Hiệp hội làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam

07/05/2024 20:12
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chiều 7/5, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại VN.

Tham dự chương trình, về phía Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam có ông Ishii Chikahisa – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán; ông Nakashima Yusuke – Bí thư thứ hai Đại sứ quán; ông Nguyễn Thế Hùng – Thư ký Ban kinh tế. Về phía Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) có ông Nishikawa Naotaka – Cố vấn hình thành dự án JICA tại Việt Nam.

Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội; Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga – Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội.

GDVN_4.JPG
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản.

Chia sẻ trong buổi làm việc, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ niềm vinh dự khi được đón tiếp các đại biểu Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản.

Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Ishii Chikahisa và đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản Nishikawa Naotaka bày tỏ mong muốn đưa ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (gọi tắt là chương trình EPA). Đối tượng muốn hợp tác là các trường cao đẳng, đại học có đào tạo điều dưỡng. Ngoài ra, nội dung liên quan đến sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, trong đó có nội dung là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, về phía JICA cũng đang trong quá trình phối hợp triển khai.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, phát triển nguồn lực là một trong những vấn đề trọng tâm mà Hiệp hội quan tâm. Trong vấn đề phát triển nguồn lực làm thế nào để có cơ cấu nhân lực hợp lý. Và vấn đề thứ hai liên quan đến nhân lực trình độ cao.

"Để đất nước phát triển được thì cần phải có nguồn lực. Trong các loại nguồn lực thì chú ý phát triển nguồn nhân lực. Chúng tôi biết Nhật Bản hay một số quốc gia ở Đông Á, Đông Nam Á cũng đi lên từ con đường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực. Do đó chúng tôi cũng muốn học tập kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực của Nhật Bản", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ.

GDVN_backhuyen.JPG
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga cũng đánh giá cao những chia sẻ trong việc phát triển các chương trình điều dưỡng cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao của Nhật Bản.

Hiện nay, mạng lưới đào tạo chương trình điều dưỡng khá rộng mở vì có nhu cầu nhân lực lĩnh vực này. Các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, từ Bắc chí Nam đều có đào tạo chương trình điều dưỡng. Cô Phương Nga thông tin một số cơ sở đào tạo như Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, Trường Đại học Yersin Đà Lạt, Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học Đại Nam...

GDVN_conga.JPG
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga – Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam

Tại buổi làm việc, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, dự án EPA bắt đầu tiếp nhận ứng viên từ năm 2014, đến nay đã có 1.845 người với tư cách ứng viên EPA đến Nhật Bản. Ông Ishii Chikahisa cũng chia sẻ một số điểm thu hút khi tham gia dự án EPA.

Thứ nhất, miễn phí hoàn toàn học phí và chi phí ăn, ở khi tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật Bản trước khi sang Nhật Bản trong vòng một năm. Ngoài ra, trong thời gian tham gia khóa đào tạo sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí.

Thứ hai, miễn phí vé máy bay hai chiều, chi phí xin visa.

Thứ ba, có thể vừa làm việc ở nhật Bản, vừa hướng đến mục tiêu thi đỗ chứng chỉ quốc gia điều dưỡng, nhân viên chăm sóc.

Thứ tư, nếu đỗ chứng chỉ quốc gia ngành điều dưỡng, nhân viên chăm sóc của Nhật Bản thì có thể làm việc lâu dài.

GDVN_3.JPG
Ông Ishii Chikahisa – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Theo Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đối tượng của chương trình EPA khá đa dạng, không có giới hạn theo vùng, tất cả sinh viên học ngành điều dưỡng tại các trường đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp đều có thể tham gia. Yêu cầu về độ tuổi ứng viên là dưới 35 tuổi. Theo thống kê, Trường Cao đẳng Y tế Huế có nhiều ứng viên tham gia chương trình EPA nhất, với tổng số là 142 ứng viên.

"Với chương trình EPA đã trao đổi, chúng tôi mong Hiệp hội có thể chia sẻ thông tin tới các đơn vị thành viên, các trường đại học, cao đẳng có đào tạo điều dưỡng để lan tỏa, sinh viên biết đến chương trình nhiều hơn và đăng ký tham gia”, ông Ishii Chikahisa nêu kỳ vọng.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết, thế mạnh của Hiệp hội khi có đơn vị trực thuộc là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ giúp lan tỏa, giới thiệu thông tin về chương trình. Kênh thứ hai của Hiệp hội là hệ thống làm việc trực tuyến với các trường đại học, cao đẳng, các câu lạc bộ theo từng khối trường, trong đó có câu lạc bộ các trường y dược, cao đẳng y tế...

