25 năm hải chiến Trường Sa: Tâm sự của những người ở lại

16/03/2013 06:44
N. Huệ (Tổng hợp)
(GDVN) - Sóng biển Trường Sa sau 25 năm ấy vẫn luôn cuộn trào trong lòng anh em – những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam - mỗi khi họ nhớ về những đồng đội đã bỏ mình nơi biển cả. Trong dòng chảy ấy, có cả những giọt nước mắt, những nỗi khắc khoải mong tin con của các đấng sinh thành.

Kí ức tình đồng đội

“25 năm rồi tôi mới gặp lại Thảo. Còn nhiều lắm, nhiều lắm những đồng đội còn đang thất lạc nhau”, chỉ một câu nói của anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lanh, người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988, nhưng đủ để làm sống lại nỗi niềm bao nhiêu năm cất giấu của biết bao con người luôn mang trong mình chữ tình đồng chí.

Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa trong sự kiện ngày 14.3.1988
Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa trong sự kiện ngày 14.3.1988

Trong cuộc giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu” được tổ chức ngày 14/3/2013, khi ống kính máy quay ở trường quay S2 (Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng) hướng về dãy ghế áp chót bên dưới hội trường thì anh Lanh mới giật thót mình nhận ra người đồng đội năm xưa - tiểu đội trưởng Gạc Ma Lê Hữu Thảo. Những bộn bề, lo toan cho cuộc sống có thể làm bạc đi một phần mái tóc của họ nhưng không làm bạc đi tình cảm họ dành cho nhau. “Mặc dù không gặp nhau nhưng sao mà quên được từng nét mặt, hành động, cử chỉ”, anh hùng Nguyễn Văn Lanh cho biết.

Những người còn sống, họ bắt đầu lên đường và từ đây, một cuộc trở về lịch sử không hẹn mà gặp bắt đầu.

Ước nguyện lớn nhất từ sau ngày trở về mà anh Dương Văn Dũng (Đà Nẵng) luôn mang theo là mong một lần được trở lại Gạc Ma để thắp cho đồng đội nén nhang. Ước nguyện chưa thành nhưng anh cũng đã thực hiện được tâm niệm là thắp hương cho liệt sĩ Phạm Văn Lợi, người “ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu” với anh từ nhỏ cho tới khi cùng vào đơn vị. Nhưng sau trận hải chiến Gạc Ma chỉ còn anh và anh Phan Văn Đức còn sống.

Cũng giống như anh Dũng, anh Lê Hữu Thảo luôn ấp ủ ngày được trở lại Trường Sa để được gọi tên đồng đội cũ, được thả một vòng hoa trắng xuống biển xanh để tưởng nhớ những người mãi mãi nằm lại dưới đó.

Tháng 3/2013, người cựu binh ấy đã trở về gặp mạ (mẹ) của liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Phương để thắp nén nhang tưởng nhớ người chỉ huy của mình đã hi sinh khi đang cầm lá cờ Tổ quốc vào cọc tại đảo Gạc Ma.

Trong cuộc gặp gỡ tại nhà anh Trương Đức Nhuân ở thôn Thọ Hạ, xã Quảng Sơn, Quảng Bình, ai cũng vỡ òa cảm xúc vì 25 năm rồi chứ ít ỏi gì.

Ngày ấy, ở tuổi đôi mươi, lứa tuổi vô tư hồn nhiên nhất, thì các anh đã gắn bó với nhau trong những buổi tập luyện trên thao trường, những lúc sinh hoạt trong doanh trại. Ở cái tuổi tóc đã muối tiêu, các anh vẫn gọi với nhau bằng “tau” và “mi”. Gọi thế cho sướng miệng vì các anh là bạn bè của nhau mà, gặp nhau chưa đầy 3 năm để rồi phải xa nhau từ đó cho đến bây giờ.

Bên mái tranh nghèo

Những giọt nước mắt sau 25 năm vẫn lăn dài cả trong kí ức lẫn trên gương mặt của cả những người làm cha, làm mẹ. Họ gửi lại nơi biển sâu và cả trong những ngôi mộ “gió” ước mơ thật giản dị là tìm được hài cốt của những đứa con yêu. Bên mái tranh nghèo, bóng họ lầm lũi tạc vào tháng năm.

Mẹ Lê Thị Muộn vẫn giữ và mặc chiếc áo kỷ vật của liệt sĩ Phan Văn Sự suốt 25 năm qua để đỡ nhớ con - ảnh: Thanh niên
Mẹ Lê Thị Muộn vẫn giữ và mặc chiếc áo kỷ vật của liệt sĩ Phan Văn Sự suốt 25 năm qua để đỡ nhớ con - ảnh: Thanh niên

Trong trận hải chiến đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988, Quảng Bình là nơi có nhiều liệt sĩ nhất với 13 người. Thành phố Đà Nẵng xếp sau với 9 liệt sĩ trong số 64 người hi sinh.

