Cô Phạm Thị Ngát, giáo viên Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú N’Trang Lơng (tỉnh Đắk Nông) là một trong số những nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh năm 2024.
Được biết, cô Phạm Thị Ngát sinh năm 1982, quê ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Cô tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Tây Nguyên. Sau đó, cô học tiếp lên cao học và được cấp bằng thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam hiện đại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô Ngát về công tác tại Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú N’Trang Lơng (tỉnh Đắk Nông) từ năm 2004, đến nay đã được 20 năm.
Tuổi thơ cơ cực nuôi dưỡng ước mơ thành cô giáo truyền đạt kiến thức cho học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Ngát chia sẻ, bản thân sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
“Từ nhỏ đã chân lấm tay bùn, nửa ngày tôi đi học, nửa ngày còn lại đi chăn trâu, cắt cỏ. Từ khi học lớp 6, lớp 7, những ngày mùa tôi phải dậy từ 1-2 giờ sáng để đi gặt lúa, buổi trưa đi học về giữa cái nắng như đổ lửa vẫn phải tranh thủ tuốt lúa để kịp phơi.
Những vất vả tuổi thơ cùng với hình ảnh người thầy, người cô ân cần, gần gũi, bình dị đã truyền cảm hứng cho tôi lựa chọn con đường này. Trong sự nghiệp giảng dạy của mình, niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi là nhìn thấy các em học sinh thành đạt, trở thành những con người tử tế, có ích cho xã hội”, cô Ngát chia sẻ.
Từ năm học 2020-2021, cô Ngát được cử làm giáo viên cốt cán của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông tham gia tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ cấp Bộ và làm báo cáo viên cấp tỉnh của 09 modull tập huấn cho giáo viên đại trà môn Ngữ văn; báo cáo viên cấp tỉnh tập đợt tập huấn xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đối với môn Ngữ văn năm 2024.
“Trong quá trình tập huấn cho giáo viên, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là vào năm 2021 và năm 2022, thời điểm dịch Covid-19 đang ở giai đoạn diễn biến phức tạp. Khi đó, chúng tôi buộc phải chuyển đổi hình thức tập huấn sang trực tuyến thông qua nền tảng Zoom.
Việc này mang lại không ít thách thức, đặc biệt là các sự cố liên quan đến đường truyền không ổn định, khiến quá trình truyền đạt nội dung và thảo luận trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Những hạn chế về công nghệ và kỹ thuật đã gây ra không ít bất cập, nhưng cũng chính trong hoàn cảnh đó, chúng tôi học được cách thích nghi và sáng tạo để đảm bảo chất lượng của các buổi tập huấn”, cô Ngát tâm sự.
Bên cạnh đó, cô Ngát còn tham gia biên soạn tài liệu địa phương môn Ngữ văn các lớp 6, 10, 11 và 12. Tài liệu đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Cô Ngát cho biết, bản thân là một giáo viên chỉ quen với việc giảng dạy, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc viết sách, nên quá trình biên soạn ban đầu gặp không ít khó khăn và bỡ ngỡ. Để khắc phục, cô đã phải tham khảo rất nhiều cách biên soạn từ các bộ sách khác nhằm tìm ra hướng đi phù hợp.
Tuy nhiên, một thách thức lớn khác là nguồn tài liệu tham khảo để viết còn hạn chế. Ở Đắk Nông các tác phẩm chủ yếu là văn học dân gian và văn học viết từ năm 2004 đến nay, trong khi văn học trung đại và các tác phẩm giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ gần như không có. Do đó, cô phải linh hoạt thay đổi nội dung biên soạn để phù hợp hơn với đặc thù văn học của tỉnh nhà, đồng thời đảm bảo tính giáo dục và giá trị thực tiễn cho tài liệu.
Không chỉ vậy, trong 5 năm học, cô Ngát đã bồi dưỡng được 24 học sinh đạt giải trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn.
