Trở thành ứng viên EPA là "chìa khóa" thay đổi tương lai cho SV ngành Điều dưỡng

08/06/2024 07:59
Bài và ảnh: Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đối với ứng viên EPA, sang Nhật Bản làm việc là chìa khóa thay đổi tương lai, giúp họ có được cơ hội nâng cao tay nghề và đạt thu nhập tốt.

Vừa qua, 99 ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc Việt Nam đã xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc với tư cách ứng viên EPA. EPA là chương trình phái cử ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc Việt Nam sang học tập và làm việc tại Nhật Bản được triển khai dựa trên Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản.

Trước giờ xuất cảnh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với một số ứng viên để lắng nghe câu chuyện và những kỳ vọng về hành trình sắp tới tại "xứ sở hoa anh đào" của họ.

Can đảm rời bỏ "vùng an toàn của bản thân"

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Lê Thị Thùy Trang (33 tuổi, quê Quảng Bình) bày tỏ sự hạnh phúc khi chuẩn bị lên đường sang Nhật Bản làm việc với tư cách ứng viên EPA.

Trải qua những giai đoạn nỗ lực, thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân, Trang đăng ký tham gia chương trình EPA và trúng tuyển. Trước đó, Trang đã có 4 năm làm công việc của điều dưỡng viên tại một bệnh viện ở quê.

"Có thể nói đó là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất với tôi. Hồi đó, tôi vừa đi làm ở bệnh viện, vừa tự tìm hiểu học tiếng Nhật, sắp xếp, cân bằng thời gian để chăm sóc gia đình, con cái nên có những lúc tôi cảm thấy bị kiệt sức. Sau những cân nhắc, tôi nộp đơn xin nghỉ việc để tập trung hoàn toàn vào mục tiêu trở thành ứng viên EPA. Tôi nghĩ đó là quyết định đúng đắn cho đến thời điểm hiện tại. Mọi người xung quanh đều ngạc nhiên khi tôi từ bỏ một công việc được cho là ổn định, gần nhà, để tham gia chương trình EPA và sang Nhật Bản làm việc", Trang nhớ lại.

GDVN_UV.JPG
Lê Thị Thùy Trang - ứng viên EPA khóa 11 tại lễ xuất cảnh cho ứng viên khóa 11 - chương trình đưa ứng viên điều dưỡng và nhân viên chăm sóc Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam Nam - Nhật Bản (ứng viên EPA).

Theo Trang, điều kiện để trở thành ứng viên EPA khó hơn rất nhiều so với những chương trình khác, do đó đòi hỏi cô có sự tập trung, quyết tâm cao độ. Một trong những rào cản lớn nhất với cô chính là thi đạt cấp độ N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT (Japanese Language Proficiency Test). Bởi trước đó, Trang chưa từng học, tiếp xúc với ngôn ngữ này.

Thùy Trang cho hay: "Trúng tuyển chương trình EPA, tôi được tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật. Từ một người chưa từng biết gì về ngôn ngữ này, nhờ sự hỗ trợ của các giáo viên trong dự án, tôi đã vượt qua kỳ thi năng lực tiếng Nhật và đủ điều kiện để xuất cảnh. Nhìn lại những gì đã qua, tôi cảm thấy may mắn và biết ơn sự nỗ lực của chính mình".

Đối với Thùy Trang, để có thể chinh phục tiếng Nhật, người học cần lập kế hoạch cụ thể, kiên trì với mục tiêu và đề cao ý‎ thức tự học. Ngoài ra, cần tạo môi trường học ngoại ngữ cho chính mình, có thể học qua các kênh trực tuyến, xem phim, nghe nhạc... Cô cũng cho rằng, việc học tập, sử dụng ngôn ngữ đó hằng ngày là cách để trở nên tự tin và không quên kiến thức. Bên cạnh đó, việc chăm chỉ đọc sách giúp người học tăng thêm vốn từ vựng, hiểu cách sử dụng từ đúng ngữ cảnh.

Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ và chiến lược học tập rõ ràng, từ một người khá tự ti về khả năng tiếng Nhật, Trang đã từng bước tiến bộ rõ rệt.

Trong thời gian tới, Thùy Trang sẽ tới tỉnh Nagano làm việc. Mục tiêu lớn nhất của cô gái Quảng Bình là thi đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản ngành điều dưỡng để có cơ hội làm việc lâu dài tại đất nước này.

