Đổi mới GD: Phải hướng tới mục tiêu "Dạy làm người"

20/12/2011 11:39
Xuân Trung
(GDVN) - Một nền giáo dục toàn diện từ kỹ năng sống, nhận thức, thái độ, hành vi, lí tưởng, giá trị, ngoại ngữ từ các cấp học sẽ giúp giáo dục nhân văn hơn.
Phát triển giáo dục toàn diện tạo nên một bước vững chắc trên con đường đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo, là nền tảng để phát triển nguồn nhân lực, đóng góp cho xã hội những chất xám có chất lượng và hiệu quả. Bác Hồ đã dạy: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất"; "thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên"".

Kỹ năng sống và đạo đức học sinh đang xuống cấp

Để phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, mỗi người trong chúng ta  ai cũng mong muốn có một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc, đặc biệt là với các bậc làm cha làm mẹ ai cũng đều có nguyện vọng chân chính nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái khỏe về thể chất và tinh thần. Thế nhưng, những năm qua và đặc biệt thời gian gần đây lối sống và đạo đức của học sinh đang xuống cấp. 
Giáo dục nhân cách, giá trị sống cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp con người hoàn thiện hơn. Ảnh Báo Lao động.
Giáo dục nhân cách, giá trị sống cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp con người hoàn thiện hơn. Ảnh Báo Lao động.
PGS, TS Ngô Công Hoàn (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, lối sống của giới trẻ (trong đó có học sinh) có ảnh hưởng rất lớn tới 4 trụ cột của giáo dục thế kỷ này. Đó là, học để biết, học để làm, học để chung sống sinh hoạt, học để tự khẳng định mình.

Từ những nội dung trên, PGS, TS Hoàn cho rằng, khi làm được những nội dung đó tức là chúng ta có năng lực, có nhận thức để học. “Năng lực nhận thức của cá nhân được hình thành từ chuẩn nhận cảm dẫn tới thói quen nhận thức, sau đó được củng cố, lặp lại nhiều lần dẫn đến năng lực nhận thức. Nhờ năng lực nhận thức của con người thì lớp trẻ mới tích lũy dần được vốn sống kinh nghiệm xã hội, trí thức khoa học, những hiểu biết, tri thức cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của cá nhân”. 
Theo PGS, TS Hoàn, để tình trạng đạo đức học sinh xuống cấp như hiện nay là một phần chúng ta chưa giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, độ tuổi được coi là nền tảng của sự nhận biết. Ngay từ nhỏ hãy xây dựng hành vi tốt cho trẻ, xây dựng cho trẻ thói quen gọi dạ bảo vâng, cảm ơn, xin lỗi, tôn trọng mọi người, biết cung kính với bề trên, biết nhường nhịn và luôn nghĩ tốt về mọi người.  
“Trẻ em từ 3-6 tuổi đã nhận biết được điều đúng –sai, phải – trái, tốt – xấu, ngoan -  hư. Trẻ từ 7-14 tuổi là tuổi đang trải nghiệm, thực hành các chuẩn nhận cảm, chuẩn hành vi. Vì vậy nếu trẻ hành động sai, nhận thức sai, nói sai,  nghĩ sai, biểu đạt cảm xúc không đúng phải sửa ngay cho trẻ” PGS, TS Hoàn khuyên.
Đồng quan điểm với PGS, TS Ngô Công Hoàn, là giảng viên khoa Sư phạm (Đại học Tiền Giang) ông Đặng Xuân Sơn cho rằng, từ những nhận thức, giá trị sống giúp con người mưu cầu hạnh phúc. Ở lứa tuổi lớn hơn (thanh niên, sinh viên) cũng không phải ai cũng nhận thức được đúng giá trị sống. Có người cho rằng trở thành người giàu có, nhiều tiền mới là “giá trị đích thực”, có người lấy danh vọng, địa vị làm thước đo giá trị, và rồi họ cố gắng để có được những chức tước, địa vị. Khi những chức tước bị mất con người sẽ trở nên “trắng tay” vô giá trị.
Theo ông Sơn, thậm chí có bạn trẻ cho rằng, phải hút thuốc lá, phải dùng heroin, phải biết yêu sớm mới là “người hùng”, là “đẳng cấp” mới có giá trị.

“Giá trị con người của không ít thanh thiếu niên hiện nay đang thay đổi theo chiều hướng mỗi ngày một đa dạng, mang tính toàn cầu, song đôi khi phù phiếm. Vì vậy, giáo dục để các bạn trẻ, các em học sinh sinh viên nhận diện đúng đâu là giá trị đích thực của cuộc sống, vừa mang tính thời đại vừa phản ánh bản sắc dân tộc là điều vô cùng cấp bách” ông Đặng Xuân Sơn nói.
GS Phạm Minh Hạc khi nhận thấy giá trị sống, đạo đức của lớp trẻ xuống cấp có đưa ra 10 nguyên tắc cơ bản như: Thanh niên phải có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, có trách nhiệm với cộng đồng, chăm học, chăm làm, lương thiện, sáng tạo…Đó là những nguyên tắc sống đáng học tập.

Hiểu đúng, làm thật về học và dạy Ngoại ngữ

Một trong những mấu chốt của giáo dục toàn diện là đào tạo trình độ Ngoại ngữ cho con người. Để có một hệ thống đào tạo Ngoại ngữ mang tầm quốc gia, Bộ GD&ĐT đã triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 (bao gồm các cấp học). Trong Đề án này, Bộ xác định: Phải coi trọng chất lượng không vì mức độ mở rộng Đề án mà hạ thấp chất lượng.
Đổi mới phương pháp dạy và học Ngoại ngữ để người học dễ tiếp cận, không lặp lại chương trình học để đổi mới tư duy. Ảnh Báo lao động
Đổi mới phương pháp dạy và học Ngoại ngữ để người học dễ tiếp cận, không lặp lại chương trình học để đổi mới tư duy. Ảnh Báo lao động
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hiện tại đã thu được kết quả bước đầu, được nhà trường, địa phương hưởng ứng. Đề án đã khảo sát được trình độ giáo viên giảng dạy tiếng Anh và các Ngoại ngữ khác ở các địa phương, từ đó xây dựng được kế hoạch nâng cao năng lực Ngoại ngữ và phương pháp dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học. Cùng với đó là xây dựng giáo trình dạy tiếng Anh cho các trường tiểu học và THCS theo quan điểm coi trọng chất lượng đầu ra và trình độ Ngoại ngữ của học sinh, lấy khung năng lực Châu Âu làm chuẩn.
TS Vũ Văn Thành (GĐ Trung tâm sáng tạo và phát triển tài năng Long A) nhìn nhận về lịch sử dạy và học Ngoại ngữ trong 15 năm trở lại đây khi cho rằng, cách dạy và học Ngoại ngữ như hiện nay vừa thừa vừa thiếu. TS Thành cho biết: “Ngoại ngữ là một trong ba môn cố định để thi, nhưng rồi năm thứ nhất đại học lại bắt đầu học lại như phổ thông. Đại đa số các em học ở phổ thông, đã thi tốt nghiệp cũng tự nguyện thấy rằng, nói là thi tốt nghiệp nhưng trong đầu không có chữ nào, rỗng tuếch. Giáo viên cũng thích dạy lại từ đầu cho dễ dạy. Nhu cầu thì nhiều, đấy chỉ là số lượng còn chất lượng giáo viên dạy Ngoại ngữ chúng ta vừa ít vừa yếu” TS Thành nói.
Những bất cập ở người dạy Ngoại ngữ hiện nay, theo TS Vũ Văn Thành, nếu có yếu là do không được đào tạo cẩn thận, năng lực kém đến khi được phân dạy các trường không chuyên, cao đẳng. Như vậy chẳng khác nào cờ đến ai người đó phất được hết. Bản thân đã kém thì tất nhiên khó đào tạo ra lớp sinh viên giỏi và cứ thế tiếp diễn.

Từ những bất cập trên, TS Thành đề xuất: Nên có một ban soạn thảo và một hội đồng duyệt chương trình và giáo trình tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ khác nói chung để quyết định một chương trình thống nhất từ cấp 1,2,3 rồi cao đẳng, đại học. 
Nhận thức của học sinh về an toan tình dục quá kém
Theo ông Đào Minh Đức (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục  - ĐH Sư phạm Hà Nội), nếu không được tư vấn, bồi dưỡng thì nhận thức của học sinh về an toàn tình dục đáng báo động. 
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Reach (Thực hiện công tác dạy nghề và tạo việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp THPT) cho thấy, trước khi được bồi dưỡng khóa học lớp “an toàn tình dục”, có tới 84,2% học sinh không biết thế nào là tình dục an toàn. 76,8% cho rằng HIV rất dễ lây thông qua các tiếp xúc thông thường như bắt tay, ôm hôn. 14% cho rằng HIV lây qua con đường từ mẹ sang con…
Xuân Trung