Đổi mới hay chấn hưng giáo dục (3)

31/07/2018 07:39
Xuân Dương
(GDVN) - Điều quan trọng nhất để chấn hưng giáo dục nước nhà là khắc phục triệt để căn bệnh “Nói nhưng không làm, làm không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi”.

Điểm mặt những thất bại của giáo dục

Điều quan trọng nhất để chấn hưng giáo dục nước nhà là khắc phục triệt để căn bệnh “Nói nhưng không làm, làm không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi”.

Sự chú ý của dư luận xã hội dường như dồn vào chuyện chống tham nhũng, chuyện “Lò nóng củi tươi” trong các lĩnh vực kinh tế, đất đai, ngân hàng, công thương,… và gần đây là sai phạm của không ít tướng lĩnh trong quân đội và công an.

Đó là những việc “cần làm ngay” mang tính cảnh báo, răn đe, đa số vụ việc liên quan đến những lãnh đạo (dân sự và quân sự) đã nghỉ hưu, đến những vụ việc nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng đã xảy nhiều vài năm trước.

Chúng ta cần hướng đến một nền giáo dục khai phóng. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Chúng ta cần hướng đến một nền giáo dục khai phóng. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Xử lý một số cá nhân, vụ việc tuy cần thiết nhưng chỉ là xử lý phần ngọn, thay đổi văn hóa tiểu nông, tạo nên thế hệ người Việt đáp ứng tiêu chí “Công dân toàn cầu” mới là phần gốc.

Vậy ngành giáo dục có gây thất thoát nhiều tỷ đồng ngân sách không, lãnh đạo ngành có mắc phải các sai phạm nghiêm trọng không? 

Báo Nhandan.com.vn trong bài “Những đề án, dự án hàng nghìn tỷ đồng đổi mới giáo dục và đào tạo trước nguy cơ thất bại” viết: 

Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” có tổng kinh phí là 9.378 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và một số nguồn khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì…

Dư luận xã hội bức xúc còn bởi hiện trạng: Sau khi tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều năm, chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ trong nhà trường vẫn cho kết quả “đội sổ” so với các môn trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. [7]

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục (3) ảnh 2Giáo dục và quy luật … "Tít mù”

Sự “đội sổ” không chỉ vào năm 2016 khi bài báo được đăng mà năm 2018 này cũng vậy, điểm trung bình môn Tiếng Anh trong kỳ thi quốc gia 2018 là 3,91 và được đánh giá là môn học “Mãi không chịu lớn”.

Chính xác thì đề án trên “mới” tiêu hết có 5.400 tỷ đồng và thất bại đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận trước Quốc hội. [8] 

Vậy số tiền 5.400 tỷ đồng ấy tương đương bao nhiêu “dự án nghìn tỷ đắp chiếu” của Bộ Công thương và có nên xem đó cũng là một đại án?

Năm 2014 Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Quốc hội đề án “Đổi mới chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông” với dự trù kinh phí khoảng 34.000 tỷ đồng.

Bị dư luận và đại biểu Quốc hội phản bác, đề án rút xuống còn 718 tỷ đồng.

Chúng ta đang “đổi mới giáo dục” theo một cung cách hết sức khó hiểu, đó là tích hợp các môn học trước khi đào tạo một cách bài bản đội ngũ “giáo viên tích hợp”, hậu quả có thể thấy là hai ba thày cô dạy một môn học. 

Từ một đề xuất duy ý chí, thế là chữ viết bị thay đổi theo kiểu chữ trong bản vẽ kỹ thuật.

Chỉ với số tiền viện trợ nhỏ nhoi 84,6 triệu USD (không hoàn lại) của “Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu” thế là hàng loạt trường bị “thí điểm” học theo mô hình VNEN. 

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục (3) ảnh 3Bức tranh về giáo dục khai phóng dưới góc nhìn của Giáo sư Lâm Quang Thiệp

(Năm học 2011-2012, thí điểm mô hình này tại 24 trường học thuộc 12 huyện ở 6 tỉnh.

Năm học 2012-2013, triển khai trên diện rộng và thí điểm tại 1.447 trường tiểu học trên 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Năm học 2015-2016, 4.177 trường tiểu học ở 63 tỉnh, thành triển khai thực hiện mô hình này).

Cho đến nay, lời khẳng định sự thất bại của mô hình VNEN có thể tìm thấy trên nhiều tờ báo uy tín như Tienphong.vn, [9] Vietnamnet.vn [10], Congly.vn [11], Giaoduc.net.vn, [12]…

Liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có tổng kết, so sánh những mất mát tại 4.177 trường tiểu học bị “thí điểm” so với số tiền hơn 80 triệu USD nhận được? 

Liệu có nên đưa những người chịu trách nhiệm về các thất bại của giáo dục ra tòa?