"Tôi cũng có mong muốn được đón chồng và hai con cùng sang Nhật Bản. Tôi nghĩ chặng đường phía trước sẽ còn nhiều thử thách để hoàn thành được mục tiêu này, nhưng khi có đủ cố gắng, mọi thành quả đạt được đều sẽ xứng đáng. Tôi sẽ nghĩ đến gia đình để vượt qua tất cả khó khăn đó", Thùy Trang tâm sự.

Về mức thu nhập, Thùy Trang cho hay, hồi còn làm điều dưỡng ở quê, mỗi tháng cô nhận được khoảng 5 triệu đồng. Trang tâm sự: "Sau khi sang Nhật Bản làm việc, mức lương của tôi được cam kết là từ 15 man Nhật/ tháng (khoảng hơn 26 triệu đồng). Tôi nghĩ đó là mức lương tốt, giúp gia đình tôi có được cuộc sống ổn hơn trong tương lai".

Thùy Trang đánh giá, EPA là chương trình rất an toàn và là cơ hội giúp sinh viên tốt nghiệp ngành Điều dưỡng nâng cao tay nghề và đạt được mức thu nhập tốt nhưng chưa được nhiều người biết đến. "Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, chương trình EPA sẽ được nhiều người biết đến và tham gia, vì đây là một cơ hội lớn giúp chúng ta đạt được những dấu mốc ấn tượng trong sự nghiệp của mình", cô nhắn gửi thêm.

Dành 2 năm để chạm đến mục tiêu trở thành ứng viên EPA

Vũ Thị Hà (24 tuổi, quê Hà Nam), tốt nghiệp ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cũng cảm thấy hạnh phúc khi trở thành ứng viên EPA khóa 11. Hiện, Vũ Hà đã đặt chân đến "xứ sở hoa anh đào" và bắt đầu hành trình sự nghiệp của mình. Hà đặt mục tiêu thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản về nhân viên chăm sóc và có cơ hội làm việc lâu dài tại đất nước này.

Chia sẻ về lý do theo đuổi ngành Điều dưỡng, cô gái Hà Nam cho biết, khi còn nhỏ, cô thường đau ốm, hay phải vào bệnh viện để điều trị. Những ngày tháng ấy, hình ảnh các nhân viên y tế ân cần chăm sóc bệnh nhân đã để lại ấn tượng sâu đậm trong cô. Cuối năm lớp 12, đứng trước những lựa chọn ngành nghề, Hà không ngần ngại đăng ký nguyện vọng ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định.

GDVN_4.JPG
Vũ Thị Hà - ứng viên EPA khóa 11.

Năm 2020, khi đang là sinh viên năm thứ 2, Hà vô tình biết đến chương trình EPA thông qua sự giới thiệu của một người chị khóa trên. Cô chia sẻ: "Ngay khi nghe đến chương trình này, em đã nhen nhóm hy vọng và quyết tâm trở thành ứng viên EPA để có cơ hội sang Nhật Bản làm việc. Sau khi tốt nghiệp, em quyết định nộp hồ sơ và may mắn ước mơ đã thành hiện thực. Điều khiến em thấy ấn tượng và biết ơn nhất chính là được nhận sự hỗ trợ tối đa về mặt chi phí, có thể nói đối với em, cơ hội sang Nhật Bản với tư cách là ứng viên EPA hầu như là miễn phí".

Ngoài ra, Vũ Hà đã có những nền tảng kiến thức cơ bản về tiếng Nhật khi theo học tại Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Hà cho rằng, nhờ vậy mà hành trình trở thành ứng viên EPA của cô "bớt gập ghềnh". Tuy nhiên, cô cũng đưa ra lời khuyên: "Việc đặt ra những mục tiêu riêng và cố gắng nỗ lực để hoàn thành chúng là bí quyết quan trọng nếu chúng ta muốn thành công. Từ khi biết đến chương trình EPA, tôi đã dành 2 năm để chuẩn bị, và may mắn đã mỉm cười với tôi".

Theo Vũ Hà, trở thành ứng viên EPA, nhờ sự hỗ trợ chi phí từ chương trình mà những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sau khi tốt nghiệp ngành Điều dưỡng có được cơ hội làm việc ở Nhật Bản với mức thu nhập tốt. Được biết, Vũ Hà sinh ra trong một gia đình thuần nông có 7 anh chị em. Bố mẹ Hà quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Vì thế, ngay từ khi ý thức được sự vất vả của bố mẹ, Hà luôn tự động viên bản thân cố gắng học tốt để sau khi tốt nghiệp có thể đỡ đần kinh tế cho gia đình.

