Trong bối cảnh xã hội không ngừng phát triển như hiện nay, khi nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng gia tăng, đội ngũ điều dưỡng ngày càng đóng vai trò quan trọng, là bộ phận không thể thiếu trong hệ thống y tế của nước ta.
Nhân kỷ niệm Ngày Điều dưỡng Việt Nam 26/10, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có dịp lắng nghe chia sẻ của Tiến sĩ Trần Văn Oánh – Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Trưởng bộ môn Điều dưỡng Trường Cao đẳng Y tế và Thiết bị Việt Đức để tìm hiểu về tình hình đội ngũ điều dưỡng hiện nay.
Đội ngũ điều dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị của người bệnh
Chia sẻ về thực trạng của đội ngũ điều dưỡng của nước ta hiện nay, Tiến sĩ Trần Văn Oánh bày tỏ, đội ngũ điều dưỡng Việt Nam đang chiếm khoảng 60% lực lượng toàn ngành y tế với các vị trí vai trò khác nhau từ trạm y tế xã/phường đến bệnh viện trung ương.
Có thể nói, điều dưỡng viên là nhân lực rất quan trọng trong hệ thống y tế của nước ta không chỉ về mặt số lượng mà còn về phạm vi công việc. Trên thực tế, công việc của họ diễn ra xuyên suốt từ khi người bệnh có vấn đề đến khi khỏi bệnh.
Cụ thể, điều dưỡng viên sẽ thu thập thông tin ban đầu của người bệnh để góp phần vào chẩn đoán, xác định các vấn đề mà họ đang gặp phải. Từ đó, giúp bác sĩ đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất cho người bệnh. Hơn nữa, điều dưỡng viên còn tham gia can thiệp, hỗ trợ bác sĩ thực hiện phẫu thuật, giám sát, hướng dẫn, tham gia dùng thuốc cho người bệnh, …
Đặc biệt, khi xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng bận rộn, đối với người bệnh nội trú, những người bắt buộc phải nhập viện vốn không thể tự thực hiện được hết nhu cầu của mình, hầu như điều dưỡng viên là người ở bên cạnh họ nhiều nhất và thực hiện mọi nhu cầu từ điều trị đến chăm sóc cho những người bệnh này.
Đáng nói, trên thực tế vẫn còn những định kiến trong xã hội chưa đánh giá cao vai trò của những người điều dưỡng viên.
Theo ông Oánh, từ trước đến nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng gần như vẫn chỉ nhắc đến “y, bác sĩ” khi nói về lĩnh vực y tế chứ không mấy nhắc đến đội ngũ điều dưỡng viên. Tiềm thức này vốn hình thành từ lâu trong một bộ phận người dân khiến họ khi đến bệnh viện cũng chỉ chủ yếu muốn trao đổi thông tin với bác sĩ nhiều hơn và chưa đặt nhiều niềm tin vào đội ngũ điều dưỡng. Do đó, nhiều điều dưỡng viên cảm thấy nghề nghiệp của bản thân ít được coi trọng.
Hơn nữa, suy nghĩ này xảy ra một phần cũng do Bộ Lao động – Thương binh và xã hội quản lý nhóm cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có cả các trường cao đẳng y, dược. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều người cho rằng những ngành do trường cao đẳng y đào tạo cũng tương đương như đào tạo nghề nên đầu vào của nhiều người học ngành này tương đối thấp, không được đánh giá cao, coi trọng.
Trong khi đó, mỗi nghề nghiệp đều có giá trị riêng của mình, và đội ngũ điều dưỡng là một lực lượng quan trọng, không thể thiếu trong hệ thống y tế của mỗi quốc gia. Tầm quan trọng của đội ngũ điều dưỡng chúng ta có thể nhìn thấy rõ nhất chính là qua đợt đại dịch COVID-19. Có thể thấy, nếu thiếu đội ngũ này, vấn đề nghiêm trọng về mặt sức khỏe đối với đại bộ phận người dân sẽ rất dễ xảy ra.
Hơn nữa, Tổ chức Y tế thế giới cũng đã xác định đội ngũ điều dưỡng là một trong những trụ cột tối quan trọng của hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Cũng theo ông Oánh, so với cách đây 20 năm, đội ngũ điều dưỡng của nước ta đã có sự thay đổi rõ rệt về cả số lượng và chất lượng. Đơn cử, quy định về số điều dưỡng viên tối thiểu tính trên đầu giường bệnh được tăng lên. Quy định về chất lượng đội ngũ điều dưỡng cũng tăng lên.
Theo đó, đến năm 2025, 100% vị trí việc làm của Điều dưỡng trong cơ sở y tế công yêu cầu trình độ tối thiểu từ cao đẳng trở lên. Trong khi đó 10 năm trước, điều dưỡng viên trình độ trung cấp chiếm đến gần 80%.
Có thể thấy rằng, Nhà nước ta đã định hình đây là ngành nghề quan trọng, có liên quan đến tính mạng con người, đòi hỏi trình độ cao. Hiện nước ta cũng đang tiến đến hội nhập với các quốc gia trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan hay Philippine – những nước đang sử dụng đội ngũ điều dưỡng trình độ đại học và phải thi chứng chỉ hành nghề quốc gia.
