Một trong những nhiệm vụ được đề cập tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị là: "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới...".
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục để lấy ý kiến đóng góp. Nghị định được xây dựng với mục đích thúc đẩy việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người học và người dạy, góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.
Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong cách tiếp cận giáo dục
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô La Thị Thúy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre cho biết, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai một số hoạt động nhằm đưa các em học sinh tiếp cận gần hơn với ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
“Hiện nay, nhiều trường phổ thông tại tỉnh Bến Tre đã thí điểm các môn học như Toán, Khoa học và Tin học theo hình thức giảng dạy bằng tiếng Anh hoàn toàn. Thời lượng giảng dạy ngoại ngữ được tăng cường, các trường cũng cải tiến phương pháp dạy học theo hướng phát triển kỹ năng giao tiếp và ứng dụng trong thực tế.
Ngoài tiếng Anh, môn ngoại ngữ 2 là tiếng Pháp được triển khai giảng dạy cho các trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như có sự đồng ý tham gia của học sinh”, cô Thúy chia sẻ.
Nhiều năm qua, hoạt động dạy và học bằng ngoại ngữ cũng đã và đang được áp dụng ở nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Là một trường trung học cơ sở trên địa bàn Thủ đô, Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhiều năm qua hướng tới đào tạo toàn diện, cung cấp nguồn học sinh chất lượng cho các trường trung học phổ thông chuyên trên toàn Hà Nội.
Cô Nguyễn Huyền Trang - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ cho biết, trong 5 năm qua, nhà trường đã áp dụng nhiều giải pháp để nâng cao việc sử dụng ngoại ngữ. Tiếng Anh được giảng dạy là ngôn ngữ thứ nhất, kết hợp với ngoại ngữ thứ hai gồm tiếng Đức, Trung, Nhật, Hàn và Pháp.
“Trường đang triển khai dạy một số môn học bằng tiếng Anh song song với các giờ ngoại ngữ như STEAM, Public speaking (nói trước công chúng), Toán bằng tiếng Anh...
Ngoài ra, các giờ học được tổ chức kết hợp việc sử dụng ngoại ngữ, như giới thiệu các khái niệm cơ bản hay tóm tắt nội dung bài học bằng tiếng Anh. Nhà trường cũng khuyến khích giáo viên và học sinh sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp đơn giản tại trường”, cô Huyền Trang cho biết.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Trường Đại học Ngoại ngữ đóng vai trò quan trọng và mang tính chiến lược trong việc hỗ trợ Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ thực hiện thành công kế hoạch đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai”.
Thầy Minh chỉ ra: “Để tiếng Anh từ vị trí là một ngoại ngữ thành ngôn ngữ thứ hai trong một trường trung học cơ sở ở Hà Nội, cần phải thực hiện một loạt các biện pháp nhằm tạo ra một môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh liên tục, tự nhiên và gắn kết với đời sống hàng ngày của học sinh.
Giáo viên cần chuyển từ việc tập trung giảng dạy ngữ pháp và từ vựng một cách lý thuyết sang việc giảng dạy tiếng Anh như một công cụ giao tiếp hằng ngày. Điều này bao gồm việc thúc đẩy học sinh sử dụng tiếng Anh để giao tiếp thực tế thay vì chỉ học thuộc các quy tắc ngôn ngữ.
Cần tăng cường sử dụng tiếng Anh trong các hoạt động ngoài giờ học, sử dụng tiếng Anh trong các thông báo và giao tiếp hàng ngày, thiết lập các không gian giao tiếp tiếng Anh như “English Corner” - nơi học sinh chỉ nói tiếng Anh.
Bên cạnh đó, cần tổ chức các chuyến tham quan, trại hè, hoặc các chương trình trao đổi ngắn hạn với các trường học hoặc tổ chức quốc tế để học sinh có thể trải nghiệm sử dụng tiếng Anh trong môi trường thực tế”.
Theo thầy Minh, lãnh đạo các cơ sở giáo dục cần xác định rõ mục tiêu của việc chuyển đổi này, bao gồm những kỹ năng cụ thể mà học sinh sẽ đạt được, mức độ thành thạo tiếng Anh, và sự hội nhập của ngôn ngữ này vào các hoạt động học tập và sinh hoạt.
Việc chuyển đổi từ dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ sang tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong cách tiếp cận giáo dục, với sự tham gia tích cực của cả nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, đặc biệt về đội ngũ giảng dạy
Sau quá trình triển khai, bên cạnh những thuận lợi, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương chỉ ra những hạn chế đang tồn tại khi kết hợp dạy các môn văn hóa bằng tiếng nước ngoài.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre cho biết: “Năng lực ngoại ngữ của học sinh hiện tại không đồng đều, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cho tất cả các em.
Chương trình học hiện tại cũng cần được điều chỉnh và xây dựng một cách hợp lý để tiếng Anh có thể trở thành phương tiện trong học tập mà không gây áp lực quá lớn cho học sinh. Phương pháp giảng dạy phải phù hợp với trình độ và khả năng tiếp thu của các em, tránh tình trạng chỉ tập trung vào ngữ pháp mà thiếu đi kỹ năng giao tiếp”.
Tuy nhiên, theo cô La Thị Thúy, các chương trình sử dụng tiếng Anh chưa được triển khai đồng bộ ở nhiều bộ môn. Trang bị về công nghệ thông tin hay cơ sở vật chất cũng cần được đẩy mạnh hơn để học sinh tiếp cận với môi trường ngoại ngữ một cách dễ dàng.
Ngoài ra, cô Thúy cũng cho rằng: “Dạy học các môn học khác bằng tiếng Anh có thể gặp phản ứng từ phụ huynh học sinh vì họ còn nhiều lo ngại đối với việc nắm bắt kiến thức môn học bằng ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ. Điều này đòi hỏi quá trình thích nghi và thay đổi tư duy trong giáo dục”.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre cũng đề cập đến ba khó khăn chính khi địa phương triển khai dạy và học bằng ngôn ngữ thứ hai tại các trường phổ thông. Cụ thể:
Thứ nhất, việc phân công giáo viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh còn gặp nhiều khó khăn, do yêu cầu vừa cần ngoại ngữ, vừa cần kiến thức chuyên môn sâu rộng.
Thứ hai, học sinh tại các khu vực nông thôn hoặc vùng khó khăn thường có ít cơ hội tiếp cận với tiếng Anh; tình trạng chênh lệch trình độ ngoại ngữ trong cùng một lớp học cao. Điều này gây khó khăn cho giáo viên trong việc giảng dạy và quản lý lớp.
Thứ ba, một số phụ huynh lo lắng việc học các môn học bằng tiếng Anh có thể khiến con em gặp khó khăn trong việc hiểu bài, làm ảnh hưởng đến kết quả học tập. Điều này đôi khi gây ra áp lực cho các trường trong việc thuyết phục phụ huynh về lợi ích của chương trình.
Tại Điều 5 của dự thảo đề cập: Giáo viên dạy môn học bằng tiếng nước ngoài ở bậc tiểu học, trung học cơ sở phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 4.
Đối với bậc trung học phổ thông phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
Tuy nhiên, xét ở thời điểm hiện tại, số lượng giáo viên đáp ứng được tiêu chí này còn khá thấp, tạo ra thách thức cho địa phương trong việc đào tạo chuyên môn các thầy cô.
Đánh giá về điều kiện này, thầy Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng, khó khăn lớn nhất nằm ở chất lượng cùng trình độ ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên. Muốn giảng dạy các môn văn hóa bằng tiếng nước ngoài, bản thân thầy cô phụ trách môn phải có năng lực sử dụng ngoại ngữ nhất định về môn học đó, để truyền đạt cho học sinh kiến thức thông qua ngôn ngữ thứ hai.
Thầy Thức chia sẻ thêm: “Hiện tại, đội ngũ giáo viên ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh mới chỉ đang đáp ứng yêu cầu cơ bản để giảng dạy ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để đáp ứng yêu cầu dự thảo nêu ra, cần phải có chính sách, chiến lược cùng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ và cả đội ngũ giáo viên các môn văn hóa.
Do đó, tỉnh Thanh Hóa cần phải xây dựng Đề án, Kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho thầy cô các cấp học để đảm bảo thực hiện các yêu cầu cơ bản dự thảo nêu ra.
Ngoài ra, cần tận dụng các nguồn lực khác như xã hội hóa giáo dục, liên kết đào tạo quốc tế; yêu cầu giáo viên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, tập trung dạy học phân hóa đối tượng và ứng dụng công nghệ AI trong giảng dạy”.
Về phía tỉnh Bến Tre, theo cô La Thị Thúy, hiện tại, việc triển khai các quy định năng lực ngoại ngữ của giáo viên theo dự thảo mới là một tiêu chuẩn cao và khá thách thức cho nhiều địa phương, đặc biệt ở các tỉnh có điều kiện kinh tế còn hạn chế như Bến Tre.
Ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh, đội ngũ giáo viên có thể chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ theo quy định mới, đặc biệt là giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa hoặc vùng khó khăn về kinh tế. Tình trạng thiếu giáo viên có năng lực ngoại ngữ tốt là một vấn đề phổ biến, điều này có thể trở thành một rào cản lớn trong việc triển khai các chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài.
“Mặc dù có những nỗ lực đào tạo và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho thầy cô, nhưng phần lớn giáo viên có thể chỉ đạt trình độ ở bậc 3, hoặc chỉ một số ít đạt được bậc 4 và 5. Điều này gây khó khăn cho việc đáp ứng yêu cầu của dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục”, cô Thúy nói.
Cần các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực ngoại ngữ chuyên sâu cho giáo viên
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bến Tre đều đưa ra ý kiến đóng góp: Cần xây dựng các chương trình đào tạo ngoại ngữ chuyên sâu và dài hạn cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên các môn học được giảng dạy bằng tiếng nước ngoài. Theo đó, các khóa học có thể bao gồm học ngoại ngữ chuyên ngành, phương pháp sư phạm giảng dạy bằng ngoại ngữ và thực hành giảng dạy.
Cụ thể, thầy Trần Văn Thức nhìn nhận, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho đội ngũ giáo viên trong quá trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài; các cơ chế như khen thưởng hoặc hỗ trợ chi phí học tập sẽ tạo động lực hơn cho thầy cô.
Ngoài ra, phải xây dựng một lộ trình phát triển chuyên môn dài hạn cho giáo viên, đảm bảo các thầy cô có cơ hội nâng cao trình độ và cải thiện năng lực đúng theo yêu cầu dự thảo nêu ra.
Phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre cũng đưa ra đề xuất: Tổ chức liên kết với cơ sở giáo dục hay trường quốc tế để học sinh và thầy cô có cơ hội tiếp cận những chương trình đào tạo tiên tiến, phương pháp giảng dạy hiện đại. Việc này có thể bao gồm chương trình trao đổi học sinh, giáo viên hoặc tổ chức các khóa học trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế.
Về phía Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), Hiệu trưởng Nguyễn Huyền Trang cũng bày tỏ: “Cần đặc biệt quan tâm tới việc hỗ trợ để thầy cô vượt qua được tâm lý ngại ngùng, e dè khi triển khai các đề án, nhất là đối với những giáo viên chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với ngoại ngữ. Có thể một trong các nguyên nhân xuất phát từ tâm lý “sợ bị phán xét” khi nói và sử dụng ngoại ngữ.
Chính vì thế, việc tạo ra những môi trường thực hành an toàn, không bị đánh giá khắt khe sẽ giúp thầy cô có thời gian và không gian để rèn luyện dần dần, từ đó họ sẽ tự tin hơn trong việc giảng dạy”.
Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chia sẻ, ngay sau khi có Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị, nhà trường cũng đã nhanh chóng đưa ra một số giải pháp nhằm hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đào tạo và phát triển giáo viên cho Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ.
Theo đó, Trường Đại học Ngoại ngữ cung cấp các chương trình đào tạo chuyên sâu cho giáo viên của Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ, đặc biệt là các khóa bồi dưỡng tiếng Anh và phương pháp giảng dạy bằng tiếng Anh. Điều này đảm bảo rằng giáo viên không chỉ nắm vững kiến thức môn học mà còn có khả năng sử dụng tiếng Anh hiệu quả trong giảng dạy.
Bên cạnh đó, trường hỗ trợ trong việc phát triển các chương trình học bằng tiếng Anh, cung cấp tài liệu và tài nguyên học tập chất lượng cao. Ngoài ra, trường có thể hướng dẫn và hỗ trợ việc nghiên cứu về các phương pháp giảng dạy song ngữ và các kỹ thuật giáo dục hiệu quả nhằm cải thiện quá trình dạy và học.
Trường Đại học Ngoại ngữ có thể cử các chuyên gia, giảng viên giàu kinh nghiệm để đóng vai trò cố vấn, hỗ trợ Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ trong việc phát triển kế hoạch dạy học song ngữ, đặc biệt là trong các giai đoạn đầu. Các chuyên gia có thể giúp nhà trường xây dựng chiến lược giảng dạy phù hợp với trình độ và đặc thù của học sinh, cũng như đào tạo giáo viên để đáp ứng yêu cầu của chương trình học.
“Bằng cách cung cấp đào tạo chuyên môn cho giáo viên, hỗ trợ phát triển chương trình học và tài liệu, tư vấn quản lý, và tạo điều kiện cho các hoạt động giao lưu quốc tế, Trường Đại học Ngoại ngữ sẽ giúp Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ xây dựng một môi trường học tập song ngữ hiệu quả, từ đó, mang lại lợi ích lâu dài cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục của trường” - Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh cho biết thêm.
Cần chính sách hỗ trợ riêng cho các khu vực khó khăn
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre La Thị Thúy nêu ý kiến: “Các trường cần được trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ như phòng học thông minh, phần mềm học ngoại ngữ để hỗ trợ cho quá trình học tập và giảng dạy bằng ngoại ngữ. Đặc biệt, ở các khu vực khó khăn, cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng để đảm bảo điều kiện triển khai các chương trình liên kết giáo dục với nước ngoài.
Ngoài ra, nên có chính sách hỗ trợ học phí hoặc cung cấp học bổng cho học sinh tại các vùng khó khăn có tiềm năng ngoại ngữ, giúp các em có cơ hội tiếp cận chương trình học chất lượng cao. Điều này cũng khuyến khích các gia đình đầu tư cho con em mình học ngoại ngữ”.