Ngành Thủy văn học, Khí tượng & khí hậu học "khát" nhân lực mà ĐH vẫn khó tuyển

15/04/2024 06:26
Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục có tuyển sinh, đào tạo hai ngành Thủy văn học, Khí tượng và khí hậu học.

Các ngành Thủy văn học, Khí tượng và Khí hậu học cung cấp nguồn nhân lực cho nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng hiểu hết về tiềm năng công việc của những ngành học mang tính chất đặc thù này.

Lê Thế Luân (sinh viên năm thứ ba, ngành Khí tượng và khí hậu học, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, điều thú vị khi học ngành này là có thể tìm hiểu, nghiên cứu về khí hậu, thời tiết. Hơn thế nữa, theo Luân, đây là lĩnh vực có nhiều triển vọng công việc vì gắn liền với đời sống thực tế.

"Ngoài các phần kiến thức lý thuyết thì sinh viên cũng được tham gia thực hành thông qua các chuyến đi thực tế đến các trạm khí tượng. Sinh viên được tiếp xúc với các thiết bị phục vụ công việc chuyên môn, em cũng có cơ hội hiểu hơn về lĩnh vực đang theo đuổi, được tiếp xúc với những người đi trước giàu kinh nghiệm. Những chuyến đi thực tế như vậy là dịp quý báu giúp chúng em rèn nghề", Thế Luân bày tỏ thêm.

Thế Luân mong muốn tìm được công việc đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp. Với những gì đã được đào tạo ở trường đại học và những kỹ năng được rèn luyện, Luân tự tin sẽ có được công việc phù hợp với mức lương xứng đáng.

Còn anh Nguyễn Văn Nhật (cựu sinh viên ngành Thủy văn học, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện đang công tác tại Tổng Cục Khí tượng Thủy văn) đánh giá, sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ đáp ứng được khoảng 70% yêu cầu công việc thực tế. Ngoài ra, trong quá trình làm việc tại đơn vị, nhân sự cũng có cơ hội được đào tạo thêm các kỹ năng để phù hợp với vị trí việc làm.

"Bên cạnh các yêu cầu về kiến thức nền tảng, chuyên môn, ứng viên cũng cần có các kỹ năng mềm để phục vụ cho công việc. Những ứng viên có thêm các kỹ năng như thuyết trình, báo cáo... sẽ ghi tạo ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng. Nếu làm việc trong cơ quan nhà nước thì mức lương theo hệ số đã quy định. Còn những bạn làm việc cho doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài thì thu nhập có thể từ 20-25 triệu đồng/tháng. Lĩnh vực này khá đặc thù nên đòi hỏi người học phải thật sự đam mê, yêu nghề thì mới theo đuổi được", anh Nhật chia sẻ.

Anh Nhật cũng cho biết thêm, công việc của anh thiên về nghiên cứu nhiều hơn. Anh thực hiện các dự án nghiên cứu công nghệ mới, nghiên cứu các giải pháp phòng tránh lũ lụt, tính toán điều tiết hồ chứa... Đa số các công việc đều liên quan trực tiếp đến các kiến thức đã được đào tạo ở trường đại học.

Hai ngành Thủy văn học, Khí tượng và khí hậu học có gì khác nhau?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Văn Tình - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Khí tượng Thủy văn, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chia sẻ một số điểm khác biệt giữa hai ngành Thủy văn học, Khí tượng và khí hậu học.

123.png

Theo Tiến sĩ Trần Văn Tình, Thủy văn học là ngành khoa học nghiên cứu về sự vận động, phân phối, tồn tại của nước và chất lượng của nước trên toàn bộ trái đất. Ngành học này hướng tới mục tiêu đào tạo người học có các kiến thức và kỹ năng về thu thập, quan trắc, đo đạc và phân tích, tính toán thủy văn, dự báo thủy văn, nguồn nước phục vụ thiết kế các công trình khai thác bảo vệ nguồn nước, thủy điện, cấp thoát nước, quy hoạch, quản lý nguồn nước và phòng chống thiên tai.

Còn ngành Khí tượng và khí hậu học đào tạo người học hiểu biết sâu rộng về các hiện tượng tự nhiên xảy ra trong khí quyển như bão, tố, lốc, mưa đá. Học ngành này, các em cũng sẽ thông thạo các kiến thức về quan trắc, phân tích và mô hình hóa các hiện tượng, quá trình trong khí quyển. Đáp ứng được yêu cầu về dự báo, biên tập, nghiên cứu về thời tiết khí hậu và biến đổi khí hậu phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.

Chia sẻ về những điều kiện thuận lợi trong công tác tuyển sinh và đào tạo hai ngành học này, thầy Tình cho biết, đây đều là những ngành học có nhiều triển vọng phát triển. Theo thầy Tình, có nhiều tổ chức và trường đại học cung cấp các học bổng hỗ trợ cho sinh viên học các ngành này do sự quan trọng của ngành trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đồng thời, cả hai ngành này đều có rất nhiều hướng nghiên cứu khoa học, phát triển trong tương lai.

Bên cạnh đó, với tình hình biến đổi khí hậu và vấn đề liên quan đến môi trường ngày càng trở nên quan trọng, do đó nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng. Lĩnh vực này đang rất thiếu nhân lực.

"Hàng năm, Khoa Khí tượng Thủy văn, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều nhận được yêu cầu cung cấp nhân lực từ các đơn vị tuyển dụng. Tuy nhiên số sinh viên tốt nghiệp ra trường hàng năm không đủ đáp ứng nhu cầu, điều này có nghĩa các sinh viên học các ngành này có cơ hội việc làm rất tốt. Hơn thế nữa, các ngành học đặc thù này cũng nhận được sự quan tâm của Bộ, ban, ngành trong việc tạo điều kiện tuyển sinh, tạo cơ hội tuyển dụng sau này", thầy Tình nhấn mạnh.