Mặt khác, theo ông Oánh, đội ngũ điều dưỡng của nước ta hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu của người dân ở mức trung bình khá, tuy nhiên vẫn chưa đồng đều về chất lượng, trình độ, năng lực giữa các hạng bệnh viện.
Đối với các bệnh viện hạng đặc biệt, đội ngũ điều dưỡng vốn được đào tạo, được đầu tư, và cọ sát với môi trường chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Trong khi đó, điều dưỡng viên tại những bệnh viện tuyến huyện vừa có ít về số lượng và chất lượng lại khó có thể so được với bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt. Họ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng hiện đại và không ngừng phát triển như hiện nay, người dân đã và đang đặt ra kỳ vọng ngày càng cao đối với hệ thống y tế nói chung và đội ngũ điều dưỡng viên nói riêng. Trên thực tế, có những thời điểm một số bệnh viện gặp phải tình trạng thiếu cục bộ về số lượng đội ngũ điều dưỡng viên.
Khó khăn trong tuyển dụng, nâng cao trình độ điều dưỡng viên do chính sách tự chủ
Hiện nay, khó khăn trong chính sách đối với các bệnh viện là giao tự chủ và giao cho mức trần tối thiểu về nhân lực, không khống chế mức tối đa nhưng lại giữ quy định về chính sách giá. Điều này đã xảy ra vấn đề khi nhu cầu về số lượng cần tăng gấp đôi nhưng giá vẫn phải giữ nguyên nên nhiều bệnh viện phải tiết kiệm cả nhân lực, chỉ đáp ứng mức độ tối thiểu Nhà nước quy định. Trong khi đó, tình trạng, nhu cầu của mỗi người bệnh là rất khác nhau lại đều được quy về một loại giường với số lượng điều dưỡng như nhau.
Hơn nữa, hiện nay trong bối cảnh xã hội, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, các giải pháp can thiệp, quy trình điều trị đang đòi hỏi người làm công tác điều dưỡng phải tỉ mỉ, có trình độ và nhạy bén hơn với nhiều đầu công việc, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của người bệnh như phải tham gia trực tiếp vào quá trình điều trị của người bệnh, theo dõi trước và sau quá trình điều trị bệnh để kịp thời thông tin cho bác sĩ, …
Như vậy, mặc dù nhu cầu ngày càng tăng nhưng khó tăng về số lượng đã vô tình khiến cho áp lực của người điều dưỡng ngày càng gia tăng.
Là một người vừa tham gia vào công tác đào tạo, vừa tham gia sử dụng đội ngũ nhân lực điều dưỡng, ông Oánh kể lại, từ năm 1995, để tuyển sinh vào hệ Cử nhân điều dưỡng Trường Đại học Y Hà Nội, điểm đầu vào gần tương đương bác sỹ và rất cạnh tranh. Ngược lại, hiện tại việc tuyển sinh vào học điều dưỡng tại các trường cao đẳng lại chỉ cần nộp hồ sơ.
Hơn nữa, xu hướng của giới trẻ hiện nay là muốn lựa chọn những “việc nhẹ lương cao” thay vì lựa chọn những công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn, bền bỉ, học nặng, phải trực đêm, làm việc ca kíp để chăm sóc người bệnh như nghề điều dưỡng dẫn tới đầu vào thấp. Chính vì vậy, hầu hết các trường cao đẳng y, dược nhiều năm gần đây đều không tuyển sinh được chỉ tiêu như đã kỳ vọng.
Đơn cử như Trường Cao đẳng thiết bị y tế và Việt Đức trong 3 năm gần đây có đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh là 500 người nhưng chỉ tuyển được 60 sinh viên Điều dưỡng/khóa.
Về công tác tuyển dụng đội ngũ điều dưỡng viên, theo ông Oánh, quy định hiện hành cho phép các bệnh viện được chủ động tuyển dụng nguồn nhân lực. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, chưa có cơ chế khuyến khích tuyển dụng điều dưỡng trình độ cao đại học và sau đại học, dẫn đến nhiều cơ sở công lập vẫn không chế tỉ lệ nhất định điều dưỡng viên trình độ cao, và tuyển dụng điều dưỡng trình độ cao đẳng để tiết kiệm chi phí, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực cũng bị ảnh hưởng.
Cũng theo ông Oánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là một trong những bệnh viện có tỉ lệ nhân lực điều dưỡng/giường bệnh cao hơn định mức khung hiện hành của Bộ Y tế, nhưng so với nhu cầu của người bệnh cũng còn gặp nhiều khó khăn, quá tải, nhất là đối với các các khoa chấn thương, khoa phẫu thuật thần kinh, nhất là thời điểm lễ hội, nghỉ hè, thời tiết biến động, số người bệnh có thể tăng lên 150-180% so với thông thường.
Cơ chế tuyển dụng tại nhiều bệnh viện tuyến tỉnh còn khó khăn hơn mặc dù tự chủ nhưng không được quyết (Sở Nội vụ quyết định) mà chỉ được đề xuất. Do đó, còn nhiều bệnh viện tỉnh thiếu nhân lực.
