Du học sinh Việt dồn lịch học, lịch thi kín mít để về đón Tết cùng gia đình

03/02/2024 06:22
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để có thể về sum họp bên gia đình ngày Tết, nhiều du học sinh dồn lịch học, lịch thi hay lựa chọn hình thức làm bài, học tập từ xa. 

Đối với du học sinh, Tết Nguyên đán ở Việt Nam "trái lịch" với kỳ nghỉ ở trường đại học, đôi khi việc sắp xếp thời gian về quê đón Tết cũng trở thành bài toán cần cân nhắc. Tết đến, ai cũng đều muốn tạm dừng mọi lo toan, bộn bề để trở về sum họp cùng gia đình. Nhiều bạn du học sinh đã sắp xếp, thậm chí dồn lịch học, lịch thi hay mang bài tập về nhà với mong ước đón giao thừa cùng người thân.

Vừa ăn Tết vừa hoàn thành bài luận

Nguyễn Xuân Diệu Linh (sinh năm 1998, quê Hòa Bình) hiện đang theo học ngành Hóa học - ứng dụng vào xử lý môi trường, chương trình Erasmus Mundus. Đây là chương trình học bổng thạc sĩ toàn phần được cấp bởi Liên minh châu Âu. Theo đó, Diệu Linh có 2 năm du học thạc sĩ qua 3 nước: Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha. Hiện tại, Linh đang học tập tại Pháp, sau Tết Nguyên đán cô sẽ xuất phát sang Tây Ban Nha để tiếp tục chương trình.

Năm nay, Diệu Linh vừa đón Tết, vừa hoàn thành bài thuyết trình, bài luận. Ảnh: NVCC

Năm nay, Diệu Linh vừa đón Tết, vừa hoàn thành bài thuyết trình, bài luận. Ảnh: NVCC

Diệu Linh chia sẻ, cô sắp xếp thời gian để có thể trở về Việt Nam đón Tết cùng gia đình. Cô cho biết: "Phần lớn du học sinh sẽ kết thúc môn học vào khoảng tháng 12 đến tháng 1 và thi cuối kỳ vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3. Vì vậy việc về Việt Nam đón Tết Nguyên đán cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến việc học. Dù vậy, nếu biết cách sắp xếp thì du học sinh vẫn có thể trở về đón năm mới cùng gia đình.

So với các bạn ở các quốc gia bắt đầu kỳ học muộn như Đức thì du học sinh đang ở Pháp như tôi có phần lợi thế hơn. Tại đây bắt đầu kỳ học từ đầu tháng 9. Đặc biệt hơn nữa là các trường ở Pháp thường tổ chức thi học kỳ từ rất sớm. Phần lớn môn học sẽ được thi vào tháng 12 và đầu tháng 1 nên cũng thuận tiện trong vấn đề sắp xếp thời gian thi cử. Ngoài các môn thi trên giấy còn có các môn thi dưới dạng thuyết trình hoặc viết luận. Tuy vậy các môn này có thể thi và nộp trực tuyến nên tôi có thể xin thầy cô cho phép thuyết trình trực tuyến".

Dù sắp xếp được thời gian để về nhà, nhưng du học sinh vẫn phải lên kế hoạch ôn tập cho các kỳ thi cũng như hoàn thành các bài tập còn dang dở để không bị thụt lùi sau kỳ nghỉ.

Diệu Linh kể rằng, cô xác định tinh thần vẫn tranh thủ làm việc, học tập mỗi ngày trong suốt những ngày Tết. Linh làm bài thuyết trình, viết luận, thêm vào đó là sắp xếp thời gian họp trực tuyến với giáo viên hướng dẫn để chuẩn bị kế hoạch cho luận án tốt nghiệp vào kỳ học sắp tới.

Ngành học Linh theo đuổi thiên về nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Cũng giống như phần lớn sinh viên ngành này lựa chọn con đường học thuật, Linh có kế hoạch làm nghiên cứu sinh tại nước ngoài. Do đó, đầu năm 2024 cô cần chuẩn bị hồ sơ để nộp cho các trường và viện nghiên cứu.