Nếu không có sự “buông lỏng quản lý” đối với Giáo dục, liệu giáo dục Việt Nam có xuống cấp đến mức khiến cả xã hội bất bình như ngày nay?

Điều đọng lại là gì?

Vị thế quốc gia không phụ thuộc vào nước ấy to hay nhỏ, người nhiều hay ít.

Các quốc gia Bắc Âu, Do Thái, Singapore, Hàn Quốc,… không phải là nước lớn nhưng có vị thế đáng nể bởi trước hết là văn hóa của họ sau đó mới là sức mạnh kinh tế.

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục (3) ảnh 4Giáo dục khai phóng là ước mơ của bất cứ dân tộc nào

Dân tộc Do Thái nhiều thế kỷ không có tổ quốc, nhưng vẫn giữ được nền văn hóa từ thời cổ đại và nhờ thế ngay khi tái lập quốc, họ trở thành một sức mạnh đủ sức đường đầu với mọi đe dọa.

Người Việt định cư ở nước ngoài giới thiệu với người bản địa văn hóa Việt, ẩm thực Việt chứ không phải bản đồ nước Việt.

80% sinh viên nói dối ra trường sẽ bổ sung vào đội ngũ công chức, viên chức, một số trong đó sẽ là nhà giáo.

Liệu họ có “chừa” thói nói dối khi được học sinh gọi là thày?

Truyền thống ham học đang bị mai một, tính cần cù, chịu khó biến mất dần khỏi thế hệ trẻ, tính cộng đồng, tương thân tương ái trở thành xa xỉ trong bộ phận khá đông người Việt là thực tế.

Vào thời cách mạng công nghiệp 4.0, cần cù, chịu khó mà không có tri thức mãi mãi chỉ là người làm thuê chứ không thể làm ông chủ. 

Muốn làm ông chủ phải sáng tạo, muốn chấn hưng đất nước phải có nền giáo dục khai phóng, muốn chấn hưng giáo dục hãy bắt đầu từ người thày.

Khi thói dối trá thịnh hành thì người trung thực trở nên lạc lõng, ý chí đấu tranh sẽ mai một, sự im lặng của những người tử tế sẽ là hồi chuông của sự cáo chung.

Không cải tạo giống nòi, cả tầm vóc lẫn tư duy thì rừng còn bị phá, biển còn bị ô nhiễm, đất còn bị xói mòn và cái họa suy vong sẽ sớm hiển hiện.

Trước khi phát kiến những điều vĩ đại, hãy làm cho bằng được những gì đã nói, đã viết. 

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục (3) ảnh 5Giáo dục, những bất thường và … bình thường!

Hãy biến những điều ghi trong Hiến pháp, trong các Nghị quyết thành hiện thực, thế có lẽ cũng là rất tốt rồi.

Cách đấu tranh hữu hiệu nhất với các “nhóm lợi ích”  là đất nước không tồn tại một nhóm lợi ích nào, tất cả người Việt, dù là công nhân, nông dân hay Bí thư, Chủ tịch đều phải chung một định hướng, nhà nước và thể chế chính trị phải là “Của dân, do dân và vì dân”.

Ngày xưa, lịch sử không được ghi chép đầy đủ, thế nên có điều lúc này đúng, lúc khác sai.

Ngày nay tất cả chủ trương, đường lối và phát ngôn của chính khách đều được lưu trữ, được đánh giá, phản biện vì thế khó có thể hy vọng chủ thuyết của Gơ ben - “Một điều dù phi lý, dối trá tới đâu nếu được nhắc đi nhắc lại ngàn lần cũng sẽ được nhận thức như là chân lý” - sẽ có tác dụng.

Như đã nhiều lần đề cập, nước Việt cần một nền giáo dục khai phóng, nền giáo dục ấy phải hướng đến mục tiêu đào tạo thế hệ công dân sáng tạo, biết làm chủ tình thế và làm chủ bản thân chứ không phải những người học vẹt, học để đối phó với các kỳ thi, học để làm quan,…

Muốn có nền giáo dục khai phóng, cần xây dựng độ ngũ “Nhà giáo khai phóng”. 

Đó là những người thày biết chắt lọc trong sách giáo khoa - vốn bị đánh giá là không ít sai sót - những gì là cần với học trò, biết tự nghiên cứu, học hỏi thêm từ truyền thông, trên mạng xã hội để nâng cao kiến thức bản thân chứ không chỉ nhăm nhe ôn tập cho các kỳ thi chuyển ngạch.

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục (3) ảnh 6Quốc sách và sự nhẫn nhịn của Giáo dục

Chuyện thày mặc “quần đùi” hoặc cô mặc mini juyp lên lớp không phù hợp với con mắt người Việt song cũng không nên quá khắt khe về chuyện ăn mặc.

Quan trọng là đọng lại sau mỗi bài giảng khối kiến thức học trò tiếp nhận được (nếu sự “ngắn hay dài” của trang phục không quá trớn hoặc mang lại sự phản cảm).

