Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực quản trị của ĐVSNCL, trong đó có nội dung: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế Hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường”.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học đã quy định hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên lợi ích liên quan; hội đồng trường của trường đại học công lập có trách nhiệm và quyền hạn trong các hoạt động của nhà trường như chiến lược và kế hoạch phát triển của trường đại học; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính và tài sản; hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế.
Trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học:
Ảnh minh họa: T.L |
Đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 90,6%) theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) và Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019); trong đó, có 36/36 cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Hội đồng trường, trong đó Trường Đại học Việt Đức thành lập Hội đồng trường theo Hiệp định song phương giữa hai quốc gia .
Việc thành lập Hội đồng trường tại các trường trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ 91,18%; trong đó, 15 cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc các Bộ, ngành, địa phương đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận Hội đồng trường.
Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Vai trò của thiết chế Hội đồng trường được cụ thể hóa và nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học.
"Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động tự chủ đại học cũng còn một số vướng mắc liên quan đến hoạt động hội đồng trường, như khó khăn về nhân sự, thiếu người đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch Hội đồng trường; chưa đồng thuận trong tập thể lãnh đạo; đảng ủy nhiệm kỳ mới chưa được bầu; cơ quan quản lý trực tiếp chưa phê duyệt", báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu.