Quy trình đánh giá luận án tiến sĩ được thực hiện qua 03 bước
Theo quy định hiện hành, đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức chính quy và theo học chế tín chỉ. Thời gian đào tạo tiêu chuẩn là 03 năm (36 tháng) đối với nghiên cứu sinh có trình độ thạc sĩ. Nghiên cứu sinh đăng ký và theo học tập trung đủ 30 tín chỉ tại cơ sở đào tạo được xác định là theo hình thức chính quy tập trung.
Theo quy định, quy trình đánh giá luận án tiến sĩ được thực hiện qua 03 bước: (1) đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn; (2) đánh giá, phản biện độc lập và (3) bảo vệ luận án tại Hội đồng cấp cơ sở đào tạo (trường/viện). Nghiên cứu sinh được bảo vệ lại luận án (01 lần) trong trường hợp không được Hội đồng cấp cơ sở đào tạo (trường/viện) thông qua ở lần bảo vệ thứ nhất. Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thực hiện thẩm định ngẫu nhiên hoặc trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo với tỉ lệ nhất định đối với hồ sơ quá trình đào tạo hoặc luận án đã bảo vệ thành công. Trên cơ sở quy định khung này, quy chế đào tạo nội bộ của nhiều cơ sở đào tạo đã chi tiết hóa quy trình đánh giá, bảo vệ luận án với nhiều khâu, nhiều bước ở từng giai đoạn cụ thể; trong đó làm rõ trách nhiệm của từng bên liên quan; phương thức tổ chức đánh giá luận án; quy định chi tiết về tiêu chuẩn của các hội đồng, thành viên hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ; quy trình và tiêu chuẩn lựa chọn phản biện độc lập…
Để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, quy chế của nhiều cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ quy định rõ nghiên cứu sinh và người hướng dẫn khoa học không được tham gia, tác động vào bất cứ khâu nào trong quy trình bảo vệ luận án. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm đăng tải công khai thông tin bảo vệ luận án, nội dung toàn văn luận án trên trang thông tin điện tử vào thời điểm trước và sau khi bảo vệ. Một số cơ sở đào tạo chủ động sử dụng phần mềm chống sao chép nhằm nâng cao tính liêm chính học thuật; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện thanh tra, giám sát nội bộ và thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về tình hình đào tạo, cấp bằng tiến sĩ theo đúng quy chế. Qua thẩm định thường xuyên theo quy định, đại đa số các hồ sơ đều được kết luận bảo đảm chất lượng và quy trình.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc đánh giá chất lượng luận án tiến sĩ nói riêng, chất lượng đào tạo tiến sĩ nói chung không đồng đều trong toàn hệ thống. Có hiện tượng dễ dãi trong thành lập hội đồng đánh giá luận án; còn tình trạng nể nang khi thông qua những luận án ít có giá trị thực tế, hàm lượng khoa học không cao, phạm vi tác động hẹp... Quy trình đánh giá luận án ở một số nơi còn nặng về thủ tục, hình thức và chưa thật sự phát huy hiệu quả. Có tình trạng phản biện độc lập chưa thực sự bảo đảm tính bảo mật, độc lập. Chưa có khung quy định chung về vấn đề liêm chính học thuật; chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung đủ lớn để phòng, chống sao chép trong đào tạo, nghiên cứu và công bố công trình khoa học, luận án tiến sĩ.
Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021
Về đội ngũ, số lượng giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ trở lên tăng đáng kể. Theo đó, năm 2009 số giảng viên đại học, cao đẳng là 61.190, trong đó, giảng viên có trình độ tiến sĩ là 6.217 người; giáo sư, phó giáo sư là 2.286 người. Số liệu tương ứng của năm học 2020-2021 (không bao gồm giảng viên các trường cao đẳng) lần lượt là 76.576 giảng viên (tăng 1,25 lần), 23.956 tiến sĩ (tăng 3,85 lần) và 5.222 giáo sư, phó giáo sư (tăng 2,28 lần). Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021.
Hầu hết lực lượng cán bộ tham gia giảng dạy, hướng dẫn khoa học đều có năng lực, trình độ, kinh nghiệm nghiên cứu và đào tạo. Năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng cao. Nhiều cơ sở đào tạo thường xuyên rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với người dạy, người hướng dẫn khoa học làm căn cứ xây dựng đề án tuyển sinh; trong đó, quan tâm đến điều kiện về công bố khoa học, năng lực nghiên cứu để phân công làm hướng dẫn chính, đồng hướng dẫn, hướng dẫn phụ và tham gia giảng dạy.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị của phần lớn cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ cơ bản đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu. Nhiều đơn vị tập trung đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và các trang thiết bị, tài liệu phục vụ đào tạo theo hướng hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; có cơ chế phối hợp khai thác hiệu quả các trang thiết bị hiện đại được đầu tư trọng điểm.
Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ giảng viên dù có nhiều cải thiện nhưng còn nhiều bất cập. Tỉ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư còn thấp, cụ thể năm học 2020-2021, cả nước có 76.576 giảng viên đại học, trong đó có 23.956 người có trình độ tiến sĩ, chiếm khoảng 31,3%, trong đó chỉ có 587 giáo sư (tỉ lệ khoảng 2,4% người có bằng tiến sĩ và bằng 0,75% so với tổng số giảng viên) và 4.635 phó giáo sư (19,3% và 6,05%)
Năng lực đội ngũ giảng viên chưa đồng đều, nhất là về năng lực sáng tạo, khả năng thực hành và ứng dụng, trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Phương pháp giảng dạy, nghiên cứu ở một số đơn vị chậm đổi mới. Nhiều giảng viên gặp khó khăn trong việc cập nhật, bổ sung bài giảng, giáo trình. Một số cán bộ, giảng viên chưa thực sự yên tâm, tâm huyết với nghề. Tại một số cơ sở đào tạo (nhất là các viện nghiên cứu) và những ngành, lĩnh vực đặc thù, việc bảo đảm điều kiện đội ngũ giảng viên cơ hữu duy trì ngành đào tạo và cơ cấu, thành phần của hội đồng đánh giá luận án gặp nhiều khó khăn. Việc quy định giảng viên cơ hữu phải nhận lương từ cơ sở đào tạo gây khó khăn đối với một số cơ sở đào tạo tiến sĩ trực thuộc Viện nghiên cứu.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm của một số cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ còn thiếu và lạc hậu về công nghệ. Một số đơn vị chưa có thư viện điện tử; tài liệu tham khảo phục vụ cho đào tạo trình độ tiến sĩ còn nghèo nàn; số lượng phần mềm, tài liệu điện tử có bản quyền còn rất hạn chế. Việc bảo đảm cho nghiên cứu sinh tiếp cận với tài liệu, công bố khoa học mới nhất gặp nhiều khó khăn.
Chi phí đào tạo 1 tiến sĩ tại Việt Nam thấp
Đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đại học nói chung và sau đại học nói riêng còn thấp bởi lẽ tỉ lệ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học trong 03 năm gần đây chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo (xấp xỉ khoảng 1% so với tổng chi ngân sách nhà nước).
Tỉ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học của Việt Nam giai đoạn 2018-2020 đã tăng từ 0,25% lên 0,27% GDP, nhưng thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và thế giới (thống kê cho thấy, chi đầu tư cho giáo dục đại học tính trên GDP ở một số nước trong khu vực như Thái Lan đạt 0,64%, Trung Quốc: 0,87%, Singapore và Hàn Quốc: 1%, Malaysia: 1,13%. Một số quốc gia tiên tiến trên thế giới có mức đầu tư này cao hơn như Pháp: 1,25%; Anh: 1,29%, Australia: 1,54%, New Zealand: 1,63% và Phần Lan là 1,89% (Nguồn: Báo cáo Hội nghị tự chủ giáo dục 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo)).
Hiện nay, chi phí đào tạo 01 tiến sĩ ở Việt Nam tại các trường đại học công lập trung bình khoảng 16 triệu đồng/năm (trừ lĩnh vực khoa học sức khỏe, gần 32 triệu đồng/năm), thấp hơn rất nhiều so với chi phí đào tạo tiến sĩ ở một số nước trong khu vực và trên thế giới. Đơn cử, ở Anh, chi phí đào tạo 01 tiến sĩ khoảng 15-16.000 Bảng Anh/năm; Úc có chi phí khoảng 22-40.000 AUD/năm; Hà Lan khoảng từ 13-20.000 EUR/năm; ở Singapore trung bình từ 20-25.000 SGD/năm; ở Mỹ khoảng 28-40.000 USD/năm.
Cơ chế, chính sách học bổng và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho nghiên cứu sinh chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều nước ở khu vực và trên thế giới, nghiên cứu sinh không phải đóng học phí, được cấp học bổng và kinh phí hỗ trợ cho việc hoàn thiện luận án tiến sĩ, được nhận lương nếu tham gia trợ giảng, nghiên cứu cùng người hướng dẫn (như ở Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…).
Nghiên cứu sinh ở Việt Nam vừa phải đóng học phí, vừa khó tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu từ cơ sở đào tạo bởi hiện nay Nhà nước mới chỉ có cơ chế hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu sinh được lựa chọn theo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2019-2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 89/QĐ-TTg), bao gồm: (1) hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài luận án (từ 13-20 triệu đồng/người học/năm và không quá 4 năm) và (2) hỗ trợ đăng bài báo khoa học quốc tế; hỗ trợ tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc thực tập ngắn hạn ở nước ngoài (01 lần trong cả quá trình đào tạo).
Hiện nay, chưa có chính sách hỗ trợ, thu hút người học tiến sĩ ở các ngành, lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên và công nghệ rất quan trọng như các ngành vật lý địa cầu, vật lý hạt nhân, các ngành nông nghiệp, chăn nuôi…