Quãng thời gian đi du học, cô gái Việt học được cách tư duy và tầm quan trọng của việc hiểu bản chất vấn đề. Cô kể: "So với Việt Nam thì lịch học và thi của các trường ở Pháp dày đặc hơn rất nhiều, vì một môn học có thể có nhiều bài thi và cách thức thi để lấy điểm. Chẳng hạn như kỳ vừa qua có 6 môn học, tuy vậy có đến 18 bài kiểm tra giấy, 4 bài thuyết trình và 2 bài luận phải nộp để lấy điểm. Điều đó khiến cho sinh viên ở Pháp phải học rất chăm chỉ và có hiểu biết đủ rộng để có thể đạt được điểm số tốt. Vậy nên tôi thấy việc hiểu bản chất môn học và có cách tư duy tốt để suy luận vấn đề sẽ giúp sinh viên tiết kiệm rất nhiều thời gian và sức lực.

Một điều nữa tôi thấy rằng mình học được ở sinh viên Pháp đó là cách cân bằng giữa việc chơi và việc học. Các bạn vẫn thường nói, việc học quan trọng thật đấy nhưng việc sống vui vẻ, khỏe mạnh còn quan trọng hơn rất nhiều".

Diệu Linh sẽ trở lại Pháp vào mùng 6 Tết sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết gần nửa tháng bên gia đình.

Chủ động sắp xếp lịch thi để đón giao thừa ở Việt Nam

Cùng chia sẻ với phóng viên, Nguyễn Xuân Diện (sinh năm 1994, quê Lai Châu) - đang theo học thạc sĩ ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên Địa Trung Hải, Đại học Padova (Italy) cho biết: "Trường tôi bắt đầu học từ giữa tháng 9 đến Giáng sinh. Sau đó sẽ có các đợt thi, lịch thi cụ thể đã được giảng viên thông báo ngay từ những buổi học đầu, giúp cho sinh viên có thể sắp xếp thời gian học tập, thi cử. Sinh viên có thể lựa chọn các lượt thi (thông thường có 6 lượt vào tháng 1,2,6,7,8,9) phù hợp.

Tôi đã chủ động đăng ký thi tất cả các môn trong tháng 1, có khoảng 8 bài thi để có thể có thời gian về Việt Nam ăn Tết. Mặc dù lịch thi khá căng thẳng, kín mít nhưng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, tâm lý".

Nguyễn Xuân Diện dồn lịch thi vào tháng 1 để về Việt Nam đón Tết cùng gia đình. Ảnh: NVCC

Nguyễn Xuân Diện dồn lịch thi vào tháng 1 để về Việt Nam đón Tết cùng gia đình. Ảnh: NVCC

Nhờ có sự sắp xếp và dồn lịch thi nên năm nay Xuân Diện có thể thoải mái tận hưởng không khí Tết một cách trọn vẹn.

Năm ngoái do lịch học trùng với dịp Tết Nguyên đán nên cậu đành ngậm ngùi đón năm mới xa quê. Thời điểm ấy, Diện cảm thấy "lòng mình chùng xuống" vì không được sum họp, đoàn viên. Tuy nhiên, suy nghĩ học tập là ưu tiên giúp cậu vượt qua nỗi nhớ nhà, tập trung thời gian tiếp thu, lĩnh hội kiến thức.

Chia sẻ về lý do chọn học ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên Địa Trung Hải, Xuân Diện tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng rừng núi Than Uyên, tỉnh Lai Châu - nơi có thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Tôi đã được tiếp xúc với thiên nhiên từ nhỏ và luôn cảm thấy yêu mến, trân trọng những giá trị mà thiên nhiên mang lại. Chính vì vậy, tôi mong muốn được học tập và làm việc trong lĩnh vực này để góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị đó".

Theo Xuân Diện, Quản lý tài nguyên thiên nhiên Địa Trung Hải là một ngành học liên quan trực tiếp đến thiên nhiên, môi trường - một lĩnh vực mà tôi luôn có tình yêu và niềm đam mê. Ngành học cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, như: bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với thiên tai...

Quãng thời gian sinh sống và học tập tại Italy cũng giúp chàng trai Lai Châu hiểu hơn về văn hóa, con người, ẩm thực nơi đây. Diện cho rằng, môi trường giáo dục ở Ý đề cao tính tự chủ của sinh viên. Sinh viên ở Ý được tự do lựa chọn môn học, thời gian học tập và nghiên cứu. Họ luôn tự giác học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Xuân Diện có khoảng 3 tuần ở Việt Nam và sẽ quay trở lại Ý vào cuối tháng 2, khi kỳ học mới bắt đầu.

