Nhằm thích ứng nhanh chóng với sự phát triển của thị trường lao động và đáp ứng nhu cầu của người học, những năm gần đây các trường đại học đã tích cực mở thêm nhiều ngành đào tạo mới. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là xu thế khách quan, phù hợp với sự phát triển của kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.
Trong đó, để mở ngành mới, các trường cần tuân thủ các quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo cũng như phản ánh đúng nhu cầu của xã hội, tránh tình trạng mở ngành nhưng không tuyển được sinh viên, gây tốn kém, lãng phí các nguồn lực.
Song, lãnh đạo nhiều trường đại học cho hay, một số quy định hiện hành về điều kiện mở ngành đang gây khó khăn cho các trường, khiến các đơn vị “lỡ nhịp” trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường lao động.
“Thị trường lao động phát triển rất nhanh, trong khi đó đào tạo ở trường đại học dù sao cũng có độ trễ nhất định. Có những ngành rất mới, đào tạo trình độ đại học chưa có thì lấy đâu ra tiến sĩ để chủ trì ngành?
Với vai trò là cơ sở giáo dục, chúng tôi rất muốn mở một số chương trình đào tạo mới để đáp ứng nhu cầu người học, song lại gặp khó khăn về các quy định mở ngành, nhất là về tiến sĩ phù hợp để chủ trì ngành”, một lãnh đạo trường đại học phía Bắc chia sẻ khó khăn.
Trường đại học vận dụng quy định tiến sĩ ngành phù hợp ra sao?
Theo quy định, để mở ngành đào tạo trình độ đại học, các trường cần đáp ứng yêu cầu: “Có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học của các ngành khác…”. (Khoản 1, Điều 4, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT).
Trong đó, định nghĩa “ngành phù hợp” được nêu tại Khoản 5, Điều 2, Thông tư này như sau: “Ngành phù hợp ở trình độ tiến sĩ đối với ngành đào tạo dự kiến mở ở trình độ đại học/thạc sĩ là ngành có cùng tên và cùng 6 chữ số cuối của mã ngành theo Danh mục thống kê ngành đào tạo; trường hợp ngành đó chưa được đào tạo trong nước ở trình độ tiến sĩ hoặc chưa có nhiều người tốt nghiệp thì ngành phù hợp là ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất và thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo ở trình độ đại học/thạc sĩ…”
Thực tế, tại Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT Quy định danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học, nhiều ngành có mã ngành đào tạo trình độ đại học nhưng chưa có mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, hoặc mới chỉ có mã ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ từ năm 2022 nên đến nay chưa có người tốt nghiệp (vì thời gian đào tạo tiêu chuẩn đối với trình độ tiến sĩ là từ 3-4 năm).
Do đó, với những ngành chưa có mã đào tạo trình độ tiến sĩ, khi chọn giảng viên chủ trì ngành dự kiến mở đào tạo trình độ đại học, mỗi trường lại có cách hiểu khác nhau về tiến sĩ ngành phù hợp. Điều này cũng đặt ra nhiều băn khoăn khi mỗi nơi “vận dụng” một kiểu.
Bên cạnh đó, việc xác định ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất và thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo ở trình độ đại học/thạc sĩ cũng chưa có tiêu chí quy định cụ thể khiến cơ sở giáo dục đại học gặp khó.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành hiện mới chỉ có mã ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, chưa có mã ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.
Hiện nay, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đã được đưa vào tuyển sinh và đào tạo tại nhiều trường như Trường Đại học Tân Trào, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học Kinh Tế - Đại học Đà Nẵng, Học viện Hàng không Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh,...
Vậy các trường đã vận dụng quy định tiến sĩ ngành phù hợp ra sao để mở ngành đào tạo Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (trình độ đại học)?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trưởng khoa Du lịch của một trường đại học phía Bắc đang tuyển sinh ngành này cho hay, nhà trường lựa chọn tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế, chuyên ngành Quản trị du lịch để đứng ra chủ trì ngành đào tạo.
Theo vị Trưởng Khoa, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là ngành đào tạo liên quan đến cả kiến thức về kinh tế và du lịch, vì vậy chọn tiến sĩ trong khối ngành kinh tế, chuyên ngành về quản trị du lịch là phù hợp.
