Trước nguy cơ bị giải thể, CLB các trường cao đẳng sư phạm có nhiều đề xuất

27/03/2024 06:28
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các trường cao đẳng sư phạm nhất trí đề nghị Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tiếp tục kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều vấn đề. 

Ngày 22/3, Câu lạc bộ Các trường Cao đẳng sư phạm thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có văn bản Thông báo Kết quả Hội thảo các trường cao đẳng sư phạm diễn ra ngày 15/3/2024 với chủ đề "Những vấn đề đặt ra với các trường cao đẳng sư phạm hiện nay".

GDVN.JPG
Toàn cảnh toạ đàm "Những vấn đề đặt ra với các trường cao đẳng sư phạm hiện nay" diễn ra ngày 15/3 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh. (Ảnh: Ngọc Mai)

Thông báo nêu, hiện nay các trường cao đẳng sư phạm địa phương đang gặp phải những khó khăn rất lớn, có nguy cơ bị giải thể do sự thay đổi trình độ chuẩn của giáo viên phổ thông tác động đến công tác tuyển sinh; định hướng quy hoạch hệ thống trường sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sáp nhập vào các trường đại học không cùng đẳng cấp; đang bị "nghề hoá" trong đào tạo giáo viên.

Trong khi chờ đợi những quy hoạch, hướng dẫn rõ ràng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường cao đẳng sư phạm phải tập trung hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và đoàn thể để khẳng định các trường cao đẳng sư phạm là trung tâm văn hoá của địa phương. Bên cạnh đó, cần chủ động tham mưu uỷ ban nhân dân tỉnh, thành cho phép phối hợp đào tạo trình độ đại học, trước mắt là ưu tiên đào tạo giáo viên tiểu học, kể cả chương trình đại học ngành giáo dục mầm non theo cơ chế đặt hàng.

Định hướng phát triển của các trường cao đẳng sư phạm, việc tổ chức sắp xếp lại các cơ sở đào tạo cần căn cứ vào tình hình thực tế từng địa phương và lấy các trường cao đẳng sư phạm là trung tâm.

Các trường cần nghiên cứu, khảo sát thị trường lao động để mở rộng, phát triển một số ngành đào tạo mới phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, khu vực lân cận như: quản lý kinh tế, văn hoá, du lịch, công nghệ, đào tạo và đào tạo lại cán bộ cơ sở; nghiên cứu tổ chức đào tạo hoặc bồi dưỡng chuyên sâu các loại hình nghệ thuật của địa phương.

Việc sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm vào các trường đại học ảnh hưởng tâm tư, nguyện vọng của một số cán bộ viên chức. Cụ thể, hầu hết các cán bộ quản lý đơn vị trực thuộc của trường không được bố trí sắp xếp làm tiếp công tác quản lý; một số giảng viên nhà trường được bố trí làm ở các phòng, ban của trường đại học và không tham gia giảng dạy; một số giảng viên khác được phân công xuống dạy tại trường phổ thông;...

Câu lạc bộ Các trường cao đẳng sư phạm đại biểu các trường cao đẳng sư phạm đã phát biểu ý kiến liên quan đến đề xuất, kiến nghị mà các trường đã thống nhất tại hội nghị trước đó nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền trả lời.

Từ những khó khăn đang gặp phải, các trường cao đẳng sư phạm nhất trí đề nghị Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tiếp tục kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo các vấn đề như sau:

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có bản văn gửi các địa phương đôn đốc triển khai thực hiện Điều lệ trường cao đẳng sư phạm ban hành kèm theo Thông tư 23/2022/TT- BGDĐT ngày 30/12/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuyển các trường cao đẳng sư phạm địa phương trực thuộc uỷ ban nhân dân tỉnh.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có lộ trình cụ thể cho các trường cao đẳng sư phạm trong Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và giáo sư phạm chính thức để các trường cao đẳng sư phạm có những bước đi thích hợp cho sự tồn tại, phát triển đến năm 2030 và có định hướng phát triển cho các trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế cho các trường cao đẳng sư phạm được thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên cấp tiểu học và trung học cơ sở tại địa phương. Qua đó giúp các trường cao đẳng sư phạm vừa bồi dưỡng giáo viên phổ thông vừa cập nhật chương trình giáo dục phổ thông.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét về mô hình đào tạo 3 + 1 (03 năm tại trường cao đẳng sư phạm và 01 năm tại trường đại học ) để giải quyết vấn đề đào tạo giáo viên hiện nay.

Theo dự thảo đề án quy hoạch mạng lưới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khối giáo viên mầm non thiếu từ nay đến năm 2045 vẫn chiếm tỷ lệ cao (trung bình 40% số giáo viên thiếu ). Vì vậy, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét tiếp tục giao nhiệm vụ đào tạo ngành Giáo dục mầm non cho các trường cao đẳng sư phạm sau năm 2030.

Ngọc Mai