99 ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc VN xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc

04/06/2024 16:37
Bài và ảnh: Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ông Ishii Chikahisa - Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại VN đánh giá, ứng viên Việt Nam có tỷ lệ thi đỗ chứng chỉ quốc gia cao và đạt thành tích nổi trội.

Sáng ngày 4/6, tại Hà Nội, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Meiko Network Japan tại Việt Nam tổ chức lễ xuất cảnh cho ứng viên khóa 11 - chương trình đưa ứng viên điều dưỡng và nhân viên chăm sóc Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam Nam - Nhật Bản (ứng viên EPA).

GDVN_1.JPG
Toàn cảnh buổi lễ.

Phát biểu tại chương trình, ông Đặng Sĩ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Triển khai Hiệp định đối tác kinh tế được ký kết bởi Chính phủ hai nước Việt Nam – Nhật Bản, trong đó có nội dung di chuyển thể nhân, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cơ quan đào tạo Meiko Network Japan tổ chức tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 12 khóa, với tổng cộng 2.231 ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc Việt Nam để đưa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế của Nhật Bản. Trong các năm trước, đã có 1.845 ứng viên xuất cảnh sang Nhật Bản.

Theo ông Dũng, sau 10 năm kể từ đoàn đầu tiên tới Nhật Bản, ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với ứng viên dưỡng viên, nhân viên chăm sóc các nước khác với tỷ lệ thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản. Tính đến nay, tỷ lệ ứng viên điều dưỡng đỗ chứng chỉ quốc gia Nhật Bản là khoảng 80%; nhân viên chăm sóc là khoảng 93%.

Ông Dũng thông tin, năm 2024, có 99 ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để xuất cảnh sang học tập và làm việc tại Nhật Bản.

GDVN_7.JPG
Ông Đặng Sĩ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại buổi lễ.

Tại chương trình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng nhắn nhủ đến các ứng viên EPA khóa 11: “Hãy giữ gìn sức khỏe để đảm bảo hoàn thành tốt chương trình học tập và các công việc được cơ sở tiếp nhận giao; cố gắng, có ý chí quyết tâm, thường xuyên trau dồi kiến thức trong học tập, công việc, năng lực tiếng Nhật, phong tục tập quán. Đồng thời có thái độ hòa đồng với mọi người trong công việc và cuộc sống. Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Nhật Bản, nội quy quy định của cơ sở tiếp nhận.

Tại lễ xuất cảnh, ông Ishii Chikahisa - Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng gửi lời chúc tốt đẹp tới các ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc khóa 11 sẽ xuất cảnh sang Nhật Bản tối ngày hôm nay.

Ông Ishii nhìn nhận, học tiếng Nhật không phải là việc đơn giản. Ông chia sẻ: “Thời gian qua, chắc rằng các bạn đã trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả và có nhiều lo lắng. Tôi xin bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những nỗ lực vượt qua khó khăn để đi đến ngày hôm nay của tất cả các bạn. Kể từ hôm nay, bạn sẽ đứng trên một vạch xuất phát mới và tiến bước trên chặng đường mới. Từ bây giờ, các bạn sẽ vừa làm việc tại Nhật Bản vừa hướng tới mục tiêu thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản ngành điều dưỡng, nhân viên chăm sóc.

Thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản không phải là việc dễ dàng, nhưng với sự cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi tin chắc các bạn sẽ thi đỗ. Những người làm công việc chăm sóc điều dưỡng ở Nhật Bản được gọi là “nhân viên thiết yếu” (essential woker), bởi họ hỗ trợ cuộc sống sinh hoạt của rất nhiều người. Điều đó thật đáng tự hào, đúng không các bạn? Vì thế, các bạn hãy cố gắng làm việc thật tốt nhé”.

GDVN_anhishii.JPG
Ông Ishii Chikahisa - Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Ông Ishii đánh giá, ứng viên Việt Nam có tỷ lệ thi đỗ chứng chỉ quốc gia cao và đạt thành tích nổi trội.

Theo ông Ishii, việc thi đỗ chứng chỉ quốc gia là một mục tiêu quan trọng trong dự án EPA này. Tuy nhiên, thực ra còn có một điều quan trọng hơn - đó là làm sao để có cuộc sống vui vẻ và khỏe mạnh tại Nhật Bản.

