Nhu cầu nhân lực lớn, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng mở ngành Quan hệ công chúng

18/05/2024 06:25
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) mở ngành Quan hệ công chúng.

Ngành Quan hệ công chúng đang chủ yếu được đào tạo ở một số trường đại học tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cụ thể là tại Thành phố Đà Nẵng - một trong những trung tâm truyền thông lớn của cả nước nhưng chưa có nhiều đơn vị đào tạo ngành Quan hệ công chúng trình độ đại học. Một số chương trình hiện tại chủ yếu tập trung huấn luyện ngắn hạn về kỹ năng trong lĩnh vực quan hệ công chúng.

Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) mở ngành Quan hệ công chúng. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Yến Minh - Phó Trưởng khoa Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã có những chia sẻ về ngành Quan hệ công chúng của nhà trường.

Sự cần thiết mở ngành Quan hệ công chúng

Theo Tiến sĩ Minh, trong bối cảnh hội nhập, hầu hết các cơ quan, tổ chức và cá nhân đều nhận thức được tầm quan trọng của truyền thông đối với việc xây dựng hình ảnh, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực truyền thông và quan hệ công chúng vì vậy trở nên vô cùng cấp thiết.

Cô Minh cho biết, các báo cáo về phát triển nguồn nhân lực độc lập đều cho thấy truyền thông là nhóm ngành đào tạo có nhu cầu cao trong xã hội. Chẳng hạn, theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2015-2025, mỗi năm sẽ cần đến 21.600 người trong nhóm ngành Truyền thông – Quảng cáo.

z5429939537359_b6e1c13465e5deef9b4d59968c5b5052.jpg
Tiến sĩ Trần Thị Yến Minh - Phó Trưởng khoa Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC

Cũng theo cô Minh, một khảo sát khác về thực trạng nhân lực truyền thông trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội cho thấy trong giai đoạn 2022-2025, các doanh nghiệp cần một lượng lớn nhân sự đảm nhận hoạt động truyền thông doanh nghiệp, hoặc thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phát triển chiến lược truyền thông quảng cáo.

Theo kết quả khảo sát sự cần thiết mở ngành đào tạo Quan hệ công chúng được Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) thực hiện năm 2023, có tới 58,5% người được khảo sát cho rằng việc mở ngành Quan hệ công chúng là cần thiết cao; 36,6% cho là cần thiết rất cao.

khảo sát sự cần thiết mở ngành đào tạo Quan hệ công chúng.png
Kết quả khảo sát sự cần thiết mở ngành Quan hệ công chúng của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Biểu đồ: NTCC

"Số lượng và chất lượng đào tạo của ngành truyền thông hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Những ngành đào tạo hiện tại hầu hết tập trung vào mảng marketing hoặc báo chí nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng rộng mở của thị trường lao động. Do đó, việc mở ngành Quan hệ công chúng của trường là cần thiết. Năm 2024, ngành tuyển sinh với 45 chỉ tiêu", cô Minh chia sẻ.

Chỉ ra điểm khác trong chương trình đào tạo của ngành Quan hệ công chúng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), theo cô Minh, về cơ bản, chương trình đảm bảo những yêu cầu bắt buộc đối với ngành học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, chương trình đào tạo Quan hệ công chúng của nhà trường có sự tham khảo chặt chẽ theo khung chương trình đào tạo quốc tế Đại học Bournemouth (đại học đầu tiên đào tạo ngành Quan hệ công chúng bậc đại học ở Vương quốc Anh), Đại học Boston ở Hoa Kỳ, Đại học Swinburne ở Úc. Chương trình đào tạo ngành Quan hệ công chúng của trường cũng học hỏi từ các chương trình Quan hệ công chúng ở những trường đi trước tại Việt Nam.

"Điểm nổi bật nhất của ngành Quan hệ công chúng là chương trình có sự cập nhật các học phần liên ngành hướng đến quan hệ công chúng chuyên nghiệp trong thời đại số. Ví dụ như học phần Truyền thông xã hội, tiếp thị kỹ thuật số, thông hiểu thông tin truyền thông,...", cô Minh cho biết.

