Giáo viên mong các cơ sở giáo dục đại học bỏ việc xét tuyển sớm

13/08/2024 06:48
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Các cơ sở giáo dục đại học nên bỏ phương án xét tuyển sớm nhằm tạo sự công bằng cho các thí sinh.

Phát biểu tại Hội nghị Giáo dục đại học 2024 diễn ra ngày 9/8/2024 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói rằng, không nên quá nhiều phương thức xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, tạo thuận lợi cho thí sinh và xã hội.

"Các trường đại học có quyền tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm mà tự chủ trong khuôn khổ quy định", Bộ trưởng lưu ý thêm.

Theo Bộ trưởng, việc các trường đại học xét tuyển sớm có tác động tiêu cực đến giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối, thí sinh đỗ sẽ không học nữa.

Trong khi đó các trường chỉ yên tâm số lượng thí sinh xét tuyển vào trường mình, số còn lại tuyển theo các phương thức khác rất ít, điểm chuẩn sẽ rất cao.

Từ đó tạo ra sự bất công bằng giữa các thí sinh trong việc lựa chọn vào các trường đại học tốt. [1]

Người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông rất đồng tình với ý kiến trên.

Trong phạm vi bài viết này, người viết xin có đôi điều cùng chia sẻ vì sao các cơ sở giáo dục đại học không nên xét tuyển sớm, chủ yếu là phương thức lấy điểm học bạ trung học phổ thông.

thi-8120.jpg
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Thứ nhất, về hành lang pháp lý, thí sinh được xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông thì mới đủ điều kiện xét tuyển vào đại học.

Thực tế, có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển đại học năm 2024 theo tổ hợp cao nhưng bị điểm liệt.

Chẳng hạn, Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024, một thí sinh tại Hà Nội có điểm xét tuyển đại học tổ hợp Ngữ văn - Lịch sử - Địa lí đạt 25,75 nhưng môn Ngoại ngữ 1 điểm. [2]

Nếu là học sinh trung học phổ thông, thí sinh này bị điểm liệt, rớt tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay và phương án xét tuyển sớm vào đại học không có ý nghĩa gì cả.

Cùng với đó, nhiều cơ sở giáo dục đại học chủ yếu xét điểm học bạ của 5 học kì (lớp 10, lớp 11 và học kì 1 lớp 12), theo người viết là không hợp lí.

Bởi vì, học sinh học xong kì 1 của lớp 12 thì các em vẫn chưa đủ điều kiện để được hiệu trưởng xét công nhận đã hoàn tất chương trình trung học phổ thông, chưa nói đến chuyện thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học.

Thứ hai, thí sinh được xét tuyển sớm theo phương thức lấy điểm học bạ khiến việc học tập ở học kì 2 lớp 12 của các em sẽ chểnh mảng.

Vào học kì 2 của lớp 12 nhiều năm nay, người viết và các đồng nghiệp là giáo viên cảm thấy rất mệt mỏi trong quá trình dạy học.

Một lớp học có 40 học sinh thì hơn nửa lớp cho biết các em đã xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ vào các trường đại học khác nhau, chỉ chờ đỗ tốt nghiệp là nhập học.

Những học sinh này thường có thái độ lơ là trong việc học, thậm chí còn có em vào lớp là để chọc phá bạn bè, thầy cô.

Những học sinh này không sợ rớt tốt nghiệp trung học phổ thông vì điểm học bạ chiếm 30% cơ cấu điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

Học sinh cũng không sợ bị điểm liệt (dưới 1 điểm) vì nếu đánh "lụi" một trong 4 phương án A, B, C, D thì xác suất cao các em sẽ được 2,5/10 điểm.

Nhằm tránh trường hợp thí sinh đánh “lụi” hết các đáp án chỉ một phương án A hoặc B, C, D để lấy trọn 2,5 điểm trên tổng số 10 điểm của một bài thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo không để thang điểm các đáp án ngang nhau mà để lệch thang điểm, trong đó có nhiều mã đề chỉ có đúng 5 câu nếu thí sinh chỉ chọn một phương án.

Tuy nhiên giải pháp này chỉ xử lý được một trong bốn trường hợp thí sinh tô lệch một đáp án dọc từ trên xuống dưới (toàn đáp án A, hoặc toàn B, C, D).