Ngày nhận tin trúng tuyển chương trình EPA, cả gia đình Hà vỡ òa trong niềm vui, duy chỉ có người bố vẫn trầm ngâm lo lắng. "Bố tôi lo lắng vì nghĩ đến cảnh con gái ra nước ngoài làm việc sẽ gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Tuy nhiên, tôi đã giải thích cặn kẽ về những lợi ích của chương trình EPA, cũng như thông tin đến các trường hợp đã đến Nhật Bản làm việc để bố hiểu và ủng hộ ước mơ của tôi", Hà tâm sự thêm.

Nhớ lại quãng thời gian tham gia khóa đào tạo 1 năm qua, Hà cảm thấy biết ơn và nói rằng, đó là cơ hội tuyệt vời giúp thay đổi tương lai của cô. Vũ Hà bộc bạch: "Nhân viên chăm sóc có mức lương từ 180.000-190.000 yên Nhật/tháng (khoảng từ 29-31 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, còn có thêm các khoản phụ cấp, tiền thưởng. Tôi có thể giúp đỡ bố mẹ khi có thu nhập tốt, gia đình là động lực để tôi cố gắng vượt qua mọi chông gai phía trước".

Ngoài ra, theo cô, nhân viên chăm sóc chủ yếu làm việc tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, do đó, ngoài kỹ năng chuyên môn thì sự nhiệt huyết, yêu nghề là một trong những yếu tố quan trọng.

Nghề nghiệp không phân biệt giới tính, chỉ cần đủ đam mê

Còn Nguyễn Trọng Đức (24 tuổi, quê Nam Định) cho biết, anh đã chuẩn bị tâm lý vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa khi đặt chân sang Nhật Bản làm việc. Tốt nghiệp ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, Đức tìm hiểu các chương trình làm việc ở nước ngoài và đọc được thông tin về dự án EPA. Lúc đó, Đức đã quyết tâm sẽ trở thành ứng viên EPA.

GDVN_UV4.JPG
Nguyễn Trọng Đức đặt mục tiêu thi đỗ chứng chỉ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản về nhân viên chăm sóc.

"Tôi chọn khóa nhân viên chăm sóc vì theo tìm hiểu, khóa điều dưỡng yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm làm điều dưỡng từ 2 năm và có chứng chỉ hành nghề điều dưỡng của Việt Nam. Tôi vừa tốt nghiệp đại học nên chưa thể đáp ứng được những điều kiện nêu trên.

Sau khi trở thành ứng viên EPA, tôi được tham gia khóa đào tạo 1 năm, bao gồm cả thời gian học tiếng Nhật chuyên ngành và học kỹ năng chăm sóc điều dưỡng kiểu Nhật Bản. Trong thời gian đào tạo đó, tôi cũng được cung cấp miễn phí chỗ ăn, ở và hỗ trợ thêm tiền sinh hoạt phí (khoảng 220.000 đồng/ngày). Đó là quãng thời gian tôi phải tự tạo áp lực học ngôn ngữ nhưng cũng giúp tôi có thêm nhiều trải nghiệm đáng quý", Trọng Đức chia sẻ.

Trọng Đức cũng nhìn nhận, đa số ứng viên EPA là nữ giới, có một số ít là nam giới, nhưng với anh, đó không phải là rào cản, bởi: "Ngành, nghề nào cũng đều đáng quý, không phân biệt hạn định dành cho giới nào nếu chúng ta làm việc với sự nghiêm túc, yêu nghề".

Đức cho biết, sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản và hoàn thiện các thủ tục cần thiết, anh sẽ làm việc tại tỉnh Yamanashi.

Một số hình ảnh ứng viên EPA khóa 11 trước giờ xuất cảnh:

GDVN_3.JPG
Các ứng viên EPA sẽ có những trải nghiệm mới tại đất nước Nhật Bản.
GDVN_6.JPG
Ứng viên EPA làm thủ tục tại sân bay Nội Bài.
GDVN_12.JPG
Cùng nhau ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trước giờ khởi hành.
GDVN_10.JPG
Hành trình phía trước sẽ mở ra những cơ hội công việc, trải nghiệm văn hóa cho các ứng viên EPA.
gdvn.jpg
Những cuộc gọi cho người thân, gửi gắm nhiều nỗi nhớ và kỳ vọng.
GDVN_34.JPG
Cái ôm bịn rịn của hai anh em trước giờ lên máy bay.
GDVN_7.JPG
Ứng viên EPA được hỗ trợ phần lớn chi phí khi tham gia chương trình, được đào tạo tiếng Nhật miễn phí và thêm nhiều đãi ngộ khác.
Bài và ảnh: Thi Thi