“Học sinh Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú N’Trang Lơng được tuyển sinh theo hình thức vừa thi vừa xét tuyển, đầu vào rất thấp. Số lượng học sinh ít cho nên nguồn học sinh để tuyển chọn ôn thi học sinh giỏi không nhiều. Để bồi dưỡng có kết quả, tôi và đồng nghiệp phải nỗ lực hết sức, vừa ôn tập vừa khích lệ, động viên để các em phấn đấu. Do các em ăn, ở, học tập tại trường nên cứ có thời gian rảnh là cô trò lại lên lớp để ôn luyện.
Đặc biệt, các em trong trường đa số có hoàn cảnh khó khăn, đi học phải sống xa gia đình nên khá thiệt thòi. Đổi lại, các em rất ngoan, có ý chí vươn lên trong học tập. Do đó, mỗi thầy giáo, cô giáo, nhân viên nhà trường đều giống như những người cha, người mẹ thứ hai dạy dỗ, yêu thương, chỉ bảo các em từ những điều nhỏ nhặt nhất. Chính những điều đó đã giúp tôi duy trì niềm đam mê với nghề”, cô Ngát chia sẻ.
Biên soạn nhiều tài liệu văn học giảng dạy phổ thông
Nhận được danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu 2024, cô Ngát bày tỏ: “Tôi thấy rất vui mừng và tự hào vì đây không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực của bản thân, mà còn là thành quả từ sự hỗ trợ, động viên quý báu của gia đình, đồng nghiệp và tập thể nhà trường.
Tôi may mắn làm việc trong một môi trường thân thiện, đoàn kết, nơi mọi người luôn yêu thương và sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời, sự quan tâm sâu sắc và tạo điều kiện của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cũng là nguồn động lực lớn giúp tôi đạt được nhiều thành tích trong công việc.
Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, không ngừng trau dồi bản thân, chủ động tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới, tự học tập và nghiên cứu để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục”.
Trước đó, cô Ngát đã nhận nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng các cấp tiêu biểu trong 05 năm liền kề như: Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông năm 2022; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2023; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2023.
Đặc biệt, năm học 2023-2024, sáng kiến giáo dục địa phương tỉnh Đắk Nông, chủ đề 3 “Văn học viết Đắk Nông” của cô Ngát được xét loại đạt cấp cơ sở.
Theo cô Ngát, đây là một chủ đề trong tài liệu địa phương lớp 11 đã được đưa vào giảng dạy ở các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Mục đích của sáng kiến là giúp giáo viên và học sinh hiểu được mục đích, ý nghĩa, quá trình biên soạn tài liệu địa phương để có thêm tư liệu hữu ích phục vụ giảng dạy và học tập trên lớp.
Sáng kiến sẽ giúp học sinh được tiếp cận thêm các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học viết Đắk Nông. Từ đó, sáng kiến góp phần giúp các em học sinh hiểu thêm về mảnh đất mình đang sống, tìm hiểu về lịch sử, văn học, về tiềm năng thế mạnh của vùng đất quê hương cũng như chiều sâu văn hóa các dân tộc, qua đó vừa phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, vừa góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Từ đó, giáo dục ý thức trách nhiệm xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, tinh thần và kinh tế - xã hội của quê hương.
Ngoài ra, cô Ngát xuất sắc nhiều năm liền được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông tín nhiệm phân công tham gia chấm sáng kiến cấp cơ sở và cấp tỉnh, tham gia chấm Cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học phổ thông cấp tỉnh, làm giám khảo Hội thi giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông dạy giỏi cấp tỉnh, tham gia chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tham gia ra đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh…
Cô Ngát còn tham gia biên soạn chủ đề Khơi dòng truyền thống - tài liệu giáo dục địa phương lớp 10 được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông phê duyệt là tài liệu giảng dạy trong trường trung học phổ thông từ năm học 2022-2023; tham gia biên soạn chủ đề Ba phần văn học - tài liệu giáo dục địa phương lớp 11 được Bộ Giáo dục Đào tạo, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông phê duyệt là tài liệu giảng dạy trong trường trung học phổ thông từ năm học 2023-2024.
Bên cạnh những thành tích chuyên môn, cô Ngát cũng tham gia tích cực các hoạt động của công đoàn, chi bộ và đạt giải Nhì Hội thi Bí thư chi bộ giỏi cấp tỉnh, công đoàn ngành giáo dục tỉnh tặng danh hiệu 5 năm “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.