Tiếng dân tộc không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là một biểu tượng văn hóa, gắn liền với truyền thống và tri thức của mỗi cộng đồng. Việc duy trì và phát triển ngôn ngữ dân tộc thiểu số trở thành một yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa và đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo quyết định số 142/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030” đã phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành trung ương và địa phương nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng dân tộc thiểu số tại các trường phổ thông.
Giai đoạn 1, từ năm 2021 đến năm 2025, hoàn thành biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học cho 8 tiếng dân tộc thiểu số đã ban hành chương trình môn học (bao gồm tiếng Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái).
Mục tiêu đảm bảo 100% sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học được biên soạn, cũng như ban hành ít nhất một chương trình môn học tiếng dân tộc thiểu số có chữ viết vào giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông.
Giai đoạn 2, từ năm 2026 đến năm 2030, ban hành mới ít nhất 2 chương trình môn học của tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết và sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc trung học cho các tiếng có nhu cầu. Đảm bảo 100% sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học cho các tiếng dân tộc thiểu số được biên soạn, phấn đấu đạt 100% giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số có trình độ chuẩn được đào tạo.
Dạy tiếng dân tộc không chỉ là dạy một ngôn ngữ
Cô Bế Minh Xuyến, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Bắc La (Huyện Văn Lãng, Tỉnh Lạng Sơn) cho biết, hiện nay, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Bắc La có 2 dân tộc chính là Tày và Nùng, trong đó dân tộc Nùng chiếm hơn 95%.
Cô Xuyến cho rằng, việc dạy tiếng dân tộc cho học sinh dân tộc là dạy ngôn ngữ, dạy văn hóa, dạy tri thức bản địa và các tri thức nhân loại cho học sinh. Dạy tiếng dân tộc không chỉ giới hạn trong việc truyền đạt ngôn ngữ mà còn là phương tiện giúp học sinh tiếp cận những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Những giá trị này bao gồm các phong tục, tập quán, tri thức bản địa liên quan đến môi trường sống, văn học dân gian và những kiến thức khoa học được truyền tải qua các thế hệ.
Ở các vùng cao, nơi học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số như tại xã Bắc La, việc dạy tiếng dân tộc còn góp phần quan trọng trong việc khuyến khích và động viên học sinh đến trường.
"Dạy tiếng dân tộc còn góp phần khích lệ, động viên học sinh, huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng bỏ học của học sinh," cô Xuyến chia sẻ thêm. Đây là một vấn đề lớn ở các vùng sâu, vùng xa, nơi mà việc học tập của trẻ em thường gặp nhiều khó khăn do yếu tố địa lý, kinh tế và ngôn ngữ. Việc học bằng ngôn ngữ mẹ đẻ giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn, từ đó cải thiện thành tích học tập và tạo động lực học tập lâu dài.
Ngôn ngữ là phương tiện chính để truyền tải các giá trị văn hóa, nếu không được giảng dạy và sử dụng, ngôn ngữ có thể dần bị mai một, dẫn đến sự mất mát của cả một nền văn hóa. Việc đưa tiếng dân tộc vào giảng dạy trong trường học không chỉ là một hình thức bảo tồn mà còn là một cách để các thế hệ trẻ hiểu biết và trân trọng bản sắc của dân tộc mình. Dạy tiếng dân tộc là một giải pháp thiết thực trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong cuộc sống," cô Xuyến nhấn mạnh.
Cô Vi Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Châu Sơn (Huyện Văn Lãng, Tỉnh Lạng Sơn), cho biết: "Việc dạy tiếng dân tộc có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế tại Trường tiểu học Châu Sơn, hiện nay vẫn chưa tổ chức dạy tiếng dân tộc cho học sinh. Thay vào đó, nhà trường tập trung dạy tiếng phổ thông để giúp học sinh dễ dàng hơn trong việc học các môn học khác bằng tiếng Việt”.
Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của việc dạy tiếng dân tộc, nhưng do thiếu thốn về nguồn lực và tài liệu giảng dạy, nhiều trường vẫn chưa thể triển khai chương trình dạy tiếng dân tộc. Cô Hằng bày tỏ mong muốn đưa tiếng Tày vào giảng dạy cho học sinh. Đây không chỉ là mong muốn của riêng Trường Tiểu học xã Châu Sơn mà còn là nhu cầu chung của nhiều trường khác trong các vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số là người dân tộc Tày.
Có sách giáo khoa tiếng dân tộc giúp tăng chất lượng giáo dục
Việc đưa tiếng dân tộc thiểu số vào chương trình giảng dạy không thể thiếu công cụ quan trọng là sách giáo khoa. Sách giáo khoa tiếng dân tộc đóng vai trò không chỉ là tài liệu học tập mà còn là phương tiện giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách có hệ thống, bài bản.
“Khi sách giáo khoa tiếng dân tộc được biên soạn và đưa vào sử dụng tại các trường học, học sinh sẽ có điều kiện tốt hơn để duy trì và phát triển tiếng mẹ đẻ, học sinh biết và được nói tiếng nói của dân tộc mình",cô Xuyến cho biết.
Việc dạy và học bằng song ngữ, tức là sử dụng cả tiếng Việt và tiếng dân tộc trong quá trình giảng dạy, cũng là một giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số. Thông qua việc sử dụng tiếng dân tộc trong những giai đoạn đầu của quá trình học, các em học sinh sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn khi được giảng dạy bằng ngôn ngữ quen thuộc.
Sau đó, tiếng Việt sẽ dần được giới thiệu như một ngôn ngữ chính, giúp học sinh chuyển đổi ngôn ngữ một cách tự nhiên và dễ dàng hơn. Điều này không chỉ giúp các em học tập tốt hơn mà còn giúp các em hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng đa ngôn ngữ. Trong quá trình dạy học, giáo viên sử dụng song ngữ sẽ góp phần nâng cao chất lượng học tập của học sinh, cô Xuyến chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn nhân lực có chuyên môn để tổ chức giảng dạy cũng là yếu tố quyết định. Việc dạy tiếng dân tộc không thể thực hiện một cách chất lượng nếu thiếu đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ và văn hóa của từng dân tộc. Cô Xuyến cũng đề xuất: "Dạy tiếng dân tộc thiểu số cần phù hợp với học sinh dân tộc từng vùng miền, đồng thời cần cung cấp đủ tài liệu, thiết bị cho giáo viên giảng dạy và học sinh."
Vai trò của sách giáo khoa tiếng dân tộc và sự hỗ trợ về nguồn lực, tài liệu giảng dạy là vô cùng cần thiết.
Được biết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị xuất bản đang trong quá trình biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc, hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia ngôn ngữ, giảng viên ngôn ngữ tiếng dân tộc trên cả nước và cộng đồng địa phương. Đảm bảo biên soạn tài liệu một cách chính xác, phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng dân tộc, từ đó đảm bảo tính đúng đắn và ứng dụng cao trong giảng dạy.