Hơn 1.000 học sinh nghỉ học, Mê Linh chờ Sở Giáo dục hướng dẫn dạy bù

27/11/2019 06:29
Đỗ Thơm
(GDVN) - "Chúng tôi đang liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội để có hướng dẫn về khung thời gian, học bù thế nào".

Tại cuộc giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 26/11, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh cho biết, từ ngày 14/11 đến nay, trên địa bàn 2 xã là Thanh Lâm và Tam Đồng có việc các phụ huynh học sinh không cho con em đến trường học.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh thông tin tại cuộc họp. Ảnh: Đỗ Thơm
Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh thông tin tại cuộc họp. Ảnh: Đỗ Thơm

Ông Tuấn cho hay, nguyên nhân là do các bậc phụ huynh không cho học sinh đến trường để phản đối, gây sức ép vì không đồng tình triển khai dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước trên địa bàn huyện Mê Linh.

Trước tình hình này, trong những ngày qua, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã chủ động có các giải pháp tập trung chỉ đạo, nhất là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thành ủy – Trưởng Ban chỉ đạo chỉ thị 15 của Thành ủy Hà Nội về trực tiếp làm việc, giải quyết tình hình.

Thực hiện theo chỉ đạo đó, thời gian qua, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo một số công việc cấp bách nhằm tuyên truyền, giải thích, có ý kiến để các bậc phụ huynh nhanh chóng đưa con em trở lại trường học tập.

“Trực tiếp các lãnh đạo thường trực Huyện ủy, Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Ban thường vụ Huyện ủy xuống các xã Tam Đồng và Thanh Lâm, làm việc với các chi bộ, thường trực Đảng ủy, Ban chấp hành đảng bộ các xã; làm việc với các bí thư, trưởng thôn và các đảng viên trong chi bộ đó để trao đổi, lắng nghe các ý kiến và tuyên truyền, giải thích để nhân dân đưa con em trở lại lớp”, ông Tuấn nói.

Cùng với đó, Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện cũng đã chỉ đạo đảng ủy, Ủy ban Nhân dân các xã phối hợp chặt chẽ với phòng giáo dục đào tạo, ban giám hiệu các trường, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp vào nhà các phụ huynh để lắng nghe, tuyên truyền, thuyết phục để họ nhanh chóng đưa con em đến trường.

Ông Tuấn cũng cho hay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn 2 xã này thời gian qua cũng rất nóng, rất phức tạp.

Trước tình hình đó, trong thông báo kết luận của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội tại buổi làm việc vừa qua đã kết luận thống nhất theo kiến nghị của huyện và sở, ban, ngành liên quan thống nhất tạm dừng tổ chức cắm mốc giới và bàn giao mốc giới cho chủ đầu tư đối với dự án này.

Đi cùng với việc tạm dừng này, các sở, ban, ngành của Thành phố sẽ giao cho huyện tiếp tục tổng hợp, phân loại, báo cáo với các cấp có thẩm quyền để xem xét các kiến nghị của nhân dân đối về dự án này.

Cùng với đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đã chỉ đạo huyện và các ngành của Thành phố rà soát lại toàn bộ quy trình, hồ sơ thủ tục từ quy hoạch đến giải phóng mặt bằng đến trình tự thủ tục của việc triển khai thực hiện dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước. Trên cơ sở đó, sẽ báo cáo để Thành phố xem xét quyết định chính thức về dự án này.

Về tình hình nghỉ học của các học sinh, Phó Chủ tịch huyện Mê Linh, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong 2 ngày 25 và 26/11, số học sinh nghỉ học nhiều nhất.

Ngày 26/11 có 2.103 học sinh nghỉ học, ngày 25/11 có hơn 2.000 học sinh nghỉ.

“Nếu tình trạng phụ huynh tiếp tục cho con em nghỉ ở nhà sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm, trạng thái tinh thần và chất lượng học tập, khung thời gian học của học sinh. Sắp thi học kỳ, đánh giá phân loại kết quả học tập của học sinh rất quan trọng", ông Tuấn nêu.

Tại cuộc họp báo, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nêu 2 câu hỏi.

Thứ nhất, dự án mới chỉ tạm dừng vậy nếu sau đó, dự án tiếp tục, người dân lại cho con em họ nghỉ học thì Huyện có phương án gì?

Thứ hai là, thực tế có học sinh nghỉ học đến 12 ngày, vậy, Huyện có kế hoạch gì bù đắp kiến thức thiếu hụt cho các em nghỉ học để đảm bảo chất lượng?

Hơn 1000 học sinh Mê Linh bị gia đình buộc tạm nghỉ học không phải vì ốm
Hơn 1000 học sinh Mê Linh bị gia đình buộc tạm nghỉ học không phải vì ốm

Trả lời câu hỏi trên, ông Tuấn cho hay: “Hiện Thành phố đang chỉ đạo.

Phó Bí thư Thành ủy đã có kết luận tạm dừng để lắng nghe toàn bộ kiến nghị của người dân liên quan dự án.

Từ đó, tổng hợp toàn bộ cơ sở pháp lý, quy trình, trình tự, quy hoạch để báo cáo Thành phố xem xét và có chỉ đạo chính thức. Dự án triển khai tiếp hay không, Thành phố sẽ có chỉ đạo trong thời gian tới.

Về phương án bù đắp lịch học, Thành phố cũng đã có chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo để có hướng dẫn phương án giải quyết cho các cháu nghỉ nhiều ra sao.

Chúng tôi đang liên hệ với Sở Giáo dục để có hướng dẫn. Đây là nhiệm vụ chuyên môn, khung thời gian, lịch học, bù đắp thế nào phải có ý kiến của Sở. Chúng tôi chưa thể trả lời được việc này”.

Nói thêm về nguyên nhân, bức xúc của người dân liên quan đến dự án, ông Tuấn thông tin, dự án được triển khai từ 2012, nhân dân đã có nhiều ý kiến, các ý kiến xoay quanh quy trình, quy hoạch, quy chuẩn về môi trường liên quan đến dự án.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định, trong có sự điều chỉnh đối với dự án này.

Trước năm 2012, dự án có hạng mục hỏa táng nhưng đến năm 2014, theo Quyết định số 496/QĐ-TTg của Thủ tướng về Quy hoạch phát triển nghĩa trang trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, dự án không còn hạng mục hỏa táng nữa, đồng thời dự án theo quy hoạch đến năm 2030 mở rộng lên 23ha.

Nhân dân có nhiều kiến nghị, trong đó chưa đồng thuận về các việc trên, Thành phố đã chỉ đạo với các sở, ban ngành; huyện cũng đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với nhân dân.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhân dân vẫn chưa đồng tình về việc này và vẫn mong muốn không có nghĩa trang tại khu vực này.

Đỗ Thơm