Mặc dù cơ hội việc làm triển vọng nhưng theo thầy Tình, những năm gần đây công tác tuyển sinh của hai ngành Thủy văn học; Khí tượng và Khí hậu học vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tế, số sinh viên nhập học thường không đủ chỉ tiêu được giao. Thầy Tình cho rằng, nguyên nhân ngành khó tuyển vì do xã hội và các em học sinh chưa hiểu hết cơ hội việc làm và tiềm năng phát triển của nhân lực ngành này.

Chương trình đào tạo được xây dựng theo định hướng ứng dụng

Tiến sĩ Trần Văn Tình cũng cho biết thêm, chương trình đào tạo các ngành Thủy văn học; Khí tượng và khí hậu học được xây dựng theo định hướng ứng dụng.

Theo đó, trong các chương trình đào tạo có khoảng 30% khối lượng chương trình là các môn thực hành thực tập. Vì vậy, cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác đào tạo nói chung và thực hành thực tập nói riêng cũng đã được nhà trường chú trọng đầu tư.

hủnet.png

"Hiện nay, Khoa Khí tượng Thủy văn có 1 vườn khí tượng, 1 phòng máy khí tượng, 1 phòng thực hành, thí nghiệm về thủy văn, 1 hệ thống siêu máy tính để sinh viên thực hành mô phỏng các bài toán về khí tượng, thủy văn. Đồng thời, Khoa cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Tổng cục Khí tượng Thủy văn về việc sử dụng các cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc của các đơn vị cho sinh viên thực tập. Đây sẽ là nơi để sinh viên đến thực hành và cọ xát với nghề nghiệp", thầy Tình nhấn mạnh.

Thầy Tình cho biết, đội ngũ giảng viên của Khoa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, với 1 giáo sư, 1 phó giáo sư, 6 tiến sĩ, 12 thạc sĩ, trong đó có 2 nghiên cứu sinh. Ngoài ra hàng năm Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Khoa Khí tượng Thủy văn đều mời các giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia đang làm việc tại Tổng cục Khí tượng thủy văn; Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; Viện Khoa học Thủy lợi...

Về mức học phí của các ngành Thủy văn học, Khí tượng và Khí hậu học, thầy Tình thông tin: "Học phí hiện nay đang ở mức thấp, chỉ 350.000 đồng/ tín chỉ. Cả năm học sinh viên sẽ học khoảng 36 tín chỉ, tương ứng với mức học phí khoảng hơn 12 triệu đồng. Ngoài ra, nhà trường cũng miễn phí toàn bộ chỗ ở cho sinh viên tại ký túc xá đối với sinh viên học hai ngành này".

Sự khác nhau về vị trí công việc của cử nhân ngành Thủy văn học, Khí tượng và khí hậu học

Trước ý kiến học Thủy văn học, Khí tượng và khí hậu học khi tốt nghiệp sẽ làm việc ngoài môi trường, vất vả, thầy Tình nhận định: "Quan điểm này không thể đại diện cho tất cả các trường hợp, có nhiều người trong ngành này vẫn cảm thấy hài lòng với công việc của mình và nhìn nhận nó là một cơ hội phát triển sự nghiệp và đóng góp vào xã hội.

Hiện nay, các sinh viên tốt nghiệp các ngành này ra trường đều công tác tại các viện nghiên cứu, các sân bay, các đơn vị trong Tổng cục Khí tượng Thủy văn, các công ty tư vấn liên quan đến thủy lợi, tài nguyên nước, các Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn... Thu nhập của ngành này khá ổn định, những nhân sự có năng lực thì có mức thu nhập cao, vì vậy không thể cho là kém sang được. Hơn thế nữa, những bạn có học lực tốt, trình độ ngoại ngữ tốt thì cơ hội đạt được học bổng và đi du học là khá rộng mở, những bạn này sẽ có nhiều cơ hội làm việc tại các tổ chức phi chính phủ với mức thu nhập khá cao".

Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Khí tượng Thủy văn, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng chỉ ra sự khác nhau về vị trí công việc của cử nhân ngành Thủy văn học, Khí tượng và khí hậu học.

Đối với sinh viên tốt nghiệp ngành Thủy văn học sau khi tốt nghiệp có thể công tác tại các vị trí như quan trắc viên, dự báo viên tại các đơn vị thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Đảm nhận công việc nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu; chuyên viên các Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các công ty cấp thoát nước, các cơ quan của chính phủ về quản trị tài nguyên nước và môi trường. Hay trở thành kỹ thuật viên tại các công ty tư vấn giao thông, thủy lợi, xây dựng, môi trường; các tổ chức nghiên cứu và phát triển về đa dạng sinh học và thủy văn, một phần của Môi trường tự nhiên; các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn về quy hoạch đô thị, vùng liên quan đến quy hoạch và quản lý nguồn nước và phòng chống thiên tai. Cử nhân ngành này cũng có cơ hội nâng cao nghề nghiệp và khả năng khởi nghiệp.

Còn cử nhân ngành Khí tượng và khí hậu học có thể đảm nhận các vị trí công tác như dự báo viên, kiểm soát viên, quan trắc viên tại Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, Trung tâm Quan trắc, Đài Cao không, các Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực, các tỉnh, sở Tài nguyên và Môi trường, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Đài truyền hình, Quân chủng Phòng không Không quân, Hải quân, Hàng không (dự báo thời tiết cho các chuyến bay), các công ty xây dựng, các công ty tư vấn, dự báo cảnh báo thời tiết, khí hậu quốc tế…

Thi Thi