Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đào tạo ngành Sư phạm Mỹ thuật từ năm 2024

22/02/2024 10:57
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo ngành Sư phạm Mỹ thuật trình độ đại học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã ký quyết định về việc cho phép Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đào tạo ngành Sư phạm Mỹ thuật trình độ đại học, mã số 7140222.

Theo Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng thực hiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, cấp bằng theo các quy định hiện hành, đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo quy định tại khoản 5, Điều 33 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung).

00.jpg
Toàn cảnh Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: website nhà trường

Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng dự kiến tuyển sinh 2.800 chỉ tiêu (trong đó, chỉ tiêu các ngành sư phạm dự kiến tuyển sinh 1.654 chỉ tiêu; các ngành cử nhân dự kiến tuyển sinh 1.155 chỉ tiêu).

Trường tuyển sinh theo 6 phương thức, cụ thể: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; xét tuyển dựa trên học bạ trung học phổ thông; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2024; xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc tế, quốc gia và các đối tượng khác theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển theo Đề án tuyển sinh riêng.

Riêng ngành Sư phạm Mỹ thuật dự kiến tuyển sinh 40 chỉ tiêu.

Năm 2023, điểm chuẩn (theo phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông) Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng dao động từ 15,35 điểm đến 25,8 điểm. Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Giáo dục Chính trị và Sư phạm Lịch sử - Địa lý (25,8 điểm).

Khoản 5, Điều 33 về Mở ngành đào tạo, theo Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định như sau:

5. Trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định theo quy định của Luật này. Trường hợp không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bảo đảm quyền lợi cho người học, không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Doãn Nhàn