Cũng theo Phó Trưởng khoa Khoa Ngữ văn, nhà trường tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo theo hướng trang bị cho người học năng lực quản lý và khởi nghiệp, đặc biệt thể hiện qua các học phần như Quản trị nhân sự, Quản trị khách hàng và doanh nghiệp truyền thông, Tư duy sáng tạo và khởi nghiệp, Kỹ năng giao tiếp và đàm phán, Xây dựng thương hiệu cá nhân,...

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo ngành Quan hệ công chúng được xây dựng theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành thông qua phương pháp dạy học theo dự án (project-based learning - học tập qua dự án được đề ra cho người học và người tham gia, cùng nhau hợp tác để tạo ra sản phẩm, bài thu hoạch, bài thuyết trình). Để hỗ trợ sinh viên học tập qua dự án, nhà trường đã liên hệ và nhận được sự cam kết hỗ trợ kiến tập, thực tập từ các doanh nghiệp và tổ chức truyền thông.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng có nhiều cơ hội việc làm

"Để đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của ngành Quan hệ công chúng, đội ngũ giảng viên tham gia dạy ngành Quan hệ công chúng đều được đào tạo bài bản tại Anh, Úc và các trường đại học hàng đầu ở Việt Nam. Nhà trường cũng có kế hoạch mời thêm các giảng viên thỉnh giảng là chuyên gia truyền thông, giám đốc, quản lý các doanh nghiệp, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các nhà báo giàu kinh nghiệm để hỗ trợ thêm các nội dung thực hành cho sinh viên", cô Minh chia sẻ.

Còn về cơ sở vật chất, cô Minh cho biết, nhà trường đảm bảo có các phòng học đủ tiêu chuẩn, thiết bị quay phim, máy tính phục vụ cho việc thực hành. Ngoài ra, nhà trường cũng có kế hoạch tổ chức chuyến tham quan thực tế, kiến tập và thực tập tại các đơn vị để sinh viên có thêm nhiều trải nghiệm thực tiễn.

z5429960233300_288ed2875705998853f886cbb9248552.jpg
Phòng thực hành phục vụ đào tạo ngành Quan hệ công chúng của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)

Chia sẻ về việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng, cô Minh cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng có cơ hội việc làm khá rộng mở, vị trí việc làm đa dạng, và có khả năng khởi nghiệp trong bối cảnh truyền thông hiện đại.

"Thực tế nhiều năm qua, sinh viên tốt nghiệp ngành Báo chí, Văn học, Văn hoá tại Khoa Ngữ văn đã tham gia làm việc và khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực truyền thông, marketing, quảng cáo. Do đó, tôi tin rằng sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng sẽ được chuẩn bị kỹ càng hơn về kiến thức để sẵn sàng tham gia vào hoạt động truyền thông ở khu vực miền Trung và cả nước", cô Minh chia sẻ thêm.

Bên cạnh những thuận lợi, cô Minh cho rằng cũng có một số khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo ngành Quan hệ công chúng. Cụ thể, mặc dù đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất cho ngành đã được chuẩn bị sẵn sàng nhưng để đáp ứng được sự thay đổi không ngừng của môi trường truyền thông hiện đại là điều không dễ. Nhận thức được khó khăn này, ngành đã có sự chuẩn bị mang tính hệ thống và lâu dài về nhân lực, sự đầu tư của nhà trường nhằm đảm bảo hiệu quả chất lượng giảng dạy ngành học.

Theo cô Minh, sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng có thể đáp ứng được vị trí việc làm phổ biến như:

Chuyên viên tại các công ty truyền thông chuyên nghiệp trong và ngoài nước.

Chuyên viên viên truyền thông, quan hệ công chúng (PR), chuyên viên phụ trách quan hệ báo chí, quan hệ cộng đồng tại các các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp công ty, tổ hợp, tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế, thương mại, dịch vụ.

Các vị trí công việc khác tại các cơ quan đơn vị có liên quan đến quan hệ công chúng, báo chí, truyền thông như các cơ quan văn hoá – tư tưởng, các cơ quan, tổ chức truyền thông vận động xã hội, các bộ phận thông tin tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội.

Làm phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo chí, hãng thông tấn.

Cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về quan hệ công chúng, truyền thông, marketing.

Làm việc tự do với vai trò tư vấn, quản trị cho các dự án truyền thông, quan hệ công chúng, hoặc hoạt động độc lập với vai trò người sáng tạo nội dung truyền thông.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng có cơ hội khởi nghiệp.

Ngọc Mai