Ngành Quản lý tài nguyên nước: Học phí 15 triệu/năm, cơ hội nghề nghiệp rộng mở

04/04/2024 06:29
Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường, nhu cầu quản lý tài nguyên nước một cách bền vững ngày càng tăng.

Quản lý tài nguyên nước được đánh giá là một trong những ngành học có nhiều tiềm năng, hấp dẫn thí sinh của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Đỗ Thị Thùy Dung (sinh năm 1998, cựu sinh viên ngành Quản lý tài nguyên nước, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cảm thấy hài lòng khi nhìn lại hành trình đã đi qua. Dung kể: "Năm 2020, tôi tốt nghiệp đại học và bắt đầu làm công việc chuyên môn đúng với ngành đã theo học. Sau 1 năm đi làm, tôi may mắn giành được suất học bổng toàn phần Orange Knowledge Program - chương trình học bổng do Bộ Ngoại giao Hà Lan tài trợ. Theo đó, tôi đã có hơn 1,5 năm theo học tại Viện Giáo dục nước IHE Delft.

Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ ở nước ngoài, tôi trở về Việt Nam làm việc. Hiện tôi đang là trợ lý dự án Jica - Satreps. Đây là dự án phát triển hệ thống cấp nước thích ứng với nguồn nước ô nhiễm từ vốn đầu tư ODA của Nhật Bản".

Theo Thùy Dung, tốt nghiệp ngành Quản lý tài nguyên nước, các bạn có thể thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng – chất lượng nước; lập quy hoạch tài nguyên nước; có thể vận dụng được các văn bản pháp luật trong quản lý tài nguyên nước, các đối tượng dùng nước, các ngành dùng nước theo hướng phát triển bền vững; hay đề xuất các giải pháp kỹ thuật bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm và tái sử dụng nguồn nước...

Thùy Dung đánh giá, lượng kiến thức sinh viên được đào tạo ở cơ sở giáo dục có thể đáp ứng được khoảng 60% yêu cầu công việc thực tế. Trong quá trình làm việc, nhân sự cũng sẽ được đào tạo thêm các kỹ năng chuyên môn cần thiết.

“Trên thực tế, ngành Quản lý tài nguyên nước rất rộng, có nhiều lĩnh vực khác nhau như quản lý chất lượng nước, mô phỏng tài nguyên nước sử dụng mô hình toán, quản lý tài nguyên nước dưới đất, quan trắc thủy văn... Muốn thạo nghề này thì chúng ta phải không ngừng học hỏi, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mỗi ngày. Bởi những gì được học ở trường đại học chỉ là kiến thức nền tảng, còn thực tế công việc sẽ đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khác nhau”, Thùy Dung cho biết thêm.

e49217ba-e8ba-49fd-854d-65c4d2afd1bf.jpg
Sinh viên ngành Quản lý tài nguyên nước, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong một buổi thực hành. Ảnh: NTCC.

Cùng trao đổi, Trần Thị Ngọc Trâm (sinh viên năm cuối ngành Quản lý Tài nguyên nước, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, bản thân chọn ngành học này vì nhận thấy tiềm năng, cơ hội việc làm trong tương lai.

Nữ sinh lý giải: "Từ thời còn học trung học phổ thông em đã thích các ngành học về môi trường, nguồn nước như thế này. Em nghĩ ngành Quản lý tài nguyên nước gắn chặt với thực tiễn và điều quan trọng hơn là thị trường luôn cần nhân sự. Ngoài ra, người thân cũng định hướng cho em theo học ngành này. Cho đến bây giờ em vẫn hài lòng với sự lựa chọn ban đầu".

Trâm chia sẻ thêm, đa số các môn học chuyên ngành đều thú vị, khơi gợi cho sinh viên hứng thú tìm hiểu, rèn luyện về ngành nghề. Em dẫn chứng, các môn nghiên cứu về nước mặt, nước ngầm thông qua các thí nghiệm, mô hình rất sinh động. Hay những chuyến đi thực địa giúp các em có cơ hội làm quen, tham gia vào một số dự án thực tế để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Thông qua đó, Trâm biết cách đánh giá mức độ ô nhiễm của nguồn nước, đo lượng nước ngầm, nước mặt...

Ngọc Trâm mong muốn sau khi ra trường sẽ có thể làm việc đúng với chuyên ngành đã theo học. Để làm được điều đó, Trâm cho rằng, ngoài các kiến thức nền tảng từ giáo trình và bài giảng của thầy cô, sinh viên cũng cần kiên trì, chịu khó quan sát và chăm chỉ đi thực tế để có sự va vấp nhất định với lĩnh vực này, tránh bỡ ngỡ khi bước chân vào thị trường lao động.