Tết là thời gian để sum họp bên gia đình

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Lê Đức Quân (sinh năm 2001, Hà Nội) hiện đang học thạc sĩ khoa học chuyên ngành Hóa phân tích tại Đại học York (Canada) cho biết, bản thân đã lên kế hoạch trở về Việt Nam trong âm thầm, tạo bất ngờ cho người thân. Với Quân, Tết là thời gian để sum họp bên gia đình.

Lê Đức Quân lên kế hoạch trở về trong âm thầm nhằm tạo bất ngờ cho người thân. Ảnh: NVCC.

Lê Đức Quân lên kế hoạch trở về trong âm thầm nhằm tạo bất ngờ cho người thân. Ảnh: NVCC.

Đức Quân chia sẻ: "Vì chương trình thạc sĩ của tôi dựa trên nghiên cứu để đánh giá là chính, nên kỳ học này chưa phải học mà chủ yếu là nghiên cứu và làm trợ giảng. Bao gồm: hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm và chấm bài cho các giáo sư. Thế nên khi có ý định về Việt Nam ăn Tết 2 tuần thì tôi đã chủ động sắp xếp công việc trợ giảng của mình bằng cách đổi lớp với các bạn trợ giảng khác. Ngoài ra công việc nghiên cứu chính của tôi ngoài việc làm thí nghiệm cũng cần đọc báo, tài liệu.. để lên kế hoạch cho các bước tiếp theo của nghiên cứu nên hoàn toàn có thể làm từ xa trong khoảng thời gian ở Việt Nam".

Đức Quân nhìn nhận, Canada là đất nước với nền văn hóa đa dạng. Quãng thời gian sinh sống và học tập tại đây, cậu được biết đến với nhiều văn hoá mới, học được cách tôn trọng và đánh giá sự khác biệt giữa các nền văn hoá khác nhau. Hơn thế nữa, đây cũng là lần đầu tiên Quân sống xa gia đình, cậu đã học được cách sống tự lập hơn.

"Ngôn ngữ chính là điều khác biệt nhất tôi được trải nghiệm giữa hai môi trường giáo dục. Khi đến Canada, tôi đã mất một khoảng thời gian để làm quen lại các thuật ngữ cũng như các từ chuyên ngành bằng tiếng Anh. Ngoài ra trong các tiết học, giảng viên thường khuyến khích thảo luận, tương tác và phát triển kỹ năng sáng tạo, các sinh viên cũng rất hăng say trao đổi, không ngần ngại đặt câu hỏi cho các vấn đề chưa sáng tỏ.

Một điều em khác mà em nhận thấy trong quá trình dạy các bạn sinh viên năm nhất làm thí nghiệm là các kĩ năng về hoá học, toán học.. hầu như không mạnh. Nguyên nhân là vì hệ thống trung học ở Canada chủ yếu phát triển các kĩ năng mềm, các môn toán học, hoá học là không bắt buộc nên đến khi vào đại học các bạn mới tiếp cận nhiều. Đây là điều tôi thấy rất khác biệt so với bậc trung học ở Việt Nam", Quân thông tin.

Nhắc đến dự định trong năm 2024, chàng trai Hà thành cho biết đây là năm tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm. Động lực giúp Quân vượt qua những thử thách là đến từ ước mơ của chính cậu. Hồi Quân còn nhỏ, bố cậu không may mắc phải căn bệnh ung thư vòm họng, vì vậy, cậu đã luôn ước ao lớn thật nhanh để trở thành nhà khoa học, nghiên cứu ra phương pháp và các loại thuốc chữa bệnh.

"Mặc dù bố mất khi tôi chưa kịp thực hiện ước mơ nhưng tôi vẫn giữ nguyên mục tiêu đó - trở thành một người có thể giúp các bệnh nhân giống như bố. Đó là lí do em lựa chọn ngành Hóa. Đồng thời, đây cũng là đam mê của tôi và kỳ vọng của cả gia đình, đặc biệt là bà và mẹ tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ kiên cường, từ lúc bố mắc bệnh đến lúc bố mất, mẹ mẹ luôn là trụ cột về tài chính trong gia đình. Dù khó khăn nhưng mẹ vẫn luôn đầu tư cho tôi được ăn học đầy đủ. Đây cũng là động lực để tôi phấn đấu, đền đáp đến nhưng hy sinh của mẹ", Đức Quân tâm sự.

Phạm Thi