Sách giáo khoa chương trình mới kích thích văn hóa đọc sách cho học sinh

20/10/2024 07:40
ĐÀO HIỀN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Văn hóa đọc sách đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện về mặt trí tuệ lẫn phẩm chất cho học sinh, phù hợp với định hướng chương trình mới.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí minh đã từng căn dặn: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn…"

Cho đến thời nay, thói quen đọc sách vẫn luôn được đề cao và khích lệ, đặc biệt trong môi trường giáo dục thì phong trào đọc sách đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục nhân cách cho học sinh, ý thức tự giác học tập và rèn luyện.

Đọc sách để phát triển toàn diện

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Bích Sinh - giáo viên Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: Sách là nơi để lưu trữ thông tin, là công cụ để chúng ta tìm kiếm tri thức và hoàn thiện nhân cách của mình.

Trong môi trường giáo dục, chúng ta có thể thấy sự hiện hữu của sách thông qua các bộ sách giáo khoa, đây đều là những tài liệu chính thống nhằm cung cấp kiến thức nền tảng cho người học.

Đặc biệt, sách giáo khoa được xây dựng và sắp xếp theo hệ thống từ cơ bản đến nâng cao, góp phần tăng tính hiểu biết, tri thức cho học sinh.

Thông qua sách giáo khoa, người học có thể vừa tiếp nhận kiến thức, vừa học được cách tư duy, giải quyết vấn đề. Từ đó sẽ dần phát triển được các kỹ năng mềm.

Do đó, có thể thấy rằng, sách giáo khoa đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển toàn diện cho học sinh cả về mặt trí tuệ lẫn phẩm chất.

1-3380.jpg
Một bộ sách hay có khả năng khơi gợi hứng thú, khám phá thế giới từ người học. Ảnh minh họa: NXBGDVN

Trong bối cảnh đổi mới dạy học, việc phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi giúp học sinh cập nhật thêm nhiều kiến thức, phát triển tư duy phản biện, mở rộng vốn từ, đa dạng cách diễn đạt..

Đối với giáo viên, theo yêu cầu và định hướng mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giáo viên không chỉ tham khảo 1 bộ sách giáo khoa mà cần phải nghiên cứu, tìm hiểu tất cả các bộ sách để có thể tìm được phương pháp giảng dạy cho phù hợp.

Theo đó, chương trình giáo dục mới đã nhấn mạnh đến việc chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, đặc biệt là việc phát triển các kỹ năng như tự học, tự nghiên cứu.

Để đạt được điều đó, cô Sinh cho rằng việc đọc sách chính là biện pháp hiệu quả nhất vì có thể giúp cho học sinh phát huy năng lực tự học của mình cũng như phát triển tư duy phản biện, mở rộng và đa dạng kiến thức.

Vậy nên tại trường học, phong trào đọc sách cần được phát triển và đẩy mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó cũng cần đặc biệt lưu ý trong việc lựa chọn bộ sách giáo khoa chất lượng, đáp ứng được các tiêu chí của chương trình mới để đưa vào giảng dạy.

“Một bộ sách hay không chỉ cung cấp kiến thức cho học sinh mà còn có khả năng kích thích tư duy, sự sáng tạo, đặc biệt giúp người học phát triển khả năng tự học, khơi gợi niềm đam mê, hứng thú khám phá thế giới xung quanh.

Khi đó, sách giáo khoa không chỉ là công cụ cung cấp học liệu mà còn là nhân tố, điều kiện để kích thích văn hóa đọc cho học sinh” cô giáo Nguyễn Thị Bích Sinh nêu quan điểm.

Lựa chọn sách hay để kích thích văn hóa đọc

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Văn Nguyên - giáo viên chủ nhiệm lớp 5B, Trường Tiểu học Nghĩa Tâm (Văn Chấn, Yên Bái) cũng cho rằng, đọc sách là một hoạt động không thể thiếu trong môi trường giáo dục nếu muốn nâng cao trình độ văn hóa, tri thức cho các thế hệ học sinh.

Hơn hết, theo chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Theo đó, sách giáo khoa hiện nay chỉ một tài liệu tham khảo.

Đứng trước nhiều lựa chọn, giáo viên bắt buộc phải tìm hiểu, nghiên cứu các bộ sách để lựa chọn được nội dung phù hợp nhất với trình độ, năng lực của đối tượng sẽ được giảng dạy.

Như vậy, theo định hướng của chương trình mới, thì giáo viên chính là đối tượng đầu tiên cần phải phát huy văn hóa đọc sách, sau đó mới có thể phổ biến đến học sinh.

gdvn_thầy nguyên.jpg
Thầy Nguyễn Văn Nguyên trong tiết học môn tiếng Việt. Ảnh: Đào Hiền

Theo ý kiến đánh giá của thầy Nguyên, các bộ sách giáo khoa nhìn chung đều có nền tảng kiến thức giống nhau. Tuy nhiên, hình thức hoạt động ở từng bộ sách sẽ có nhiều điểm khác biệt, do đó các thầy cô cần linh hoạt lựa chọn để tìm bộ sách phù hợp với học sinh của mình.

Hiện nay, đối với môn Tiếng Việt thầy Nguyên phụ trách giảng dạy đang sử dụng cuốn sách Tiếng Việt trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Chia sẻ về những tiêu chí khi lựa chọn sách, thầy cho biết nội dung kiến thức trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đảm bảo tính kế thừa từ chương trình cũ, ngôn ngữ sử dụng quen thuộc, gần gũi. Các bài học có độ mở để học sinh có thể vận dụng các từ gần gũi với thực tế ở địa phương.

Bên cạnh đó, sách còn sử dụng nhiều hình ảnh sinh động, hấp dẫn, kích thích học sinh muốn tìm hiểu, khám phá. Các ngữ liệu trong sách cũng rất chân thật, gần gũi nên học sinh rất dễ tiếp cận và vận dụng trong thực tế, đồng thời tạo cơ hội để nhà trường và giáo viên bổ sung những nội dung và hoạt động đặc thù thích hợp.

gdvn-sach-giao-khoa-7446-8291.jpg
Ảnh minh họa: Đỗ Quyên

Với các em học sinh từ lớp 1 - lớp 5, thầy Nguyên cho rằng các em sẽ rất dễ bị thu hút bởi những hình ảnh hấp dẫn, đặc sắc cũng như những ngữ liệu thú vị. Với sự tò mò và hứng thú mà sách giáo khoa đem lại sẽ dần kích thích văn hóa đọc của các em, khơi gợi sự tìm tòi, tìm hiểu kiến thức sâu rộng hơn nữa.

“Khi nghiên cứu cuốn sách tiếng Việt trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, tôi nhận thấy cuốn sách đáp ứng được hầu hết các tiêu chí về tính thẩm mỹ, hình thức trình bày.

Cụ thể, các bài học được thiết kế theo chủ đề giúp giáo viên linh hoạt hơn trong giảng dạy tùy theo thực tế của lớp học và cơ sở vật chất nhà trường.

Đặc biệt là ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa trong sáng, dễ hiểu và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi học sinh tiểu học”, thầy Nguyên chia sẻ.

ĐÀO HIỀN