Chương trình đào tạo được xây dựng bởi đội ngũ chuyên gia

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Thành Lê - Giảng viên chính Khoa Tài nguyên nước, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về những tiềm năng, cơ hội việc làm và điểm đặc biệt trong đào tạo ngành học này.

Tiến sĩ Trần Thành Lê khẳng định, nước là nguồn tài nguyên quan trọng, không thể thiếu cho cuộc sống và phát triển kinh tế xã hội. Ở Việt Nam hiện nay, tổng trữ lượng nước mặt 830 tỷ m3, nước dưới đất 63 tỷ m3 và trên 1 triệu km2 mặt nước biển với mức trung bình đầu người là 9.856 m3/người/năm. Tài nguyên nước ở Việt Nam được đánh giá rất đa dạng và phong phú, bao gồm nguồn nước mặt và nước ngầm.

Tuy nhiên, theo thầy Lê, cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội và tác động của biến đổi khí hậu, thực trạng tài nguyên nước đang phải đối mặt với suy giảm về chất lượng và số lượng, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, lũ lụt...

Đồng thời, với sự gia tăng của dân số, việc quản lý tài nguyên nước trở nên ngày càng quan trọng trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, môi trường và sinh thái. Do đó, cần có những chuyên gia có kiến thức và kỹ năng chuyên môn để quản lý, bảo vệ tài nguyên nước một cách bền vững và hiệu quả.

"Theo thống kê hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lực lượng cán bộ có chuyên môn về tài nguyên nước còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu. Để giải quyết các vấn đề thách thức đặt ra cần phải có chiến lược về quản lý tài nguyên nước bền vững, trong đó việc đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong tiến trình này và rất cần thiết hiện nay.

Trước thực trạng đó, Khoa Tài nguyên nước được thành lập theo Quyết định số 3017/QĐ–TĐHN ngày 18/10/2013 và ngành Quản lý tài nguyên nước được mở ra để đón đầu xu thế này. Ngành Quản lý tài nguyên nước cũng tích hợp các phương pháp, công nghệ mới nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nước và giảm thiểu tác động đến môi trường. Không chỉ tập trung vào khía cạnh kỹ thuật mà còn nhấn mạnh vào các khía cạnh quản lý, chính sách, và quy hoạch trong lĩnh vực này", Tiến sĩ Trần Thành Lê cho hay.

Chia sẻ về những thuận lợi trong công tác đào tạo ngành Quản lý tài nguyên nước, thầy Lê nhấn mạnh, chương trình đào tạo được xây dựng bởi chuyên gia trong nước về tài nguyên nước, thủy văn, địa chất thủy văn dưới sự tư vấn của các chuyên gia đến từ Đại học Công nghệ Delft và Viện Deltares (Hà Lan). Nhà trường cũng luôn cải tiến cập nhập thường xuyên theo quy định, đáp ứng yêu cầu của ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với nhu cầu xã hội, sự phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường, nhu cầu quản lý tài nguyên nước một cách bền vững ngày càng tăng. Sinh viên ngành Quản lý tài nguyên nước có cơ hội tham gia vào các dự án nhằm cải thiện tình trạng này.

Mặc dù vậy, thầy Lê cho rằng, công tác tuyển sinh ngành học này vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định. Do sự tiếp cận, hiểu biết của các bạn trẻ về lĩnh tài nguyên nước còn hạn chế nên chưa tạo thành xu hướng quan tâm đến các ngành, nhóm ngành rất cần cho cuộc sống, trong đó có tài nguyên nước. Đây cũng là thiếu sót của việc giới thiệu và quảng bá ngành học này đối với xã hội hiện nay.

Sinh viên ngành Quản lý tài nguyên nước được thực hành ra sao?

Theo Tiến sĩ Trần Thành Lê, theo học ngành Quản lý tài nguyên nước tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, bên cạnh các giờ học trên giảng trên giảng đường, sinh viên sẽ được tiếp cận những công việc cụ thể tại các cơ quan, viện nghiên cứu, công ty... tạo môi trường thuận lợi cho công việc sau khi ra trường. Bên cạnh đó, các em cũng có những trải nghiệm thú vị tại hệ thống các điểm thực tập tài nguyên nước được các chuyên gia Hà Lan thiết lập tại Ninh Bình, Hà Giang, Nam Định…

Về cơ sở vật chất phục vụ cho ngành học này, hiện, Khoa Tài nguyên nước có 1 phòng thực hành, thí nghiệm tài nguyên nước'; 1 phòng thực hành viễn thám, Gis và dự báo toán tài nguyên nước; 1 hệ thống điểm thực hành ngoài trời về tài nguyên nước dưới đất tại huyện Đan Phượng (Hà Nội) và nước mặt tại Ninh Bình.

Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, với 1 phó giáo sư; 5 tiến sĩ; 9 thạc sĩ, trong đó có 4 nghiên cứu sinh; các giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước, thủy văn, môi trường.

432024004_827978049354036_9168948954790413752_n.jpg
Nhiều thí sinh quan tâm, tìm hiểu các ngành học của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: Fanpage nhà trường.

"Với mục tiêu tạo cơ hội việc làm cho sinh viên, Khoa phối hợp với nhà trường ký biên bản ghi nhớ cam kết với một số cơ quan về tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý Tài nguyên nước của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội giai đoạn 2024-2029.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng có thể đảm đương công việc tại các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, và các Bộ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước. Hay làm việc ở các sở, ban ngành, các huyện trên địa bàn cả nước; các công ty liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước, các công ty về môi trường; các công ty khai thác công trình thủy lợi, công ty cấp thoát nước...

Mức học phí của ngành Quản lý tài nguyên nước hiện thấp nhất, trung bình 300.000 đồng/ tín chỉ, cả năm học khoảng 15 triệu đồng", thầy Lê chia sẻ thêm.

Ngoài ra, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã, đang có chính sách thu hút sinh viên theo học ngành Quản lý tài nguyên nước như miễn phí toàn bộ chỗ ở cho sinh viên tại ký túc xá, học bổng khuyến khích cho sinh viên có thành tích tốt trong học tập. Ngoài ra, hàng năm, Khoa Tài nguyên nước còn trao học bổng đầu vào cho sinh viên đỗ thủ khoa của ngành. Hơn thế nữa, theo học ngành này, sinh viên cũng có cơ hội du học và làm việc trong môi trường quốc tế.

"Với các đối tác quốc tế hiện đang hợp tác với Khoa, cơ hội du học và việc làm trong môi trường này rất thuận lợi cho các em sinh viên. Các năm qua, luôn có từ 2-3 sinh viên/khóa du học tại Hà Lan, Thái Lan, đều xuất phát từ giới thiệu, hợp tác của Khoa với các đối tác. Việc có nhiều chương trình hợp tác quốc tế với các trường đại học khác trên thế giới giúp sinh viên có thể tham gia chương trình trao đổi hoặc chương trình học kép để có cơ hội học tập và trải nghiệm ở nước ngoài.

Các em cũng có thể tham gia vào các chương trình thực tập hoặc dự án nghiên cứu quốc tế liên quan đến quản lý tài nguyên nước. Điều này giúp áp dụng kiến thức đã học vào thực tế và xây dựng mạng lưới quan hệ quốc tế.

Lĩnh vực quản lý tài nguyên nước hiện nay đang được nhiều trường đại học trên thế giới cung cấp học bổng du học cho sinh viên xuất sắc. Sinh viên có thể nộp đơn xin học bổng để du học và tiếp tục học tập ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Sau khi tốt nghiệp, các em có cơ hội việc làm trong các tổ chức quốc tế, các công ty hoạt động quốc tế hoặc các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này", thầy Lê nhấn mạnh.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nguồn nước, thầy Lê nhìn nhận: "Không chỉ thiếu nước mà hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang là thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Về phía nhà trường, hiện chúng tôi đang đào tạo các mảng liên quan đến 9 lĩnh vực trọng yếu của ngành tài nguyên môi trường, trong đó có Quản lý tài nguyên nước. Đối với các ngành chủ chốt, xu thế chung hiện nay, việc tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn, do sự định hướng của các cấp học, của phụ huynh và xã hội. Nhà trường luôn kiên định giữ các ngành truyền thống và phát huy việc sáng tạo trong đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như cơ hội việc làm để thu hút người học.

Đối với các thách thức tài nguyên nước về thiếu nước, thiếu điện nói riêng và các thách thức khác như ô nhiễm, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt… Nhà nước cần có chính sách đặc thù, từ vĩ mô để định hướng cho xã hội, người học để tạo nguồn nhân lực cần thiết đáp ứng xử lý vượt qua các thách thức đó. Việc đào tạo thế hệ sinh viên có trình độ kiến thức về lĩnh vực tài nguyên nước là điều quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay".

Năm 2024, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tuyển sinh 3.350 chỉ tiêu, với 6 phương thức xét tuyển. Trong đó, tại trụ sở chính ở Hà Nội tuyển 3.280 chỉ tiêu. Tại phân hiệu Thanh Hóa, nhà trường chỉ tuyển 70 chỉ tiêu.

Nhà trường tuyển 50 chỉ tiêu ngành Quản lý tài nguyên nước, sinh viên trúng tuyển theo học tại Hà Nội.

Thi Thi