LTS: Trước tình trạng giáo viên tự do cho điểm, nâng điểm cho học sinh, thầy giáo Sơn Quang Huyến chỉ ra những hệ lụy của việc này và người thiệt thòi nhất chính là các em học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Giờ nghỉ, M. nước mắt lưng tròng, thất thểu bước vào phòng nghỉ giáo viên. Nhìn M., mọi người ái ngại “Sao em, đau bệnh chi à?”. “Dạ, không ạ”.
Bình tĩnh, M. mới kể “Tiết vừa rồi, em gọi học sinh Tr. lên làm bài, cũng hy vọng em nó làm được bài, sửa điểm xấu cho nó; ai dè, lên bảng, Tr. viết, đố cô cho em lưu ban”.
Mọi người cười vang “Bình thường thôi em, năm đầu còn cảm xúc, riết rồi quen; Giận mày tao ở với ai? Vô tư đi”.
Tr. là con “cán bộ”, năm học đầu cấp, bị xếp học lực kém, giáo viên bộ môn đã được bài học “Thầy cô có gì khác cho nó không? Nó cần gì khác không? Cho nó, vừa ích trường, vừa lợi nhà”. Thế là Tr. cứ “mỗi năm, mỗi lên lớp”.
Bí quyết đơn giản nhất để được hạnh phúc chính là: “Mỗi người hãy biết chia sẻ, biết cho đi, biết trao tặng những gì tốt nhất mà mình có cho người khác”.
Nhà trường áp chỉ tiêu chất lượng giáo dục chỉ khiến giáo dục thêm bệnh thành tích và gian dối. (Ảnh: vtv.vn). |
Có rất nhiều thứ chúng ta có thể trao tặng cho người khác, từ của cải vật chất cho đến một lời khuyên, một trải nghiệm, một lời nói chân tình, hay thậm chí chỉ là một ánh mắt thiện cảm, một nụ cười đôn hậu…
Những hành động chia sẻ đó thể hiện tấm lòng yêu thương của chúng ta dành cho người khác.
Chắc chắn rằng, chúng ta cũng sẽ đón nhận được không ít điều tuyệt vời bắt nguồn từ sự cho đi.
Điểm, có phải của thầy cô không? Xin thưa, không phải của thầy cô. Nếu thầy cô lấy cái không phải của mình cho người khác, chính thầy cô là kẻ ăn cắp, ăn cướp!
Học trò điểm nhận “điểm thầy cô cho”, liệu có hạnh phúc? Xin thưa, bất hạnh, buồn đau đang chờ nó ở phía trước!
Đơn cử trường hợp của Tr., chính vì các năm học trước nhận “điểm thầy cô cho”, kiến thức Tr. học được từ các thầy cô là “con số 0” và sự “giả dối”.
Giáo viên Công nghệ hào phóng cho học sinh các lớp toàn điểm 10 |
Bất hạnh đang chờ đợi Tr. ở phía trước không phải chỉ thầy cô xây nên mà chính là thói háo danh, cửa quyền, cậy thế của các bậc cha mẹ; gây sức ép “vô hình” đến nhà trường “con cán bộ không thể dốt”.
Nếu một mai, Tr. “mua” đủ bằng cấp thật nhưng học giả; đủ các “tiêu chí”, bằng con đường nào đó, Tr. làm “cán bộ”, những “tội ác” Tr. gây ra với nhân dân; Tr. vô tù, thầy cô của Tr. có vô can không?
Như vậy, “cho điểm”, chỉ còn lại sự giả dối và bất hạnh. Trong nhà trường mà dung dưỡng sự giả dối, tiêu cực trăm hoa đua nở; xã hội đón nhận sản phẩm “lỗi nhân cách, trống tri thức”.
Cho điểm học trò, không đúng với năng lực thực sự của nó, thật ra giáo viên đang “khen cho nó chết”.
Làm sao phòng tránh nạn “xin điểm, cho điểm”?
Muốn không còn nạn “xin, cho” điểm, phải xóa bỏ hoàn toàn chỉ tiêu trong giáo dục. Tuyệt đối không bắt giáo viên đăng ký chỉ tiêu đầu năm học.
Cần có chế tài bằng luật pháp với người “xin điểm”, giáo viên “cho điểm”.
Tổ chức các kì thi thật nghiêm túc, không sử dụng học bạ để xét tuyển. Chính điểm học bạ cấu thành trong điểm tốt nghiệp trung học phổ thông, đã thổi bùng ngọn lửa xin, cho.
Thay đổi kì thi trung học phổ thông hiện nay bằng kì thi đánh giá năng lực; vừa đảm bảo công bằng thi cử; vừa phát huy năng lực người học, người dạy.
Các bậc phụ huynh phải nhận thức được, những chiếc “vương miện” điểm đẹp, mình mua, quan hệ mà có, đội lên đầu con, là vòng “kim cô” mà thôi.
Giáo dục nói chung, giáo viên nói riêng phải hiểu đúng, điểm không phải của mình, điểm là học lực, năng lực của học trò, giáo viên là người giúp học trò đánh giá bản thân mình.
Giáo viên đánh giá đúng, góp phần làm học trò hạnh phúc; ngược lại, giáo viên “thổi phồng” học lực, năng lực của học trò, góp phần làm học trò bất hạnh, xã hội chậm phát triển.
Sự sẻ chia, cho đi, luôn mang lại nhiều điều kỳ diệu cho cuộc sống. Cho điểm, còn lại sự giả dối! Năm học đang vào mùa thu hoạch, xin đừng ươm mầm sự giả dối, bất hạnh.