Trưởng khoa và giảng viên chỉ ra cái khó trong đào tạo ngành Công tác xã hội

13/09/2023 06:30
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay hệ thống các cơ sở thực hành, thực tập cho sinh viên còn hạn chế, đặc biệt là những cơ sở cung cấp các dịch vụ có tính chuyên nghiệp.

Việc tổ chức cho sinh viên đi thực tập thực tế, ít giảng viên trình độ tiến sĩ, chưa thu hút được nhiều người làm việc ở các vị trí chức danh công tác xã hội,... đang là những khó khăn trong tổ chức đào tạo ngành Công tác xã hội.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chẩn – Trưởng khoa Khoa Công tác xã hội Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, từ năm 2017 đến 2022, số lượng sinh viên nhập học đều đạt chỉ tiêu đề ra (mỗi năm 70-80 chỉ tiêu). Kết quả khảo sát các năm cho thấy, hơn 90% sinh viên tốt nghiệp sau 1 năm tìm được việc làm phù hợp.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Chẩn – Trưởng khoa Khoa Công tác xã hội Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ Huỳnh Văn Chẩn – Trưởng khoa Khoa Công tác xã hội Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: NVCC).

Năm 2023, điểm trúng tuyển ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) là từ 23,6 - 24,7 điểm với các tổ hợp C00, D01, D14, D15.

Theo thầy Chẩn, Khoa có nhiều thay đổi về chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm, trong đó đặc biệt chú trọng đến chất lượng đội ngũ giảng viên.

“Giảng viên ngành Công tác xã hội không đơn thuần là "thợ giảng". Những năm gần đây, giảng viên của Khoa chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, xem đây là thế mạnh và hướng đi tích cực trong đào tạo ngành Công tác xã hội. Giảng viên vừa trực tiếp hướng dẫn sinh viên thực tập, vừa là chuyên gia cung ứng hỗ trợ tìm việc làm, tư vấn - tham vấn,...”, thầy Chẩn chia sẻ.

Tổ chức thực tập cho sinh viên ngành Công tác xã hội khó khăn

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong tổ chức thực tập, thực hành cho sinh viên ngành Công tác xã hội, theo thầy Chẩn, với chương trình đào tạo cử nhân, sinh viên có 18-20 tín chỉ thực tập thực tế. Chương trình được thiết kế trải dài từ năm nhất đến năm thứ tư, tổ chức đúng quy trình, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, hiện việc tổ chức thực tập, thực hành cho sinh viên ngành Công tác xã hội có khó khăn như:

Thứ nhất, hiện nay hệ thống các cơ sở thực hành, thực tập cho sinh viên còn hạn chế, đặc biệt là những cơ sở cung cấp các dịch vụ có tính chuyên nghiệp. Điều này một phần do công tác phát triển mạng lưới công tác xã hội ở nước ta vẫn chưa được đa dạng hoá.

Thứ hai, các giảng viên hướng dẫn thực tập, thực tế phải đối mặt với khó khăn là sức ép về khối lượng công việc và áp lực thời gian.

"Trách nhiệm và nhiệm vụ của giảng viên hướng dẫn thực hành rất nặng, từ việc xây dựng chương trình, liên hệ với cơ sở cho sinh viên đến thực tập, giám sát và đánh giá sinh viên,… Trong khi đó, thực tế số lượng giảng viên ngành Công tác xã hội hiện nay còn thiếu.

Chưa kể, cùng với hướng dẫn thực tập, mỗi giảng viên ngành Công tác xã hội thường phải đảm nhận nhiều môn học cho các lớp, thậm chí phải giám sát sinh viên thực hành thực tập tại nhiều địa phương khác nhau trong cùng một thời điểm nên rất vất vả”, thầy Chẩn chia sẻ.

Thứ ba, ngành Công tác xã hội ở nước ta còn khá mới mẻ nên việc đào tạo còn gặp khó khăn như: chưa nhiều giảng viên trình độ tiến sĩ, giáo trình/học liệu phục vụ giảng dạy và học tập, hệ thống cơ sở thực hành, hạn chế trong tổ chức thực tập nghề nghiệp.

