Điều hành của Hội đồng trường khi tự chủ đại học đang gặp vướng mắc gì?

11/05/2023 06:42
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ tịch HĐT và Hiệu trưởng cần chủ động đến tìm tiếng nói chung với động cơ chính là giúp nhà trường ổn định, vững mạnh và không ngừng phát triển.

Thời gian qua, tự chủ đại học đã đạt một số kết quả quan trọng, tự chủ giúp tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường tăng cường đầu tư nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo để cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi; hướng tới thực chất và phát triển bền vững.

Dẫu vậy, từ thực tiễn triển khai, tự chủ đại học cũng đang đặt ra những vấn đề quan trọng cần tháo gỡ, một trong những vấn đề đang được quan tâm hiện nay chính là công tác điều hành hoạt động của Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: Doãn Nhàn

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: Doãn Nhàn

Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường bao gồm những gì?

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang cho biết, Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, điều này đã được quy định rõ trong Luật số 34/2018/QH14.

Khoản 2, Điều 16 của luật này cũng đã xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường, trường đại học công lập, có thể sắp xếp thành 03 nhóm như sau:

Nhóm 1a: Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm của trường đại học; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học;

Nhóm 1b: Quyết định về học thuật như phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động;

Nhóm 2: Quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; Quyết định chính sách học phí, hỗ trợ người học, chính sách tiền lương, thưởng (cho viên chức), quyền lợi khác của chức danh lãnh đạo, quản lý trường đại học theo kết quả, hiệu quả công việc;

Nhóm 3: Quyết định chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển trường đại học; quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn thuộc thẩm quyền của trường đại học; quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học.

Hội đồng trường khi mới thành lập theo đúng quy định của Luật 34 thì được thể hiện trách nhiệm và quyền hạn theo nhóm 1a.

Theo khoản 2, Điều 32 của Luật 34, điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau:

Thứ nhất là: Đã thành lập hội đồng trường; đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

Thứ hai là: Đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế tài chính; quy chế, quy trình, quy định quản lý nội bộ khác và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn do Nhà nước quy định;

Thứ ba: Đã ban hành quy định phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở giáo dục đại học (được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh từ “thực hiện phân quyền” thành “đã ban hành quy định phân quyền”);

Thứ tư: Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy để có thể thực hiện trách nhiệm và quyền hạn từ nhóm 1b trở đi thì trường đại học phải đáp ứng đủ 04 điều kiện như trên.

Vì vậy các Hội đồng trường được thành lập ở các trường đại học kể từ khi Luật 34 có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 đều cần phải tập trung ưu tiên xây dựng và ban hành các văn bản cũng như tổ chức thực hiện những nội dung liên quan nhằm đáp ứng được điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học ở khoản 2, Điều 32 trên.

Hoạt động chính của Hội đồng trường trong giai đoạn này (tạm gọi là giai đoạn 1) chủ yếu là xác lập những mục tiêu gắn với điều kiện thực hiện quyền tự chủ và thực hiện trách nhiệm, quyền hạn ở nhóm 1 như trên, từ đó nghiên cứu xây dựng và ban hành các nghị quyết để thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đó.

Quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết chủ yếu do hiệu trưởng tổ chức, được hỗ trợ và thẩm định bởi các ban chức năng của Hội đồng trường trước khi thường trực Hội đồng trường xem xét, quyết định đưa dự thảo nghị quyết ra Hội đồng trường hay không trong kỳ họp gần nhất của Hội đồng trường.

Ngoài ra các ban chức năng của Hội đồng trường cũng có thể chủ động xây dựng dự thảo nghị quyết và trình lên Hội đồng trường thông qua thường trực Hội đồng trường. Thường trực Hội đồng trường thường là chủ tịch, phó chủ tịch (nếu có), hiệu trưởng và thư ký Hội đồng trường. Trong quá trình thẩm định dự thảo nghị quyết, thường trực Hội đồng trường có thể mời những chuyên gia có chuyên môn liên quan ở ngoài trường tham gia.

Việc thực hiện nghị quyết hầu hết do hiệu trưởng tiến hành tổ chức và báo cáo kết quả cho Hội đồng trường biết ở những kỳ họp Hội đồng trường tiếp theo. Trên cơ sở đó Hội đồng trường sẽ có những chỉ đạo, quyết định cần thiết để việc thực hiện nghị quyết hướng đến khả thi hoặc có kết quả tốt hơn.

Quan hệ cá nhân giữa chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng có ý nghĩa quan trọng

Theo mục c, Khoản 4 của Điều 16, Luật 34 thì “Chủ tịch Hội đồng trường có trách nhiệm và quyền hạn chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường”. Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cho biết, Chủ tịch Hội đồng trường có thể phân công ban kiểm soát của Hội đồng trường tổ chức theo dõi quá trình thực hiện nghị quyết, định kỳ báo cáo kết quả cho chủ tịch Hội đồng trường, thường trực Hội đồng trường biết.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hội đồng trường xem xét, chỉ đạo, hỗ trợ hiệu trưởng một số vấn đề liên quan trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết một cách kịp thời nhằm đảm bảo nghị quyết của hội đồng trường được thực thi hướng đến kết quả tốt.