Di ảnh của liệt sĩ Phạm Văn Lợi vẫn được mẹ Nguyễn Thị Trước (81 tuổi) hàng ngày lau chùi sạch sẽ. Mỗi lần đứng trước di ảnh con, đôi mắt bà lại nhòe đi. Gần 30 năm rồi, bà không được gặp lại người con ấy. Có chăng chỉ là trong giấc mơ. Từ sau trận chiến trên đảo Gạc Ma năm xưa, đêm nào bà cũng mơ thấy anh Lợi với những lời động viên: “Mẹ đừng lo chi hết, con mạnh khỏe và ở với anh em ngoài đó rất vui vẻ”.

81 tuổi nhưng nom mẹ còn rất minh mẫn. Các con của mẹ, anh đầu là Phạm Văn Chung đã mất sớm vì bạo bệnh, hiện anh Long vẫn chưa lập gia đình, đi phụ hồ nuôi mẹ và em út Phạm Văn Tâm bị bệnh down từ nhỏ. Có lẽ, mẹ sẽ không bao giờ quên được giây phút vợ chồng mình nghe tin sét đánh từ phường báo các chiến sĩ mất tích ở Trường Sa. Đám tang anh Lợi diễn ra trong mưa gió, căn nhà nhỏ đến nỗi hàng xóm qua viếng ướt nhem vì không có chỗ vào.

Với mẹ Lê Thị Muộn, mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự, nỗi đau lại nhân đôi trong cùng ngày 27 tháng giêng âm lịch (ngày 14/3/1988) khi con trai thì hi sinh trong trận chiến Gạc Ma, chồng bà nghe hung tin cũng qua đời vào buổi chiều hôm đó. Kỷ vật duy nhất anh Sự để lại nơi đơn vị Trung đoàn 83 Công binh Hải quân là chiếc áo hải quân. Nhận áo về, bà Muộn tự tay cắt, sửa thành áo để mặc cho đỡ nhớ con đến tận bây giờ.

Vợ chồng ông Trần Thiện Phụng xem lại những bức thư một thời họ gửi cho nhau từ nhà tù Trung Quốc - Ảnh: Thanh niên
Vợ chồng ông Trần Thiện Phụng xem lại những bức thư một thời họ gửi cho nhau từ nhà tù
Trung Quốc - Ảnh: Thanh niên

Và còn đó lời tâm sự chất chứa nỗi niềm của người vợ khi bao nhiêu năm làm đám giỗ cho người chồng còn sống là ông Trần Thiện Phụng (Đà Nẵng), người đã tham gia trong trận chiến Gạc Ma năm xưa: “Anh mất tích, tôi đã phải nén mọi nỗi đau để động viên cha mẹ, buôn bán kiếm tiền nuôi con thì thư về. Có lẽ suốt đời này tôi không quên cái buổi chiều đó, khi một cán bộ phường cầm bức thư ghi nơi đi là Trung Quốc vừa chạy vào nhà vừa hét “thư của thằng Phụng, thư của thằng Phụng”. Tôi òa khóc vì bao tủi hờn đã được giải tỏa, anh còn sống là tốt rồi”, bà Lê Thị Thiên, vợ ông Phụng vẫn còn ngấn lệ khi nhắc về quá khứ.

Kể làm sao hết nỗi niềm của những ông bố, bà mẹ có con hi sinh trên các chiến trường; rồi những người vợ bao nhiêu năm chờ chồng trong vô vọng… Nhưng họ luôn mang trong mình niềm tự hào vì máu xương các anh đổ xuống là để đánh đổi lấy sự bình yên cho Tổ quốc.

Sự anh dũng hy sinh và chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma - Trường Sa luôn được những thế hệ sau nhắc đến.

Một năm sau trận hải chiến ngày 14/3/1988, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho:

Anh hùng Vũ Huy Lễ (sinh năm 1946, quê ở xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Trú quán xã Đằng Hải, huyện An Hải, TP.Hải Phòng. Khi được tuyên dương Anh hùng, anh là thiếu tá, thuyền trưởng tàu HQ505, lữ đoàn 125 hải quân).

Anh hùng Nguyễn Văn Lanh (sinh năm 1966, quê ở xã Vạn Ninh, huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình. Khi được tuyên dương Anh hùng, anh là trung sĩ, tiểu đội trưởng công binh thuộc đại đội 9, tiểu đoàn 887, trung đoàn 83, Quân chủng Hải quân)

Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương (sinh năm 1965, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Khi hy sinh anh là thiếu úy, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, lữ đoàn 146 Vùng 4 hải quân.)

Anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ (sinh năm 1957, quê ở xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Khi hy sinh anh là đại úy, thuyền trưởng tàu HQ604 thuộc lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân)

Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông (sinh năm 1944, quê ở xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Khi hy sinh anh là trung tá, Phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn 146, Vùng 4 thuộc Quân chủng Hải quân, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa)

Ngoài ra, tàu HQ-505, với nhiệm vụ vận chuyển vật liệu cho bộ đội xây dựng công trình ở quần đảo Trường Sa, khi ấy đã mở hết tốc độ lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Khi thấy tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma bị địch bắn cháy và chìm, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-505 đã dùng xuồng cao su cơ động dưới làn hoả lực của địch đến cứu được 44 thương binh đưa về nơi an toàn. Tàu HQ-505 cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. (Trích tài liệu của Hội Khoa học lịch sử Bình Dương)

N. Huệ (Tổng hợp)