Cung cách vận hành khó hiểu của giáo dục cũng đã được áp dụng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa 12, chúng ta phấn đấu đến năm 2030 “Cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. Cụ thể là: 

Đối với cán bộ cấp chiến lược: Thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín; trên 15% dưới 45 tuổi; từ 40 - 50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”. 

Xu hướng hội nhập quốc tế, nền kinh tế mở đã thực hiện nhiều năm, thế mà phải 12 năm nữa, đến năm 2030 mới phấn đấu có 40-50% cán bộ cấp chiến lược “đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”, có phải vì thế mà hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, hàng loạt dự án có nguy cơ “đắp chiếu” hoặc đội vốn?

Không đào tạo được một đội ngũ cán bộ đủ tâm và tầm, chúng ta đang phải trả giá, báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội về “Hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016” cho biết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lỗ hơn 12.000 tỉ. [13]

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục (3) ảnh 7Giáo dục - Vấn đề không nằm ở Hà Giang

Cả nước có 12 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”, chỉ một đơn vị là Tập đoàn Than - Khoáng sản đã có sai phạm gần 15.000 tỉ đồng. [14]

Có ý kiến cho rằng lỗi làm ăn thua lỗ là do chủ trương, cơ chế, do học tập không đến nơi đến chốn mô hình Chaebol của Hàn Quốc,… 

Chủ trương, chính sách là do con người định ra, học tập kinh nghiệm nước ngoài cũng do con người tiến hành.

Nếu phải tìm lỗi thì chính là bởi nền giáo dục nước nhà đã đào tạo ra không ít cán bộ nhận trọng trách nhưng thiếu cả trình độ lẫn tâm đức, bởi cơ chế tuyển chọn cán bộ không phải theo năng lực mà theo “quy trình”.

Nghị quyết 29-NQ/TW nêu mục tiêu tổng quát của đổi mới giáo dục đào tạo là:

Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”. 

Chấn hưng giáo dục ngoài mục tiêu như Nghị quyết 29-NQ/TW đã nêu, cần tầm nhìn xa hơn, có thể là cả thế kỷ 21 để làm biến đổi toàn diện và triệt để “con người Việt Nam” về tư duy và thể chất.

Đó phải là những con người “có một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể cường tráng”, đoạn tuyệt vĩnh viễn tâm lý tiểu nông, dám đấu tranh và dám chịu trách nhiệm.

Làm ra sản phẩm quan trọng hơn sáng tác khẩu hiệu.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://infonet.vn/vu-sua-diem-o-ha-giang-nha-giao-tran-van-do-gui-thu-ngo-toi-bo-truong-bo-gddt-post268744.info

[2] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/24197102-boi-duong-the-he-cach-mang-cho-doi-sau-la-mot-viec-rat-quan-trong-va-rat-can-thiet.html

[3] http://dantri.com.vn/su-kien/giao-su-tran-ngoc-them-benh-ua-thanh-tich-va-benh-gia-doi-trong-giao-duc-rat-nang-20161213071952913.htm

[4] https://laodong.vn/giao-duc/gs-pham-minh-hac--nguyen-bo-truong-bo-gddt-da-tung-phat-hien-10000-bang-gia-trong-1-nam-566972.ldo

[5]http://baochinhphu.vn/Xa-hoi/Ban-viec-sap-nhap-cac-huyen-xa-chua-dat-50-tieu-chuan/341087.vgp

[6]https://www.moet.gov.vn/content/tintuc/Lists/News/Attachments/5138/To%20gap%20Giao%20duc%20-VN-2017%20(noi%20dung).pdf

[7] http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/30437702-nhung-de-an-du-an-hang-nghin-ty-dong-doi-moi-giao-duc-va-dao-tao-truoc-nguy-co-that-bai.html

[8] http://www.doisongphapluat.com/giao-duc/diem-mat-nhung-cai-cach-that-bai-cua-bo-giao-duc-dao-tao-a192445.html

[9] https://www.tienphong.vn/giao-duc/vi-sao-vnen-that-bai-tieng-noi-cua-co-giao-dung-lop-1169677.tpo

[10] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/phan-tich-nhung-that-bai-quan-trong-hon-chung-minh-vnen-tot-the-nao-397737.html

[11] http://congly.vn/tam-diem-du-luan/vnen-that-thu-223184.html

[12] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Vi-sao-VNEN-that-bai-tieng-noi-cua-co-giao-dung-lop-post178298.gd

[13] http://plo.vn/thoi-su/cac-tap-doan-tong-cong-ty-nha-nuoc-lo-hon-12000-ti-735376.html

[14] https://nld.com.vn/thoi-su/tap-doan-than-khoang-san-sai-pham-gan-15000-ti-dong-20180101211830199.htm

Xuân Dương