Quan hệ cá nhân giữa Chủ tịch Hội đồng trường và hiệu trưởng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng nghị quyết, thực hiện nghị quyết của Hội đồng trường cũng như đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể lãnh đạo trường với những quyết sách giúp nhà trường phát triển đúng hướng và hiệu quả.

Tuy mỗi trường đại học có Hội đồng trường đều phải ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Hiệu trưởng, nhưng mối quan hệ cá nhân giữa Chủ tịch Hội đồng trường (đồng thời thường cũng là Bí thư Đảng ủy) và Hiệu trưởng là do nỗ lực của hai con người này trong việc chủ động đến với nhau để tìm tiếng nói chung với động cơ chính là giúp nhà trường ổn định, vững mạnh và không ngừng phát triển.

Sau khi đã hoàn thành giai đoạn 1 trên, Hội đồng trường cùng với Đảng ủy và Hiệu trưởng thường chủ động định hướng cho nhà trường bước vào giai đoạn 2 với trọng tâm là khai thác, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực tiềm năng của nhà trường để trường đủ năng lực cho việc tự chủ hoàn toàn, với mục tiêu cụ thể là tự chủ chi thường xuyên 100%.

“Hoạt động chính của Hội đồng trường trong giai đoạn 2 này chủ yếu là xác lập những mục tiêu gần cần thiết phải đạt được.

Thí dụ, Trường Đại học Tiền Giang cũng đã và đang bước vào giai đoạn 2 với một số mục tiêu chính cần đạt trước năm 2025 như: Hội đồng trường được nâng cao về năng lực quản trị; sinh viên tốt nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ từng bước đem lại nguồn thu đáng kể cho trường; chính sách, cơ chế tài chính trong hoạt động dịch vụ được ban hành phù hợp hơn nhằm tăng thu hợp pháp; giá trị thương hiệu của Trường được nâng tầm; quỹ đất công chưa được sử dụng của trường (do trường đại diện làm chủ sở hữu) được hợp tác khai thác hợp lý, hiệu quả; hợp tác với các đối tác ở trong và ngoài nước hướng đến thực chất, là nguồn lực quan trọng giúp Trường có đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ; ...

Từ những mục tiêu gần cần thiết phải đạt đã được xác lập, Hội đồng trường nghiên cứu tổ chức xây dựng và ban hành các nghị quyết khả thi để thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đó. Chủ tịch Hội đồng trường, thường trực Hội đồng trường thông qua ban kiểm soát và các ban chức năng nắm sát tình hình thực hiện nghị quyết, từ đó chỉ đạo kịp thời để nổ lực vượt qua những khó khăn hoặc tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ”, Tiến sĩ Thịnh cho hay.

Với những vấn đề lớn cần tập trung nguồn lực để giải quyết theo nghị quyết của Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường với trách nhiệm và quyền hạn của mình theo luật định, có thể ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức để thông qua đó tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện vấn đề lớn trên thật tốt, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao.

Sau khi đã hoàn thành giai đoạn 2 trên, Hội đồng trường cùng với Đảng ủy và Hiệu trưởng tiếp tục dẫn dắt nhà trường bước vào giai đoạn 3 với trọng tâm là hoạt động hiệu quả theo cơ chế tự chủ đã được Luật 34 định ra với trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng trường ở nhóm 1, nhóm 2 và một phần nhóm 3 được nêu ở trên.

Sở dĩ Hội đồng trường chỉ thực hiện trách nhiệm và quyền hạn được một phần ở nhóm 3 vì một số luật có liên quan và quy định của Đảng về công tác nhân sự chưa tương thích với Luật 34. Những vấn đề này cần phải chờ các cấp có thẩm quyền gỡ khó dần.

“Hội đồng trường ở các trường cũng không nên quá nôn nóng hay bi quan mà thay vào đó cần chủ động, không ngừng tổ chức nghiên cứu góp ý, đề xuất với các cấp trên thông qua nhiều kênh, trong đó Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) là một kênh đặc biệt.

Các vấn đề khó được gỡ đến đâu thì Hội đồng trường ở các trường đại học chủ động tiếp cận, vận dụng đến đó để thực hiện chức năng quản trị của mình một cách tốt nhất có thể nhằm giúp nhà trường phát triển phù hợp và không ngừng.

Thực hiện tốt vai trò quản trị của Hội đồng trường ở các trường đại học cũng sẽ góp phần rất quan trọng cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao cũng như nghiên cứu giải quyết các vấn đề cho địa phương, xã hội, giúp đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh khẳng định.

Theo kế hoạch, ngày 11/5, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Điều hành hoạt động của Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học - thực tiễn và kinh nghiệm" tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Nguyên Phương