phí theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu có thêm những chỉ đạo khác liên quan tới học phí từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ thì nhà trường sẽ tuân thủ và có những sự điều chỉnh cho phù hợp”.

Trước đó, năm học 2022-2023, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đã thông báo mức học phí dự kiến tăng theo Nghị định 81. Tuy nhiên, ngay sau khi có quyết định tạm dừng tăng học phí từ Chính phủ, cũng giống như nhiều cơ sở giáo dục khác trên cả nước, trường đã có thông báo ngừng tăng học phí và thực hiện việc hoàn trả kinh phí cho sinh viên.

Tạm dừng tăng học phí đồng nghĩa với việc trường sẽ phải hoạt động trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, đây thực sự là một bài toán thách thức lớn với đơn vị, đặc biệt trong điều kiện là trường đào tạo Y Dược đòi hỏi chi phí đào tạo rất lớn. Đây cũng là tình hình chung của các cơ sở giáo dục công lập trên cả nước trong quá trình thực hiện tự chủ những năm qua.

Không chờ đợi đạo như nhiều cơ sở giáo dục khác, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đã công bố đề án tuyển sinh năm học 2023-2024 từ sớm (ban hành từ ngày 15/2/2023). Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Quang Hùng - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, mức học phí năm học 2023-204 của trường được xác định theo quy định tại Nghị quyết 81 của Chính phủ.

Mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm học 2023-2024 của Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (theo đề án tuyển sinh năm 2023 của trường)

Mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm học 2023-2024 của Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (theo đề án tuyển sinh năm 2023 của trường)

Theo đó, mặc dù hiện nay nhiều đơn vị còn khá “dè chừng” khi ban hành mức học phí năm học mới, tuy nhiên, theo lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, việc của nhà trường là phải chủ động trong xác định mức học phí. Đây là công việc bắt buộc nhằm có thông báo công khai tới người học qua đề án tuyển sinh, khi có các chỉ đạo khác về học phí từ Chính phủ, Nhà nước thì trường sẽ có điều chỉnh tiếp theo quy định.

“Mặc dù gặp khó khăn trong hoạt động, tuy nhiên Nghị quyết chính phủ đã ban hành thì các trường bắt buộc phải thực hiện theo”, thầy Hùng nói thêm về quyết định tạm dừng tăng học phí của Chính phủ ban hành cuối năm ngoái.

Chia sẻ với những khó khăn về tài chính của các cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ, Đại biểu quốc hội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội kiến nghị cần có sự xem xét, đánh giá lại về các chính sách nhằm tạo điều kiện cho các trường thực hiện tự chủ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, bên cạnh những trường có nguồn thu tài chính tốt, thì cũng còn khá nhiều đơn vị gặp khó khăn về tài chính khi tự chủ. Trong đó, khó khăn ở một số đơn vị không phải đến từ chất lượng đội ngũ giảng viên hay định hướng của nhà trường. Vấn đề là sứ mệnh của nhà trường được giao đào tạo là những ngành then chốt (ví dụ như các ngành khoa học cơ bản hay các trường đại học địa phương,...), tuy nhiên thị hiếu và nhu cầu từ phía người học đối với những ngành học này lại giảm. Điều này dẫn tới hiệu quả tuyển sinh không cao. Như vậy, với cơ chế nguồn thu chủ yếu trông chờ vào học phí của các trường hiện nay thì hiệu quả tuyển sinh giảm đồng nghĩa với việc nguồn thu của trường cũng bị ảnh hưởng theo.

“Chưa kể, các quy định về tài chính “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”, quy định về cơ sở vật chất, các luật về quản lý, sử dụng tài sản công,... còn bất cập, dẫn đến việc tạo ra nguồn thu để tiến tới vững chắc tự chủ về tài chính còn nhiều khó khăn.

Những quy định liên quan tới tài chính chưa đồng bộ đã khiến một số trường chưa thực sự mạnh khi đi vào tự chủ, và có những lúc nản lòng, do vậy cần phải có sự điều chỉnh về mặt chính sách trong thời gian tới”, đại biểu nhấn mạnh.

Doãn Nhàn