Trong khi thực tế nếu chỉ cần tô 5 câu theo một cột rồi luân phiên đổi 5 câu tiếp theo sang cột khác thì xác suất điểm bài thi dao động ở điểm 2,0 và hiếm trường hợp bị điểm “liệt”.

Thứ ba, người viết đang dạy cả 2 hệ công lập và tư thục nhiều năm nay thấy rằng, điểm học bạ giữa 2 trường có sự chênh lệch rất lớn, gây bất công cho thí sinh.

Trường công lập thường cho điểm chặt chẽ còn trường tư thục thường cho điểm thoáng hơn.

Một số giáo viên chủ nhiệm ở trường công lập chia sẻ với người viết rằng, họ đã từng xin giáo viên bộ môn nâng 0,25 điểm để học sinh được thay đổi xếp loại từ trung bình lên khá, từ khá lên giỏi nhưng vẫn không được.

Còn ở trường tư thục, giáo viên thường tạo điều kiện cho học sinh có điểm cao để các em gặp thuận lợi trong việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào đại học.

Hơn nữa, nếu trường tư thục nào đó cho điểm khắt khe thì phụ huynh cũng không đăng kí cho con em vào học.

Một số giáo viên ở các địa phương khác đã từng trải lòng với người viết, họ cũng không nỡ cho các em điểm thấp vì tình thầy trò gắn bó cùng nhau 3 năm học.

Thực lòng mà nói, rất nhiều hiệu trưởng không muốn học sinh trường mình bị thua thiệt về điểm số, kể cả họ mắc "bệnh thành tích" nên có tình trạng giáo viên cho điểm vô tội vạ.

Đó cũng là lí do nhiều học sinh có điểm học bạ toàn điểm giỏi (trên 8.0) nhưng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì dưới trung bình.

Thứ tư, theo người viết, phương thức lấy điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông xét tuyển vào đại học là phương án tạo sự công bằng nhất cho thí sinh.

Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức quy mô và rất bài bản, đáp ứng mục tiêu của kì thi "hai trong một".

Đó là, đề thi trắc nghiệm được lấy từ ngân hàng đề thi, đảm bảo chất lượng và yêu cầu cao về bảo mật.

Việc thiết kế các câu hỏi cũng sẽ khác so với kì thi trước đây (đến năm 2024).

Theo đó, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 2025 có thêm 2 dạng trắc nghiệm mới.

1) Dạng câu hỏi trả lời đúng sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai.

Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi được 0,1 điểm; lựa chọn chính xác 2 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm; lựa chọn chính xác 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm; lựa chọn chính xác 4 ý trong 1 câu hỏi được 1 điểm.

Cách tính này khắc phục được định dạng hiện hành là dễ hay khó đều được 0.25 điểm.

Như vậy, việc học sinh lựa chọn phương án ngẫu nhiên sẽ giảm đi.

2) Dạng trả lời ngắn, thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án. Với dạng thức này, xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0, tư duy làm bài gần như bài tự luận.

Cùng với đó, đề thi tự luận cũng được phản biện theo quy trình chặt chẽ.

Ngoài ra, việc coi thi, chấm thi, kể cả phúc khảo bài thi cũng được thực nghiêm túc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong khi đó, đề thi đánh giá năng lực vẫn chưa có sự thẩm định của Bộ giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, đề thi đánh giá năng lực các năm qua vẫn còn "sạn", gây thiệt thòi cho thí sinh.

Nhìn chung, các cơ sở giáo dục đại học bỏ xét tuyển sớm sẽ góp phần làm cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông thiết thực và có ý nghĩa hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/bo-truong-nguyen-kim-son-xet-tuyen-dai-hoc-som-co-tac-dong-tieu-cuc-can-xem-lai-trong-nam-2025-i383708/

[2] https://tuoitre.vn/nhieu-thi-sinh-co-diem-xet-tuyen-dai-hoc-rat-cao-nhung-rot-tot-nghiep-thpt-20240718102444874.htm

[3] https://vov2.vov.vn/giao-duc-dao-tao/dinh-dang-de-thi-tot-nghiep-thpt-tu-2025-giam-xac-suat-co-diem-do-khoanh-bua-47493

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương