ĐB lo lắng khi lực lượng có chuyên môn, trình độ cao về VH nghệ thuật thưa vắng

06/06/2024 10:46
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- ĐBQH lo lắng trước thách thức lớn cho cơ sở đào tạo chuyên sâu về văn hóa nghệ thuật trong nước, khi lực lượng có chuyên môn và trình độ cao đang dần thưa vắng.

Sáng ngày 06/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

050620240316-z5509821334901_7756d1049094c3c225f2968b1f234d12.jpg
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 6/6. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn về những nội dung: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thách thức lớn cho cơ sở đào tạo chuyên sâu về văn hóa nghệ thuật trong nước khi lực lượng có chuyên môn và trình độ cao đang dần thưa vắng

Trước đó, chiều ngày 5/6, chất vấn tại hội trường, Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang quan tâm đến tình hình thực hiện Đề án 1437 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài.

Cụ thể, vị đại biểu cho biết, năm 2016, Chính phủ ban hành Đề án 1437 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài. Mục tiêu là đến năm 2030, nước ta sẽ có 930 người được cử đi học để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho văn hóa nghệ thuật.

Tuy nhiên, theo Báo cáo 136 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến hết năm 2023, chỉ mới có 56 trường hợp trúng tuyển.

lam sinh.JPG
Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang. Ảnh: quochoitv.vn.

“Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các cơ sở đào tạo chuyên sâu về văn hóa nghệ thuật trong nước khi lực lượng có chuyên môn và trình độ cao đang dần thưa vắng, có thể dẫn đến sự khủng hoảng về nhân lực trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận.

Hiện nay chỉ còn 6 năm là kết thúc Đề án, xin Bộ trưởng đánh giá về tình hình thực hiện của đề án hiện nay ra sao và Bộ trưởng có những giải pháp gì để đạt được mục tiêu đến năm 2030?” - Đại biểu Trình Lam Sinh đề cập.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng lý giải, việc chưa hoàn thành chỉ tiêu Đề án, xuất phát từ một số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, đối tượng trong Đề án khá rộng, nhưng đầu vào tuyển sinh lại khó khăn.

Khó khăn trước hết là về trình độ ngoại ngữ, các em học chương trình nghệ thuật thường đi học từ rất sớm, tuổi còn rất nhỏ, nhưng vào các trường lại chủ yếu chỉ được đào tạo về chuyên môn, ít được đào tạo về ngoại ngữ. Cho nên, khi được đi học nước ngoài, trình độ ngoại ngữ không đảm bảo yêu cầu. Có những nước sử dụng tiếng Anh, có những nước lại không sử dụng tiếng Anh mà dùng ngôn ngữ bản địa, do vậy, có những học sinh của chúng ta mặc dù biết tiếng Anh nhưng lại không thể sử dụng. Tôi lấy ví dụ, học sinh sang Trung Quốc học thể dục dụng cụ, phải học tiếng Trung... Đó là một khó khăn khách quan.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực này, các đối tượng đào tạo thường còn rất nhỏ 8-15 tuổi, nên phải có người giám hộ đi theo, bố mẹ không thể để con đi một mình. Nhưng kinh phí lại không có phần dành cho người giám hộ, chỉ dành cho đối tượng đi học.

Thứ hai, trong 3 năm qua, trải qua đại dịch Covid-19, cũng gây ra nhiều khó khăn cho các cơ sở đào tạo.

Thứ tư, trong quá trình đào tạo không phải cứ lựa chọn là được, mà phải phụ thuộc vào các quốc gia đó có chấp nhận hay không. Hồ sơ ứng viên gửi đi có khi phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Gửi nước này bị trả hồ sơ thì phải gửi nước khác, nhưng nước khác chấp nhận thì có khi lại không phù hợp với điều kiện gia đình học sinh đó”.

060620240845-z5511701606778_fe975f5400eab65b369c96f673262a61.jpg
Bộ trưởng bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện, Bộ đang chỉ đạo tổng kết Đề án này, báo cáo Chính phủ để xem xét, sửa đổi Đề án theo hướng tính toán lại đối tượng tuyển sinh và xem xét lại một số ngành, vì Đề án đã lập cách đây 10 năm, đến thời điểm này đã không còn phù hợp, Việt Nam tự đào tạo được thì không cần thiết phải cử ra nước ngoài. Hoặc cũng có những ngành hiện nay đang rất cần, ví dụ như công nghiệp văn hóa, đang rất thiếu nguồn nhân lực, thì phải bổ sung.

Giải pháp phát huy vai trò của công nghiệp văn hóa

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho biết, tại Việt Nam, dù phát triển công nghiệp văn hóa còn khá mới mẻ nhưng các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng du lịch rõ ràng.

Nữ đại biểu cho rằng, phát triển công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch và ở chiều ngược lại, ngành du lịch văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp văn hóa mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, cần thực hiện những giải pháp gì để phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch?

Đối với chất vấn liên quan đến vai trò của công nghiệp văn hóa trong phát triển du lịch, Bộ trưởng khẳng định, Du lịch văn hóa là một trong các ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2022, tầm nhìn đến năm 2030.

Qua tổng kết Quyết định 1755/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về phát triển công nghiệp văn hóa dưới sự chủ trì của Thủ tướng. Thủ tướng đã kết luận và đưa ra quan điểm: tư duy phải sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để đột phá phát triển.

Với tinh thần đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu Thủ tướng sớm ban hành chỉ thị, hiện đang lấy ý kiến bộ, ngành và địa phương, với tinh thần tập trung phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững. Bộ trưởng khẳng định, đi theo hướng này, chắc chắn công nghiệp văn hóa sẽ có đóng góp vào GDP; hy vọng đến năm 2030, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đội ngũ văn nghệ sỹ, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP như mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp cần được tiến hành đồng bộ, trong đó du lịch văn hóa được coi là một trong những sản phẩm chiếm tỷ trọng nhiều hơn. Thời gian tới tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp văn hóa, nếu không đào tạo thì sẽ không thành công.

Tại phiên chất vấn chiều ngày 5/6, Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tranh luận và chất vấn: “Phần trả lời của Bộ trưởng về các giải pháp bảo vệ, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, dân ca, nhạc cụ độc đáo của đồng bào dân tộc chưa được đầy đủ.

Cùng với sự hội nhập, mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo tồn văn hóa, văn nghệ đặc sắc, độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đề nghị Bộ trưởng cho biết, giải pháp nào là giải pháp đột phá để thực hiện tốt nhất việc bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc?

Đối với vấn đề về tiếng nói và chữ viết của người dân tộc hiện nay, đề nghị Bộ trưởng làm rõ giải pháp để duy trì bản sắc và bảo tồn?”.

Về giải pháp đột phá để bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và ngôn ngữ, chữ viết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, các đề án đã trình và báo cáo cấp có thẩm quyền, trong đó cách tiếp cận rất quan trọng, trong đó phải nâng cao nhận thức, phải phát huy yếu tố chủ thể văn hóa, bảo vệ và giới thiệu văn hóa của mình.

“Trong bối cảnh giao thoa giữa các nền văn hóa, điều quan trọng nhất, là gốc chính là chủ thể văn hóa, do đó, chúng ta phải biết trân trọng, yêu quý, giữ gìn và phát huy trách nhiệm của chúng ta, góp phần nâng cao nhận thức để tôn tạo, bảo vệ, giữ gìn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra sôi nổi, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đúng nội dung chất vấn, tích cực tranh luận để làm rõ hơn vấn đề chất vấn, thể hiện sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và Nhân dân đối với lĩnh vực này.

060620240826-z5511792214580_2878e74421c174d2c12e96bb166d2e45 (1).jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư. Ảnh: quochoi.vn.

Phiên chất vấn có 45 lượt ý kiến phát biểu (trong đó có 37 ý kiến chất vấn, 08 ý kiến tranh luận). Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể, đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tích cực triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào. Công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật được quan tâm. Thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ, có thành tích đạt cấp khu vực, châu lục và quốc tế… Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch còn nhiều vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết.

Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ trưởng liên quan quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp:

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù.

Thứ hai, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, sớm ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch. Rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Thứ năm, tăng cường đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Huệ Phương