Đối với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông Oánh cho biết, đội ngũ điều dưỡng viên có nhiều thuận lợi khi đây là bệnh viện hạng đặc biệt sớm nhất của cả nước với trọng tâm chuyên khoa ngoại. Do đó, những công việc của người làm công tác điều dưỡng ngoại khoa đặc thù. Hơn nữa, đội ngũ này cũng được kế thừa những kiến thức mà đội ngũ tiền nhiệm đã học hỏi, làm việc với điều dưỡng từ các nước tiên tiến ngay từ những ngày đầu thành lập.
Điều này đã góp phần giúp cho những điều dưỡng viên giữ được chuẩn chỉnh nghề nghiệp và thuận lợi trong vấn đề hợp tác quốc tế. Là điều dưỡng viên của một bệnh viện với bề dày uy tín như vậy, họ đã không ngừng học hỏi, đối sánh và cập nhật kiến thức phát triển nghề nghiệp để xứng đáng với những mong đợi của bản thân nói riêng và của Bệnh viện nói chung.
Tuy nhiên, lực lượng điều dưỡng của Bệnh viện còn hạn chế. Đến nay, tỷ lệ điều dưỡng viên trình độ đại học, sau đại học trở lên mới chỉ chiếm khoảng 40%, chủ yếu vẫn là trình độ cao đẳng. Các điều dưỡng chuyên khoa 1, thạc sỹ, tiến sĩ còn ít, hầu hết nằm ở nhóm quản lý.
Ông Oánh cho hay, Bệnh viện hiện cũng có có đề án vị trí việc làm để tạo điều kiện, khuyến khích điều dưỡng học nâng cao trình độ nhưng do cơ chế chưa đủ mạnh và hấp dẫn nên các điều dưỡng đi học còn nhỏ giọt.
Trên thực tế, Bệnh viện hoàn toàn đồng ý cho họ đi học nâng cao trình độ với nhu cầu của cá nhân. Thế nhưng, để chuyển hạng viên chức hoặc sử dụng đúng văn bằng đó để trả lương phải theo vị trí việc làm chứ không phải theo nhu cầu nâng cao trình độ của người lao động. Do vậy, ngay bản thân điều dưỡng viên cũng ngần ngại đi học bởi đi học phải đầu tư, tốn kém, học xong về phải chờ đợi vị trí việc làm thì mới có thể được công nhận hoặc nâng hạng.
Có thể thấy, chính sách tự chủ mang lại nhiều tích cực trong đầu tư nhưng lại hạn chế trong vấn đề nhân lực, gây ra nhiều khó khăn, làm hạn chế sự phát triển của đội ngũ điều dưỡng nói riêng và hệ thống y tế nói chung.
Trước những khó khăn, thách thức còn tồn tại, ông Oánh mong rằng, cần chính sách đủ mạnh để khuyến khích đội ngũ điều dưỡng viên đi học nâng cao trình độ để gia tăng về chất lượng.
Bên cạnh đó, cần tích cực phổ biến các văn bản, quy định có liên quan nhằm giúp xã hội hiểu rõ hơn về công việc cũng như giá trị cốt lõi của người làm nghề điều dưỡng. Từ đó, góp phần giúp xã hội tin tưởng và tạo điều kiện hơn người làm điều dưỡng hết lòng thực hiện công việc và nâng cao năng lực và trách nhiệm của mình.
Ngoài ra, cần tiếp tục thúc đẩy việc đào tạo liên tục, đồng thời tăng cường công tác giám sát để có những điều chỉnh, khen thưởng kịp thời đối với đội ngũ điều dưỡng. Đặc biệt, để tăng số lượng điều dưỡng học nâng cao trình độ và thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng đội ngũ này, cần mở ra cơ chế tự chủ về giá cho các bệnh viện. Nếu bệnh viện được tự chủ về giá, tự chịu trách nhiệm về mặt chất lượng sẽ giúp cho hệ thống y tế nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Mặt khác, để công tác tuyển sinh đội ngũ điều dưỡng cho các trường cao đẳng y, dược được thuận lợi hơn, đáp ứng kịp thời nhu cầu hiện nay của người dân, cần đưa các trường về thuộc cao đẳng y dược về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và có lộ trình đại học hóa các trường cao đẳng điều dưỡng trong khoảng 10, 20 năm tới. Bên cạnh đó, cần xây dựng tiêu chuẩn cao khi tuyển sinh đối với các trường cao đẳng điều dưỡng, cũng như sớm triển khai thi chứng chỉ hành nghề quốc gia đối với trình độ Điều dưỡng.
Nhân dịp Ngày Điều dưỡng Việt Nam, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gửi lời chúc mừng tới các đồng nghiệp điều dưỡng Việt Nam nói chung và điều dưỡng viên của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói riêng rằng: “Tôi mong rằng mỗi điều dưỡng viên đều tìm được niềm vui và giá trị cốt lõi trong công việc của mình. Dù có vất vả, khó khăn thế nào cũng luôn kiên trì, bền chí với định hướng phát triển nghề”.