Ông Ishii bày tỏ: “Ở Nhật Bản có rất nhiều điều thú vị đang chờ đợi các bạn, chẳng hạn như ẩm thực Nhật Bản, suối nước nóng, phim hoạt hình và hóa trang, thiên nhiên thay đổi theo 4 mùa trong năm với hoa anh đào, lá đỏ, tuyết trắng, những lễ hội nổi tiếng ở mỗi địa phương. Tôi mong các bạn sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị”.

Ông Yuta Kimura - Trưởng đại diện Meiko Network Japan tại Việt Nam nhìn nhận, các ứng viên EPA khóa 11 đã có nhiều niềm vui nhưng cũng không ít những khó khăn, thậm chí có lúc đã muốn từ bỏ. Tuy nhiên, việc hoàn thành mục tiêu để có thể đến Nhật Bản vào ngày hôm nay là sự nỗ lực vô giá.

GDVN_A.JPG
Ông Yuta Kimura - Trưởng đại diện Meiko Network Japan tại Việt Nam.

Ông Yuta Kimura nhắn nhủ 2 điều lưu ý với các ứng viên sau khi đến, làm việc tại Nhật Bản.

Thứ nhất, khi đến Nhật Bản, các bạn hãy tiếp tục nuôi dưỡng cho bản thân những mục tiêu, ước mơ riêng trong tương lai. “Cho đến thời điểm hiện tại, các bạn đã rất nỗ lực để đỗ được kỳ thi JLPT N3, và từ giờ, mục tiêu của các bạn là vượt qua kỳ thi chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản ngành điều dưỡng, nhân viên chăm sóc. Nhưng tôi mong rằng các bạn sẽ có thêm những mục tiêu khác nữa”, ông Kimura bày tỏ.

Thứ hai, hãy luôn tận hưởng quãng thời gian sinh sống tại Nhật Bản. Theo ông, hầu hết các ứng viên đều là lần đầu tiên sống ở nước ngoài nên có thể cảm thấy bối rối với môi trường mới. Tuy nhiên đó cũng là cơ hội để mỗi người phát triển thêm.

Chia sẻ đến các ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc khóa 11, ông Kataoka Yoshikazu – Giám đốc điều hành, Tổ chức phúc lợi quốc tế Nhật Bản (Jicwels) đánh giá cao những nỗ lực không ngừng nghỉ của các ứng viên EPA khóa 11.

GDVN_5.JPG
Ông Kataoka Yoshikazu – Giám đốc điều hành, Tổ chức phúc lợi quốc tế Nhật Bản.

“Các cơ sở tiếp nhận đang rất mong chờ các em đến Nhật Bản và bắt đầu làm việc, học tập tại cơ sở. Nếu các em gặp phải khó khăn gì thì không chỉ nhân viên tại cơ sở mà cả Jicwels cũng sẽ hỗ trợ các em. Tất cả các đơn vị liên quan tại Nhật Bản đều sẵn lòng chào đón các em, vì vậy, hãy yên tâm đến với Nhật Bản nhé”, ông Kataoka nhắn nhủ.

Ngoài ra, theo ông, vừa làm việc vừa học để thi đỗ chứng chỉ quốc gia là một điều không dễ dàng. Nếu thi đỗ chứng chỉ quốc gia về điều dưỡng và chăm sóc, các em có thể làm việc, sinh sống lâu dài tại Nhật Bản và còn có thể bảo lãnh gia đình sang sinh sống cùng. Tất nhiên, khi ấy, mức lương cũng cao hơn là ứng viên. Ông Kataoka kỳ vọng, các ứng viên đều sẽ thi đỗ chứng chỉ quốc gia và làm việc lâu dài tại Nhật Bản với tư cách là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại buổi lễ, các ứng viên EPA cũng được nhận giấy chứng nhận hoàn thành khóa học định hướng và bày tỏ sự quyết tâm cao cho hành trình sắp tới tại Nhật Bản.

GDVN_10.JPG
Các ứng viên EPA nhận giấy chứng nhận hoàn thành khóa học định hướng.
GDVN_9.JPG
Ứng viên EPA tại buổi lễ.
GDVN_3.JPG
Chương trình EPA được đánh giá là cơ hội việc làm hấp dẫn để sinh viên tốt nghiệp ngành điều dưỡng của Việt Nam có điều kiện nâng cao tay nghề, kỹ năng và đạt được mức thu nhập tốt.
GDVN_2.JPG
Các ứng viên EPA chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu, trước khi xuất cảnh sang Nhật Bản vào tối nay (ngày 4/6).
Bài và ảnh: Thi Thi