Trong khi đó, tại Trường Đại học Nha Trang, Phó giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng Phòng Đào tạo cho hay, đối với các ngành đào tạo chưa có mã ngành đào tạo trình độ tiến sĩ trong nước, nhà trường sẽ lựa chọn các giảng viên được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài để chủ trì ngành.
“Tất nhiên, nhà trường sẽ cần lập hội đồng khoa học để thẩm định, đánh giá chuyên môn của tiến sĩ nước ngoài để xem xét sự phù hợp với yêu cầu ngành đào tạo dự kiến mở”, Phó giáo sư Tô Văn Phương nói.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hà Nam Khánh Giao - người hiện đang chủ trì ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Học viện Hàng không Việt Nam cho rằng, với các ngành đào tạo chưa có mã ngành đào tạo tiến sĩ trong nước, khi chọn tiến sĩ để chủ trì ngành phải lựa chọn tiến sĩ có chuyên môn phù hợp với ngành dự kiến mở.
Đối với các ngành về du lịch, để chọn tiến sĩ chủ trì ngành thường sẽ chọn các tiến sĩ các ngành gần như Quản lý văn hóa, Quản trị kinh doanh,...
“Trong đó, điều kiện quan trọng là xem xét các công trình nghiên cứu, bài báo khoa học, giáo trình,... của họ xem có liên quan đến chuyên môn của ngành học dự kiến mở không. Đây là điều quan trọng để xác định sự phù hợp của tiến sĩ chủ trì ngành, để có căn cứ trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Phó giáo sư Hà Nam Khánh chia sẻ.
Cần có quy định cụ thể hơn về chuyên môn phù hợp của giảng viên trình độ tiến sĩ
Chia sẻ về thực tế mở ngành hiện nay, vị Trưởng khoa cho rằng: “Thông thường, các trường sẽ cần xem xét sự phù hợp của ngành dự kiến mở với lĩnh vực nghiên cứu gần nhất của các tiến sĩ. Tuy nhiên ngành phù hợp thực tế cũng rất vô cùng, mỗi nơi vận dụng một kiểu”, vị Trưởng khoa tiết lộ.
Chia sẻ thêm, vị này cho hay du lịch là lĩnh vực cần nhiều hơn về kinh nghiệm thực tế của giảng viên, vì vậy kinh nghiệm làm việc thực tế của giảng viên được đề cao hơn nhiều so với yêu cầu bằng cấp.
“Có được tiến sĩ đúng ngành quả thực rất lợi thế, nhưng để đào tạo ra một tiến sĩ rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Trong khi đó, hầu hết các bạn trẻ thường đi làm một thời gian mới chọn học lên. Hơn nữa, lĩnh vực du lịch lại rất cần những người có kinh nghiệm làm việc thực tế để giảng dạy.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần trao thêm cơ hội cho các giảng viên có trình độ thạc sĩ, giúp giải quyết vấn đề thiếu giảng viên ở các trường đại học hiện nay. Như vậy không có nghĩa chất lượng đào tạo giảm, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể gia hạn thời gian, đặt ra lộ trình để các trường bổ sung đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ”, vị Trưởng khoa nêu đề xuất.
Vị này cũng cho rằng, không nên quy định “cứng” rằng “ngành phù hợp ở trình độ tiến sĩ đối với một ngành đào tạo dự kiến mở ở trình độ đại học/thạc sĩ là ngành có cùng tên và cùng 6 chữ số cuối của mã ngành theo Danh mục thống kê ngành đào tạo”. Bởi điều quan trọng hơn là chuyên môn người giảng dạy, trong khi đó quy định này còn mang nặng tính hình thức, máy móc nhiều. Thay vào đó, cần có quy định cụ thể hơn về chuyên môn phù hợp của giảng viên trình độ tiến sĩ làm cơ sở cho việc phân công người chủ trì ngành dự kiến mở. Điều này giúp đảm bảo chất lượng mặt bằng chung, tránh mỗi nơi hiểu một kiểu.
Đồng quan điểm, Phó giáo sư Tô Văn Phương cũng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn giúp các trường thuận lợi trong triển khai.