Nhiều lĩnh vực có nhu cầu, SV học ngành Công tác xã hội cơ hội phát triển lớn

25/03/2024 09:10
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Với nhu cầu công tác xã hội trong nhiều lĩnh vực, ngành Công tác xã hội sẽ rất phát triển, thu nhập của người lao động tăng lên tùy vị trí công việc, năng lực.

Ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg lấy ngày 25/3 hằng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”.

Theo ghi nhận của phóng viên, những năm gần đây, các cơ sở đào tạo ngành Công tác xã hội không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng.

Cơ sở giáo dục có định hướng riêng trong đào tạo ngành Công tác xã hội

Nhân dịp chào mừng Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8 (năm 2024) trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng Phương – Trưởng Bộ môn Công tác xã hội, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ, ngành Công tác xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và giải quyết các vấn đề của mối quan hệ con người với nhau, từ đó thúc đẩy hoạt động xã hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo Hiệp hội Nhân viên công tác xã hội Quốc tế (viết tắt tiếng Anh là IFSW - International Federation of Social Workers), nhân viên công tác xã hội là những người hoạt động trong nhiều lĩnh vực, được đào tạo chính quy, bán chuyên nghiệp, được trang bị các kiến thức và kỹ năng trong công tác xã hội để trợ giúp các đối tượng nâng cao khả năng giải quyết và đối phó với vấn đề trong cuộc sống; tạo cơ hội để các đối tượng tiếp cận được nguồn lực cần thiết; thúc đẩy sự tương tác giữa các cá nhân, giữa cá nhân với môi trường tạo ảnh hưởng tới chính sách xã hội, các cơ quan, tổ chức vì lợi ích của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng thông qua hoạt động nghiên cứu và hoạt động thực tiễn.

Cô Phương.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng Phương – Trưởng Bộ môn Công tác xã hội, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC

“Ngành Công tác xã hội có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng, tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó. Công tác xã hội đặt trọng tâm hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già ...). Sứ mệnh của công tác xã hội là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội; sự bất công và bất bình đẳng, tạo ra hạnh phúc cho cộng đồng”, cô Phương chia sẻ.

Bàn về công tác tuyển sinh và đào tạo ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), theo cô Phương, những năm qua, ngành đều đạt chỉ tiêu tuyển sinh với điểm trúng tuyển tăng đáng kể (thủ khoa của ngành những năm gần đây đều trên 25 điểm). Tính đến nay, công tác tuyển sinh ngành Công tác xã hội năm 2024 của trường vẫn đang diễn ra thuận lợi. Đặc biệt, hiện nay trường đang xem xét xây dựng đề án chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Công tác xã hội với hy vọng đào tạo, cung cấp đủ nguồn lực chất lượng cao phục vụ cho cộng đồng.

Chia sẻ về chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội của trường, Tiến sĩ Bùi Đình Tuân – Giảng viên Công tác xã hội, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, chương trình đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội của trường ngoài việc cơ bản tuân thủ theo khung chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thì điểm khác biệt, nổi bật là số giờ thực tế, thực hành, thực tập tốt nghiệp nhiều hơn (chiếm 20/130 tín chỉ).

“Ngay từ năm nhất, sinh viên ngành Công tác xã hội được trải nghiệm thực tế. Năm thứ 2, 3 các em thực hành thường xuyên với Công tác xã hội cá nhân, nhóm, cộng đồng và thực tập tốt nghiệp chiếm 6 tín chỉ, dành trọn thời gian thực tập ở kỳ học thứ 8. Ngoài ra, sinh viên có thể học song song 2 chương trình đào tạo, thuộc các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng, sau 4 năm học các em có thể được nhận 2 bằng đại học khác nhau”, thầy Tuân chia sẻ.

Theo cô Phương, nếu làm việc trong cơ quan nhà nước, tùy vào chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực công tác xã hội, người lao động sẽ có mức thu nhập theo hệ số quy định (có thể dao động từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng). Nếu làm việc tại các tổ chức phi chính phủ, mức lương dao động khoảng 6,5-10 triệu đồng/tháng (mức này còn phụ thuộc vào quy mô của tổ chức).

Với nhu cầu công tác xã hội trong nhiều lĩnh vực, ngành Công tác xã hội sẽ rất phát triển, thu nhập của người lao động tăng lên tùy vị trí công việc, năng lực. Do đó, trong quá trình đào tạo, ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tập trung nâng cao năng lực sinh viên đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Hiện, Trường Đại học Y tế công cộng có đào tạo ngành Công tác xã hội. Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Nam - Trưởng Bộ môn Công tác xã hội của trường cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Công tác xã hội tăng theo từng năm. Năm 2024, Trường Đại học Y tế công cộng bắt đầu tuyển sinh thạc sĩ Công tác xã hội. Chương trình đào tạo thạc sĩ Công tác xã hội của sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công tác xã hội trong lĩnh vực y tế và an sinh xã hội.

Thầy Nam.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Nam - Trưởng Bộ môn Công tác xã hội, Trường Đại học Y tế công cộng. (Ảnh: NVCC

Chỉ ra điểm khác biệt trong chương trình đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội của trường, theo thầy Nam, điểm đào tạo đặc thù ngành này của trường là đào tạo công tác xã hội trong y tế.

Sinh viên ngành Công tác xã hội của nhà trường được trang bị các kiến thức cơ bản về y tế (bệnh truyền nhiễm, bệnh không truyền nhiễm, dinh dưỡng, phục hồi chức năng, giáo dục-nâng cao sức khỏe, tổ chức quản lý y tế..). Ngoài ra, sinh viên được trang bị các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về Công tác xã hội trong bệnh viện, Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe một số nhóm đối tượng đặc thù.

Sinh viên được thực hành, thực tập ở các bệnh viện tuyến trung ương, có mô hình phát triển Công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện K, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Mắt Trung ương,...

"Chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội của nhà trường được xây dựng đảm bảo sinh viên ra trường có thể làm được các vị trí công việc khác nhau trong lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội; y tế; giáo dục; tư pháp; các tổ chức chính trị xã hội; các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.

Trên thực tế, hầu hết sinh viên đã tốt nghiệp ngành Công tác xã hội của nhà trường có cơ hội làm việc tại phòng/tổ công tác xã hội của bệnh viện các tuyến”, thầy Nam cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi ngành Công tác xã hội được đưa vào tuyển sinh đào tạo tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng (năm 2012) và Trường Đại học Y tế công cộng (2019), cũng như các trường khác, Trường Đại học Đà Lạt là cơ sở giáo dục đầu tiên của cả nước tuyển sinh đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội (năm 2003).

Chia sẻ về công tác tuyển sinh ngành Công tác xã hội Trường Đại học Đà Lạt, Tiến sĩ Đỗ Văn Toản – Phó Trưởng khoa Khoa Xã hội học và Công tác xã hội của trường cho biết, trong khoảng 15 năm đầu tuyển sinh ngành Công tác xã hội tương đối tốt. Tuy nhiên, khoảng 5 năm gần đây, tuyển sinh ngành Công tác xã hội gặp khó khăn (thường chỉ đạt khoảng 60-70% chỉ tiêu). Đơn cử, năm 2023, ngành có 35 sinh viên nhập học, điểm trúng tuyển từ 17-19 điểm.

Trong năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Công tác xã hội của trường là 70 sinh viên. Hiện, Khoa đang nỗ lực tuyên truyền, tổ chức hoạt động tuyển sinh tại các trường trung học phổ thông trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Tuyên truyền về lĩnh vực có nhu cầu nhân lực công tác xã hội cao, như: y tế, trường học, đào tạo kỹ năng sống, giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt, lĩnh vực lâm sàng,...

4.PNG
Tiến sĩ Đỗ Văn Toản – Phó Trưởng khoa Khoa Xã hội học và Công tác xã hội, Trường Đại học Đà Lạt. (Ảnh: NVCC).

Theo thầy Toản, có một số nguyên nhân khiến ngành Công tác xã hội của trường khó tuyển sinh. Thứ nhất, hiện nay cả nước có trên 50 cơ sở đào tạo ngành Công tác xã hội. Điều này dẫn đến tình trạng đào tạo tràn lan, đôi khi có khoảng cách và không đồng đều về chất lượng đào tạo của ngành này giữa các trường.

Thứ hai, tâm lý sinh viên thường tập trung học tại các trường đại học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn dễ dàng xin việc hơn.

Thứ ba, sự am hiểu thực tế cơ hội việc làm ngành Công tác xã hội của học sinh và nhận thức của xã hội về vai trò ngành này chưa thật sự tường tận. Một số người nhầm lẫn và cho rằng, công tác xã hội là hoạt động từ thiện; làm về công tác xã hội lương ít, nghèo, ít cơ hội phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác xã hội được đào tạo mang tính liên ngành, gắn với nhu cầu thực tiễn xã hội cao nên sinh viên ra trường rất năng động, thích nghi nhanh, cơ hội nghề nghiệp đa dạng.

“Năm 2007, Trường Đại học Đà Lạt có khóa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên ngành Công tác xã hội (với 210 em). Trong đó, khoảng trên 15 em đã về giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành Công tác xã hội.

Thời điểm xây dựng chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội của trường cũng gặp nhiều khó khăn và nhận sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước, nước ngoài phát triển về công tác xã hội như Mỹ, Canada. Trường Đại học Đà Lạt nằm trên địa bàn Tây Nguyên nên chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội tập trung 03 bộ môn chuyên ngành chính, như: Tâm lý – tham vấn; Công tác xã hội cá nhân và gia đình; Phát triển cộng đồng.

Trong đó, chuyên ngành về Phát triển cộng đồng là đặc trưng và cũng khác biệt so với chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội ở các trường khác. Cụ thể, chương trình được thiết kế nhiều nhóm môn liên quan lĩnh vực phát triển cộng đồng – định hướng trọng điểm trong đào tạo sinh viên chủ yếu đến từ các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Sau khi tốt nghiệp, các em chủ yếu công tác tại địa phương nên những kiến thức nhóm môn học chuyên ngành về Phát triển cộng đồng rất quan trọng và phù hợp với vị trí việc làm tại các địa phương khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ”, thầy Toản cho hay.

Cũng theo thầy Toản, cứ 02 năm/lần, Khoa tiến hành rà soát, cập nhật và cải tiến chương trình đào tạo dựa trên việc tham khảo ý kiến cựu sinh viên, sinh viên, nhà tuyển dụng, giảng viên, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Trong đó, Khoa chú trọng đưa vào các môn học xu thế; tập trung đào tạo kỹ năng nhằm tạo lập nền tảng tốt nhất về năng lực nghề nghiệp theo chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ; chú trọng về hoạt động thực hành thực tập (số tín chỉ thực hành thực tập chiếm tỷ lệ cao), phân bổ mỗi môn học chuyên ngành có khoảng 40% - 60% là thời lượng hoạt động thực hành. Đặc biệt, năm 2022, chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội của trường đạt theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Nhiều đề xuất, kiến nghị từ cơ sở đào tạo ngành Công tác xã hội

Theo chia sẻ của lãnh đạo khoa, trưởng bộ môn về ngành Công tác xã hội, bên cạnh những thuận lợi, ngành nghề công tác xã hội còn đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trong đó có thể kể đến như nhận thức của xã hội về ngành, nghề chưa nhiều, thiếu tài liệu về Công tác xã hội ở Việt Nam, vị trí việc làm về công tác xã hội chưa rõ ràng,...

Bàn chi tiết hơn về vấn đề này, cô Phương cho biết, ở góc độ xã hội, việc nhận thức của mọi người về nghề công tác xã hội và các dịch vụ công tác xã hội còn hạn chế. Chưa có sự đồng bộ về thông tin giữa các bên liên quan đến ngành Công tác xã hội; chưa làm rõ được sự khác biệt giữa Công tác xã hội với các ngành nghề liên quan. Còn trong đào tạo ngành Công tác xã hội, chưa có mô hình mời các nhà thực hành về công tác xã hội tham gia vào giảng dạy cho sinh viên.

“Để công tác xã hội được hoàn toàn công nhận là một nghề chuyên nghiệp ngang với những nghề nghiệp khác (như giáo viên, bác sĩ), cần có thời gian và những phương pháp tuyên truyền hiệu quả. Ngoài ra, cần có khung pháp lý, danh mục việc làm cụ thể ở các lĩnh vực và có kênh kết nối các cơ sở thực hành trên quy mô lớn”, cô Phương chia sẻ.

Chỉ ra thách thức của ngành Công tác xã hội Trường Đại học Y tế công cộng, theo thầy Nam, hiện nay các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh và quận/huyện đều thành lập các phòng/tổ công tác xã hội. Trong khi đó, nguồn nhân lực được đào tạo đúng về công tác xã hội trong bệnh viện chỉ trên 10% (vẫn còn khiêm tốn, hạn chế). Do đó, ngành y tế cần một nguồn nhân lực lớn được đào tạo bài bản chính quy về công tác xã hội trong y tế. Ngoài ra, tại các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tuyến tỉnh, trung tâm y tế dự phòng tuyến quận/huyện cũng cần đến nhân viên công tác xã hội trong thời gian tới.

Thầy Nam 1.jpg
Sinh viên và giảng viên Trường Đại học Y tế công cộng trong buổi báo cáo thực hành Công tác xã hội với cá nhân. (Ảnh: Thầy Nam cung cấp).

Thầy Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với ngành Công tác xã hội định hướng đào tạo về công tác xã hội trong y tế là đội ngũ kiểm huấn, hướng dẫn sinh viên thực hành, thực tập công tác xã hội ở các cơ sở, đặc biệt là bệnh viện chưa được đào tạo chuyên nghiệp. Thêm nữa, tài liệu về công tác xã hội của Việt Nam còn ít, chưa thật sự phong phú, đa dạng và cập nhật.

Cũng theo thầy Nam, hiện vị trí việc làm về công tác xã hội trong bệnh viện dần rõ rệt nhưng ở các đơn vị lao động thương binh xã hội, trường học thì chưa rõ ràng. Do vậy, cần xây dựng rõ vị trí việc làm, mức lương, chế độ đãi ngộ cho nhân viên công tác xã hội để họ cống hiến, tâm huyết với nghề hơn. Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế cần phát triển công tác xã hội lâm sàng trong bệnh viện; đẩy mạnh sự phối hợp đa ngành, liên ngành nhằm cung cấp các dịch vụ công tác xã hội một cách chuyên nghiệp, toàn diện tới người bệnh; hướng dẫn việc xây dựng đơn vị bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong bệnh viện.

Còn theo thầy Toản, với ngành Công tác xã hội, 1 học kỳ thường ngắn, sinh viên lại phải học từ 5-6 môn trên trường nên thời gian dành cho thực tập chưa thật sự phù hợp, đặc biệt là những thực tập quan trọng và khó cần nhiều thời gian tập trung (như thực tập nghề nghiệp 2 – thực tập Công tác xã hội với cá nhân).

Thầy Toản cho hay, để nâng cao chất lượng giảng dạy ngành Công tác xã hội, cũng cần chú trọng vào nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ hướng dẫn thực tập, cán bộ kiểm huấn viên tại các cơ sở thực hành thực tập.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rà soát và đánh giá đồng bộ công tác đào tạo ngành Công tác xã hội tại các cơ sở giáo dục; xây dựng các chuẩn về đào tạo chung ngành Công tác xã hội trong thời điểm hiện nay, đặc biệt chú trọng tỷ lệ thời gian thực hành thực tập cho sinh viên. Các cơ sở đào tạo nào không đủ điều kiện thì nên tạm dừng công tác tuyển sinh. Ngoài ra, Bộ cũng nên có đầu mối để kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động đào tạo trong cơ sở giáo dục, xây dựng những kế hoạch chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên. Chú trọng biên soạn giáo trình, bài giảng mang tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp thực tiễn đào tạo.

Hiện nay mạng lưới liên kết hỗ trợ giữa cơ sở giáo dục đào tạo ngành Công tác xã hội hoạt động tốt, giảng viên các trường luôn trao đổi, chia sẻ và hỗ trợ trong đào tạo và phát triển chuyên môn. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể là đầu mối thành lập Hiệp hội Các cơ sở giáo dục đào tạo ngành Công tác xã hội ở Việt Nam một cách chính thức. Có thể thành lập Ban đào tạo chung của Hiệp hội này cũng như các ban riêng biệt trong việc đặt hàng biên soạn môn học chuyên ngành liên quan, xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển đào tạo ngành Công tác xã hội”, thầy Toản kiến nghị.