GDVN_2.JPG
Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Chia sẻ trong buổi làm việc, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho hay, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam là kênh thông tin đáng tin cậy, chuyên biệt về giáo dục, có lượng độc giả truy cập đông đảo.

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình hy vọng tới đây sẽ có cuộc làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản và JICA tại Việt Nam ở trụ sở Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhằm mang đến giải pháp lan tỏa chương trình của Chính phủ Nhật Bản đến với nhiều người học.

Bên cạnh đó, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình cũng chia sẻ băn khoăn khi, theo tài liệu thống kê các ứng viên tham gia chương trình EPA từ khóa 1 đến khóa 12 có thể thấy cơ cấu ứng viên có xu hướng giảm theo thời gian. Vậy nguyên nhân của sự sụt giảm này là gì? Liệu có phải do thu nhập chưa đủ hấp dẫn hay vì truyền thông về chương trình chưa thực sự hiệu quả?

Về vấn đề này, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Ishii Chikahisa gửi lời cảm ơn chân thành đến Nhà báo Nguyễn Tiến Bình vì những ý kiến trao đổi hết sức thẳng thắn và sâu sắc. Ông Ishii Chikahisa cho biết, có hai nguyên nhân chính dẫn đến ứng viên tham gia chương trình giảm.

Thứ nhất là cơ chế thực hiện chương trình còn một số bất cập, chưa có sự thay đổi sau 10 năm hoạt động. Thời gian từ khi đăng ký tham gia chương trình cho đến khi xuất cảnh là 1,5 năm; trong đó ứng viên mất 1 năm học tiếng Nhật Bản, sau đó phỏng vấn với đơn vị tiếp nhận và thực hiện một số thủ tục khác. Nếu tham gia chương trình EPA với khóa đào tạo một năm, ứng viên phải đạt trình độ tiếng Nhật N3; còn nếu không tham gia khóa đào tạo, yêu cầu ứng viên có trình độ N2.

Hơn thế nữa, có nhiều chương trình đưa nhân lực sang Nhật Bản làm việc với thời gian xuất cảnh nhanh hơn nên dẫn đến sự cạnh tranh.

Thứ hai, công tác truyền thông, truyền tải thông tin chương trình chính xác tới nhiều đối tượng còn nhiều hạn chế.

Mở rộng vấn đề ngoài chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc Việt Nam sang Nhật Bản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga cũng nêu băn khoăn, phía Chính phủ Nhật Bản hay JICA có những chương trình nào liên quan đến quản trị đại học, các chương trình đào tạo khác, đặc biệt là điện tử, bán dẫn...

Trả lời nội dung trên, ông Nishikawa Naotaka - Cố vấn hình thành dự án JICA tại Việt Nam giới thiệu về Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ năm 2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.

GDVN_5.JPG
Ông Nishikawa Naotaka – Cố vấn hình thành dự án, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA tại Việt Nam

Năm nay, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1 gồm 5 nhóm vấn đề chính: Thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á, chuyển đổi xanh; Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Tăng cường chuỗi cung ứng, bao gồm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (lĩnh vực IT, AI, chất bán dẫn); Cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư.

Ông Nishikawa Naotaka phụ trách lĩnh vực phát triển nhân lực chất lượng cao, bao gồm các hoạt động như phát triển về đào tạo nghề, trường nghề; phát triển nhân lực trình độ đại học... Theo ông, dự kiến ngày 22/5 tới đây sẽ có một hội thảo về phát triển nguồn nhân lực với thành phần tham dự là các trường đại học Việt Nam và một số doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Đại diện JICA tại Việt Nam bày tỏ hy vọng sự kiện này sẽ có sự tham dự của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Ông Nishikawa Naotaka nhìn nhận, lĩnh vực bán dẫn trong thời gian gần đây được nhắc đến rất nhiều. Mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Một số đơn vị đặt mục tiêu từ nay đến 2030 đào tạo hàng ngàn kỹ sư thiết kế vi mạch và chuyên viên ngành bán dẫn. Tuy nhiên, ông Nishikawa Naotaka cũng băn khoăn rằng có thể đào tạo được nhưng chất lượng thì phải chờ đợi kết quả.

GDVN_1.JPG
Lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chụp ảnh cùng đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam
Phạm Thi