Sáng nay (ngày 31/5), tại Văn phòng THACO Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) diễn ra hội thảo “Cao đẳng – thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức.
Tham dự hội thảo, về phía cơ quan trung ương có Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục (Ban Tuyên giáo Trung ương); Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
Về phía Tập đoàn THACO, có ông Đỗ Minh Tâm - Tổng Giám đốc THACO INDUSTRIES ; Thạc sĩ Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO.
Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội. Cùng sự góp mặt của gần 100 đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên cả nước.
Mở đầu hội thảo, Tiến sĩ Đặng Văn Định – Trưởng ban Nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, sự ra đời hệ thống đào tạo này đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực nước nhà qua các thời kỳ, đã khẳng định được chỗ đứng của mình bằng những giá trị đặc trưng trong hoạt động đào tạo và trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, hiện hệ cao đẳng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cả về số lượng và chất lượng.
Nhắc lại một vài dấu mốc quan trọng của hệ thống giáo dục cao đẳng, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, ở nước ta hệ thống đào tạo cao đẳng đã xuất hiện và gắn chặt với đại học từ những năm đầu của thế kỷ 20, khi nước ta đang bị đô hộ.
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, nước ta tiếp tục duy trì và củng cố các trường cao đẳng trung học và chuyển hướng hoạt động nhằm phục phụ kháng chiến và kiến quốc.
Sau đại thắng năm 1975, thực hiện đường lối đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, hệ cao đẳng nước ta phát triển rất mạnh và không ngừng. Trường cao đẳng và trình độ cao đẳng thuộc bậc đại học, được áp dụng các chính sách của bậc đại học.
Sự phát triển mạnh của hệ cao đẳng đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực nước nhà qua các thời kỳ. Đó là đội ngũ y sĩ, giáo viên, kỹ thuật viên và nhân viên nghiệp vụ nắm giữ các vị trí quản lý trung gian trong những lĩnh vực như: xây dựng, giao thông công cộng, chế tạo máy móc thiết bị, tài chính/ngân hàng, kinh tế dịch vụ, nông – lâm- ngư nghiệp…
Đặc biệt phải nhắc tới rất nhiều trường cao đẳng sư phạm đã được hình thành sau khi đất nước thống nhất. Các trường này đã đào tạo đội ngũ giáo viên trình độ cao đẳng, đây là lực lượng chủ lực để hiện công cuộc phổ cập giáo dục. Và đội ngũ y sĩ được đào tạo từ các trường cao đẳng y tế cũng có mặt ở mỗi làng, xã giúp chăm lo sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, vào năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ra đời, trong đó có điều 76, 77 đã bãi bỏ tất cả những quy định liên quan đến trình độ cao đẳng thuộc bậc đại học ở các luật trước đó. Đây là một sự thay đổi rất khó tin.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Trần Xuân Nhĩ nhận định, chính việc này kéo theo nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách, về phương thức quản lý, đầu tư đối với hệ cao đẳng. Theo nhận đây, đấy chính là nguyên nhân chính dẫn tới các trường cao đẳng đang đối mặt với không ít vấn đề, nổi bật là: thiếu hụt nguồn tuyển sinh; liên thông giữa các trình độ cao đẳng với giáo dục đại học rất hạn chế; các trường cao đẳng công lập đang trong xu thế sắp xếp giảm đầu mối; một số được sáp nhập vào cơ sở cao đẳng nghề, vào cơ sở giáo dục đại học mà không thuộc sứ mệnh, hoặc thậm chí có trường phải giải thể; và những trường còn lại, đa số rơi vào tình trạng bế tắc...
“Phù hợp với tôn chỉ, mục đích của mình, hôm nay, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng Trường Cao đẳng THACO tổ chức Hội thảo “Cao đẳng - Thực trạng và giải pháp”.
Tại hội thảo này chúng ta sẽ cùng nhìn lại thực trạng của hệ thống cao đẳng, chỉ ra những khó khăn vướng mắc đồng thời tìm những giải pháp tháo gỡ nhằm đem lại vị trí xứng đáng cho các trường cao đẳng để đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời cũng góp phần vào việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ phát biểu.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Minh Tâm - Tổng Giám đốc THACO INDUSTRIES bày tỏ sự đánh giá cao đối với hoạt động của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đồng thời khẳng định hội thảo là cơ hội quý báu giúp các trường cao đẳng nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động.
“Được biết Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam quy tụ các thành viên là các trường đại học, cao đẳng không phân biệt công tư trên phạm vi cả nước. Hoạt động của Hiệp hội là độc lập, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên, hỗ trợ các hội viên để hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trong thời gian qua, Hiệp hội đã có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả. Và việc Hiệp hội chọn THACO Chu Lai là nơi tổ chức hội thảo với chủ đề “Cao đẳng - thực trạng và giải pháp” là cơ hội để Trường Cao đẳng THACO cùng các cơ sở đào tạo trao đổi, thảo luận tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo”, Tổng Giám đốc THACO INDUSTRIES phát biểu.
Chương trình hội thảo diễn ra trong cả ngày 31/5, bao gồm phiên trình bày báo cáo tham luận và phiên thảo luận. Trong đó, nhiều vấn đề quan trọng, mang tính cấp thiết trong hoạt động các trường cao đẳng được đưa ra thảo luận như vấn đề thể chế, chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, chuyển đổi số, hay các vấn đề liên quan đến hoạt động của cao đẳng sư phạm, cao đẳng y tế, cao đẳng nghề…