Bên cạnh đó, cũng theo thầy Toản, các bộ, ngành cần quan tâm, xây dựng tầm nhìn chiến lược đào tạo ngành Công tác xã hội theo các giai đoạn và có định hướng cụ thể. Cần đánh giá phân tầng các cơ sở đào tạo ngành Công tác xã hội, nắm bắt tiềm năng, thế mạnh trong đào tạo của từng trường để khuyến khích các trường tập trung đào tạo Công tác xã hội gắn với đặc trưng của trường.

Một số chia sẻ của sinh viên và cựu sinh viên ngành Công tác xã hội Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng):

Chị Trần Đại Phước hiện là Trưởng Bộ môn Công tác xã hội, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long: “Tôi vô cùng tự hào khi là sinh viên khóa đầu tiên ngành Công tác xã hội tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Trong 4 năm học tập và rèn luyện, tôi được Khoa, Nhà trường tạo điều kiện để phát huy thế mạnh của bản thân, như tham gia nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ ngôn ngữ ký hiệu STC, Câu lạc bộ tiếng Anh. Ngoài ra, nhà trường còn tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nhiều hội thảo, tập huấn đến từ những những tổ chức uy tín tại Việt Nam và thế giới.

Sau khi tốt nghiệp, tôi đã việc làm đúng chuyên ngành với mức lương tương đối ổn định. Năm 2016, tôi làm nhân viên xã hội tại một tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc. Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, tôi công tác tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long. Nhận được sự tín nhiệm từ nhà trường, hiện nay, tôi đang phụ trách vị trí Trưởng Bộ môn Công tác xã hội của trường”.

Chị Phước.PNG
Chị Trần Đại Phước hiện là Trưởng Bộ môn Công tác xã hội, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long (ảnh: NVCC)

Anh Nguyễn Công Lực - hiện đang công tác tại Hệ thống Giáo dục Sky-Line, Đà Nẵng: "Với tôi, Công tác xã hội là một ngành học mới, chứa đựng nhiều điều thú vị, là ngành học dành cho những bạn trẻ năng động, yêu thương và biết chia sẻ. Công tác xã hội là nghề luôn "kề vai sát cánh" những hoàn cảnh khó khăn, những nhóm yếu thế. Khi bạn tham gia vào ngành này là bạn đã góp một phần trong việc rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, giúp xã hội phát triển và công bằng hơn.

Khi là sinh viên ngành Công tác xã hội, tôi có những tháng ngày thực hành nghề, được cùng nhau đến các trung tâm công tác xã hội, trung tâm bảo trợ xã hội, những cộng đồng khó khăn để cống hiến nhiệt huyết, kiến thức, kỹ năng đã học, hỗ trợ cho những số phận kém may mắn trong xã hội.

Khi tốt nghiệp, tôi đã và đang làm việc đúng với năng lực và chuyên môn, được tiếp xúc và hỗ trợ nhiều cộng đồng người yếu thế trong xã hội như: người nghiện ma tuý, trẻ em khuyết tật, trẻ em chậm phát triển,…".

1.PNG
Anh Nguyễn Công Lực trong hoạt động tổ chức ngoại khóa cho các em nhỏ. (Ảnh: NVCC)

Em Phạm Tấn Chung - sinh viên năm 4 ngành Công tác xã hội: "Khi học ngành Công tác xã hội, em thấy đó là một lựa chọn rất hay. Đầu tiên, cái em thích nhất là ý nghĩa của ngành này khi được học về cách giúp đỡ và hỗ trợ những người khó khăn, thật sự là một cảm giác rất đáng tự hào. Bên cạnh đó, em cũng thấy ngành này khá linh hoạt và đa dạng. Mỗi môn học lại đề cập đến một lĩnh vực khác nhau, từ quản lý dự án, chính sách xã hội và cả phát triển cộng đồng,…

Điều em thấy thú vị là ngành Công tác xã hội mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, em có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tổ chức phi lợi nhuận, chính phủ hoặc tổ chức quốc tế. Nhưng không phải cứ thích là có thể học ngành này đâu, vì nó cũng khá thách thức và đòi hỏi phải chăm chỉ rèn luyện kỹ năng mềm. Nhưng mà với em, cái thách thức đó lại là điều khích lệ bản thân phát triển hơn".

2.PNG
Sinh viên Phạm Tấn Chung tham gia tư vấn tuyển sinh năm 2023. (Ảnh: NVCC)
Ngọc Mai