Do đó, thầy Chẩn mong rằng, trong thời gian tới, các cơ quan liên quan cần hoàn thiện hệ thống chính sách, Luật Công tác xã hội và các văn bản luật liên quan. Có lộ trình để tăng tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngành Công tác xã hội trong các cơ sở đào tạo. Đặc biệt, cần đổi mới và cải tiến chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội (bậc cử nhân và thạc sĩ) theo hướng chuyên sâu, đa dạng hoá và mang tính cập nhật cao.

Cụ thể, về chương trình đào tạo sau đại học ngành Công tác xã hội, thầy Chẩn nói dù Khoa mới được cấp phép đào tạo thạc sĩ từ năm 2016 nhưng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Công tác xã hội nhanh chóng được hoàn thiện và cải tiến. Thời lượng chương trình học được đánh giá phù hợp với người học và bắt kịp yêu cầu xã hội.

"Hàng năm, số lượng thí sinh dự tuyển và trúng tuyển vào học chương trình thạc sĩ ngành Công tác xã hội của Khoa khá cao (trên dưới 20 học viên). Tuy nhiên, tới đây, cũng cần phải có biện pháp thu hút người học vào các chương trình đào tạo sau đại học và đào tạo chuyên ngành/lĩnh vực về ngành Công tác xã hội”, thầy Chẩn chia sẻ.

Chưa thu hút nhiều người làm vào vị trí chức danh công tác xã hội

Năm 2023, điểm trúng tuyển ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Tân Trào là 15 điểm theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tiến sĩ Mã Ngọc Thể - Giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội, Trường Đại học Tân Trào chia sẻ, mặc dù đã có đề án, chính sách hỗ trợ ngành Công tác xã hội theo Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg và tùy từng địa phương cũng có chính sách tuyển dụng riêng nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều người học, người làm vào vị trí chức danh công tác xã hội.

Viên chức chuyên ngành Công tác xã hội được áp dụng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.

Với những sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội làm việc tại các đơn vị ngoài nhà nước mức lương thường dao động từ 4,5 triệu - 6 triệu đồng/tháng, sinh viên nào xuất sắc sẽ có thu nhập 7 triệu đồng/tháng.

Còn khi làm việc ở các tổ chức phi chính phủ thì sinh viên sẽ có mức lương từ 12 triệu đồng/tháng trở lên nhưng tiêu chí tuyển dụng cao, trong khi sinh viên thường bị hạn chế về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm, cần phải đào tạo thêm.

"Thu nhập chưa thực sự hấp dẫn, cơ hội tuyển dụng đối với ngành Công tác xã hội còn phải cạnh tranh với những người chuyển đổi chức danh nghề nghiệp sang lĩnh vực công tác xã hội,... có thể khiến thí sinh không muốn đăng ký vào học ngành Công tác xã hội", thầy Thể chia sẻ.

Cũng theo thầy Thể, khi đi thực hành, thực tế, nhà trường có quy chế chi tiêu nội bộ hỗ trợ thêm cho sinh viên ngành Công tác xã hội nhưng các em vẫn phải đóng bổ sung khoản chi phí phát sinh (nếu có).

Nhu cầu về nhân lực công tác xã hội rất lớn. Dù ở thành phố hay nông thôn, miền núi, hải đảo… bất cứ lĩnh vực nào cũng đều cần đến sự hỗ trợ của nhân viên công tác xã hội. Do đó, việc đào tạo nhân lực công tác xã hội là rất cần thiết.

Tuy nhiên, hàng năm, cơ sở giáo dục nên có sự phối hợp với các đơn vị để khảo sát nhu cầu tuyển dụng và gắn chỉ tiêu tuyển sinh với chỉ tiêu tuyển dụng nhằm đảm bảo vị trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, tham mưu cho các cơ quan ban, ngành về cơ chế tuyển dụng, thu hút sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội ứng tuyển vào nhiều vị trí việc làm.

"Để tăng tỷ lệ tuyển dụng ngành Công tác xã hội cũng cần có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước. Trong đó, nhất quán xây dựng biên chế, vị trí việc làm công tác xã hội với các tiêu chuẩn cụ thể, thống nhất giữa đào tạo nhân lực với nhu cầu tuyển dụng để sinh viên ngành Công tác xã hội ra trường được làm việc đúng chuyên môn, có đãi ngộ tốt", Tiến sĩ Thể chia sẻ.

Ngọc Mai